Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 7 TN A của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 7 TN A của LM Đan Vinh

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 7 TN A

Lv 191-2.17-18; 1 Cr 3,16-23; Mt 5,38-48

 

YÊU KẺ THÙ ĐỂ NÊN HOÀN THIỆN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 5,38-48

(38) Anh em đã nghe Luật dạy rằng: “Mắt thế mắt, răng đền răng”. (39) Còn Thầy, Thầy bảo anh em : Đừng chống cự lại người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. (40) Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. (41) Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. (42) Ai xin thì anh hãy cho, ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi. (43) Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. (44) Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (45) Như vậy, anh em mới được trở nên con cái Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. (46) Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? (47) Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? (48) Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

2. Ý CHÍNH:

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy môn đệ phải nên hoàn thiện qua cách ứng xử với những người xấu hay những kẻ thù của mình:

– Đối với những người xấu (Mt 5,38-42): Người môn đệ không chống cự khi bị xỉ nhục, bị kiện tụng, bị bắt phục dịch, quảng đại cho đi và cho vay mượn.

– Đối với những kẻ thù (5,43-48): Hãy yêu kẻ thù ghét mình và cầu xin điều lành cho những kẻ ngược đãi mình. Làm như vậy để nên hoàn thiện noi gương Chúa Cha trên trời.

3. CHÚ THÍCH:

– C 38-42: + Anh em đã nghe Luật dạy rằng: “Mắt thế mắt, răng đền răng” (c 38). Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Đức Giê-su dùng kiểu nói song đối so sánh giữa Luật Mô-sê với luật yêu thương của Người. Chẳng hạn về việc trả thù, Mô-sê dạy trả báo công bình “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,24) còn Đức Giê-su dạy phải hạn chế sự hận thù bằng thái độ “bất bạo động”. + đừng chống cự lại người ác nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa (c 39): Đừng để mình rơi vào vòng lẩn quẩn của bạo lực. Vì bạo lực sẽ sinh ra bạo lực. Sự vả mặt mang tính hạ nhục hơn là làm đau về thể xác. Việc đưa cả hai má ra cho người ác là hành vi “bất bạo động”, không chống trả và sẵn sàng chịu sỉ nhục cách bất công như “Người tôi tớ” trong sách I-sai-a: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn cũng đã làm như vậy khi nhẫn nhịn chịu đựng các đầu mục Do thái “khạc nhổ vào mặt và đấm đánh. Có kẻ còn tát Người” (x. Mt 26,67).  + Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài (c. 40): người bị thưa kiện ở toà án nếu quá nghèo, chủ nợ sẽ chỉ được đoạt áo trong để trừ nợ, và không được lấy áo ngoài dù áo này có giá trị hơn (x. Mc 13,16). Chủ nợ không được cầm giữ áo choàng ngoài như vật thế chấp, và nếu có lấy thì cũng phải sớm trả lại cho người nghèo trước khi mặt trời lặn, vì áo choàng còn được anh ta dùng làm mền đắp ban đêm (x. Xh 22,25-27). Môn đệ khi bị kiện để đòi lấy áo trong, hãy sẵn sàng đưa luôn cả áo ngoài cho họ. Chính Đức Giê-su cũng đã bị quân lính lột áo, cả áo trong lẫn áo ngoài mà chia nhau (x. Mt 27,31.35), và bị đóng đinh trên thập giá trong tình trạng trần trụi không có cả áo trong lẫn áo ngoài. + Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm (c. 41): Đây là sự bắt buộc một người phải mang một vật nặng hay làm một việc phục dịch nào đó cho quân đội hay cho viên chức nhà nước, như ông Si-môn người Ky-rê-nê đã bị lính Rô-ma ép phải vác đỡ thập giá cho Đức Giê-su trên đường thương khó khi Người quá yếu mệt (x. Mt 27,32). + Ai xin thì anh hãy cho, ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi (c. 42): Khi kẻ ác và người xấu xin và muốn được vay mượn thì người môn đệ cũng hãy sẵn sàng đáp ứng.

– C 43-38: + Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy Thầy bảo anh em: Sự công chính của người môn đệ Đức Giê-su sẽ đạt tới tầm mức tối đa khi yêu thương kẻ thù. Hành vi yêu thương kẻ thù ghét mình là để nên hoàn hảo noi gương Chúa Cha trên trời là Đấng hoàn hảo (x. 5,48) và công chính (x. 6,33). Nhờ đó, họ mới được nên công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu để xứng đáng được vào Nước Trời (x. 5,20). + “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (c. 44): Theo mạch văn kẻ thù là kẻ bắt bớ người tốt (c. 44b), là kẻ xấu luôn sỉ nhục, vu khống, đặt điều nói xấu người lương thiện (x. 5,10-11), và làm những điều bất công (x. 5,38-42); do đó người đời thường ghét kẻ thù. Trái lại Đức Giê-su dạy môn đệ phải yêu thương kẻ thù theo gương Chúa Cha trên trời. + Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (c. 45):  Thiên Chúa không phân biệt đối xử giữa kẻ xấu và người tốt. Ở đây Mat-thêu dùng từ “người xấu” thay vì “kẻ thù”. Vì “kẻ thù” của Thiên Chúa chính là ma quỉ; chắc chắn là Thiên Chúa không yêu thương và “cho mặt trời mọc lên” trên loại kẻ thù này (x. Mt 13,25), nhưng Ngài sẽ đặt nó dưới bệ chân Ngài (x. Mt 22,44). + Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? (c 46). Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? (c 47): Trước khi kết luận, Đức Giê-su đưa ra hai cách làm bình thường mà người môn đệ cần phải vượt qua là chỉ yêu thương những người yêu mình hay chỉ chào hỏi những anh em của mình, để nhờ đó họ sẽ nên công chính hơn những người thu thuế và lương dân. + Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (c. 48): Đây là điều đã được Đức Giê-su thực hiện và qui chiếu về Chúa Cha: “như Cha anh em”. Nếu Chúa Cha đã thể hiện tình yêu qua việc “cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành”, thì con cái của Ngài cũng phải làm như vậy: nghĩa là phải làm điều tốt cho người khác vì tình yêu họ.

4. CÂU HỎI: 1) Đức Giêsu dạy môn đệ phải nên hoàn thiện noi gương Thiên Chúa để đối xử với người xấu và người ác ra sao ? 2) về việc trả thù, Mô-sê dạy phải trả báo công bình như: “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,24). Còn Đức Giê-su dạy môn đệ phải hạn chế hận thù như thế nào ? 3) Tại sao lại phải giơ má kia khi đã bị kẻ xấu tát má này của mình ? Phải chăng làm như vậy là khuyến khích kẻ xấu tiếp tục làm ác: “được đằng chân lân đàng đầu” ? 4) Môn đệ phải yêu kẻ thù là những ai để noi gương Thiên Chúa ?  5) Đức Giê-su đòi môn đệ phải công chính hơn người thu thuế và dân ngoại như thế nào ? 6) Nếu Chúa Cha đã thể hiện tình yêu qua việc “cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành”, thì các tín hữu cũng phải làm gì đối với những kẻ thù ghét mình ?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Đức Giêsu phán :” Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. (44) Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). 

2. CÂU CHUYỆN:

  1) TỔNG THỐNG NAM PHI NEN-SƠN MAN-ĐÊ-LA YÊU THƯƠNG KẺ THÙ:

    Đảng Quốc Dân, chính đảng của thiểu số người da trắng nắm quyền ở Nam Phi từ 1948, chủ trương phân biệt chủng tộc gọi là chủ nghĩa A-pác-thai và đối xử dã man với người da đen ở Nam Phi và các người di dân từ Châu Á tới, đặc biệt là từ Ấn Độ. NEN-XƠN MAN-ĐÊ-LA (Nelson Mandela) đã đứng ra tranh đấu đòi bãi bỏ chế độ A-pác-thai và đã bị cầm tù nhiều năm và cuối cùng đã giành được thắng lợi. Ngày 7.12.1993 Hội đồng Hành pháp Lâm thời Nam Phi (ANC) đã ra đời với vị chủ tịch đầu tiên là NEN-XƠN MAN-ĐÊ-LA, chấm dứt 340 năm độc quyền cai trị của thiểu số người da trắng ở nước Nam Phi này. Tháng 4 năm 1994, tổng tuyển cử đa sắc tộc đã được tổ chức. ANC đã chiếm được đa số phiếu và Nen-xơn Man-đê-la trở thành vị tổng thống da mầu đầu tiên của Nam Phi. 

Ông NEN-SƠN MAN-ĐÊ-LA đã trải qua 27 năm trong nhà tù. Sau khi được phóng thích, lẽ ra ông đã có đủ lý do để trả thù những kẻ đã cướp đoạt tự do của ông cách bất công. Nhưng ông đã không làm như thế mà luôn tỏ thái độ tươi cười hòa giải với những người đã từng ra lệnh giam giữ ông. Vì thế Man-đê-la đã trở thành lãnh tụ nổi tiếng nhất của nước Nam Phi mới. Trong cuốn tự thuật “Hành trình đến tự do” (1994), Man-đê-la đã viết như sau: “Tôi biết rằng dân chúng mong chờ tôi nuôi dưỡng hận thù người da trắng. Nhưng tôi đã không làm như thế. Trong nhà tù, sự tức giận của tôi với người da trắng đã hạ nhiệt, nhưng lòng thù ghét hệ thống xã hội phân biệt chủng tộc “A-pác-thai” lại gia tăng. Tôi muốn đất nước Nam Phi nhìn thấy tôi đã yêu thương những kẻ thù của tôi, đang khi tôi thù ghét chế độ A-pac-thai là nguyên nhân khiến mọi người trong nước chống lại nhau.  Tôi đã thấy sứ mạng của tôi là rao giảng sự hòa giải để chữa lành những vết thương lâu đời và xây dựng một nước Nam Phi mới” (McCarthy).

