Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Đại Lễ Phục Sinh, năm A, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Đại Lễ Phục Sinh, năm A, của Trầm Thiên Thu

GẶP ĐẤNG PHỤC SINH

 

h1_resizeCó một câu chuyện vui liên quan sự sống lại như thế này…

Thầy giáo hỏi học sinh: “Nếu thầy sống tốt lành, khi chết thầy có được lên trời không?”. Cả lớp thưa “không”. Thầy lại hỏi: “Nếu thầy sống thánh thiện, yêu thương tha nhân, làm việc bác ái và từ thiện, thầy có được lên trời không?”. Cả lớp lại đồng loạt thưa “không”. Thầy giáo hỏi: “Vậy thầy phải làm sao mới được lên trời”. Cả lớp nhìn nhau. Một em rụt rè thưa: “Dạ, dạ… thầy phải chết trước ạ!”.

Vấn đề hoàn toàn… tất nhiên. Có chết thì mới sống lại. Sống lại mới có thể lên trời. Câu chuyện vui này cũng nhắc chúng ta phải luôn nhớ rằng “ai cũng phải chết một lần” và rồi mới sống lại. Chúa Giêsu đã chết và Ngài đã thực sự sống lại, củng cố niềm tin của chúng ta: “Tôi tin xác loài người ngày sau sẽ sống lại”.

Dù là ai thì cũng chỉ có một cuộc sống, tức là chỉ sống một lần và chết một lần. Đó là điều ai cũng biết dù chưa bao giờ trải nghiệm sự chết (trừ một số người được đặc ân riêng). Và dù có sự sống lại nhưng cũng không ai đã chứng kiến. Chúng ta chỉ biết qua lời Thánh sử Luca kể lại chuyện anh La-da-rô nghèo khổ và ông đại gia giàu có (x. Lc 16:19-31).

Tuy nhiên, sự sống lại đã thực sự xảy ra: chính Đức Kitô đã bị người ta giết chết bằng cách đóng đinh vào Thập Giá và đã được an táng trong mộ đá, thế nhưng Ngài đã sống lại vinh quang. Quả thật, nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta chỉ là ảo tưởng, là chuyện hoang đường! Nhưng Đức Kitô đã thực sự sống lại, như vậy thì đức tin của chúng ta đã được “đóng ấn tín đời đời”. Điều đó đã được Thánh Phaolô minh chứng: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15:17-19).

Mặc dù chỉ là những con người bình thường, nhưng ai cũng có nỗi nhớ. Gọi là nỗi nhớ thì không có giới tính. Vậy tại sao lại người ta lại gọi là nỗi-nhớ-đàn-bà mà không là nỗi-nhớ-đàn-ông? Phải chăng vì phụ nữ có “khoảng nhớ” lớn hơn nam giới? Có phần đúng. Theo khoa học, MỘT bộ óc nhưng có HAI bán cầu não. Phụ nữ “nói nhiều” hơn nam giới vì họ sử dụng cả hai bán cầu não một lượt, còn nam giới chỉ sử dụng một bán cầu não.

Như vậy, có thể nói rằng “khoảng nhớ” của phụ nữ lớn hơn nam giới. Trong tình trường bình thường, khi bị phụ tình (hoặc tình phụ), nỗi nhớ ở phụ nữ vẫn “lâu và sâu” hơn ở nam giới là vậy. Khoa học không có gì trái ngược với đức tin Công giáo. Đức tin vẫn cần có lý trí tỉnh táo. Quả thật, phụ nữ được Thiên Chúa ưu đãi nhiều điều lắm, có lẽ vì họ chịu thiệt thòi nhiều. Âu cũng là công bình hợp lý!

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta (Ep 2:4), nhưng Ngài là Đấng công minh chính trực (Dcr 9:9b; Hc 5:3; Br 2:6; Br 2:9; Đn 9:14; Tv 7:18; Tv 9:9; Tv 11:7; Tv 25:8; Tv 67:5; Tv 146:7), không thiên vị bất kỳ ai (Hc 35:12; Lc 20:21; Rm 2:11; Gl 2:6; Ep 6:9), và Thánh Phêrô cũng xác nhận: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10:34). Điều này vừa đáng mừng vừa đáng lo. Thật “đáng mừng” vì chúng ta không sợ bị thua thiệt, vì Thiên Chúa công minh và không thiên vị; nhưng lại “đáng lo” nếu chúng ta ngộ nhận mà tưởng mình “ngon” hơn người khác.

Thánh Phêrô nói về biến cố đã xảy ra tại Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng, và nói về lai lịch về Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài. Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Ngài.

Ngày xưa, các tông đồ đã can đảm làm chứng về mọi việc Đức Giêsu đã làm trong cả vùng dân Do Thái và ngay tại TP Giêrusalem: “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội” (Cv 10:39-43).

Thật là tuyệt vời vì Đức Kitô đã sống lại và chắc chắn chúng ta cũng sẽ được sống lại như Ngài, đó là một ân huệ quá lớn, Vì thế, chúng ta phải hết lòng “tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118:1). Và còn nữa, chính “tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực” nên tử thần đã chiến bại ê chề, mất khả năng hoành hành như trước. Do đó, Thánh Vịnh gia rất hân hoan: “Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm” (Tv 118:17). Những điều kỳ diệu không ngừng nối tiếp nhau: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118:22-23). Và chỉ có Thiên Chúa mới khả thi những điều kỳ diệu như vậy!

Vừa xác định vừa nhắc nhở, Thánh Phaolô nói: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1-2). Thật vậy, Đức Kitô là nguồn sống của chúng ta, Ngài xuất hiện thì chúng ta cũng được xuất hiện với Ngài và cùng Ngài hưởng phúc vinh quang (Cl 3:3-4).

Tiếp tục giải thích, Thánh Phaolô cho biết thêm: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1 Cr 5:7-8). Tất cả đều biến đổi hoàn toàn, điều đó có thể là được biến đổi hoặc tự cố gắng biến đổi.

Tin Mừng hôm nay là trình thuật Ga 20:1-9, rất ngắn gọn. Chàng Gioan cho biết rõ ràng: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ và thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp người “tổ trưởng” Phêrô và người môn đệ được Đức Giêsu thương mến – tức là chàng trai trẻ Gioan, người tựa đầu vào ngực Thầy Giêsu và nghe được “nhịp tình thổn thức” của Thầy ngay trong Bữa Tiệc Ly.

Thấy ngôi mộ trống trơn, bà Maria Mácđala vừa lo sợ vừa thắc mắc: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Thật tội nghiệp, chắc hẳn bà buồn lắm, và bà thấy nhớ Thầy Giêsu da diết. Các môn đệ nghe nói vậy cũng cảm thấy hoang mang. Vì trong thời gian này, “vụ án Chúa Giêsu” vẫn còn gây chấn động mạnh, chưa thể nào lắng xuống, ai cũng sợ người Do-thái khủng bố và áp bức, thế nên chẳng ai dám đi lại nhiều, có ở nhà thì cũng đóng cửa kín mít, đi đâu thì phải mắt trước mắt sau, đi như chạy, vội vàng như bị ma đuổi vậy.

Hai ông Phêrô và Gioan liền đi ra mộ xem sự thể ra sao ngay sau khi nghe bà Maria Mácđala thông báo. Cả hai người cùng chạy, nhưng Gioan còn trẻ nên chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông Gioan cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào, đợi cho Phêrô đến nơi và vào trước, “kính lão đắc thọ” theo phép lịch sự.

Tới nơi, ông Phêrô vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Kinh Thánh cho biết rằng tấm khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ chàng Gioan cũng đi vào, nhìn thấy cụ thể và đã thực sự tin. Lúc này hai người tin thật rồi, chứ không như trước đó. Và hai ông chợt hiểu rằng Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết theo như Kinh Thánh đã nói, và chính Thầy Giêsu cũng đã cho biết trước đó.

Đúng là hai năm rõ mười, mọi điều đã tỏ tường, ai cũng hân hoan tột độ, và cũng không còn cảm thấy sợ hãi chi nữa. Chính Đức Kitô Phục Sinh đã biến đổi họ hoàn toàn, từ con người nhút nhát trở thành con người dũng cảm, từ con người yếu đuối trở nên mạnh mẽ, ngay cả các phụ nữ cũng bỗng nhiên biến thành những chứng nhân sống động của Đức Kitô Phục Sinh. Chúng ta thấy rằng các phụ nữ có thể “hấp tấp” một chút, dẫu cho “sâu sắc như cơi đựng trầu”, thế nhưng họ vẫn có những điều để cho chúng ta phải học hỏi. Thật vậy, bà Maria Mácđala là người đầu tiên được diện kiến Đấng Phục Sinh.

Có mối liên kết với nhau giữa hai động từ THẤY và TIN. Có người thấy mà không tin, vậy là vô ích. Chỉ có ai thấy và tin thì mới đáng nói. Khoảng giữa hai hành động đó là sự biến đổi mau chóng và thực sự là điều kỳ diệu. Tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa, từ khởi sự cho đến hoàn thành.

Lạy Thiên Chúa toàn năng chí ái, cúi xin Ngài củng cố đức tin nơi con để con có thể biến đổi mau chóng khi con thấy những điều kỳ diệu mà Ngài vẫn không ngừng thực hiện trong cuộc đời của con và của tha nhân, xin Ngài cũng giúp con can đảm làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh trong suốt cuộc đời con, qua những khả năng mà con được Ngài trao ban. Xin giúp con hành động vì vinh danh Ngài và cứu các linh hồn, xin cho con gặp được Phục Sinh nơi tha nhân và qua công việc con làm. Con chân thành cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …