Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Phục sinh, năm B, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Phục sinh, năm B, của Trầm Thiên Thu

MẦU NHIỆM THƯƠNG XÓT

ĐỨC CHÚA XÓT THƯƠNG LIÊN VẠN ĐẠI

TIN MỪNG TRUYỀN BÁ MÃI THIÊN THU

MẦU NHIỆM THƯƠNG XÓT [1]Chính Chúa Giêsu đã mặc khải ước muốn của Ngài cho Thánh nữ Faustina, vị Tông đồ tiên khởi của LCTX: “Ta muốn một tấm hình được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật sau Đại lễ Phục Sinh, và Ta muốn tấm hình đó được tôn kính công khai để mỗi linh hồn đều biết đến tấm hình đó” (Nhật Ký, số 341).

Và Ngài hứa: “Ta muốn ban ơn tha thứ hoàn toàn cho các linh hồn nào xưng tội và rước lễ trong ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Ta” (Nhật Ký, số 1109). Ơn “tha thứ hoàn toàn” đó là Ơn Toàn Xá mà Người Trộm Lành Dismas đã được lãnh nhận ngay trước khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng, lúc 3 giờ chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Cũng từ Giờ Cứu Độ đó, Nguồn Mạch Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã tuôn trào chan hòa mãi đến muôn đời cho mọi người, chỉ với một điều kiện đơn giản là thật lòng SÁM HỐI và TIN TƯỞNG vào Lòng Thương Xót của Ngài.

Thiên Chúa công minh khi xét xử và ra hình phạt thích đáng khi con người phạm tội, nhưng ngay lúc đó Ngài cũng chứng tỏ lòng thương xót: Khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa ra hình phạt là phải đau khổ và phải chết, nhưng Ngài hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu con người để giải lời nguyền đó; Cain đã nhẫn tâm sát hại đứa em Abel, Thiên Chúa phạt Cain phải sống lưu lạc và bị người ta ruồng bỏ, nhưng Ngài vẫn thương xót bằng cách ghi dấu trên người Cain để người ta nhìn thấy mà không được phép giết: “Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy lần” (St 4:15).

Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh, đặc biệt trong Phúc Âm có các dụ ngôn “điển hình” về Lòng Chúa Thương Xót: Người Samari Tốt Lành (Lc 10:30-37), Con Chiên Bị Mất (Lc 15:4-7), Đồng Bạc Bị Mất (Lc 15:8-10), và nhất là Người Cha Nhân Hậu (Lc 15:11-32).

Nói về tình hiệp nhất, sách Công vụ Tông đồ cho biết: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có MỘT LÒNG MỘT Ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4:32). Đó là một thế giới đại đồng, thật lý tưởng biết bao!

Chúa Giêsu đã phục sinh – Alleluia!Thánh Vịnh gia xá nhận: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118:24). Chính các Tông Đồ không còn sợ hãi nên đã can đảm “làm chứng CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI”, đó là “nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban” và “Ngài ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng” (Cv 4:33). Có điều đặc biệt là“trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4:34-35). Tình hiệp nhất được thể hiện rất cụ thể – một cách sống Lòng Thương Xót.

Điều đó chứng tỏ mọi người tràn đầy Ơn Chúa và thực sự có Chúa ngự trong tâm hồn.Khi có Chúa trong mình, người ta biết khước từ Cái-TÔI-Đáng-Ghét, biết sống đại lượng hơn, biết CHO hơn là NHẬN, biết sống VỚI và sống VÌ người khác, thể hiện cách sống Mầu Nhiệm Đức Kitô Phục Sinh.

Điệp ca “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” được lặp đi lặp lại trong Tv 118 và trong Tv 136. Thánh Vịnh gia cho biết: “Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi” (Tv 118:13-14),bởi vì “tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực” (Tv 118:15). Thiên Chúa luôn làm những việc lạ lùng, hoàn toàn “ngược đời”, ngoài sức tưởng tượng của con người:“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118:22). Vì “đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta”và là “ngày Chúa đã làm ra”, nên chúng ta “hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118:23-24). Niềm vui mừng quá lớn, không thể không nói ra.

Vừa xác định vừa định nghĩa, Thánh sử Gioan nói: “Ai tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra” (1 Ga 5:1). Tôi được Thiên Chúa tái sinh, bạn cũng được Thiên Chúa tái sinh, vậy tôi phải yêu thương bạn, nếu không thì tôi chỉ là người ích kỷ và nói dối. Yêu thương cũng là thương xót. Thánh Gioan phân tích:“Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Ngài. Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian” (1 Ga 5:2-4). Thánh Gioan nói “có nặng nề gì đâu”, thế nhưng lại không hề đơn giản, nếu không cầu nguyện và cố gắng thì không dễ thực hiện “luật nhẹ nhàng” ấy của Chúa.

Chính nhờ lòng tinmà chúng ta thắng được thế gian, nếu không tin thì không thể làm gì, điều này chứng tỏ lòng tin vô cùng quan trọng, vì thế mà Chúa Giêsu đã luôn nhắc nhở về lòng tin. Thánh Gioan đặt vấn đề: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa?”(1 Ga 5:5).Câu hỏi đó cũng chính là câu trả lời. Thánh Gioan giải thích luôn: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ Nước và Máu; không phải chỉ trong Nước mà thôi, nhưng trong Nước và trong Máu. Chính Thần Khí Chúa là chứng nhân, và Thần Khí Chúa là sự thật” (1 Ga 5:6). Máu và nước rất mềm nhưng lại không gì mạnh bằng, thiếu máu và nước thì người ta không thể sống nổi!

MẦU NHIỆM THƯƠNG XÓT [2]Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”(Ga 20:19). Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Ngài cho các ông xem để trấn an và củng cố đức tin cho họ. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Ngài lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21).Rồi Ngài thổi hơi vào họ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23). Ngài “sai đi” là Ngài trao trọng trách, nhưng Ngài cũng ban Chúa Thánh Thần để hỗ trợ chúng ta hằng ngày.

Chính Chúa Giêsu đã dùng Máu và Nước để rửa sạch tội lỗi và tái sinh chúng ta, đồng thờiNgài cũng ban Thần Khí để giúp chúng ta can đảm làm chứng về LCTX vô biên, bởi vì Ngài biết chúng ta còn yếu đuối lắm – cả thể lý lẫn tinh thần!

Chiều hôm đó, một người trong Nhóm Mười Hai là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”. Nhưng ông Tôma nói ngay: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20:25). Động thái của ông Tôma cũng chính là động thái của chúng ta, vì đôi khi ngay lúc chúng ta nói tin nhưng hành động của chúng ta lại không chứng tỏ niềm tin đó, thậm chí có khi còn hành động trái ngược!

Một tuần sau, các môn đệ lại có mặt trong nhà, lần này có cả ông Tôma. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Ngài bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20:27). Ui da! Sao Ngài biết vậy nhỉ? Ông Tôma hết hồn và choáng váng, liền thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28).Ông không nói tin hay không, nhưng câu “lạy Chúa” của ông đã nói lên tất cả. Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Nếu chúng ta thật lòng tin Chúa-Giêsu-Tử-Nạn-và-Phục-Sinh thì chúng ta có phúc hơn Tông Đồ Tôma rồi đấy!

Và Thánh sử Gioan kết luận: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em TIN mà ĐƯỢC sự sống nhờ danh Ngài” (Ga 20:30-31).

Quả thật, LCTX mầu nhiệm biết bao! Tuy nhiên, được tận hưởng LCTX thì chúng ta phải thực thi lòng thương xót với tha nhân – không trừ ai. Thánh Phaolô nói: “PHẢI đối xử tốt với nhau, PHẢI có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4:32). Trong tâm tình đó, Tông ĐồGiuđa cũng vui mừng gởi lời chúc tốt lành tới tất cả chúng ta: “Chúc anh em được đầy tràn lòng thương xót, sự bình an và tình thương” (Gđ 1:2), và “hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời” (Gđ 1:21).

Lạy Thiên Chúa hằng hữu và giàu lòng thương xót, xin chạnh lòngthương chúng con. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Đức Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Xin Thánh Faustina và Thánh Gioan Phaolô II cầu thay nguyện giúp chúng con luôn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấngcứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

KHUÔN MẶT THƯƠNG XÓT: https://www.youtube.com/watch?v=v8Vw4VfEgtY

XIN BIẾT XÓT THƯƠNG: https://www.youtube.com/watch?v=EdzMLxMMSmI

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …