(St 9, 8-15; 1Pr 3, 18-22; Mc 1, 12-15)
“Đức Giêsu chịu Satan cám dỗ,
và các Thiên Sứ hầu hạ Người”
Tin mừng Marco 1, 12-15:
Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Sa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giêsu đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Suy niệm:
Biến cố của Đức Giêsu vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày được Tin mừng Nhất Lãm thuật lại. Thánh sử Matthew và Luca thuật lại nhiều chi tiết về việc Chúa Giêsu bị cám dỗ về danh-lợi-thú và Đức Giêsu đã chiến thắng satan. Thánh sử Marco ghi lại thật vắn tắt nhưng rất sống động: “Người ở trong hoang địa 40 ngày, bị satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các Thiên Sứ hầu hạ Người!
Tường thuật Tin mừng của thánh Marco trong Chúa nhật I Mùa Chay có 2 nội dung chính:
– Chúa Giêsu chịu cám dỗ để nói lên lòng trung tín của Người đối với sứ mệnh Chúa Cha trao phó.
– Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin mưng Nước Thiên Chúa để nói lên sứ mạng cứu thế của Người ở trần gian.
Chia sẻ thân phận làm người, Đức Giêsu chấp nhận mọi cám dỗ như chúng ta. Việc Chúa Giêsu vào sa mạc cầu nguyện ăn chay và bị satan cám dỗ là do ý Thiên Chúa “Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào trong hoang địa và chịu cám dỗ”. Điều này cũng nói lên việc Chúa đã chiến đấu với satan bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần để nêu gương cho tất cả mọi người chúng ta.
Biến cố Chúa chịu ma quỷ cám dỗ gợi lại chuyện ở vườn địa đàng năm xưa: Ađam và Evà đã quỵ ngã trước sự cám dỗ của ma quỷ. Dân Do Thái trong sa mạc cũng bị cám dỗ “thờ bò vàng”. Họ cũng đã thua cuộc và chiều theo cám dỗ của ma quỷ. Trước khi phạm tội chống lại Thiên Chúa, Adam Evà sống trong tương quan thân mật, hài hòa với Thiên Chúa. Hai ông bà sống an bình hạnh phúc với Thiên Chúa.
Sau khi chiến thắng satan, thánh Marco ghi nhận “Đức Giêsu sống chung với dã thú và các thiên thần hầu hạ Ngài”. Điều này nói lên tình trạng thư thái an bình trong một thế giới mới mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập, nơi đó con người được giao hòa với Thiên Chúa và toàn thể vũ trụ vạn vật. Thế giới này được các tiên tri loan báo. “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm chung với dê… Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục” (Is 11, 6-7). Đó là thế giới của thời đại Đấng Thiên Sai.
Kết thúc 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện nơi hoang địa. Đức Giêsu bắt đầu sống cuộc đời công khai loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa. Ngài kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng. Đó là điều kiện cần thiết để được hội nhập vương quốc của Chúa, trở thành công dân trong Nước Trời.
“Sámhối” là quay trở về với Thiên Chúa, từ bỏ cuộc sống tội lỗi để biến đổi thành con người mới, sống cuộc sống mới trong tương quan hài hòa với Thiên Chúa và anh em. “Hãy sám hối” mang ý nghĩa mời gọi và chất vấn, đòi hỏi người nghe phải có sự chọn lựa dứt khoát để quyết định số phận của mình.
– “Tin vào Tin mừng”. Tin mừng là tin vui giải thoát từ trời đem xuống cho con người nhận ra Thánh ý Thiên Chúa. Tin mừng đó chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Tin vào Tin mừng là tin vào Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa đã đến trần gian cứu độ nhân loại.
Khởi đầu mùa chay, Giáo hội muốn dùng bài Tin mừng này để nhắc nhở chúng ta:
+ Muốn tham dự vào Nước Trời, cần phải ăn năn sám hối và phải xác tín mạnh mẽ vào Chúa Giêsu và quyết tâm thực hành những điều mà Người dạy. Bởi vì tất cả đều là tội nhân, để được Chúa thứ tha cần phải ăn năn sám hối. Như thế chúng ta phải bắt đầu lại mỗi ngày để đổi mới cuộc sống mỗi ngày, sống Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, sống đức tin vững mạnh vào Chúa.
+ Chúa Giêsu đã mang tất cả những điều kiện nhân sinh của con người, Ngài chịu ma quỷ cám dỗ… Ai cũng bị ma quỷ cám dỗ. Cám dỗ theo sát cuộc sống con người dưới nhiều hình thức khác nhau, thiên hình vạn trạng. Bao lâu còn sống ở đời, chúng ta còn phải thử thách, đau khổ và cám dỗ. Ông Giob có lý khi nói rằng: “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”. Cuộc đời là cuộc chiến đấu không ngừng với ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt. Cám dỗ chưa phải là tội, nhưng chỉ khi nào chúng ta ưng thuận làm theo cám dỗ mới có tội. Cám dỗ là những cơ hội thử thách để tôi luyện lòng trung thành của ta đối với Chúa. Khi chiến thắng cơn cám dỗ là lúc chúng ta lập công phúc và khiêm tốn hơn để cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.
Sống trong xã hội với nền kinh tế thị trường, nhiều tiện nghi, phong phú về vật chất, nhiều phương tiện giải trí… thì càng nhiều cám dỗ. Người, vật, nơi chốn đều có thể trở nên cơn cám dỗ cho chúng ta: quán cà phê, bia ôm, những tụ điểm vui chơi không lành mạnh, quán đèn mờ, trang web thiếu lành mạnh, những cuộc gặp gỡ nam nữ bất chính, phim ảnh xấu… Tất cả đều là những cám dỗ cho ta. Nếu ta không khôn ngoan, thì khó có thể thoát khỏi cơn cám dỗ của satan.
Để chiến thắng ma quỷ và những cơn cám dỗ, chúng ta noi gương Đức Giêsu luôn chiến đấu nhờ sức mạnh của thần khí, nhờ lời Chúa, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.
LM Giuse Nguyễn Văn Nam