Home / Suy Niệm Lời Chúa / Các bài suy Niệm Tin mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm C, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Các bài suy Niệm Tin mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm C, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Bài I

Sám hối để Chúa dễ viếng thăm

Suy niệm Chúa nhật II Mùa vọng – C

(Lc 3, 1 – 6)

Lc 3, 1 - 6mĐoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay liệt kê những dữ kiện lịch sử tiêu biểu với con người tên tuổi cụ thể khi viết : “Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa…” (Lc 3,1-2). Tại sao vậy ? Thưa là để phá vỡ một huyền thoại, và chứng minh cho mọi người biết, Con Thiên Chúa đã bước vào lịch sử loài người một cách “cụ thể” giống như lịch sử của bao người. Sự xuất hiện của Gioan Tiền Hô và Đấng Cứu Thế không phải là một câu chuyện hoang tưởng, mà là một biến cố lịch sử xảy ra trong không gian và thời gian.

Thiên Chúa đã bước vào lịch sử nhân loại. Ngài không còn đứng bên trên hoặc bên ngoài để nhìn vào con người, nhưng đã nhập cuộc với con người, đem tình yêu cho loài người dương thế theo cách thức loài người.

Bài đọc I, ngôn sứ Baruc mô tả những việc Thiên Chúa yêu thương thực hiện cho dân Người. Qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa nói với dân Israel : “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự hy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mạc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu tên đầu ngươi…” (Br 5,1-4).

Lời tiên báo của Baruc gợi lên hình ảnh của một vị Thiên Chúa hết mực thương dân. Cho dù Israel có phản bội, từ chối Thiên Chúa, miễn sao sám hối ăn năn tội lỗi mình, Thiên Chúa không từ chối họ, vẫn cho họ cơ hội và tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, Thiên Chúa chờ đợi nơi dân một thái độ thích hợp trước tình yêu của Chúa là lòng sám hối chân thành. Để Thiên Chúa viếng thăm và đem dân trở về, họ phải chẩn bị một con đường cho ngay thẳng : “Triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa” (Br 5,7).

Câu hỏi được đặt ra : Tại sao chúng ta phải sám hối? Sám hối là gì ?

Một trong những việc Gioan làm do Thiên Chúa ủy thác là : “Rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội” (Lc 3,3). Sám hối trước tiên là nhận ra mình đã phạm sai trái, lầm lỗi hay có tội, đồng thời hối tiếc vì thấy những hậu quả tai hại của chúng, sau đó quyết tâm sửa đổi, không tái phạm nữa. Sám hối là sửa sai cái quan niệm không đúng của mình. Quan niệm sai sẽ làm tư tưởng và hành động lạc hướng. Nhưng để nhận ra cái quan niệm hiện có của mình là sai không phải là chuyện dễ, bởi ai cũng cho rằng mình đúng. Sám hối là ý thức các vết nhơ tội lỗi trong tâm hồn mình và cầu xin ơn tha thứ của Chúa.

Tiếng kêu trong hoang địa của Gioan Tẩy Giả ngày xưa, hôm nay vẫn còn vang vọng nơi hoang địa cõi lòng của mỗi người chúng ta. Khi một ai đó có trái tim chai đá, tâm hồn khép kín, người ấy phải tự hỏi mình rằng, tôi có bước đi trên đường ngay nẻo chính và sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng hay không ?

Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” (Lc 3, 4-5). Lời tiên tri Isaia cũng như Gioan Tẩy Giả cảnh tỉnh chúng ta. “Đường” và “lối” ở đây là đường lối tâm linh, nghĩa là tâm hồn chúng ta phải thật thẳng, không quanh co, bởi Chúa là Thiên Chúa công minh, ưa thích điều chính trực, ghét sự giả dối. Tuy ghét sự xấu, sự ác, nhưng Thiên Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho người lầm lỗi khi họ sám hối ăn năn.

Sám hối không chỉ là than khóc về quá khứ, nhưng phải là một quyết tâm thay đổi từ trong suy nghĩ đến hành động, thay đổi nếp sống cũ không phù hợp với Thiên Chúa để tạo lập một nếp sống mới tốt hơn. Sám hối đòi mỗi người phải có những hành động quyết liệt, là việc cần phải làm ngay lúc này, không thể chần chừ, để bất cứ lúc nào Thiên Chúa cũng có thể đến với con người.

Vậy, để mừng Chúa giáng sinh, hay đón nhận Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đến, chúng ta cần phải khai thông những chỗ ùn tắc trong tâm hồn. Chúng ta hãy xin với Mẹ Maria trợ giúp chúng ta phá vỡ những hàng rào ngăn cách và chướng ngại cản trở chúng ta ăn năn sám hối, cản trở chúng ta bước đi trên con đường gặp gỡ Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa, chỉ có Ðức Giêsu mới có thể lấp đầy những hy vọng của con người chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bài II

KHẨN TRƯƠNG DỌN ĐƯỜNG ĐỂ CHÚA ĐẾN

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – C

(Lc 3, 1-6)

2015-12-06-12.58.05Bước vào Chúa Nhật II Mùa Vọng, với hai viễn tượng mà chúng ta đang sống là tưởng niệm biến cố nhập thể làm người của Đức Giêsu, hiện thân của Lòng Thương Xót, sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót và chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và kẻ chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Phụng vụ Lời Chúa đề nghị chúng ta suy gẫm về Gioan Tẩy Giả, Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế và nghe lời ông khẩn trương “dọn đường Chúa” (Lc 3,4).

Gioan Tẩy Giả

Gioan là người được Isaia nhắc đến trong lời sấm: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” (Lc 3, 4-5). Ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ, Gioan đã được gọi làm Tiền Hô cho Đấng Mêsia. Việc loan báo việc ông sinh ra đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên: Dacaria cha Gioan đã bị câm vì đã không tin lời của sứ thần Thiên Chúa. “Láng giếng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđa” (Lc 1, 65).

Gioan Tẩy Giả thực thi sứ mạng Tiền Hô của mình một cách thầm lặng. Trước hết, ông lui vào trong hoang địa, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông để chuyên tâm cầu nguyện, hãm mình và sám hối. Chúng ta biết, hoang địa tượng trưng cho sự từ bỏ hoàn toàn, là nơi con người không thấy gì khác ngoài sự yếu hèn, nhỏ bé, giới hạn, bất lực của mình trước sự cao cả của Đấng Tạo Hóa. Chính trong hoang địa mà Gioan Tẩy Giả nâng hồn lên tới Chúa và sống hiệp thông mật thiết với Ngài để kín múc lấy sức mạnh cho sứ mạng tương lai. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, Gioan Tẩy Giả mới công bố Phép Rửa sám hối để được tha tội. Ông là người mà Chúa Giêsu đã nói: “Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ, còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào” (Lc 16,16).

Sống trong cảnh nghèo, Gioan Tẩy Giả muốn nói : “Chứng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn là các thầy dạy” (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, 42). Bằng đời sống khắc khổ, Gioan giúp chúng ta hiểu rằng, chứng tá của đời sống Kitô đích thực là phó thác đời mình cho Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi người ta “hãy dọn đường Chúa” (Lc 3,4).

Dọn đường Chúa

Khi chiêm ngắm sứ vụ Tiền Hô của Gioan Tẩy Giả, sứ vụ mà ông phải hy sinh đến cả mạng sống. Nhận mình chỉ là một “tiếng kêu” (Lc 3,4) trong hoang địa để dọn đường cho Đấng Mêsia đến, Đấng mà ông “không xứng để cởi dép cho Người” (Lc 3,16). Toàn bộ cuộc sống và sứ mạng như ông nói là cho Đấng Mêsia : “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Chúa Giêsu càng xuất hiện thì Gioan ngày càng tự nguyện biến đi. Dựa vào chỉ dẫn của ông, những môn đệ tốt nhất của Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Đó chính là sứ vụ, là cách sống và là con người của Gioan Tẩy Giả. Đó cũng là sứ vụ, cách sống và con người của chúng ta : “Tất cả cho Chúa!

Bổn phận của chúng ta hôm nay là chỉ cho người khác biết Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa tình yêu và giúp người khác tin theo Chúa. Đây là cốt yếu của việc tông đồ mà chúng ta phải thực hành trong cuộc sống: giới thiệu Chúa Giêsu cho bạn bè, cho người hàng xóm. Điều quan trọng là Chúa Giêsu được mọi người biết đến.

Làm chứng cho Chúa

Thực vậy, Trước Tin Mừng của một Vị Thiên Chúa vì yêu thương chúng ta đã tự hạ chính mình và mặc lấy thân phận con người, chúng ta không thể nào không mở rộng tâm hồn, ăn năn hối cải, càng không thể nào đóng kín mình trong sự kiêu ngạo và giả hình, làm cho chúng ta không thể nào tìm gặp Hoàng Tử Bình An. Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi trở nên người loan báo Chúa Kitô bằng lời nói và đời sống chúng ta, làm chứng cho một Chúa Kitô tốt lành, khiêm nhường, nghèo khó và nhân từ; một Chúa Kitô đã đến trần gian vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên cậy thập giá; một Chúa Kitô nhập thể làm người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; một Chúa Kitô đến để hầu hạ chứ không phải để được hầu hạ, một Chúa Kitô yêu thương nhân loại cho đến chết.

Chúng ta còn được mời gọi san phẳng đường lối cho Chúa, nghĩa là dẹp tan lòng kiêu ngạo, chia rẽ, hận thù, bất hòa, giận dữ trong chúng ta; xóa bỏ ranh giới còn tồn tại trong não trạng của nhiều người; tinh luyện tâm hồn; chiến đấu cho công lý, hòa bình, bác ái, tình huynh đệ và liên đới; khước từ Satan, tội lỗi và tất cả những gì đưa chúng ta đến tội lỗi; là sống thánh thiện nơi thân xác và tâm hồn (1 Cr 7,34).

Đang khi chờ đợi Chúa Giêsu trở lại trần gian lần thứ hai. Chúng ta hãy xin với Đức Maria, Mẹ của Ðấng Cứu Thế giúp chúng ta đón nhận Con Mẹ bằng lòng sám hối hối ăn năn, để khi Chúa đến, chúng ta không ngỡ ngàng mà đang ở trong tư thế sẵn sàng nghênh đón Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …