Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 2A TN

Đây Chiên Thiên Chúa

(Ga 1,29-34)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Đây là ngày thứ hai. Vào lúc khi chịu rửa và thử thách đã qua, và sắp đến lúc Chúa Giêsu hoạt động, thì lại một lần nữa, Gioan bất thần ngợi khen, gọi Chúa là Chiên Thiên Chúa, danh xưng của lòng sốt sắng.

1.Chiên Thiên Chúaga12934a

1.1.Khi gọi Chúa là Chiên Thiên Chúa, có lẽ Gioan nghĩ đến Con Chiên Vượt Qua

Lễ Vượt Qua không còn bao xa (Ga 2,13). Chuyện xưa về lễ Vượt Qua là máu con chiên đã che chở các nhà cửa của người Do Thái khi bỏ Ai Cập (Xh 12,11-13)… có thể khi thấy Chúa Giêsu, Gioan Tiền Hô cũng thấy những đàn chiên đang được dẫn lên Giêrusalem để sát tế, Gioan mới chỉ Chúa Giêsu và nói ‘đây là của lễ hy sinh thật có thể giải thoát các ngươi khỏi chết’. Phaolô cũng nghĩ đến Chúa Giêsu như Con Chiên Vượt Qua (ICr 5,7). Đó là sự giải thoát chỉ có Chúa Giêsu chiếm được cho chúng ta.[1]

1.2. Là con thầy tư tế, Gioan biết những nghi thức trong Đền Thờ và những của lễ hy sinh

Mỗi ngày tại Đền Thờ, sáng, chiều đều giết chiên làm hy lễ đền tội cho dân (Xh 29,38-42). Bao lâu Đền Thờ còn, nghi lễ giết chiên hằng ngày vẫn còn. Cả khi dân chúng chịu đói khi chiến tranh hay bị bao vây, họ không bao giờ bỏ việc dâng chiên cho đến khi Đền Thờ bị phá năm 70 sau Chúa. Tựa như Gioan nói ‘Tại Đền Thờ, sáng chiều hằng có lễ toàn thiêu đền tội cho dân, thì đây, Chúa Giêsu là chiên duy nhất, của lễ toàn thiêu duy nhất giải thoát con người khỏi tội’.[2]

1.3.Tôi như con chiên hiền lành được dẫn đem đi giết

Hai hình ảnh lớn về con chiên các tiên tri nói tới là Giêrêmia ‘tôi như con chiên hiền lành được dẫn đem đi giết’ (11,19) và ‘như con chiên bị đem đi giết’ (Is. 53,7). Cả hai tiên tri đã thấy trước một Đấng hiền lành, đáng mến, chịu đau khổ để làm lễ toàn thiêu giải thoát con người. Có thể Gioan nói ‘các tiên tri đã mơ về một Đấng thương yêu, chịu khổ và chết cho dân. Đấng ấy phải đến’. Quả thật, Isaia đoạn 53 là hình ảnh quí báu nhất, nói trước về Chúa Giêsu trong Cựu ước đối với giáo hội. Có thể Gioan Baotixita là người thứ nhất nhìn thấy hình ảnh ấy.[3]

1.4.Hình ảnh thứ bốn rất quen thuộc với người Do Thái

Hình ảnh thứ bốn rất quen thuộc với người Do Thái, dầu xa lạ với chúng ta. Giữa Cựu Ước và Tân Ước có những ngày tranh đấu lớn lao của Macabê. Trong những ngày đó, con chiên, nhất là con chiên có sừng, là biểu tượng người chiến thắng. Giuđa Macabê được diễn tả như con chiên có sừng đó, cũng như Samuen, Đavít, và Sôlômôn. Con chiên là hình tượng của vị chiến thắng vĩ đại của Thiên Chúa. Có thể đây không phải là hình ảnh con chiên hiền lành, yếu sức, bất lực, nhưng là hình ảnh của uy quyền và sức mạnh. Chúa Giêsu là Đấng toàn năng của Thiên Chúa, Đấng đánh nhau với tội lỗi, đã nghiền nát tội lỗi chỉ một lần đọ sức. Rất lạ lùng là hình ảnh Con Chiên Thiên Chúa đã ám ảnh Gioan trong Khải Huyền. Trong Khải Huyền, Gioan đã dùng đến 29 lần Con Chiên Thiên Chúa. ‘Con chiên’ là một trong những danh xưng quí báu nhất của Chúa, tóm tắt ý nghĩa tình yêu, của lễ hy sinh, đau khổ và khải hoàn của Người. Gioan nói ông không biết Chúa Giêsu. Vậy mà theo Luca, ông là bà con với Chúa và phải biết Người (Lc 1,36). Gioan có ý nói ông không biết Người là ai (who) mà nói không biết Người là Đấng nào (what). Và sau đó chỉ nhờ mặc khải, bất thần ông mới biết Người là Con Thiên Chúa. Lần nữa Gioan nói rõ chúc vụ của ông chỉ là chỉ đường cho người ta đến với Thiên Chúa. Ông không là gì, còn Chúa Giêsu là tất cả. Ông bảo ông không lớn cũng chẳng có địa vị; ông chỉ là người kéo màn để giới thiệu Chúa Giêsu trên sân khấu.[4]

2.Thần Khí hiện xuống (1,32.34)

Có những điều xẩy ra khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa làm Gioan thâm tín rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Như các giáo phụ đã thấy hằng bao thế kỷ trước rằng đó là điều chỉ con mắt đầu óc, con mắt tinh thần mới có thể thấy. Gioan đã thấy và đã thâm tín. Tại Palestin, chim câu là vật thánh, không được săn bắn và ăn thịt. Philo nói về một số chim câu tại Ascalon không được bắt và giết vì chúng là chim câu được nuôi thuần thục. Sách Sáng Thế nói Thánh Thần Thiên Chúa bay là là mặt nước (St 1,2). Pháp Sư quen nói Thánh Thần Thiên Chúa chớp cánh bay như chim câu, hà hơi thứ tự và vẻ đẹp vào hỗn mang xưa. Hình ảnh chim câu là hình ảnh người Do Thái biết và yêu thích. Lúc chịu rửa, Thánh Thần với sức mạnh đã ngự xuống trên Chúa Giêsu. Nên nhớ là lúc này đạo lý Kitô giáo về Thánh Thần chưa có. Phải đợi đến những chương sau cùng của Gioan và Hiện xuống ta mới hiểu như ngày nay. Nên khi Gioan Tiền Hô nói về Thánh Thần, ông hiểu Thánh Thần theo phạm trù Do Thái. Xin nhớ lại phạm trù Do Thái về Thánh Thần đã nói trước đây. Đó là gió ‘ruach’. Với người Do Thái, ba tư tưởng nền tảng của Thánh Thần là sức mạnh, sức mạnh như vũ bão, là sự sống, là Thiên Chúa. Sức mạnh và sức sống của Thánh Thần vượt quá khả năng của con người; Thánh Thần xuống cuộc đời của ai thì cũng là Thiên Chúa xuống cuộc đời người đó. Đặc biệt là Thánh Thần điều khiển và thần ứng cho các tiên tri. ‘Tôi được đầy sức mạnh, đầy Thần khí Chúa, đầy công bình và quyền lực để tuyên bố với Giacóp lỗi phạm của nó và với Ítraen tội lỗi của mình’ (Mk 3,8); Thiên Chúa nói với Isaia về ‘Thần Khí Ta ở trong ngươi và lời Ta. Ta đặt vào miệng lưỡi ngươi’ (Is 59,21); ‘Thần Khí Chúa ở trên tôi vì Chúa đã xức dầu tôi để tôi đem Tin Mừng’ (Is 61,1); ‘Trái Tim mới Ta ban cho con, và Thần Trí mới Ta sẽ đặt trên ngươi… Ta sẽ đặt Thần khí trên ngươi’ (Ed 36,26-27). Có thể nói Thánh Thần Thiên Chúa: – Đem sự thật xuống cho con người – Cho con người khả năng hiểu biết sự thật – Cho con người khả năng hiểu biết và can đảm để rao giảng sự thật. Đối với người Do Thái, Thần Khí là Thiên Chúa ngự xuống cuộc đời con người. Gioan nói Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu cách rất độc đáo như không bao giờ xuống trên bất cứ người nào. Hầu hết người ta chỉ có thể kinh nghiệm từng lúc về Thần Khí. Những kinh nghiệm đó đến rồi đi. Còn Chúa Giêsu, Gioan bảo Thánh Thần Thiên Chúa hằng ở với Người (câu 32-33). Đi xa hơn nữa, Gioan còn nói Thần Khí ở lại trên Chúa Giêsu. Đây không phải là thần ứng từng lúc. Nơi Chúa Giêsu Thần Khí Thiên Chúa ngự trị trường kỳ. Nói cách khác trí và quyền lực Thiên Chúa ở trong Chúa Giêsu cách độc nhất.[5]

2.1.Ở đây, ta có thể học hiểu nhiều về ý nghĩa của danh từ ‘rửa’

Động từ Hy Lạp rửa (baptizein) có nghĩa là dúng xuống hay là lặn. Vải vóc dúng vào thuốc nhuộm, tầu lặn xuống nước, người say sưa ướt đặm rượu bia. Khi nói Chúa Giêsu làm Phép Rửa với thần Khí, Gioan muốn nói Chúa Giêsu đem Thần Khí Thiên Chúa dúng xuống đời ta, cả con người ta, làm ta chan hòa Thần Khí. Giờ đây Phép Rửa có nghĩa gì với Gioan?

2.2.Phép Rửa của Gioan có hai ý nghĩa:

– Rửa sạch: sạch khỏi những dơ dáy và gắn bó với Người

– Thánh hiến: Người được rửa, ra đi với cuộc đời khác, mới và tốt hơn.

Còn Phép Rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa trong Thần Khí. Theo quan niệm của người Do Thái, ta có thể nói, nhận Thần Khí, con người:

– Được soi sáng: Người được rửa tội, sẽ biết Thiên Chúa và ý Người; biết mục đích ý nghĩa cuộc đời, bổn phận. Khôn ngoan và ánh sáng Thiên Chúa ngự xuống.

– Được kiện cường: hiểu biết mà không sức mạnh thì chỉ là điều gì ám ảnh và thất vọng. Thần Khí ban cho, không những hiểu biết sự thật, mà còn sức mạnh để làm theo sự thật.

– Được luyện sạch: Phép Rửa của Chúa Giêsu trong Thần Khí là Phép Rửa của lửa (Mt 3,11; Lc 3,16). Cặn bã, dỉ ghét sẽ bị thiêu hủy cho đến khi con người được sạch, được tinh tuyền.[6]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

 

Một nghi thức mà trong bất cứ một buổi hội họp hoặc gặp gỡ nào, người ta vẫn thường làm, đó là giới thiệu những nhân vật quan trọng. Trong cuộc sống thường ngày cũng vậy, mỗi khi gặp người lạ, người ta cũng thường giới thiệu nhau. Như vậy, giới thiệu là một điều rất bình thường, và mục đích của giới thiệu là để người ta biết nhau. Muốn giới thiệu ai thì phải biết người đó. Tùy theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết về nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một người, thì có thể giới thiệu sai về người ấy. Chẳng ai muốn người khác giới thiệu sai về mình. Hôm nay, thánh Gioan giới thiệu Đức Giêsu với dân chúng: ”đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Muốn hiểu ý nghĩa lời giới thiệu này, ta phải biết tập tục của người Do Thái. Theo truyền thống Do Thái trong sách Xuất Hành (Xh 29,38-42), thì mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên cỡ một tuổi làm của lễ tòan thiêu để đền tội cho dân chúng.

Như vậy, tội lỗi của dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước mặt Thiên Chúa.

Nhất là trong lễ Vượt Qua, Giavê Thiên Chúa truyền cho mỗi gia đình người Do Thái phải giết một con chiên đực một tuổi, không tì vết (Xh 12,5). Họ sẽ ăn thịt chiên đó ban chiều rồi lấy máu chiên bôi lên khung cửa. Chính nhờ dấu chỉ đó, người của gia đình Do Thái được thiên thần đến sát phạt các con đầu lòng Ai cập, sẽ không sát hại họ. Để kỷ niệm biến cố này, hàng năm người Do Thái phải mừng lễ Vượt Qua với thịt chiên và bánh không men.

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.”

Hình ảnh con chiên là như thế, còn đây Đấng xóa tội trần gian, chúng ta phải hiểu như thế nào?

Bản tiếng Việt dịch là đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Từ ngữ “xóa” là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La Tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy.

Có lẽ nên dịch là đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng ‘gánh’ tội trần gian, bởi vì xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan làm phép rửa. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết thay cho chúng ta để chúng ta được sống.

Có câu chuyện kể rằng, một đệ tử kia, sau nhiều năm tu học với một đạo sư danh tiếng, và giờ đây anh muốn vĩnh biệt vợ con để vào nơi thâm sơn cùng cốc, nhưng anh lại chưa dứt bỏ vợ con được, nên mới nhờ đạo sư hiến kế. Vị đạo sư dạy cho anh một phương pháp Yoga bí truyền, giúp anh có thể chết giả trong vòng cả hàng mười tiếng đồng hồ. Thế là hôm ấy, người đệ tử đột nhiên lăn ra chết.Vợ con kêu gào thảm thiết. Hay tin, vị đạo sư đến thăm. Chứng kiến cảnh vợ góa con côi, vị đạo sư hé mở cho gia đình biết là mình có thể làm cho người chết sống lại được, với điều kiện là có một người trong gia đình chấp nhận chết thay cho người xấu số.

Khi đề nghị người vợ, thì người vợ nức nở than rằng: “ tôi còn cả một gánh nặng gia đình. Nếu tôi chết đi thì lấy ai nuôi đàn con thơ dại … “ nói tóm lại, chị cần phải sống, không thể chết thay cho anh được. Đến phiên người con cả thì anh cũng vịn đủ mọi lý do để chứng minh rằng anh cần cho gia đình, cần giúp mẹ để lo cho đàn em. Gia đình không thể thiếu anh. Rồi đến người con thứ hai, thứ ba… cũng vậy.

Người cha nằm nghe hết sự tình. Anh chợt nhận ra rằng trên đời ít có ai dám chết thay cho người khác. Dù là người vợ mà mình hết mực yêu thương, dù là người con mà mình đã từng hy sinh tất cả cho chúng. Anh giác ngộ và anh đã thóat ly gia đình không thương tiếc.

Hôm nay thánh Gioan giới thiệu với chúng ta: “đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian”. Tội  trần gian đã làm chúng ta phải chết. Chính Chúa Giêsu đến gánh cái chết của chúng ta để chúng ta được sống.

Giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, là bổn phận của các Kitô hữu, và là trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa, kể cả hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Hàng giáo phẩm, giáo sĩ là những người được kêu gọi đặc biệt để loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho hết mọi người và có bổn phận ban phát các bí tích. Còn phần giáo dân, thánh công đồng chung dạy: “vì ơn gọi riêng, người giáo dân có bổn phận tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách đảm nhận các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và nghĩa vụ của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội: tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ bộc lộ Chúa Kitô cho kẻ khác. Chính họ là người có nhiệm vụ đặc biệt phải soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và ngày một phong phú hơn lên theo Thánh Ý Đức Kitô, hầu ca tụng Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ”[7]

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

[1] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.128

[2] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.129

[3] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.129

[4] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.129-130

[5] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.130-131

[6] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.131

[7] Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 31

Xem thêm

TÌNH YÊU VƯỢT QUÁ CÁI CHẾT

TÌNH YÊU VƯỢT QUÁ CÁI CHẾT

  Gilbert K. Chesterton từng nói, Kitô giáo là nền dân chủ duy nhất mà …