Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa tình yêu
Suy niệm Chúa nhật VIII thường niên – Năm A
(Mt 6,24 – 34)
“Chúa đã thương bênh đỡ phù trì, Người kéo tôi ra chỗ thảnh thơi, vì yêu thương tôi nên Người giải thoát“. Ca nhập lễ Chúa nhật hôm nay như sợi chỉ đỏ xuyên suốt và là một chìa khóa để giải thích ý định của Thiên Chúa tình thương, Ngài muốn giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc thế trần, giúp chúng ta biết “vui vẻ phục vụ mà không lo lắng” và, mong sao “mọi việc ở trần gian luôn diễn tiến trong hòa bình trật tự, theo sự quan phòng của Chúa Cha” (x. Lời nguyện nhập lễ). Vì thế, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa là sứ điệp chính yếu trong phụng vụ lời Chúa của Chúa nhật hôm nay.
Tin tưởng vào Chúa
Để tin tưởng vào Chúa, trước hết chúng ta phải sửa trị sự mất lòng tin của chúng ta, từ khi con rắn làm hư hỏng hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người, nó ghen tị với hạnh phúc của chúng ta và hành hạ tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta kém tin vào Chúa. Lời tiên tri Isaia là một thần dược chống lại nọc độc của con rắn xưa: ” Sion nói: ” Chúa đã bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi “. Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư ? Cho dù người mẹ có quên, nhưng Ta sẽ không quên người đâu. Lời Thiên Chúa toàn năng phán “(Is 49, 14- 15). Ðó là lời mời gọi tin tưởng vào tình yêu không bao giờ phôi phai của Thiên Chúa. Tình yêu của đó được diễn tả qua hình ảnh của người mẹ. Thật cảm động khi lời tiên tri Isaia vang lên đúng vào lúc thành Giêrusalem bị tàn phá, điều này đem lại cho dân chúng niềm hy vọng, tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa giữa lúc tưởng chừng như vô phương, mất hướng.
Lời mời gọi này cũng được đề cập đến trong Tin Mừng Matthêu, khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ của mình tin tưởng vào sự quan phòng của Cha trên Trời, Ðấng nuôi dưỡng mọi loài chim trời và điểm trang cho hoa huệ ngoài đồng, Ngài là Ðấng thấu biết mọi điều cần thiết của chúng ta (x. Mt 6, 24-34). Chúa Giêsu dạy: ” Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng : Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì lấy gì mà mạc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều ấy“(Mt 6, 31-32). Và Người mời gọi chúng ta hãy đặt lên hàng đầu việc “tìm kiếm nước của Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban them cho“(Mt 6, 33). Niềm tin vào sự quan phòng không thế chỗ cho những nỗ lực chiến đấu để hướng đến một cuộc sống đúng với phẩm giá con người, nhưng giải phóng chúng ta khỏi những nỗi bận tâm về của cải và những nỗi sợ hãi trong tương lai.
Nhưng thế giới chúng ta đang sống, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, ” một thế giới mà đồng tiền thống trị và điều khiển mọi sự “. Nên con người bị chi phối và nghiêng chiều về nó, sẵn lòng phàm hóa mọi sự, bỏ Chúa ra khỏi đời sống, chẳng tin tưởng vào Thiên Chúa nữa. Lời Chúa mời gọi chúng ta chọn Chúa, thờ phượng Chúa, và vững tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa tình yêu.
Không làm tôi của cải
Trong cuộc sống, luôn có cái lôi kéo, thậm trí cắt đứt tương quan giữa con người với Thiên Chúa, giam hãm con người vào trong sợ hãi: sợ về tương lai, sợ người khác, sợ bệnh, sợ không lường trước được, sợ sự đảo ngược của số phận, vì thế chúng ta đi tìm kiếm sự an toàn, bảo đảm mọi sự, với hy vọng sẽ tìm thấy ở tiền, và tiền được cho là bảo vệ chúng ta khỏi tất cả các thay đổi bất thường của cuộc sống.
