Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM A, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM A, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12)

“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa;

Sửa lối cho thẳng để Người đi”.

          john-baptistTin Mừng Matthêu 3,1-12:

1 Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng:2 “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”3 Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.

4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.5 Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông.6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.” Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”

          Suy Niệm:

          Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng giới thiệu một khuôn mặt nổi bật của Mùa Vọng là Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế. Ngài kêu gọi mọi người hãy dọn đường cho Đấng Messia, dọn lòng để đón Đấng Cứu Thế:

          “Anh em hãy sám hối, vì nước Trời đã gần đến”. (Mt 3,2)

          “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.(Mc 1,15)

          Đó là trọng tâm lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và cũng là trọng tâm lời rao giảng của Đức Giêsu. Sám hối là bước đầu được hội nhập vào Nước Chúa. Không ai được tự coi mình là người công chính mà không cần sám hối, bởi vì tất cả chúng ta đều là tội nhân.

          Dọn đường cho Chúa Cứu Thế bằng 2 cách: sám hối từ bỏ tội lỗi và làm việc lành cho xứng với lòng sám hối để được ơn tha thứ, được ơn cứu độ.

          Vậy sám hối là gì? Tại sao việc sám hối quan trọng và cần thiết cho sự cứu độ của con người?

          Theo nguyên ngữ Hy Lạp, sám hối là Metanoia có nghĩa là nghĩ lại, thay đổi ý  kiến, hối tiếc, ăn năn, hối cải, đổi mới.

          Theo Cựu ước, sám hối là từ bỏ tà thần mà trở về với Thiên Chúa.

          Theo Tân ước, sám hối là thay đổi toàn diện biểu lộ trong cách sống, về mặt tiêu cực là bỏ đàng xấu xa tội lỗi, về mặt tích cực hướng con người về với Thiên Chúa.

          Đối với người Do Thái, sám hối là trọng tâm của mọi niềm tin tôn giáo, của mọi sự liên hệ với Thiên Chúa. Sám hối là điều kiện duy nhất để được Thiên Chúa tha thứ, phục hồi ân huệ của Ngài: “Thiên Chúa hoàn toàn tha thứ tội lỗi cho người biết ăn năn sám hối”.

          Các Thầy Rabbi Do Thái dạy rằng sự ăn năn sám hối là vĩ đại vì nó đạt đến ngai vinh quang của Thiên Chúa, cổng duy nhất để trở về với Thiên Chúa là cổng ăn năn sám hối.

          Từ ngữ Do Thái: Sám hối có nghĩa là quay lại, trở lại. Sám hối là bỏ điều dữ và quay lại cùng Thiên Chúa, thay đổi cách ăn nết ở, cải tạo đời sống luân lý và tôn giáo của toàn dân hoặc của cá nhân.

          Như thế, sám hối là trọng tâm của Đức Tin Do Thái, của đức tin Kitô giáo. Vì sám hối là quay lưng với tội lỗi để đến với Thiên Chúa, để được sống cuộc sống mà Thiên Chúa muốn chúng ta sống.

          Thánh Gioan Tầy Giả và Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng bằng lời kêu gọi:

          “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”.

          “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

          Sám hối là điều kiện cần thiết để được hội nhập vào Nước Trời, được cứu độ, được làm công dân Nước Trời. Sám hối là thành thật muốn thay đổi cuộc sống. Một sự sám hối chân thành sẽ phát sinh hoa trái đạo đức. “Hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối”. (Mt 3,8).

          Câu chuyện ngụ ngôn của Hồi giáo nói đến việc sám hối là hành động cao quí nhất. Đấng Allah phái một sứ thần xuống trần để xem cái gì quí nhất trên đời… Lần thứ I sứ thần đem về trình diện Đấng Allah một ve máu của các chiến sĩ anh hùng hy sinh cho đất nước. Đức Allah lắc đầu. Lần thứ 2, sứ thần đem về hương hoa của lòng biết ơn. Đức Allah vẫn chưa đắc ý. Lần thứ 3 xuống trần, sứ thần gặp một người tội lỗi đang khóc lóc, sám hối về cuộc đời quá khứ trụy lạc của mình. Sứ thần hứng giọt nước mắt này đem về dâng cho Đấng Allah. Ngài rất tâm đắc và nói: “Nước mắt sám hối biến mùa đông giá lạnh thành mùa xuân ấm áp và đem lại an bình cho mọi người”.

          Diễn tiến của lịch sử cứu độ, lịch sử nhân loại và cuộc đời con người: Tội lỗi – sám hối – tha thứ. Tất cả chúng ta đều là những con người yếu đuối tội lỗi. Sám hối là điều cần thiết để được tha thứ và cứu độ.

          Người tín hữu phải biết hồi tâm nhìn lại quá khứ đời mình với bao lỗi lầm để sám hối xin ơn chữa lành và tha thứ. Nước mắt của lòng sám hối chân thành là điều cần thiết và cao quí nhất vì nó làm cho con người đạt được vinh quang của Thiên Chúa. Như lời Chúa Giêsu đã nói:

          “Giữa triều thần thiên quốc, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”.(Lc 15,10; Lc 16,7)

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN