Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 2B MC

Biến Hình trong Đời Thường

Mc 9,2-10(Mc 9,2-10)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Chúa nhật trước, Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, Phụng vụ dẫn chúng ta vào sa mạc để chứng kiến Chúa Giêsu chịu cám dỗ. Chúa nhật hôm nay, chúng ta được mời gọi cùng lên núi để chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình. Hai sự kiện diễn tả hai khía cạnh cuộc đời Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể: trong sa mạc, Chúa thể hiện nhân tính của Người: yếu đuối, mỏng giòn, đói khát; trên núi cao, Chúa tỏ ra thiên tính của Người: cao cả, sáng láng, thánh thiện. Hai nhân vật quan trọng của Cựu ước cũng xuất hiện để đàm đạo với Chúa, kèm theo lời chứng của Chúa Cha: “đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy nghe lời Người”.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta cơ hội nhìn lại đức tin của Abraham, ông phải rời bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” để đi đến một vùng đất ông không hề biết. Nhưng với niềm tin cậy vào Thiên Chúa, ông vội vã thực hiện ngay lệnh Chúa truyền. Đức tin và lòng vâng phục của Abraham trở nên gương mẫu cho tất cả chúng ta noi theo. Bài Tin Mừng mô tả biến cố đáng kinh ngạc trong cuộc đời Chúa Giêsu đó là biến hình trên núi. Các Tông Đồ đã hoàn toàn bị hoảng hồn khi nhìn thấy vinh quang Đức Kitô trong phút giây, và nhất là khi được mạc khải cho biết Thầy của mình là ai: “này là con Ta yêu dấu, hãy nghe Lời Người”.

Biến cố này nói với chúng ta, không chỉ về những giai đoạn thử thách và khổ đau của chúng ta, mà còn về vinh quang tiềm tàng dành sẵn cho chúng ta, với điều kiện là chúng ta luôn luôn đi theo con đường của Chúa với một niềm tin tưởng cậy trông, không bao giờ ngã lòng thất vọng. Tuy nhiên trong đời sống, với những yếu hèn tội lỗi, chúng ta hay đánh mất niềm tin và lòng trông cậy vào Chúa mỗi khi bị thử thách.

Chúa Giêsu tỏ lộ vinh quang của Người cho ba môn đệ trên một ngọn núi ở Galilê. Nhưng trước khi đạt tới vinh quang Phục Sinh, Chúa Giêsu phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa, trải qua những thử thách đau khổ trong cuộc thương khó. Các môn đệ chứng kiến cuộc biến hình cũng được Chúa Giêsu nhắc nhở rằng các ông chỉ được phép nói về biến cố này sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Họ chỉ hiểu được vinh quang của Chúa Giêsu khi chứng kiến cuộc khổ hình và sự phục sinh của Người. Chúa Giêsu chiến thắng sự chết và tội lỗi bằng chính hiến tế của mình trên thập giá. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì nhờ kế hoạch của Ngài và tình yêu hiến tế của Chúa Giêsu mà chúng ta hưởng nhận ơn cứu độ.

Ngay sau khi tiên báo lần thứ nhất về cuộc thương khó cho các môn đệ (x. Mt 16,21), Chúa Giêsu biểu lộ cách công khai về vinh quang Phục Sinh của Người cho Phêrô, Gioan và Giacôbê trên một ngọn núi cao ở Galilê. Trong cuộc biến hình này, Thiên Chúa Cha mặc khải căn tính đích thực của Chúa Giêsu: “có tiếng từ đám mây phán rằng: đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.

Hình ảnh của Môsê và Êlia xuất hiện bên cạnh và đàm đạo với Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa. Hôm nay Đức Giêsu tỏ lộ căn tính của mình cho các môn đệ như Môsê được Thiên Chúa mặc khải cho biết căn tính của Ngài trên núi Sinai và ngôn sứ Êlia cũng được Thiên Chúa tỏ lộ căn tính của mình trên núi Khôrếp qua một cơn gió thoảng nhẹ (x. 1 V 19,9-18).

Hình ảnh Môsê và Êlia đứng bên cạnh Chúa Giêsu muốn nói lên rằng Chúa Giêsu là Đấng mà Lề Luật và các ngôn sứ nói đến. Người là Đấng hoàn tất lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Hơn nữa, qua cuộc biến hình của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn truyền đạt cho các môn đệ một sứ điệp quan trọng đó là “các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Tất cả những Lề Luật và lời các ngôn sứ giờ đây được hội tụ nơi Chúa Giêsu. Vâng nghe lời Chúa Giêsu là vâng nghe thánh ý Thiên Chúa. Hãy đem lời Chúa Giêsu vào trong cuộc sống. Việc Chúa Giêsu cho các môn đệ cảm nghiệm cuộc biến hình và vinh quang là để chuẩn bị cho các môn đệ về cuộc thương khó của Người tại Giêrusalem. Chúa Giêsu phải trải qua đau khổ để bước vào vinh quang Phục Sinh. Chính vì thế, Người cấm các môn đệ nói về kinh nghiệm biến hình trước khi Người phục sinh.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Người trở nên hoàn toàn giống chúng ta – ngoại trừ tội lỗi. Qua mầu nhiệm nhập thể, Người “biến hình” để trở nên giống như người trần thế. Trên núi cao, khi Chúa “biến hình” lại là lúc Chúa trở về tình trạng thiêng thánh nguyên thuỷ. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu đang “biến hình” giữa chúng ta.

Quả thế, chúng ta đâu có nhìn thấy Người bằng con mắt thể lý. Chúa hiện diện qua Lời Chúa, qua cộng đoàn cầu nguyện, qua người nghèo khổ và nhất là trong Bí Tích Thánh Thể. Chúa đang biến hình trong đời sống của chúng ta. Mùa Chay là thời điểm giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện, để chúng ta gặp gỡ Người. Thánh Phaolô nhắc chúng ta hãy nhận ra Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha. Người là Đấng tiêu diệt thần chết và đang hiện diện giữa chúng ta (Bài đọc II).

Hôm nay Chúa vẫn đang nói với chúng ta những điều ấy. Đừng sợ trước thân phận yếu hèn và tội lỗi, hãy trở về với Chúa vì Chúa bao dung nhân từ. Đừng sợ khi giúp đỡ anh chị em bất hạnh cô thế, cô thân, vì Chúa sẽ thưởng cho lòng quảng đại rộng rãi của chúng ta. Đừng sợ trước những bất ổn của cuộc ống do bạo lực, cạnh tranh và chia rẽ, vì Chúa hiện diện giữa cuộc đời. Người là Đấng đang biến hình giữa chúng ta.

Mùa Chay là dịp để chúng ta thức tỉnh trở về qua việc thống hối ăn năn, và quyết tâm đổi mới cuộc sống của mình ngày càng nên hoàn thiện hơn.[1]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúng ta vừa nghe thánh Marcô thuật lại quang cảnh hiển dung của Chúa Giêsu trên núi Tabor. Sự Biến Hình của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa:

1.Đây là một điều thật quí báu cho Chúa Giêsu

Chúa Giêsu đã quyết định lên Giêrusalem và quyết định ấy có nghĩa là phải đối diện và chấp nhận Thập Giá. Người cần biết cách tuyệt đối rằng mình đã quyết định đúng trước khi tiếp tục dấn bước trên con đường khổ giá. Trên đỉnh núi, Người đã nhận ra quyết định của Người.

Êlia và Môsê đã đến gặp Chúa Giêsu: Môsê là nhân vật tối cao đã ban bố Lề Luật cho dân Israel. Êlia là vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong các ngôn sứ. Khi hai nhân vật lỗi lạc đó hội kiến với Chúa Giêsu, có nghĩa là nhà ban bố lề luật vĩ đại nhất và vị ngôn sứ lỗi lạc nhất đã nói với Chúa Giêsu rằng “xin cứ tiến lên”. Nó có nghĩa là hai vị thấy nơi Chúa Giêsu hoàn thành tất cả những gì họ đã từng mong đợi. Nó cũng có nghĩa là họ thấy nơi Chúa Giêsu tất cả những gì mà lịch sử vẫn trông chờ từ lâu và đã hướng về đó với hy vọng tròn đầy. Dường như chính lúc đó Chúa Giêsu được bảo đảm rằng Người đang đi đúng đường, vì cả lịch sử đều dẫn đến Thập Giá.

2.Đây là một điều quí báu vô cùng cho các môn đệ của Chúa Giêsu

Các môn đệ đang bị tan nát cõi lòng khi nghe Chúa Giêsu khẳng định rằng Người sắp phải lên Giêrusalem để chịu chết. Điều này dường như đã thiêu hủy tất cả những gì họ được biết về Đấng Mêsia. Các môn đệ đang bối rối, ngẩn ngơ, kinh ngạc, chẳng hiểu sự việc thế nào. Những việc xảy ra chẳng những khiến họ rối trí mà còn khiến họ đau lòng.

Những gì đã thấy trên núi cao cho họ một cơ hội để bám lấy Chúa Giêsu ngay cả khi họ chẳng hiểu gì. Cho dù có Thập Giá hay không, họ vẫn được nghe chính tiếng nói của Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là “Người Con Yêu Dấu”. Nó khiến các môn đệ trở thành các chứng nhân cho vinh quang của Chúa Giêsu vì chính họ đã được thấy vinh hiển của Người.

3.Biến Hình trên núi làm các ông hân hoan, không muốn xuống núi…

Biến Hình trên núi làm các ông hân hoan, không muốn xuống núi, vì trên núi hạnh phúc hơn cuộc sống đời thường… nhưng phải xuống núi. Hiểu được điều đó nên Susanna Wesley đã có lời cầu nguyện “Lạy Chúa, xin giúp con nhớ rằng đạo không chỉ hạn hẹp trong nhà thờ hay trong cầu nguyện, suy ngẫm, mà là ở khắp mọi nơi trước nhan Chúa”.

Nhà tâm lý học Abraham Maslow kể lại câu chuyện một người mẹ trẻ như sau: “vào một buổi sáng nọ, cô sửa soạn bữa sáng cho gia đình. Nhà bếp chan hòa ánh sáng, những đứa con của cô đang cười đùa vui vẻ, và chồng cô đang đùa giỡn với đứa con út. Trong khi cô đang trét bơ trên bánh và rót nước cam, ngay lúc đó, cô cảm thấy tràn trề niềm vui sướng và yêu thương trong gia đình. Rưng rưng nước mắt, cô đã cảm động đến nỗi không thể nói lên lời.”

Maslow gọi lúc đó là “giây phút tột đỉnh”. “Giây phút tột đỉnh” là thời khắc ngắn ngủi quí báu làm chúng ta nhìn thấy những biến cố thông thường cách siêu thường. Nó là giây phút giống như là Thiên Chúa chiếu ánh sáng của Ngài vào những sự vật chung quanh chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình đang nhìn thấy một thế giới khác. Ý tưởng về “giây phút tột đỉnh” giúp chúng ta hiểu được phần nào những gì mà Phêrô, Giacôbê và Gioan đã cảm nghiệm trong bài Phúc Âm hôm nay.

Các ngài đã cảm nghiệm được những “giây phút tột đỉnh”

Chỉ trong một mấy phút quí báu, các ngài đã thấy được Chúa Giêsu trong một hình thức

hoàn toàn khác biệt. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy Thiên Chúa chiếu rọi qua con người bề ngoài của Chúa Giêsu. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã nhìn thấy một thế giới vượt trên thế giới này. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy từ ngoại diện của Chúa Giêsu đến những  gì bên trong nội diện: Con Thiên Chúa sáng láng và vinh hiển. Đó chính là  mục đích của việc Chúa Giêsu hiển dung trên núi cao. Tuy nhiên trong cuộc đời Chúa Giêsu cũng có mặt sáng mặt tối.

Mặt tối là đêm Vườn Cây Dầu đau thương ảm đạm; mặt sáng là cuộc biến hình sáng

  láng trên núi cao. Nếu các môn đệ chỉ nhìn thấy mặt mặt u ám của đêm Vườn Cây Dầu, lúc Chúa Giêsu bộc lộ nhân tính của mình, tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp tới đến nỗi phải đổ mồ hôi máu và phải van lơn cầu khẩn với Chúa Cha xin cho khỏi uống chén đắng (Lc 22, 41-44)… mà không thấy được mặt sáng láng của Người trên núi cao, thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng. Và biết đâu, các ông đã bỏ đi hết, thì lấy ai làm nhân chứng cho biến cố phục sinh! Lấy ai loan báo Tin Mừng Cứu Độ?  Vì thế, Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy mặt sáng của Người trước, qua việc tỏ cho các ngài thấy dung mạo sáng láng vinh hiển của Người, tỏ cho các ngài thấy Người là “Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha” để động viên tinh thần các ông khỏi sa sút, thất vọng trong đêm Vườn Cây Dầu sắp đến.

Sự kiện Chúa Giêsu tỏ cho ba môn đệ thân tín cảm nhận thời khắc vinh hiển của Người

trên núi cao để chuẩn bị tinh thần các ông đương đầu với thời khắc đen tối của Người

trong đêm khổ nạn.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ vinh quang trên núi cao để củng cố đức tin cho các môn đệ khi họ gặp gian truân thử thách. Xin Chúa cũng nâng đỡ đức tin non yếu của chúng con để chúng con tin tưởng rằng: nếu cùng với Chúa vượt qua mọi khó khăn hôm nay thì chắc chắn cũng được chung phần vinh quang phục sinh với Chúa. Amen

  Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Xem thêm

T2Tuan34TNB

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  TOẢ SÁNG “Bà này túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những …