Chúa Giêsu đã lấy tiền làm mô hình để áp dụng cho lòng tham, vì tiền của đề cập đến quyền lực và vinh quang theo kiểu thế gian. Tuy nhiên, tiền tự nó không phải là nguyên nhân gây nên sự bất hạnh của con người, nếu đặt nó làm nô lệ, phương tiện cho con người. Nếu không có tiền, cần phải đặt để một thứ khác để trao đổi, như thế sẽ tốt hơn. Điều Chúa Giêsu chỉ trích ở đây là tương quan của chúng ta với tiền: tiền là đầy tớ, hay đúng hơn là một phương tiện trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Nhưng nó đã trở thành một mục đích tự thân tuyệt đối, nghĩa là một thần tượng, người ta tôn thờ nó. Và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được ” (Mt 6,24): hoặc Thiên Chúa hoặc Tiền Của.
Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi thật lòng mình: chúng ta đặt niềm tin tưởng vào ai? Nơi bản thân mình, nơi tiền bạc, hay nơi Thiên Chúa? Tất cả chúng ta bị cám dỗ đặt mình làm trung tâm, và tưởng rằng tự chúng ta có thể xây dựng đời mình và rằng đời mình chỉ được hạnh phúc nếu xây trên của cải, tiền bạc hay quyền lực. Không phải thế! Chắc chắn của cải, tiền bạc hay quyền lực có thể đem lại cảm xúc nhưng nhất thời, ảo tưởng hạnh phúc, rốt cuộc những thứ ấy lại ám ảnh chúng ta và làm cho chúng ta cứ muốn có nhiều và nhiều thêm nữa, không bao giờ thỏa mãn: “Hãy mặc lấy Đức Kitô“vào trong đời ta và đặt tin tưởng nơi Người.
Chúa là nơi ta trú ẩn, là hạnh phúc của đời ta
Chúng ta còn nhớ chuyện nhà phú hộ, ruộng nương được mùa, nên suy tính với mình rằng: ” Hồn ơi! mày có chán của cải, sẵn đó cho nhiều năm; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi! Nhưng Thiên Chúa bảo nó: Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi điều ngươi đã soạn kia sẽ về tay ai? ” Và Chúa Giêsu kết luận, nếu chúng ta không không cẩn thận thì sẽ “như thế đó, kẻ lo chất kho cho mình, mà không biết làm giàu nơi Thiên Chúa” ( Lc 12, 16-21 ). Phúc cho người nào nói được như tác giả Thánh Vịnh: ” Duy có nơi Thiên Chúa, hồn tôi mong được an nghỉ, tự nơi Người, ơn tế độ cho tôi. Duy có Người là tảng đá, là ơn tế độ cho tôi, là đồn trú của tôi, tôi sẽ không hề mảy may nao núng!” (Tv 61, 2-3), người ấy sẽ không thất vọng vì họ cậy dựa vào Đấng Toàn Năng. Điều này không có nghĩa là người ấy sẽ được chở che khỏi mọi thử thách, nhưng niềm tin vào Thiên Chúa đã đủ cho họ: “Hỡi anh em, hãy kể như niềm vui trọn hảo, khi anh em sa vòng trăm điều thử thách, bởi biết rằng: đức tin thí luyện của anh em làm nên kiên nhẫn; mà kiên nhẫn tất sinh quả phúc trọn lành, để anh em nên trọn lành, toàn bích, không thiếu sót về một sự gì” (Gc 1, 2-4).
Khi bàn về vấn đề tiền bạc, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói: “Tiền bạc cho phép chúng ta hạnh phúc và làm ra của cải trên thế giới, nhưng tiền của mà thôi không đủ mang đến hạnh phúc cho chúng ta […]Hạnh phúc là một cái gì đó mà tất cả chúng ta đều mong muốn, nhưng một trong những thảm kịch của thế gian này là con người không bao giờ tìm thấy, vì nó không ở chỗ con người tìm kiếm. Chìa khóa hạnh phúc rất đơn giản : hạnh phúc thật chỉ thấy ở nơi Thiên Chúa. Chúng ta phải can đảm đặt hy vọng tuyệt đối ở nơi Thiên Chúa, không phải nơi tiền của, nơi sự thành công thế gian, hay nơi người đời, nhưng là ở nơi Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những khát vọng sâu xa nhất của lòng người” (Thư gửi các bạn trẻ trường công giáo Twickenham).
Lạy Chúa, chúng con chọn Chúa, Chúa là gia nghiệp đời con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