Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA CHAY, NĂM B CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA CHAY, NĂM B CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

 

(St 22, 1-18; Rm 8, 31-34; Mc 9, 2-10)

“Đây là Con Ta yêu dấu’

Hãy vâng nghe lời Người”

 

Tin mừng Marco 9, 2-10:

Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia. Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.

Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi. Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

Suy niệm:

Biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi đã được Tin mừng Nhất Lãm Matthew, Marco và Luca ghi lại chi tiết. Biến cố biến hình mạc khải cho các tông đồ để biết Đức Giêsu là Đấng Messia, Đấng Cứu Thế Đây là Con ta yêu dấuvà đồng thời củng cố niềm tin của các ông, chuẩn bị để các ông đón nhận việc Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết để cứu độ muôn người: “Trước khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Theo Thánh kinh thì Chúa biến hình ở trên ngọn núi miền Galilê và theo truyền thống thì đó là núi Tabor: “Người lên núi cao”. Núi cao là biểu tượng nơi Thiên Chúa ngự. Lên núi cao để gặp gỡ Thiên Chúa, Như Môsê trên núi Sinai, Tiên tri Êlia trên núi Horeb, 3 tông đồ thân tín được đưa lên núi cao là để được tiếp xúc với vinh quang của Chúa Giêsu, tiếp xúc với thần linh của Người. Người biến hình trước mặt các ông để biểu lộ Thiên tính của mình để các ông nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong con người Đức Giêsu “Áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết”.

Sự hiện diện của Êlia và Môsê nói lên sứ mạng của Đức Giêsu. Môsê tượng trưng cho lề luật. Êlia tượng trưng cho tiên tri. Đức Giêsu chính là Môsê mới, Êlia mới nghĩa là Người là thủ lãnh, là ngôn sứ của Thiên Chúa đến để giải phóng nhân loại và cứu chộc nhận loại. Như thế sự có mặt của hai ông trong biến cố Chúa biến hình nói lên rằng thời đại cánh chung đã tới, đó là thời đại cứu chuộc, thời đại của Đấng Thiên sai đưa lại hạnh phúc đời đời cho chúng ta.

Quang cảnh vinh quang của việc Chúa biến hình trên núi đã làm cho các tông đồ sung sướng và vô cùng hạnh phúc. Thánh Phêrô đã thốt lên cảm nghiệm của mình: “Ở đây thì tốt lắm”. Đối với Phêrô, lúc này là lúc hạnh phúc vô cùng không thể nào có. Vì thế ông muốn kéo dài hạnh phúc này, muốn ở lại trên núi luôn bằng cách xin Thầy làm 3 lều. Phêrô muốn kéo dài ước mơ hạnh phúc mãi mãi. “Lều” biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người (Xh 26, 7).

Thời Chúa Giêsu, lều là tượng trưng nơi Thiên quốc, vì thế, Phêrô có cảm tưởng rằng là thời cuối cùng, là thời Thiên quốc đã đến, nên ông muốn ở lại đây mãi mãi để hưởng hạnh phúc.

Tại sao Phụng vụ mùa Chay lại đọc bài Tin mừng Chúa biến hình? Hình như có sự mâu thuẫn? Người tín hữu đang sống bầu khí đau thương của cuộc tử nạn. Nhưng thực sự không có gì mâu thuẫn cả, ta thấy cuộc khổ nạn đau thương và vinh quang phục sinh chỉ là hai mặt không thể tách rời của một thực trạng “Qua thập giá đến vih quang”. Làm như vậy Phụng vị đã đặt đúng ý nghĩa mà các tác giả Nhất Lãm mong muốn. Khổ nhục và vinh quang Thiên quốc là hai dữ kiện xuất hiện trong suốt cuộc đời Chúa Giêsu.

Tóm lại, theo Papias, việc biến hình trên núi là trụ chốt, trung tâm của Tin mừng Marco, Marco đặt yếu tố này quan trọng vì nó là tiền ảnh của biến cố phục sinh và báo trước những gì xảy ra ngày quang lâm. Marco đã đặt trọng tâm vào giữa sách Tin mừng biến cố Chúa biến hình, vì ngay từ đầu Marco muốn nhấn mạnh cho cộng đoàn Giáo hội biết ý nghĩa hiện thực của cuộc đời: cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Qua lời Chúa hôm nay nhắc nhở và đề nghị những thực hành cho người Kitô hữu:

– Khi biến hình, Chúa Giêsu đã được Chúa Cha xác nhận: “Này là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Muốn trở nên con yêu dấu của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải biến hình bằng cách cởi bỏ con người cũ, mắc lấy tinh thần mới của Chúa, thay đổi cuộc sống cũ với những tiêu cực… để sống cuộc sống mới, thánh thiện, đạo đức hơn.

– Các tông đồ gặp Chúa vinh quang trên núi Tabor, các ngài cảm thấy hạnh phúc và muốn ở luôn trên núi. Nhưng rồi Chúa bảo phải xuống núi; lên núi cao để gặp gỡ Chúa; rồi phải xuống núi để chấp nhận đau khổ của bổn phận hằng ngày và làm chứng nhân cho Chúa. Đời người đan kết bằng những vui buồn và sướng khổ, hạnh phúc và bất hạnh, sự sống và sự chết, thành công và thất bại, vinh quang và ô nhục… Nói cách khác đời là con đường thập giá đưa tới vinh quang muôn đời.

“Các con hãy nghe lời Người”. Sống đạo là nghe lời Chúa và đem ra thực hành, đưa lời Chúa vào cuộc sống sẽ đem lại niềm vui, an bình, hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

“Lời Ngài là sức sống của con.

Lời Ngài là ánh sáng đời con,

Lời Ngài làm chứa chan hy vọng,

Là đường để con hằng tiến bước.

Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui,

Trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi.

Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời.

Lời Ngài hạnh phúc cho đời ai”.

    Phúc cho bạn, người đã biết nghe lời Chúa và sống lời Chúa trong cuộc sống hôm nay.

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN