Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Phục Sinh, năm B, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Phục Sinh, năm B, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

           

Thường thường đoạn Phúc âm mà chúng ta vừa mới nghe gợi lên trong tâm hồn chúng ta một kiểu trách cứ nào đó đối với Thánh Tôma Tông đồ vì hình như mô tả ngài như là người kém lòng tin. Thực ra bài Phúc âm không chỉ có vậy.
Người ta có thể chia đoạn Phúc âm thành 3 phần rõ rệt : Phần thứ nhất ghi lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần. Phần thứ hai là lần Chúa Giêsu hiện ra một cách đặc biệt cho Thánh Tôma và phần cuối cùng là phần kết của thánh Jn.
Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, tức là vào chiều ngày Người sống lại. Có thể nói việc hiện ra nầy là mẫu mực của các lần hiện ra và cho thấy hai lý do :
+ Lý do trước tiên là khơi dậy niềm tin vào Đức Kitô phục sinh nơi các Tông đồ. Chúa Giêsu đã chết chôn trong mồ, điều đó ai cũng thấy, cũng biết. Chính Đấng chịu mai táng trong mồ đó giờ đây đứng trước mặt các ông. Một người đã chết thì không còn có thể hiện diện bằng xương bằng thịt như vậy, trừ ra sự hiện diện ở nơi tâm trí những người còn sống.
Chúa Giêsu chứng tỏ cho các ông thấy rằng Người không phải là ma, tức là chỉ phần thiêng liêng không có vật chất. Chúa Giêsu chứng tỏ rằng Người có một thân xác thực sự với những lỗ đinh và những vết thương, những vết tích của thân xác chịu khổ hình. Nói khác đi thân xác phục sinh cũng chính là thân xác bị đâm thâu. Thế nhưng dù sao thì thân xác ấy cũng có sự biến đổi : Chúa Giêsu có thể xâm nhập vào căn nhà đóng kín nghĩa là thân xác vinh quang của Người không bị một số những qui luật của vật chất. Từ nay không còn bức tường nào có thể ngăn cản Người đến với nhân loại.
Thân xác con người không phải chỉ là một mớ đồng, chì, kẽm nhưng là thân xác sống động. Để đủ các chất đồng chì kẻm lại với nhau người ta cũng không thể có một con người. Trong con người có một thứ gì đó đặc biệt có thể làm cho vật chất vô tri vô giác trở nên một con người sống động. Cũng thế Đức Kitô, hay đúng hơn thân xác của Đức Giêsu chịu đóng đinh, được làm cho sống động nhờ Chúa Thánh Thần. Những vết đinh, những vết thương trên thân xác Chúa Giêsu không dừng lại ở chỗ vết thương mà thôi nhưng còn biểu trưng cho sự vinh quang của Người.
Nhờ tiếp xúc nhiều lần nhiều cách với Chúa Giêsu Phục sinh mà các Tông đồ có thời gian để kiểm tra những tin tức về việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra cho người nầy người kia không phải là những sản phẩm của tưởng tượng vì những lần Chúa Giêsu hiện ra với các ông, nói chuyện với các ông giúp gia tăng niềm tin cho các ông. 
Niềm tin gia tăng thì sợ hãi lùi bước. Khởi đầu bài Phúc âm chúng ta thấy sự sợ hãi bao trùm. Các môn đệ Đức Giêsu vừa mới trải qua ba ngày hết sức đen tối. Giuđa, một người trong nhóm đã phản bội nộp Thầy. Phêrô là trưởng nhóm, đã chối Thầy mình ba lần. Nhóm mười một người còn lại như bị co cụm lại trong một căn phòng đóng kín vì sợ người Do Thái. Đấng Phục Sinh xuất hiện cho các môn đệ được tin vào Người. Và từ đó họ đã chuyển sang mừng vui khi họ được thấy Thầy Giêsu chí ái của mình (c. 20).
+ Lý do thứ hai khi hiện ra cho các Tông đồ đó là chuẩn bị cho các Tông đồ kế tục sự nghệp của chính Người. Nói cách khác, Chúa Giêsu sai các ông ra đi rao giảng tin mừng bởi vì Người sắp rời bỏ các ông : ” Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con “. 
Để làm điều đó Người thổi hơi và nói : ” Hãy nhận lấy Thánh Thần. ” Với hành động và câu nói nầy, Chúa Giêsu cho thấy Thánh Thần đã được ban cho các Tông đồ ngay trong ngày Chúa Giêsu Phục sinh. Đìều đó cũng cho thấy có sự liên kết chặc chẽ giữa việc Chúa Giêsu Phục sinh và việc gởi Chúa Thánh Thần xuống. Phục sinh như nụ hoa còn việc Chúa Thánh Thần hiện xuống như bông hoa nở, bông hoa khoe đủ sắc màu.
Tiếp theo là các Tông đồ nhận nhiệm vụ tha tội. Tha tội ở đây không chỉ là Bí tích Giải tội nhưng bao gồm tất cả quyền năng giải phóng khỏi sự dữ như Đức Kitô. Tha tội thuộc về đức tin như chúng ta đã đọc trong kinh Tin kính : ” Tôi tuyên xưng có một phép Rửa để tha tội. ” Các Tông đồ nhận mệnh lệnh nầy trong niềm tin. Nhờ đó các ông mới có thể ra đi, vượt thắng tất cả mọi nỗi sợ hãi, để làm chứng cho Chúa cho đến giọt máu cuối cùng.
Việc Chúa Giêsu ban Thánh thần làm xuất hiện Giáo Hội. Ở đây chúng ta có đủ các yếu tố cấu thành Giáo Hội. Yếu tố thứ nhất là các Tông đồ tụ họp nhau ngày đầu tuần tức là ngày Chúa Nhật. Các Tông đồ hình thành một cộng đoàn những người tin vào danh Đức Kitô và đặc biệt hơn nữa là Đức Kitô ở giữa họ. Yếu tố thứ hai là được sai đi thi hành sứ vụ giải phóng con người thoát khỏi ách nô lệ sự dữ. Yếu tố cuối cùng là ở nơi các Tông đồ, người ta thấy hình thành một thứ phẩm trật nào đó, tuy không chặc chẽ như ngày nay.
Bài đọc thứ nhất cho thấy trong Giáo Hội ấy mọi tín hữu cần phải sống yêu thương nhau, sống thành thật và tương trợ nhau để “không ai bị túng thiếu”. Như thế, những người theo Đức Kitô hình thành một nhóm. Đây là nhóm mà các thành viên chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa bằng những hành động cụ thể, bằng việc tuân giữ các giới răn. Với tình yêu thì việc tuân giữ các giới răn không còn nặng nề nữa. (bài đọc 2) 
Việc tuân giữ các giới răn chứng tỏ niềm tin vào Thiên Chúa cứu độ, tin vào Lời Chúa. Thánh Toma cho thấy hành trình đức tin không phải là một sớm một chiều. Toma đã khởi đi từ tình trạng không tin nếu mắt không thấy và tay không sờ được vào Thầy đến tình trạng tuyên xưng tin: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con!”
Chúa Giêsu luôn luôn mời gọi chúng ta đến với Người. Xin cho chúng ta biết luôn đặt niềm hy vọng nơi Chúa để luôn được bình an trong Đức Kitô phục sinh.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN