Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật I Mùa Chay, năm B, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật I Mùa Chay, năm B, của Trầm Thiên Thu

CÂY CUNG TÌNH THƯƠNG

[Chay - CN I-B] CÂY CUNG TÌNH THƯƠNG [1]Theo nghĩa Kinh Thánh, “giao ước là thỏa thuận giữa hai bên, được thiết lập và đóng ấn bằng một lễ nghi công khai và long trọng”. Trong giao ước, mỗi bên được hưởng một số quyền lợi và phải thi hành một số bổn phận. Ví dụ: khi mua căn nhà, sau khi hai bên đã thỏa thuận với nhau về các điều kiện, bổn phận của người mua là phải trả tiền và quyền lợi của họ là được làm chủ căn nhà đó.

Theo phong tục của các dân sống tại Thánh Địa xưa, người ta đóng ấn giao ước bằng nghi thức sát tế một con vật, rồi phân thây con vật ấy thành hai phần và đặt dưới đất. Sau đó, đại diện hai bên lần lượt đi ngang qua giữa hai phần con vật bị phân đôi ấy, ngụ ý quyết tâm thi hành giao ước và sẵn sàng chịu cùng một số phận như con vật bị giết nếu vi phạm thỏa ước (St 15:7-20; Gr 31:31; Gr 34:18-22). Một hình thức khác để đóng ấn giao ước là dùng máu con vật bị sát tế để rẩy lên hai bên thiết lập giao ước (Xh 24:1-6). Một trong các giao ước là Chiếc Cầu Vồng, Thiên Chúa gọi nó là “cây cung” (St 9:13-14).

Trong cuộc sống đời thường, có những lúc trời mưa to và gió lớn, khiến chúng ta sợ hãi, càng sợ hãi hơn nếu chúng ta ở gần biển khi trời chuyển mưa, nhìn cảnh tượng thật hãi hùng và thấy mình quá nhỏ bé! Nhưng mỗi khi nhìn thấy cầu vồng 7 sắc, chúng ta cảm thấy an tâm và vui mừng. Vui mừng không chỉ biết chắc rằng giông tố đã qua mà còn vui mắt với màu sắc đẹp đẽ và lộng lẫy tạo thành vòng bán nguyệt kỳ diệu. Đặc biệt là khi đó chúng ta hạnh phúc nhớ lại giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập từ ngàn xưa, sau “thiên tai” Đại Hồng Thủy.

Tác giả sách Châm Ngôn nức lòng ca tụng cây cung Cầu Vồng: “Hãy ngắm cầu vồng mà chúc tụng Đấng làm ra nó, nó thật là xán lạn huy hoàng, uốn quanh bầu trời thành vòng cung rực rỡ; chính tay Đấng Tối Cao đã giăng lên” (Cn 43:11-12).

GIAO ƯỚC ĐƯỢC THIẾT LẬP

Giao ước là lời hứa của Thiên Chúa, mà lời hứa của Ngài sẽ không bao giờ sai. Ngài nói với ông Nô-ê và các con ông: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú” (St 9:8-10). Ngài không chỉ lập giao ước với nhân loại chúng ta mà còn lập giao ước với cả những thú vật ở với chúng ta. Giao ước đó là: “Mọi xác phàm sẽ không còn bị hồng thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không còn hồng thủy tàn phá mặt đất nữa” (St 9:11). Tuyệt vời quá!

Thiên Chúa biết chúng ta đa nghi nên Ngài đã tạo “ấn tín” về giao ước ấy đặt giữa Ngài với nhân loại, và với mọi sinh vật ở với chúng ta, cho đến muôn thế hệ mai sau, bằng cách chỉ rõ dấu hiệu: “Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất” (St 9:13). “Cây cung” mà Chúa đã “gác lên mây” đó chính là chiếc cầu vồng 7 sắc, là “vòng cung hồng ân”, là “cây cung tình thương”. Bất kỳ khi nào “cây cung” đó xuất hiện trong mây, Thiên Chúa sẽ “nhớ lại giao ước xưa đã được thiết lập với chúng ta và mọi sinh vật” (St 9:15), nghĩa là nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa. Giao ước ấy lung linh sắc màu phản chiếu ánh hồng ân của Thiên Chúa.

Ôi, chúng ta chỉ là phế phẩm, rơm rác, cát bụi, tro tàn, thế mà Thiên Chúa vẫn nâng niu và hết lòng yêu thương. Là phàm nhân yếu đuối, chỉ lơ là trong tích tắc thì chúng ta sẽ sa ngã và bất trung với Ngài ngay, thế nên chúng ta luôn phải cảnh giác cao độ và liên lỉ cầu xin: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con” (Tv 25:4-5a). Cầu xin như vậy không chỉ là khôn ngoan mà còn là bổn phận của chúng ta luôn phải “sớm hôm cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 25:5b).

Thiên Chúa đại lượng và nhân từ nên luôn “nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu mà Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời” (Tv 25:6). Ai cũng đã từng sai lầm, nhất là khi người ta còn trẻ. Càng thêm tuổi, người ta càng “giật mình” và sợ hãi khi quay đầu nhìn lại một thời quá khứ: “Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (Tv 25:7). Tấm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi chứ chẳng hiền từ gì đâu!

Thế mà chúng ta lại rất thường xuyên ảo tưởng, thật ra “chúng ta không đến với ân sủng, mà ân sủng đến với chúng ta” (M. Scott Peck). Đó là điều không dễ hiểu đối với chúng ta – những tội nhân khốn kiếp. Tuy nhiên, Thiên Chúa không hẹp hòi như chúng ta, vì “Ngài là Đấng nhân từ chính trực”, sẵn sàng “chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, và dạy cho biết đường lối của Ngài” (Tv 25:8-9).

Thiên Chúa “cho” nhiều mà không “đòi” gì ở chúng ta, Ngài muốn chúng ta thực hành điều này hay điều nọ là vì ích lợi cho chúng ta, chứ không phải là Ngài “đòi” chúng ta trả ơn, vì ngay cả “việc chúng ta ca tụng Chúa cũng không thêm gì cho Ngài mà chỉ đem lại ơn cứu độ cho chính chúng ta” (Kinh tiền tụng). Chúng ta cho ai cái gì, thậm chí chỉ là “phần thừa”, thế mà chúng ta đã vội lên mặt và kể công, còn nhận hoặc mượn ai cái gì thì chúng ta chỉ muốn “xù” thôi. Thật quá đáng lắm! Thiết nghĩ chúng ta nên ghi nhớ lời của Chúa Giêsu: “CHO thì có phúc hơn là NHẬN” (Cv 20:35). Theo ý tưởng đó, Elizabeth Bibesco nhắn nhủ: “Phúc thay ai CHO mà không nhớ, NHẬN mà không quên”.

GIAO ƯỚC VỚI HỆ LỤY

Cái gì cũng có “điều kiện” riêng. Thiên Chúa nhân từ “ký” giao ước với nhân loại, chắc chắn nhân loại cũng phải “biết điều” mà sống sao cho xứng đáng với lòng thương xót Ngài đã dành cho. Đó là trách nhiệm, là bổn phận, là hệ lụy tất yếu theo sự công bằng.

Ấy vậy mà nhân loại thật tồi tệ! Thiên Chúa đã yêu thương, tha thứ và lập giao ước với chúng ta, thế nhưng chúng ta vẫn cứng lòng và ngang ngược, dám thách thức với cả Thiên Chúa. Vậ mà Ngài vẫn kiên tâm chịu đựng, và cuối cùng đã sai chính Con Trai yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến làm người và chịu chết thay chúng ta. Thánh Phêrô nói: “Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi, Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Ngài đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Ngài đã được phục sinh” (1 Pr 3:18).

Đức Kitô còn “đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước” (1 Pr 3:19-20). Tám người đó đại diện nhân loại, nếu nhân loại biết sám hối và tín thác vào lòng thương xót của Đức Kitô thì tất cả đều được cứu độ.

Tại sao có Đại Hồng Thủy? Bởi vì Thiên Chúa buồn vì loại phàm nhân cũ, và Ngài muốn đổi mới địa cầu để có loại phàm nhân mới. Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng” (St 6:6).

Thuở xưa, nước của trận Đại Hồng Thủy đã “rửa sạch” địa cầu, và “nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát chúng ta” (1 Pr 3:21a). Thánh Phêrô giải thích: “Lãnh nhận phép rửa không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô” (1 Pr 3:21b). Nước thật kỳ lạ, không thứ gì mềm bằng nước mà cũng không thứ gì mạnh bằng nước. Nước cũng rất cần trong sinh hoạt hằng ngày, người ta có thể nhịn đói vài ngày mà không chết, nhưng thiếu nước thì… chết sớm!

Còn nữa, nước cũng là biểu hiện của Chúa Thánh Thần – là Thánh Linh, là Thần Khí. Nói chung, Chúa Thánh Thần hiện thân trong những thứ mềm nhất: Nước, Lửa, và Gió. Nhưng chính những thứ có vẻ mềm yếu nhất lại là những thứ mạnh mẽ nhất, đến nỗi không gì có thể cưỡng lại được!

Một khi Chúa Thánh Thần đã tác động thì mọi thứ đều biến đổi mau chóng. Chúa Giêsu được Thần Khí thúc đẩy “vào hoang địa, ở đó 40 ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Ngài” (Mc 1:12-13). Đức Giêsu đã tĩnh tâm, trai tịnh và cầu nguyện nhiều trước khi “đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (Mc 1:14). Chúa Giêsu còn làm như vậy huống chi chúng ta, nghĩa là cuộc đời chúng ta cũng phải theo quy trình của Ngài – vì Ngài là Chúa, là Sư phụ, là Đại huynh của mỗi chúng ta.

Muốn làm gì, dù điều nhỏ mọn, chúng ta cũng phải thành tâm cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn rồi mới hành động: Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì mới là hành động. Thật ý nghĩa khi Giáo hội dạy chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Sáng Soi: “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”.

Khi hành động, chắc chắn chúng ta có thể sẽ gặp nhiều trở ngại, bị chống đối, bị ghen ghét, thậm chí là bị hại. Chúng ta là tôi tớ nên không thể hơn chủ (x. Ga 13:16 & 20). Tất nhiên thôi! Mà chính Chúa Giêsu còn bị chê lên chê xuống thì chúng ta chẳng là gì mà không bị người này chê bôi, kẻ nọ trách móc. Ngài biết vậy nên luôn thông cảm và luôn đồng hành với chúng ta. Và rồi Ngài cảnh báo: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh chị em hãy SÁM HỐI và TIN vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Sám hối và tin tưởng là hai động từ liên quan lẫn nhau, như điều kiện “ắt có và đủ” để được cứu độ, đồng thời cũng là hệ lụy của giao ước, tức là bổn phận và trách nhiệm mà chúng ta phải hoàn tất trước khi được hưởng Ơn Cứu Độ.

Ngày xưa, Thiên Chúa từ đám mây đã nói với ông Mô-sê: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông” (Xh 34:6-7). Đó là lời hứa và cũng kèm theo trách nhiệm của chúng ta, những người được Thiên Chúa ký kết giao ước thánh.

Lạy Thiên Chúa từ nhân, xin cảm tạ Ngài về các giao ước mà Ngài đã thiết lập vì thương xót chúng con. Nguyện xin Thần Khí Chúa không ngừng biến đổi chúng con để chúng con đủ sức kiên tâm chịu đựng với niềm tín thác tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …