Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm C, Của Lm Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm C, Của Lm Giuse Nguyễn Văn Nam

(St 15, 5-12.17-18; Pl 3, 17; 4,1; Lc 9, 28-36)

“Đang lúc Đức Giêsu cầu nguyện,

dung mạo Người bỗng đổi khác”

h3_resizeTin mừng Luca 9, 28b-36:

Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a”. Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”. Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

Suy niệm:

Sau khi Đức Giêsu loan báo lần thứ nhất về cuộc tử nạn và phục sinh, Người đưa ba tông đồ thân tín Phêrô, gioan và Giacôbê lên núi. Người biến hình trước mặt các tông đồ để củng cố niềm tin cho các ông. Biến cố Chúa biến hình trên núi chuẩn bị cho các tông đồ đi vào mầu nhiệm vượt qua: Tử nạn và Phục sinh, để cho các tông đồ xác tín rằng theo Chúa Giêsu không chỉ có Thập Giá, mà còn có cả vinh quang nữa. Đó là ý nghĩa chính của cuộc biến hình này.

Nội dung chính của bài Tin mừng hôm nay là lời tuyên bố từ trong áng mây: “Đây là Con Ta, Người đã được tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Chính Thiên Chúa Cha giới thiệu Con của Người và xác nhận tư cách Thiên Sai của Chúa Giêsu, vị Thiên sai tôi tớ phải chết thay cho muôn người được cứu sống. Người kêu mời tất cả chúng ta hãy vâng nghe lời Con Thiên Chúa.

Biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor là một cuộc thần hiện bày tỏ cho chúng ta về mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha hiện diện qua tiếng từ trời phán. Chúa Giêsu là con yêu dấu của Chúa Cha. Đám mây bao phủ các tông đồ là dấu hiệu chỉ Chúa Thánh Thần. Biến cố biến hình gợi lại biến cố Chúa giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan.

Biến cố Chúa Giêsu hiển dung hướng các tông đò về mầu nhiệm vượt qua: “Môsê và Êlia hiện ra, rạng ngời vinh hiển và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem”. Đức Giêsu Kitô phải chịu khổ hình thập giá, trải qua đau khổ, mới vào vinh quang phục sinh, Thập Giá là con đường dẫn đến vinh quang. Người tông đồ theo Chúa không chỉ có thánh giá mà có cả vinh quang nữa. Vì thế trong cuộc biến hình sáng láng, Chúa Giêsu lại nói đến cuộc tử nạn Người sẽ phải chịu. Cuộc đời tông đồ cũng như cuộc đời Kitô hữu cũng phải trải qua gian khổ, hy sinh, thập giá… mới vào vinh quang Nước Chúa. Hãy can đảm, tin tưởng, vui nhận thập giá thì thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng, trở thành niềm vui cứu độ.

Phêrô, Giacôbê, Gioan cảm thấy vô cùng sung sướng, hạnh phúc trước cảnh Chúa biến hình: “Ở đây sướng lắm, con sẽ làm ba lều”. Các ông muốn mãi mãi ở trên núi và không muốn xuống núi nữa. Đó là thái độ của mỗi người Kitô hữu đi theo Đức Kitô vinh quang thì dễ hơn đi theo Đức Kitô vác thập giá (đi theo Đức Kitô là vua, thì dễ hơn đi theo Đức Kitô là tôi tớ). Thông thường khi gặp may, hạnh phúc, có cơm ăn áo mặc, đời sống sung túc, thì chúng ta dễ dàng theo Chúa, sống đạo. Ngược lại khi gặp gian nan, thử thách, thất bại, nghèo khổ… chúng ta thường mất niềm tin, kêu trách Chúa, không đi dự lễ, bỏ đạo. Ở đời mọi sự đều phải trả giá, nhiều khi phải trả giá rất mắc. Không muốn vác thập giá thì làm sao có vinh quang. Không chịu cực, chịu khó làm việc, thì làm sao có thể thành công. Muốn vào vinh quang Nước Trời, chúng ta chẳng đi con đường nào khác, ngoài con đường Đức Kitô đã đi, đó là con đường Thập Giá.

Sau đây là câu chuyện minh họa: Một người đàn bà giàu sang đang trong tình trạng đau nặng, bà làm di chúc để lại tài sản cho người thân, chia gia tài cho mọi người rất minh bạch. Tuy nhiên, không có phần cho cô đầy tớ nghèo phục vụ bà nhiều năm. Quà tặng duy nhất bà để lại cho cô đầy tớ là một tượng Chúa chuộc tội bằng thạch cao đang treo trên tường. Nhận món quà, nhưng người đầy tớ bất mãn lòng đầy cay đắng buồn phiền, cô tự nghĩ rằng mình đã trung thành phục vụ, hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được một món quà không ra gì. Không đủ bình tĩnh, cô đã tháo cây thập giá xuống khỏi tường và ném mạnh xuống nền nhà. Tượng chuộc tội vỡ tung, tan nát. Cô vô cùng ngạc nhiên, khi thấy những viên kim cương từ cây thập giá tung tóe trên sàn nhà. Cô cảm động và khóc nức nở phát hiện ra lòng tốt của bà chủ, khi cô nhận ra giá trị của món quà.

Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Cuộc sống con người đầy tràn thập giá, cũng như gian khổ… Đằng sau mọi gian nan thử thách, đau khổ, thập giá của cuộc đời, Thiên Chúa luôn luôn hiện diện và yêu thương con người để dẫn đưa chúng ta tới hạnh phúc vĩnh cửu: “Thập giá là con đương đưa đến vinh quang phục sinh”.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN