Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật I Chay, năm C, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật I Chay, năm C, của Trầm Thiên Thu

Đấu Trí

??????????????????????????????????????????????????????????

Đấu trí cũng là một dạng đấu lý, dùng các lý lẽ để đối đáp với nhau, lý luận lẫn nhau. Người lý luận cần nhanh trí, lý luận sâu sắc và rạch ròi. Tuy nhiên, phải biết người biết ta, chứ đừng dại mà lấy trứng chọi với đá, và thật khốn cho ai dám giơ chân đá lại mũi nhọn (x. Cv 26:14).

Ngu dốt thì bị khinh, thông minh thì bị ghét. Thế nhưng lĩnh vực nào cũng vẫn cần lý trí. Ngay cả tâm linh cũng vẫn cần có lý trí, nếu tin mà không cân nhắc thì có thể bị mù quáng, tin lệch lạc, hóa thành mê tín dị đoan, thậm chí có thể có nguy cơ phản đức tin. Thánh tiến sĩ Teresa Avila kết luận: “Tất cả tội lỗi đều do thiếu đức tin mà ra”. Ngược lại, nếu có đức tin đúng đắn, người đó thật hạnh phúc, vì “chính đức tin hoàn thành tất cả mọi sự” (Thánh Don Bosco). Đó là tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa, hoàn toàn để cho Ngài quan phòng theo sự tiền định của Ngài, và đó cũng chính là cách tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Kinh Thánh cho biết rằng sau khi tư tế nhận của lễ đầu mùa do dân Chúa tiến dâng và đem đặt trước bàn thờ Thiên Chúa, dân chúng liền thân thưa: “Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập. Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật. Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con” (Đnl 26:6-10).

Dân chúng đã có những lúc bất tín và nổi loạn, nhưng khi họ biết mình sai lầm và thành tâm sám hối, Thiên Chúa lại sẵn sàng tha thứ. Không chỉ vậy, Ngài còn ban cho những điều tốt lành rất bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của con người. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng luôn giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, dù chúng ta bất xứng (x. Ge 2:13; Ep 2:4).

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng hơn một lần cảm thấy thất vọng – thất vọng về chính mình, thậm chí có lúc muốn buông xuôi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là đừng bao giờ tuyệt vọng (x. 2 Cr 4:8). Bởi vì Kinh Thánh đã xác định: “Dù cha mẹ có bỏ con thì vẫn còn Thiên Chúa đón nhận” (Tv 26:10). Chắc chắn như vậy. Vả lại, đối với Thiên Chúa, tất cả đều là “chuyện nhỏ” (x. Mt 19:26; Lc 1:37; Mc 10:27), Ngài chỉ muốn chúng ta hợp tác với Ngài bằng cách thật lòng ăn năn: “Dù tội đỏ như son cũng ra trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều cũng hoá trắng như bông” (Is 1:18). Gương các thánh cho chúng ta thấy rằng nhiều tội nhân đã trở thành thánh nhân nhờ biết sám hối. Quả thật, Lòng Chúa Thương Xót vô cùng lớn lao và kỳ diệu!

Tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối, hãy thưa với Chúa rằng: Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 91:1-2).

Sẽ chẳng bao giờ chúng ta có thể tìm được nơi nào an toàn vĩnh viễn ngoài Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh dẫn chứng: “Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long” (Tv 91:10-13). Vấn đề quan trọng hơn đó là chính Thiên Chúa đã xác nhận: “Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại; lúc ngặt nghèo, có Ta ở kề bên” (Tv 91:14-15). Đặc biệt là Ngài còn ban cho chúng ta có nhiều thứ khác nữa.

Không bao giờ chúng ta có thể diễn tả hết ý về Thiên Chúa, về lòng thương xót của Ngài. Còn Kinh Thánh nói gì? Thánh Phaolô cho biết: “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin. Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10:8-9).

Có đầy mới tràn, trong lòng thế nào thì thể hiện như vậy, không thể che giấu mãi. Thời gian sẽ chứng tỏ lòng ai thế nào. Tốt hay xấu sẽ như cây kim trong bọc, nó sẽ có ngày lòi ra – “lòi” ra ngay trong cách nói chuyện. Chúng ta giấu giếm với nhau mà còn khó khăn lắm, chắc chắn chúng ta không thể giấu giếm Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa thấu suốt mọi sự” (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6).

Thánh Phaolô minh định: “Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ. Kinh Thánh nói: Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng. Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người. Vì: Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát (Rm 10:10-13). Niềm tin đó phải là niềm tin thật lòng, không thể giả vờ để “che mắt thiên hạ”. Niềm tín đó cũng luôn được tôi luyện qua cuộc sống thường nhật, mọi nơi và mọi lúc. Thật vậy, “đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1:3), và “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17 và 26).

Đó là triết lý sống, là cuộc đấu trí giữa chúng ta với cuộc sống trên hành trình lữ thứ trần gian này. Cuộc đấu trí đó có thật chứ không mơ hồ hoặc giả tạo. Đấu trí với ai? Với ba “người quen”, mệnh danh là ba thù: Ma quỷ, thế gian, và xác thịt. Có lẽ cuộc đấu trí gay go nhất là đấu trí với xác thịt, người quen nhất – tức là đấu trí với chính mình. Thật vậy, “chiến thắng một đạo quân còn dễ hơn chiến thắng chính mình” (Đại đế Napoléon).

Trình thuật Lc 4:1-13 nói về “cuộc đấu trí” giữa Chúa Giêsu và ma quỷ. Đó là chước cám dỗ, là cái bẫy mà ma quỷ “gài” để Ngài vào sập bẫy. Nhưng thụ tạo không thể đối đầu với Tạo Hóa, cái ác không thể tiêu diệt cái thiện.

Thánh Luca cho biết rằng Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, rồi Ngài từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Ngài được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Ngài không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, Ngài thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói đặt vấn đề với Ngài rằng nếu Ngài là Con Thiên Chúa thì biến hòn đá thành bánh. Nhãi ranh mà chảnh, đừng thấy dụ được ông bà Nguyên Tổ ăn táo thơm rồi tưởng mình “ngon” nha! Đức Giêsu nói ngay: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.

Thua keo này nó bày keo khác. Sau đó, nó đem Đức Giêsu lên cao, rồi nó chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thiên hạ và nói nó sẽ cho Ngài toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho nó, và nó muốn cho ai tuỳ ý. Nó dụ Ngài bái lạy nó rồi nó cho Ngài tất cả. Đúng là “cóc muốn bằng bò” mà. Đức Giêsu thản nhiên nói: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Quỷ vẫn chưa tâm phục, khẩu phục. Nó lại đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Ngài trên nóc Đền Thờ, rồi vênh vang tự đắc nói rằng nếu Ngài là Con Thiên Chúa thì đứng trên cao đó mà gieo mình xuống. Nó lý luận là có lời chép rằng Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ Ngài, Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng Ngài khỏi vấp chân vào đá. Đúng là… ma quỷ. Ranh mãnh hết sức! Thế nhưng Đức Giêsu lại nói ngay: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.

Ba – Không. Thua trắng. Hết cách xoay xở, hết bí kíp cám dỗ Chúa Giêsu. Nó đành lủi thủi bỏ đi vì không thể đấy trí với Chúa Giêsu, thế nhưng nó vẫn mưu tính để tìm thời cơ khác. Ma quỷ thật!

Cuộc sống có nhiều chước cám dỗ, tập trung vào ba điểm: Vật chất, danh vọng, cái tôi. Vật chất liên quan tiền bạc và tài sản – một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp, nhưng miếng ăn có thể là vinh hay nhục, thế mà chiến tranh xảy ra cũng chỉ vì người ta tranh giành miếng ăn. Danh vọng liên quan chức tước, địa vị, quyền hành – có danh tiếng để phục vụ chứ không phải để kiêu ngạo, ảo tưởng, nhưng người ta được voi rồi đòi tiên, thích “hành” người khác mà thôi. Cái tôi liên quan tự ái, cho mình là nhất, thích được khen, ghét bị chê. Cái tôi thật đáng ghét! – Danh nhân Pascal nhận xét tinh tế lắm.

Ba thứ đó như những gọng kìm, chúng kẹp chặt chúng ta, làm cho chúng ta không thóat ra được. Từ bỏ chính mình thật là khó, nhưng phải làm đúng như vậy thì chúng ta mới khả dĩ nên hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5:48) và nhân từ như Chúa Cha (Lc 6:36), nhờ đó mà được cứu độ!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con nhận biết chính con để không ảo tưởng, không kiêu ngạo, không mưu mô. Xin ban cho con sự sống thật nhờ Thánh Thể, nhờ Lời Chúa, biết tránh xa bả phù vân, biết tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi, và luôn tín thác vào lòng thương xót của Ngài trong mọi hoàn cảnh. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN