Làm thánh sống
(Chúa Nhật VII TN, năm A)
Người ta chết rồi mới được làm thánh, chưa chết mà sao làm thánh? Làm gì có chuyện “ngược đời” như thế chứ? Đúng vậy, nhưng NGHỊCH mà lại hoàn toàn THUẬN đấy. Tại sao? Chết rồi mà làm thánh là “chuyện nhỏ”, sống mà làm thánh mới là “chuyện lớn”. Thật chứ không đùa. Vì Chúa Giêsu đã truyền lệnh: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
Nhân vô thập toàn, ngay cả những thánh nhân cũng tìm về Nhà Cha qua con đường tội lỗi và thứ tha. Vả lại, làm thánh hay không là dựa vào cuộc sống đời thường, sống sao chết vậy. Như người ta vẫn nói: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Cái “tiếng” ở đây là “tiếng tốt”. Phàm nhân đầy “vết chàm”, phàm nhân mà hoàn thiện thì không phải là LÀM THÁNH SỐNG sao? Thật vậy, Chúa Giêsu không chỉ bảo chúng ta phải làm thánh sau khi chết mà phải làm thánh ngay ở đời này vậy.
Thời đại của chúng ta cũng đã có những vị thánh sống như Mẹ Teresa Calcutta (1910-1997), ĐGH Gioan Phaolô II (1920-2005). Và hiện nay, thế giới đang chú ý tới ĐGH Phanxicô với phong cách “ngược đời” của một thánh nhân giữa đời thường, dám nói thẳng nói thật vì công lý và chân lý. Tất nhiên, chúng ta cũng phải sống như thế – nếu thực sự muốn làm thánh!
Muốn nên thánh thì phải yêu Chúa, mức độ yêu Chúa được chứng minh qua việc yêu tha nhân – yêu người tức là yêu Chúa. Ai yêu Chúa thì phải từ bỏ mình, ngược lại, ai yêu mình thì mặc nhiên từ bỏ Chúa. Rất lô-gích. Phàm nhân chẳng là gì, có là gì thì chỉ là tội nhân khốn nạn, vì con tim của chúng ta là “tro bụi”, hy vọng của chúng ta “hèn hơn đất”, và cuộc đời của chúng ta “tệ hơn bùn” (Kn 15:10). Thế nên phải cố gắng “làm thánh sống”, cố gắng không ngừng, cố gắng liên lỉ.
Tuy nhiên, nếu chỉ nên thánh một mình thì là ích kỷ – mà ích kỷ thì không thể làm thánh, nghĩa là chúng ta phải không ngừng nỗ lực nên thánh mà còn phải giúp người khác cùng nên thánh. Kinh Koran (Kinh thánh của Hồi giáo) xác định: “Người hoàn thiện nhất là người đã giúp ích cho nhân loại nhiều nhất”. Tất nhiên ai cũng có thể nên thánh và phải làm thánh, dù chúng ta chỉ là tội nhân khốn nạn, trừ phi chúng ta không muốn. Đã có những tội nhân “lớn” nhưng đã làm thánh: Vua Đa-vít, Tướng cướp Dismas (tên gian phi tốt bụng, Lc 23:39-43), binh sĩ Longinô (người cầm giáo đâm vào ngực Chúa Giêsu trên Đồi Sọ), Giáo hoàng tiên khởi Phêrô, Tông đồ Phaolô, Người Phụ nữ Tội lỗi (Lc 7:36-50),… và một người ít “bị” để ý là vua Salômôn, dù là người khôn ngoan nhất nhưng cũng đã cãi lệnh Chúa và đã từng sống trong tội lỗi (1 V 11:1-13). Vì yếu đuối và tội lỗi ngập đầu nên mới phải cố gắng hoàn lương để làm thánh, và đừng bao giờ mất niềm tin vào Lòng Chúa Thương Xót. Hoàn toàn hợp lý!
Thế nhưng đôi khi chúng ta vẫn nặng hình thức mà chưa “lột xác” được. Giảng hay, nói giỏi, viết tốt,… khiến say mê lòng người, nhưng chính mình lại vẫn giậm chân tại chỗ, chẳng thay đổi được gì. Vậy thì chỉ là “lẻo mép” hoặc “lẻo bút”, hoàn toàn vô ích! Loài rắn và loài cua phải lột xác để phát triển, nếu chúng ta không “lột xác” thì không thể phát triển về tâm linh được, mà “lột xác” thì phải đau đớn, phải dứt khoát. Càng “lột xác” nhiều thì càng hoàn thiện, càng nên thánh.
Từ ngàn xưa, Đức Chúa đã phán với ông Mô-sê: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19:1-2). Đó là lẽ tất nhiên. Thiên Chúa là Đấng thánh thì con cái Ngài cũng phải thánh, không thể khác được.
Ngài nói rất dứt khoát: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa” (Lv 19:17-18). Thấy điều trái tai gai mắt mà làm ngơ thì có thể là bao che hoặc nhát đảm, nhưng dám lên tiếng cảnh báo thì mới là can đảm bảo vệ công lý và yêu mến chân lý. Thật vậy, người bạn thân thiết là người dám phê phán chúng ta cả trăm lần chỉ vì muốn tốt cho chúng ta, ngoài ra không là “bạn” mà chỉ là “bè” mà thôi.
Thiên Chúa chí thánh, thật hạnh phúc khi chúng ta đang biết tôn thờ một Đấng Thánh toàn năng và hết mực yêu thương. Vì thế, chúng ta phải đêm ngày thầm nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103:1-2). Phải hành động như vậy với lý do rất minh nhiên: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà” (Tv 103:3-4).
Ngài không chỉ là Đấng chí tôn cao cả mà còn giàu lòng thương xót: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103:8-10, 12-13). Thật vậy, Người không đành bẻ gãy cây lau bị giập, và cũng chẳng nỡ tắt đi tim đèn leo lét (x. Mt 12:20).
Chúng ta phải làm thánh sống vì một lý do khác nữa, như Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1 Cr 3:16-17). Thiên Chúa là Đấng Thánh thì không thể ở nơi ô uế tội lỗi. Chúng ta xấu xa, hèn hạ, khốn nạn và bất xứng như thế, vậy mà Thiên Chúa lại cho chúng ta trở thành Đền Thờ của Ngài. Thật không thể nào tưởng tượng nổi, thế nên chúng ta phải tạ ơn Ngài bằng cách cố gắng làm thánh sống. Hoàn toàn hợp lý!
Thánh Phaolô cũng “ngược đời” khi nhắc nhở chúng ta: “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài” (1 Cr 3:18-20). Ít có ai dám “khác người”, vì như vậy sẽ bị người ta cho là “chạm điện”, bị ghen ghét, bị xa lánh, bị trù dập,… thế nhưng như vậy mới là “khôn ngoan thật” theo phong cách của Thiên Chúa. Đúng là “căng” thật đấy!
Cuối cùng, Thánh Phaolô kết luận rất cụ thể: “Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phaolô, hay Apôlô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3:21-23).
Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật. Nhưng cuộc sống cần có luật như dây cương và hàm thiếc để điều khiển ngựa kẻo nó sinh chứng. Luật cũng đa dạng, có luật hợp lòng dân hoặc không hợp lòng dân. Luật hợp lòng dân là luật chứa sự nhân đạo, nhằm hoàn thiện con người – như Luật Tân Ước, nổi bật là chữ NÊN; còn luật không hợp lòng dân là luật chỉ nhắm tới những khung hình phạt – như Luật Cựu Ước, chú trọng chữ CẤM. Luật Cựu Ước xem chừng thoải mái, dễ thực hiện hơn, và ai cũng thích: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Có lý lắm, vì người ta đánh mình thì mình phải “chơi tới bến” chứ không thì người ta chê mình “dở ẹc” hoặc “lép vế”. Thế thì máu tự ái bốc tới chỏm đầu thôi, chịu gì nổi!
Thế nhưng Đại sư Giêsu dạy: “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5:39-41). Chu choa, “căng” quá đi! Chúa Giêsu kỳ thí mồ, dạy những điều chi mà khó mần quá chừng. Thế nhưng đó lại là chuyện thật chứ không là chuyện đùa!
Luật Cựu Ước dạy: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”. Chỉ là “chuyện nhỏ”, các loài động vật khác cũng vẫn thực hiện như vậy. Vì thế, Chúa Giêsu dạy những điều mà chúng ta thấy rất khó nghe: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44). Mèn ơi! Gay go quá đi!
Thế nhưng phải vậy thôi, vì Chúa Giêsu giải thích: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:45-48). Những bí quyết Chúa Giêsu đưa ra thật thú vị, rất “khác người”, rất “ngược đời”, nhưng mà lại rất thú vị và chí lý. Quả thật, có dám “khác người” thì mới khả dĩ nên thánh, có thể làm thánh sống ngay trên thế gian này!
Nhận biết mình chỉ là tội nhân, chúng ta sẽ thấy thích lời truyền dạy của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Khi định hướng rạch ròi như vậy, chúng ta sẽ thanh thản làm mọi thứ chỉ vì Chúa chứ không vì bất cứ lý do nào khác, như vậy chúng ta mới có thể thẳng thắn như Thánh Phaolô đã xác định: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5:14).
Lạy Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Chúa vì chúng con nói nhiều mà chẳng làm bao nhiêu. Xin Chúa giúp chúng con biết “khó” với chính mình để biến đổi tích cực từng ngày theo định hướng của Ngài, để nên thánh trong từng nhịp thở, để nên thánh ngay trên thế gian này. Chính Ngài là Đấng Thánh thì chúng con không thể không làm thánh. Xin thương biến đổi chúng con, lạy Thiên Chúa chí thiện. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU