Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 8 TN A của Trần Đình Phan Tiến

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 8 TN A của Trần Đình Phan Tiến

                                            

Người đầy tớ tốt

Quý độc giả kính mến! Lời Chúa luôn là sự thách thức đối với con người, kể cả những ai bước theo Chúa Kitô. Vâng, bởi vì “Đức Tin” là một hành trình đầy thử thách. Nhưng thử thách càng lớn, thì giá trị càng cao. Tại sao, thưa quý vị? Thưa, bởi vì giá trị của “Đức Tin” không mua được bằng tiền, không cân, đong, đo, đếm được. Mà là “Đức Tin” được trao ban cách nhưng không (vô điều kiện). Theo đó, chúng ta hiểu được rằng: Tại sao “Lời Chúa” nghe “trái tai“quá! Không đâu, thưa quý vị, Lời Chúa vô cùng hợp lý, nhưng chúng ta không đủ sức để hiểu ra Lời Chúa, khám phá sự kỳ diệu của Lời Chúa.

Vâng, Lời Chúa là “khuôn vàng, thước ngọc” cho chúng ta, cho những ai biết khám phá gía trí của Lời Chúa. Rõ ràng, sống trên đời, điều gì quý giá hơn “tiền bạc”, nhưng chúng ta có biết đặt giá trị của tiền bạc đúng chỗ không? Không phải chúng ta cất tiền bạc vào nơi chắn chắn, cẩn thận nhất là chúng ta biết đặt tiền bạc đúng chổ. Không phải là Chúa Giêsu không biết, hay không chịu biết giá trị của lao động, lao động chân chính làm ra của cải và tiền bạc. Chính Thiên Chúa ban cho con người giá trị của lao động, biết lao động, hăng say lao động, chứ không thụ động. Có lần. Chúa Giêsu nói: “Cha Ta (Chúa Cha) cũng lao động và Ta cũng lao động“ (Ga 5, 17). Từ sự giáo huấn của Chúa Giêsu, nên hầu hết các dòng tu đều lao động (làm việc chân tay hoặc trí óc). Chủ trương cũng như tôn chỉ của Dòng Thiên An là: “Lao động và Cầu nguyện“ (Labour and Pray). Vì ai cũng biết lao động làm ra của cải, tiền bạc để duy trì cuộc sống trần thế một cách lành mạnh. Như vậy, làm việc để kiếm tiền là tốt. Tiền bạc kiếm được để làm gì? Để chi dùng cho bản thân, cho gia đình là tốt.

Nhưng cuộc sống của chúng ta không dừng lại nơi trần thế, mà là chúng ta ”Tin“ có một cuộc sống vĩnh cửu. Vậy, chúng ta làm gì cho cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta? Vâng, đó là vấn đề mà Lời Chúa (Mt 6, 24-34) hôm nay nhắc nhở chúng ta. Vậy, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta 02 chủ đề:

–          Thiên Chúa và tiền bạc (c 24)

–          Sự mầu nhiệm và tiên liệu của Thiên Chúa (c 25 -34).

Vâng, Lời Chúa không phải là những bài văn thông thường, không phải là những định luật khô khan, sáo rỗng, hay cứng ngắc. Không phải là những công thức toán học, hay hóa học. Lời Chúa không tranh cãi như những luận điệu triết học rẻ tiền, mà là ”Lời Hằng Sống”. Lời “ấy“ có sức biến đổi tất cả, vì mang ý nghĩa “mầu nhiệm”. Vâng, Lời Chúa đích thực chính là “yếu tố” nầy. Lời Chúa được mệnh danh là ”Lời Hằng Sống”, bởi vì mang tính mầu nhiệm.

Chúng ta thấy, Chúa Giêsu luôn đưa ra những sự chọn lựa dứt khoát, minh định rõ ràng cho những vấn đề trong cuộc sống. Người không úp mở, nhưng Người nói: ”Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được“ (Mt 6, 24 b). Chúa nói rõ ràng: “Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được, vì hoặc sẽ yêu chủ nầy mà ghét chủ nọ….” (c 24a).

Rõ ràng đòi hỏi của Chúa Giêsu thật hợp lý. Nếu chúng ta chọn Thiên Chúa, mặc nhiên, Thiên Chúa là CHỦ của chúng ta, còn chúng ta chọn tiền của, thì mặc nhiên tiền của là CHỦ của chúng ta. Rõ ràng Thiên Chúa là sự sống vĩnh cửu, còn tiền bạc chỉ mang lại sự sống tạm bợ. Chúng ta chỉ được chọn một trong hai, không thể chọn cả hai, điều đó, Thiên Chúa không cho phép.

Vâng, thưa quý vị thoạt nghe Lời giáo huấn của Chúa Giêsu qua câu Lời Chúa trên, người nghe có vẻ bị phản ứng và do dự khi chưa nhận ra giá trị của Tin Mừng. Chúa Giêsu đòi hỏi dứt khoát, chứ không dụ khị ai. Chúa không sợ chúng ta bỏ Chúa mà đi theo tiền của, nhưng Chúa sẽ ”buồn“, nếu chúng ta chọn tiền của. Bởi vì, như thế chúng ta sẽ  không có sự sống đời đời và như vậy, cả hồn và xác chúng ta sẽ trở nên vô ích như Lời Chúa: “…nếu được lời lãi cả thế gian, mà mất linh hồn, nào có ích lợi gì, vì lấy gì đổi được linh hồn?” (Mt 16, 26 ; Mc 8, 36 ; Lc 9, 25). Ngày nay dịch là: “ …Nếu được cả thế giới mà phải mất chính mạng sống mình, thì nào có lợi ích chi”.

Phần thứ II: Sự Quan Phòng của Thiên Chúa. (Mt 6, 25-34)

Quan Phòng có nghĩa là: Nhìn thấy và tiên liệu. Vâng, chính Chúa Giêsu cho chúng ta biết sự Quan Phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Chủ đề nầy cũng cho chúng ta nhiều thách thức, Thiên Chúa không dựng nên con người như loài chim hay hoa cỏ, nên chi, Chúa Giêsu không bảo chúng ta sống như loài chim. Nhưng chúng ta hãy xét xem, nếu chúng ta làm lụng vất vả, cực nhọc suốt ngày một cách chăm chỉ, chẳng lẽ chúng ta bị đói sao? Chắn chắn là không. Cũng như chim trời bay lượn cả ngày và kiếm mồi, nhưng có con nào chết vì đói đâu. Nhưng nếu, chúng ta cố công gieo hạt, mà không nảy mầm, không sinh hoa kết trái, thì chúng ta cũng cố công vô ích. Vì hạt nảy mầm, cây cối sinh hoa kết trái đó là lẽ tự nhiên. Vậy lẽ tự nhiên do đâu mà có? Há không phải là do bởi Thiên Chúa sao?  Qủa thật, ý nghĩa lớn lao là chúng ta cứ lao động, cứ làm việc, còn thành quả là do bởi Thiên Chúa. Ý nghĩa của đoạn Tin Mừng hôm nay là hãy tín thác vào lòng thương xót và hải hà của Thiên Chúa, đó mới là vấn đề.

Khởi đi từ bài đọc I (Is 49, 14-15), chúng ta thấy, Thiên Chúa phán: “Có người mẹ nào quên con thơ của mình….? Cho dù nàng có quên con mình đi nữa, thì Ta cũng không quên ngươi.” Bởi vì, cây cỏ ngoài đồng, tức là cây đồng cỏ nội, là vật nay còn mai mất, không có linh hồn, mà Thiên Chúa còn cho nó mặc đẹp hơn cả vua Salomon, huống chi là chúng ta, được Thiên Chúa nhận làm con, có nghĩa là chúng ta giống Thiên Chúa, thì lẽ nào Thiên Chúa bỏ quên chúng ta.

Bài đọc II (1Cr 4, 1-5), thánh Phao-Lô triển khai cho chúng ta hiểu rõ sự tín thác vào Thiên Chúa. Dù là những đầy tớ trung thành, thì cũng đừng tự hào là công chính, trước khi Thiên Chúa xét xử. Vậy chúng ta đừng tự hào, cũng đừng bi quan điều gì trước Nhan Thiên Chúa. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối….

Như vậy, chúng ta chỉ có một “Ông CHỦ“ duy nhất, đó là Thiên Chúa. Còn tiền của là “đầy tớ“ tốt của chúng ta mà thôi.

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân từ, qua Lời dạy của Đức kitô, chúng con hiểu được giá trị của ân sủng từ Cha, là Đấng sáng tạo và nuôi dưỡng mọi loài thọ sinh. Xin cho chúng con biết tín thác vào Một Chúa là Cha mà thôi, để kính tin sùng mộ cách chân thực và duy nhất, là ”CHỦ” cuộc đời chúng con hiện tại và mai sau./. Amen.

02/03/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

JOHN THE BAPTIST1

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai ngày 23/12 Mùa Vọng, của Lm Minh Anh

NÊN SỨ GIẢ “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt …