Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa nhật I mùa Vọng, năm A, của Trầm Thiên Thu

Suy Niệm Tin Mừng Chúa nhật I mùa Vọng, năm A, của Trầm Thiên Thu


MIỀN MONG CHỜ

Mong chờ là khoảng kỳ lạ, có thể vui hoặc buồn, nhưng luôn có sự bồi hồi và thắc thỏm. Hy vọng càng nhiều thì nỗi khắc khoải càng khó tả, đặc biệt là khoảng mong chờ tâm linh!

mien-mong-choMong chờ là khoảng-gần-xa

Đêm ngày vọng Đức Kitô giáng trần

Giao hòa Chúa với tội nhân

Dây Tình-Yêu-Chúa kết liên Đất Trời

Xin mau đến, lạy Ngôi Hai

Cho trần gian sống những ngày bình an

Mùa Vọng là Mùa Xuân Tâm Linh, khởi đầu Năm Phụng Vụ mới. Mùa Vọng mang sắc tím chờ đợi, nhưng màu tím này không buồn thảm mà tràn trề niềm hy vọng.

Khoảng mong chờ là khoảng hy vọng, và luôn là khoảng thời gian dài nhất, dù thực tế thời gian không biến đổi. Khoảng mong chờ có yếu tố tâm lý, niềm hy vọng càng nhiều và càng cao thì càng thấy lâu. Những khoảng mong chờ nối tiếp nhau trở thành “điệp khúc mong chờ”.

Chúng ta phải chuẩn bị đón Chúa cả đời chứ không riêng mùa nào. Tuy nhiên những mùa và những dịp đặc biệt nhắc nhở chúng ta lưu ý nhiều hơn về “khoảng mong chờ” của mình. Mùa Vọng, Mùa Chay, Mùa Cầu Hồn,… nhưng các biển báo trên đường đời, và là những “cột mốc” nhắc nhở chúng ta trên đường lữ hành trần gian này. Khi mong chờ thì phải sẵn sàng và biết chuẩn bị chu đáo.

CHUẨN BỊ KHI MONG CHỜ

Kinh thánh cho biết điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giêrusalem: Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi (Is 2:1-3a). Họ vui mừng nhắn nhủ nhau: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ. Vì từ Sion, thánh luật ban xuống, từ Giêrusalem, lời Đức Chúa phán truyền. Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường!” (Is 2:3b-5).

Những động thái chuẩn bị ráo riết. Ai cũng háo hức, bồn chồn, trông ngóng,… Nhân loại đau khổ vì đã phạm tội đối nghịch với Thiên Chúa, bị vòng kim cô của ma quỷ kiềm chế và bị tội lỗi điều kiển. Vì thế mà nhân loại rất cần Thiên Chúa đến giải thoát, càng mau càng tốt. Khoảng mong chờ này rất da diết, niềm hy vọng này rất mạnh và rất cao.

Với tâm trạng háo hức trong khi mong chờ, tác giả Thánh vịnh hồ hởi bày tỏ: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!” (Tv 122:1). Vâng, còn gì vui hơn khi đang mong ngón mà lại nhận được tin vui như thế. Hạnh phúc đã hiện thực: “Giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân. Giêrusalem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn. Từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh Chúa, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en. Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đa-vít” (Tv 122:2-5).

Mình cảm thấy vui mừng khi tận hưởng hạnh phúc thì cũng muốn chia sẻ: “Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt, tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn, lâu đài dinh thự mãi an ninh. Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng: ‘Chúc thành đô an lạc’. Nghĩ tới đền thánh Chúa, Thiên Chúa chúng ta thờ, tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô!” (Tv 122:6-9). Chia sẻ hạnh phúc không phải để khoe khoang mà thật lòng muốn người khác cũng được hạnh phúc, vì hạnh phúc đó là hồng ân Chúa, không thể không chia sẻ.

GIỜ ĐÃ ĐIỂM

Thánh Phaolô nói: “Anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo” (Rm 13:11). Thời gian cứ trôi dần, tưởng chậm mà nhanh, cũng đồng nghĩa với ơn cứu độ đến gần hơn. Gần tới mức chúng ta cảm thấy bất ngờ: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13:12). Giờ G đã điểm, không ai có thể ngồi bất động!

Hành động bằng cách nào? Thánh Phaolô cho biết: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13:14). Nói “mặc lấy Đức Kitô” thì dễ, nhưng hành động thì không hề đơn giản, vì “tính xác thịt” dữ dội lắm. Ai cũng có tự ái, không ráng “đè” nó xuống thì khó mà chứng tỏ mình đang mong chờ Chúa. Phải cố gắng thực sự “mặc lấy Đức Kitô” trong khi chờ đợi thì mới có thể luôn sẵn sàng chiến đấu, bất cứ lúc nào và nơi nào.

Chờ lâu có thể khiến người ta mất kiên nhẫn, chán nản, rồi khinh suất, thậm chí lại có thể hư thân, mất nết, sa đà theo vết xe cũ. Cuộc đời thường như thế, vì con người yếu đuối, dễ theo cái xấu – như xe xuống dốc, và khó theo cái tốt – như xe leo dốc. NÓI bao giờ cũng dễ hơn LÀM. Cổ ngữ nói rằng “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” kia mà. Ai cũng nói hay, nói giỏi, nói khéo, thế nhưng có làm được hay không mới là vấn đề. Coi chừng chỉ “nổ” hoặc “chảnh” thì nguy to. Nguy cho chính mình chứ chẳng nguy tới ai. Nó như loại vũ khí boomerang của thổ dân Úc vậy, như người Việt nói là “gậy ông đập lưng ông” vậy.

Đỉnh cao trong chuỗi mong chờ là thời điểm Chúa Giêsu quang lâm. Động từ được diễn tả ở thì tương lai gần: Sắp đến. Nhưng “sắp đến” mà đã hơn hai ngàn năm rồi thì sao? Đã nhiều lần người ta xôn xao, thậm chí là rúng động, khi nghe các “tiên tri dỏm” dự đoán ngày này hoặc ngày nọ sẽ tận thế – ví dụ: Ngày 12-12-2012 và 12-12-2014. Nhưng rồi tất cả cũng đã qua đi, dòng đời vẫn trôi bình thường. Và như thế, có thể người ta đang không muốn tin là sẽ có ngày tận thế. Tuy nhiên, người ta lại quên rằng: Không phải Chúa Giêsu nói đùa cho vui, mà vì Thiên Chúa còn thương xót nhân loại, muốn trì hoãn, muốn kéo dài thời gian để người ta kịp ăn năn. Thật vậy, thời gian là sự chịu đựng của Thiên Chúa, là lúc Ngài “ăn xin” sự ăn năn của chúng ta!

Hơn hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Thời ông Nô-ê thế nào thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy” (Mt 24:37-39). Ngày nay, rõ ràng người ta cũng vẫn đang hành động chẳng khác chi thời ông Nô-ê. Con tàu định mệnh ngày ấy được “ghi dấu” trong lịch sử nhân loại, người ta cũng đã tìm thấy con tàu đó, chứng tỏ là sự thật, và nó cũng vẫn còn trong ký ức của mọi người, thế nhưng có lẽ người ta chỉ coi đó là một “kỷ niệm buồn” mà thôi!

Trời nắng chang chang, đất khô nứt nẻ, xung quanh chẳng có dòng suối hoặc con sông nào, chứ nói chi tới biển, thế mà ông Nô-ê lại đi đóng tàu, mà lâu nay dòng họ ông có ai là ngư dân đâu. Kỳ cục hết sức, đúng là lão già này điên thật! Kẻ chê, người trách, không ít người cho rằng ông già Nô-ê “chạm mạch” mất rồi. Việc ông phải làm thì ông cứ làm, vì là lệnh truyền của Đức Chúa. Thiên hạ ngứa miệng thì cứ chê trách và nguyền rủa. Đùng một cái, mưa như trút, nước dâng cao hơn cả lũ lụt miền Trung tại Việt Nam hồi tháng 10-2016. Càng ngày nước càng dâng cao, mà mưa cứ đổ xuống liên tục cả tuần lễ. Thiên hạ chợt nhận ra mình mới là kẻ ngu, ông Nô-ê thế mà khôn thật. Nhưng tất cả đã muộn rồi!

Thật vậy, nước đến chân mới nhảy thì không thể nào kịp. Và chính Chúa Giêsu đã nói rạch ròi đến từng chi tiết: “Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24:40-44). Ngài so sánh bằng hình ảnh rất cụ thể, thực tế và dễ hiểu. Chúa Giêsu đã xác định như vậy thì đừng dại dột mà “mềm lòng” nghe bất kỳ ai nói ngày nào đó tận thế hoặc Chúa Giêsu tái lâm. Ngài bảo “phải canh thức” tức là chẳng ai có thể biết lúc nào Ngài đến.

Khi mong chờ Chúa Giêsu, chúng ta hãy cố gắng tự nhủ sống theo “quy ước thánh đức” này của Dòng Đa-minh: “Cum Deo Aut De Deo – Nói Với Chúa và Nói Về Chúa. Chắc chắn đó là cách “tỉnh thức” và “sẵn sàng” theo đúng Ý Chúa, là sống tinh thần Mùa Vọng, tất nhiên Ngài rất vui lòng, và chắc chắn Ngài sẽ chúc lành cho chúng ta.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết tỉnh thức mà sẵn sàng chờ đón Con Chúa đến, dù sáng sớm, giữa trưa, chiều tối hoặc nửa khuya. Nhờ vậy mà chúng con xứng đáng được Con Chúa xót thương cho bước theo Ngài vào Nước Trời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …