Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Thường Niên, năm A, của LM Đan Vinh

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Thường Niên, năm A, của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 2 TN A

Is 49,3.5-6; 1 Cr 1,1-3; Ga 1,29-34

KẾT HIỆP VỚI CHIÊN THIÊN CHÚA THI HÀNH SỨ MỆNH CỨU ĐỘ

I- HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG : Ga 1,29-34

cn2tnA1(29) Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. (30) Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, vì có trước tôi. (31) Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”. (32) Ông Gio-an còn làm chứng : “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. (33) Tôi không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. (34) Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.

  1. Ý CHÍNH :

Đây là lời chứng thứ hai của Gio-an Tẩy Giả về Đức Giê-su. Ông xác nhận Đức Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa, có sứ mệnh xóa bỏ tội trần gian. Người là Đấng mà Gio-an được sai đến trước để dọn đường qua dấu chỉ Thánh Thần ngự xuống. Gio-an đã thấy Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su khi làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan, nên ông đã làm chứng : “Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.

  1. CHÚ THÍCH :

– C 29-30 : + Đây là Chiên Thiên Chúa : Chiên Thiên Chúa hay Chiên Vượt Qua thời Xuất Hành (x. Xh 12,3-46). Tin Mừng Gio-an cho thấy Đức Giê-su chính là Con Chiên lễ Vượt Qua qua ba sự kiện : Một là thời gian quan Phi-la-tô xét xử Đức Giê-su vào Giờ Thứ Sáu (tức 12 giờ trưa) trong ngày lễ áp lễ Vượt Qua (x. Ga 9,14), trùng với giờ các tư tế giết chiên trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem để mừng đại lễ Vượt Qua. Hai là cành hương thảo : Người Do thái lấy một bó hương thảo, nhúng vào chậu đựng máu chiên và quét lên khung cửa nhà. Điều này giống như một tên lính đã lấy miếng bọt biển thấm giấm, buộc vào cành hương thảo đưa lên miệng Đức Giê-su nếm (x. Ga 19,29). Ba là chỉ thị của Mô-sê cấm đánh gãy xương của con Chiên bị giết trong biến cố Vượt Qua : quân lính không đánh dập ống chân của Người trên cây thập giá (x. Ga 19,34). + Về con chiên gánh tội : Trong lễ Xá Tội, người Do Thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị Tư Tế sẽ đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó, Tư Tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Người ta cử hành nghi lễ sám hối này để xin Đức Chúa xóa hết tội cho mình (x. Lv 1,4). Con chiên Vượt qua là hình bóng Đấng Cứu thế như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm : “Chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền tán… Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như chiên con dẫn đến lò sát sinh… Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử(Is 53, 4-5.7.10). + Đấng xóa bỏ tội trần gian : Thay vì dùng chữ gánh tội, Tin Mừng Gio-an đã dùng chữ “xóa” theo nghĩa “làm mất đi” (x. 1 Ga 3,5). Và như vậy “xóa tội” nghĩa là giải thoát khỏi tội lỗi. Trong cuộc Vượt Qua, nhờ máu chiên được sát tế và quét lên khung cửa nhà mà các con trai đầu lòng của người Do thái khỏi bị tiêu diệt (x. Xh 12,23). Cũng vậy, nhân loại nhờ việc Đức Giê-su chịu chết sẽ được xóa bỏ tội lỗi, giống như bỏ đi gánh nặng đè trên mình họ. + Có người đến sau tôi, vì có trước tôi : Tuy về thời gian, Đức Giê-su được sinh ra sau Gio-an 6 tháng (x. Lc 1,24.26), nhưng về bản tính Thiên Chúa thì Người luôn hiện hữu trước khi Gio-an ra đời.

– C 31-32 : + Tôi đã không biết Người : Kiểu nói “không biết” có nghĩa là Gio-an đã không nhận ra Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Cái “không biết” của Gio-an cũng giống như “không biết” của người Do thái trong câu “Ở giữa các ông có Đấng mà các ông không biết” (Ga 1,26). + Nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en : Việc Gio-an làm phép rửa cho Đức Giê-su chính là cơ hội để Người tỏ mình là Đấng Thiên Sai cho dân Do thái. + Ông Gio-an còn làm chứng : Do những dấu chỉ “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”, mà Gio-an đã nhận ra thân phận của Đức Giê-su : Người thực là “Con Thiên Chúa”, là “Đấng Thiên Chúa đã tuyển chọn”. + Thánh Thần như chim bồ câu : Kiểu nói này không khẳng định Thánh Thần hiện ra dưới hình của chim bồ câu, nhưng đáp xuống trên Đức Giê-su giống như tiếng rung nhè nhẹ của loài chim ấy. + Và ngự trên Người : Việc “Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và lưu lại trên Đức Giê-su” tượng trưng cho hiệu quả của việc tuôn đổ ơn Thánh Thần, là ban sự sống để thiếp lập một dân Ít-ra-en mới. Cũng vậy, trong ngày lễ Hiện Xuống, “Lưỡi Lửa” không trực tiếp tượng trưng cho Chúa Thánh Thần, nhưng tượng trưng cho việc các Tông Đồ được Thánh Thần ban cho “nói tiếng lạ” để công bố Tin Mừng khắp thế gian.

– C 33-34 : + Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : Câu này được lặp lại để nhấn mạnh việc Gio-an không tự nhận biết Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa nhưng là do chính Thiên Chúa, Đấng sai Gio-an làm phép rửa đã dạy cho ông biết. + Đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần : Làm phép rửa trong Thánh Thần là một thành ngữ ám chỉ công việc chính của Đức Giê-su là “xóa bỏ tội lỗi” bằng cách tuôn đổ ơn Thánh Thần xuống trên kẻ tin và lãnh nhận phép rửa để được tha tội (x. Ga 3,5-8). + Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn : Gio-an xác định việc ông làm chứng “Đức Giê-su là Đấng Thiên Chúa đã tuyển chọn” là do Thiên Chúa soi sáng. “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” đồng nghĩa với “Con Thiên Chúa”, như lời sấm của I-sai-a : “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn…” (Is 42,1). Việc Đức Giê-su được Thiên Chúa tuyển chọn gắn liền với việc Người được ban Thần Khí để chu toàn sứ mạng Thiên Sai.

  1. CÂU HỎI :

1) Nội dung lời chứng thứ hai của Gio-an Tẩy Giả về Đức Giê-su thế nào ? 2) Ba điều Tin Mừng Gio-an nêu ra chứng minh Đức Giê-su chính là con chiên cứu độ là những điều nào ? 3) Gio-an muốn nói gì khi giới thiệu Đức Giê-su là “Đấng xóa bỏ tội trần gian” ? 4) Tại sao Gio-an lớn hơn Đức Giê-su 6 tháng, mà ông lại nói Người đã có trước ông ? 5) Từ “Không biết” trong câu “Tôi đã không biết Người” nghĩa là gì ? 6) “Làm phép rửa trong Thánh Thần” là gì ? 7) “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” đồng nghĩa với “Con Thiên Chúa” trong lời sấm nào của Ngôn sứ I-sai-a ?

II- SỐNG LỜI CHÚA :

  1. LỜI CHÚA : Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình liền nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).
  2. CÂU CHUYỆN :

1) ĐƯỢC CỨU SỐNG NHỜ CÁI CHẾT CỦA CON CHIÊN :

Trên nóc nhà thờ Werden tại một ngôi làng nhỏ bên nước Đức, thay vì đặt một cây Thánh giá, người ta lại đúc tượng một con chiên và đặt trên đó. Truyền thuyết kể lại rằng khi xây dựng nhà thờ, một anh công nhân từ trên tháp chuông đã bị rơi xuống đất, ở dưới có mấy con chiên đang gặm cỏ. Người công nhân rơi trúng một con chiên ở phía dưới. Con chiên đã bị chết, đang khi anh công nhân lại không bị hề hấn gì. Truyền thuyết đó gợi nhắc về Đức Giêsu, là Con Chiên vượt qua, Đấng đã chết để cho chúng ta được sống và sống dồi dào.

2) CHỊU ĐAU KHỔ CÁCH OAN ỨC ĐỂ ĐỀN TỘI THAY CHO KẺ GIAN ÁC :

Một cô gái đang có người yêu, nhưng một hôm chẳng may bị kẻ cướp hãm hiếp và có thai ngoài ý muốn. Sau đó cô còn phải chịu đau khổ hơn nữa khi bị người yêu ruồng bỏ và mọi người khinh dể xa lánh. Một hôm cô đến xưng tội với đức cha Fulton Sheen. Sau khi trình bày hoàn cảnh oan ức gặp phải, cô đã hỏi đức cha : “Tại sao con vô tội mà lại phải chịu đau khổ oan ức như thế ?” Với thái độ cảm thông, đức cha Sheen đã an ủi cô gái như sau : “Con vô tội mà phải chịu nỗi đau khổ cách bất công như vậy là để đền tội thay cho tên cướp đã làm hại con, để con nên giống Chúa Giê-su là Đấng vô tội, nhưng đã chịu đau khổ và chết đau thương tủi nhục trên cây thập giá để đền tội thay cho mọi kẻ có tội, trong đó có con đó !”.

3) VÌ YÊU THƯƠNG, CHA MẸ SẴN SÀNG CHỊU PHẠT CHUNG VỚI CON :

Một gia đình nọ chỉ có một đứa con trai duy nhất, nên cha mẹ hết lòng yêu thương cậu và dành mọi sự tốt đẹp nhất cho cậu. Dù vậy, để giáo dục con trở nên người tốt, ông bố luôn tỏ ra cứng rắn trước những sai lỗi của con, và bà mẹ cũng đồng tình với cách giáo dục đó. Một lần nọ, đứa con trai vì ham chơi đã theo bạn bè trốn học ra bãi biển cùng nhau chơi đá bóng. Người cha biết chuyện không hay đó nên đã cương quyết xử phạt con trai. Ông bắt nó phải chịu hình phạt là ngủ qua đêm trên căn gác nhà kho chật chội nóng bức. Nhưng đêm hôm đó, ông bố không thể chợp mắt được vì thương con, không biết tình trạng của con hiện giờ ra sao. Nửa đêm, ông lấy mền gối lên trên gác để ngủ chung với con. Điều ngạc nhiên là khi ông leo lên căn gác thì đã thấy bà vợ của ông có mặt ở đó từ bao giờ rồi. Thế là cả ba người cùng nhau ngủ trên căn gác chật chội nóng nực suốt đêm. Chỉ có đứa con phạm lỗi, nhưng cha mẹ vì yêu thương đã tình nguyện chịu phạt chung với con.

Đêm đó là đêm đáng nhớ nhất trong đời của đứa con, vì nó đã nhận ra tình yêu lớn lao của cha mẹ dành cho mình. Người cha không bỏ đi hình phạt đã ra cho con và bà mẹ cũng không xin ông tha phạt, vì cả hai đều muốn cho con trai ý thức để tu sửa lỗi lầm đã phạm. Nhưng khi con bị phạt thì cha mẹ vì yêu thương lại sẵn sàng chịu hình phạt chung với con. Câu chuyện trên cũng phần nào giúp chúng ta nhận ra hành động cứu độ của Thiên Chúa : Khi loài người phạn tội, Thiên Chúa đã sai Con Một là Chúa Giê-su xuống thế làm người, để mở ra con đường lên trời và sẵn sàng chịu chết đau thương trên cây thập giá để đền tội thay cho loài người chúng ta.

  1. SUY NIỆM :

Trong lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa chúng ta đã được Chúa Cha giới thiệu Chúa Giê-su cho chúng ta : “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. (Mt 3, 17b). Hôm nay, chúng ta được Thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu cho chúng ta một nét quan trọng khác của Người nữa : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”. (Ga 1, 29).

1) ĐỨC GIÊ-SU LÀ CON CHIÊN LỄ VƯỢT QUA :

Câu chuyện về đại lễ Vượt Qua kể lại rằng : Khi Mô-sê được Đức Chúa sai đến gặp Pha-ra-ô nước Ai-cập để thuyết phục nhà vua trả tự do cho dân Ít-ra-en, để họ được giải thoát khỏi kiếp sống nô lệ cho người Ai-cập, và được vào trong sa mạc để thờ phượng Đức Chúa tại núi Si-nai, nơi Mô-sê đã được gặp Đức Chúa. Lúc đầu vua Pha-ra-ô cương quyết từ chối. Mô-sê đã phải sử dụng cây gậy Chúa ban để lần lượt thi thố 10 phép lạ để chứng minh quyền năng Đức Chúa của con cháu nhà Gia-cóp mạnh hơn các tà thần của dân Ai-cập. Nhưng chỉ đến phép lạ thứ mười là tiêu diệt các con trai đầu lòng của người Ai-cập, thì Pha-ra-ô mới chịu khuất phục và đồng ý cho con cháu Gia-cóp được ra đi. Hôm ấy, Mô-sê vâng lệnh Đức Chúa truyền cho dân Ít-ra-en mỗi nhà phải giết một con chiên đực một tuổi để ăn thịt chiên với bánh không men và rau diếp đắng. Họ phải lấy máu chiên bôi trên thành cửa nhà họ. Đêm hôm ấy, thần sứ hủy diệt của Đức Chúa đánh phạt Ai cập bằng việc giết chết các con trai đầu lòng của dân Ai-cập, còn những nhà có bôi máu chiên trên thành cửa, thì các con trai đầu lòng của họ khỏi phải chết (x. Xh 12,3-13). Về sau Mô-sê truyền cử hành lễ Vượt qua hằng năm để nhắc dân Do Thái nhớ lại tình thương cứu độ của Đức Chúa. Đến thời Tân Ước, Chúa Giê-su trở thành con chiên cứu độ khi vâng lời Chúa Cha làm chiên tinh tuyền, chịu chết đau thương trên cây thập giá, trở thành của lễ hiến tế đền tội thay cho loài người. Thánh Phao-lô đã nói về con chiên cứu độ ấy như sau : “Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế chúng ta đừng lấy men cũ là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng Đại lễ” (1 Cr 5,7-8).

2) ĐỨC GIÊ-SU CHÍNH LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA CHỊU HIẾN TẾ ĐỂ ĐỀN TỘI :

Trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, mỗi ngày hai lần sáng và chiều, người ta đều giết chiên dâng lên Đức Chúa làm của lễ hiến tế để đền tội thay cho dân (x. Xh 29,31). Khi giới thiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Gio-an Tẩy Giả đã làm chứng Đức Giê-su là lễ vật mới của thời Tân Ước, được dâng tiến cho Thiên Chúa trên bàn thờ thập giá, thay cho lễ vật là con chiên được dâng trên bàn thờ theo Luật Mô-sê thời Cựu Ước. Về việc thay lễ vật chiên cừu cũ bằng lễ vật mới là chiên Thiên Chúa, tác giả thư Do thái đã viết như sau : “Trước hết, Đức Ki-tô nói : Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói : Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,8-10). Ngôn sứ I-sai-a đã nói tiên tri về người Tôi Tớ của Chúa, một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết oan ức như một con chiên như sau : “Bị ngược đãi người cam nhịn nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội rồi bị thủ tiêu… Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, Tôi Trung của Ta, sẽ làm cho môn đệ người nên công chính, và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,7.11b).

3) ĐỨC GIÊ-SU, CON CHIÊN KHẢI HOÀN :

Trong sách Khải Huyền, Tác giả đã áp dụng tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” cho Đức Giê-su 28 lần. Trong đó, nhấn mạnh Con Chiên ngự trên ngai vương quyền. Là Đấng chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh vinh quang. Con Chiên được ca ngợi như sau : “Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân. Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta” (Kh 5,9-10). “Tôi thấy và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai lớn tiếng hô : Con Chiên đã bị giết, nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời cung chúc. Amen” (Kh 5,12).

Tóm lại, tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” của Chúa Giê-su gợi lên ba hình ảnh sống động về ơn cứu độ của Thiên Chúa thay thế cho các con chiên Cựu Ước như sau :

– Chúa Giê-su là Con Chiên Cứu Độ : Máu Người đổ ra trên thập tự trở thành giá chuộc muôn người, giống như máu con chiên được bôi trên thành cửa đã cứu các con trai đầu lòng của dân Do thái khỏi bị hủy diệt trong ngày lễ Vượt Qua.

– Chúa Giê-su chính là Con Chiên Gánh tội và xóa tội trần gian : Khi chịu hiến tế trên bàn thờ Thập Giá là Người đã đền thay tội lỗi chúng ta, giống như con chiên thanh sạch phải gánh tội và xóa tội cho toàn dân trong lễ Xá Tội của đạo Do Thái.

– Chúa Giê-su là Con Chiên Thiên Chúa chiến thắng tử thần : Người đã chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh vinh quang, để ban ơn cứu độ cho nhân loại như sách Khải Huyền đã ghi nhận (x Kh 5,9-10).

 Do đó, dù Đức Giê-su có nhiều tước hiệu như : “Ánh Sáng trần gian”, “Mục Tử nhân lành”, “Bánh Hằng Sống”… nhưng trong thánh lễ, Hội Thánh đã dùng tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” để cầu nguyện trong phần hiệp lễ : “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…”.

4) PHẢI LÀM CHỨNG CHO CHÚA THẾ NÀO TRONG CUỘC SỐNG ?

– Làm chứng là giới thiệu Chúa cho tha nhân : Gio-an Tẩy Giả đã tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và giới thiệu Người cho môn đệ như sau : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian… Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. (Ga 1,29.34).

– Làm chứng là nói về Chúa trước tha nhân : Gio-an luôn nói về Chúa cho mọi người và làm mọi việc để giới thiệu Chúa Giê-su : “Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước” (Ga 1,30-31).

– Làm chứng là khiêm hạ mỗi khi làm việc lành : Gio-an không buồn khi thấy dân chúng bỏ mình và lũ lượt kéo đến xin Đức Giê-su làm phép rửa cho (x. Ga 3,26). Ông đã trấn an các môn đệ đang bất bình về điều này và nói cho họ hiểu về vai trò tiền hô của mình như sau : «Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói : Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi » (Ga 3,28.30).

– Làm chứng là vui lòng chấp nhận các bất công không tránh khỏi : Khi không thể thoát khỏi các đau khổ oan ức do kẻ khác gây ra, thay vì oán trời trách đất hay có hành xử tiêu cực, chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận kết hiệp với Chúa Giê-su chịu khổ nạn để đền tội mình và cầu xin cho các tội nhân sớm được ơn sám hối trở về với Chúa. Hãy năng đọc một chục kinh Mân Côi kèm theo suy niệm mầu nhiệm thứ ba mùa thương : “Thứ ba thì ngắm : Đức Chúa Giê-su chịu đội mão gai; Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng”.

  1. THẢO LUẬN :

Khi bị hiểu lầm, bị vu khống oan ức, chúng ta nên làm gì để kết hiệp với sự đau khổ của Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian ?

  1. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con thật cảm động khi thấy Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa, mà vì yêu thương con đã tình nguyện trở thành của lễ hiến tế đền tội thay và để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, hầu chúng con được tham phần vào vinh quang phục sinh của Chúa. Mỗi lần dự lễ, xin cho chúng con biết dâng những lời cầu nguyện, các việc bác ái, sự hãm mình và những điều rủi ro trái ý gặp phải… để biến chúng nên lễ vật kết hiệp với lễ vật cao trọng trên bàn thờ là Chiên Thiên Chúa tiến dâng lên Chúa Cha. Nhờ đó sau này chúng con cũng được tham phần vào vinh quang phục sinh cùng với Chúa trên thiên đàng.- AMEN.

LM ĐAN VINH –  HHTM

Xem thêm

NHỮNG ĐẤNG BẬC ANH HÙNG

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 33B Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam  Làm Chứng Nhân Vào lúc 9 …