   2) ÔNG HAM-MEL-MANN ĐÃ THA THỨ CHO KẺ THÙ ĐÃ GIẾT HẠI VỢ CON MÌNH: 

       Một tên sát nhân sau khi đã thụ án 20 năm trong ngục được thả ra, đã thuật lại hành động anh hùng của ông Ham-mel-mann: Không những ông tha thứ cho anh ta tội giết hại vợ và bốn đúa con của ông, mà còn sẵn sàng giúp đỡ anh ta cách tận tình. Anh ta đã phát biểu như sau:

   “Tôi đã bị bắt, cảnh sát đã tìm thấy tôi. Tôi vốn là một kẻ hiếu sát. Tôi đã giết bà Ham-mel-mann và bắn chết 4 người con của bà. Tôi đã nhìn thấy họ nằm chết trên vũng máu. Sau khi bị cảnh sát bắt và đưa ra tòa xét xử; quan tòa đã tuyên án như sau: ”Anh đã làm một việc vô cùng tàn bạo, anh phải lãnh án tù khổ sai 20 năm”. Trong thời gian trong tù, tôi đã nhận được lá thư của ông Ham-mel-mann viết cho tôi vì được tin chính quyền Ba-lan không cho phép tôi được trở về quê hương Ba-lan của tôi sau khi mãn hạn tù. Ngay cả chính quyền Đức cũng nói với tôi: ”Chúng tôi không muốn anh sống tại nước Đức”.

  Trong lá thư Ham-mel-mann viết cho tôi có đoạn sau: ”Tôi tha thứ cho anh về việc anh đã giết vợ và 4 đứa con của tôi. Tôi cũng đang vận động với chính quyền Đức để họ cho phép anh được sống tại Đức. Tôi đã nói với chính phủ Đức là anh có thể ở trong nhà tôi và tôi hứa sẽ giúp anh sống một cuộc đời lương thiện”. Tại sao tôi lại muốn giúp đỡ anh ? Tại sao tôi có thể tha thứ cho anh về tội tàn sát cả gia đình của tôi ? Sở dĩ tôi có thể làm được điều này vì Thiên Chúa đã làm một phép màu nơi tôi. Ngài đã ban cho tôi Thần Khí của Ngài. Thần Khí của Thiên Chúa đã dẫn dắt cuộc đời tôi và đã tăng thêm sức mạnh giúp tôi sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho anh”.

        Cuối cùng anh ta nói: Bây giờ tôi biết được rằng chắc chắn Thần Khí của Thiên Chúa phải quyền năng siêu việt.  Ngài đã có thể cất đi mối tử thù khỏi lòng một con người và ban cho ông ta tấm lòng quảng đại để sẵn sàng giúp đỡ tôi, mặc dù tôi đã giết vợ và 4 đứa con của ông ta (TK Nguyệt san, số 367).

3. SUY NIỆM:

Tin Mừng Chúa Nhật 7 Thường Niên tiếp tục trình bày giáo huấn của Đức Giê-su hoàn thiện Luật Mô-sê: Luật cũ dạy người Do thái phải yêu thương thân nhân và những người đồng chủng, đồng thời phải ghét kẻ thù là dân ngoại và những kẻ chống lại mình. Luật Mới của Đức Giê-su dạy môn đệ phải mở rộng tinh yêu để đến với mọi người, nhất là những người nghèo đói bệnh tật, què quạt đui mù câm điêc… và còn phải yêu thương cả những kẻ làm ác và kẻ thù ghét mình nữa.

1)   LỜI DẠY CỦA CÁC BẬC VĨ NHÂN ĐỐI VỚI KẺ THÙ:  

Trong việc ứng xử với kẻ thù, Đức Khổng Tử đã dạy học trò: ”Dĩ đức báo oán”, nghĩa là phải làm điều tốt để đáp lại điều xấu của kẻ thù của mình. Còn Đức Phật Thích Ca suốt đời tìm cách giải thoát con người  khỏi đau khổ, cũng dạy các đệ tử như sau: ”Lấy oán báo oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan”. Thánh Gandhi của dân tộc Ấn độ, đã nêu ra học thuyết “bất bạo động” làm phương thế đấu tranh và đã giải phóng được nước Ấn thoát khỏi ách khỏi ách thống trị của thực dân Anh, cũng nói như sau: ”Luật vàng của xử thế là sự tha thứ cho nhau”. Sau này, Mục sư Luther King người Mỹ suốt đời đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da màu với người da trắng và đã bị kẻ thù bắn chết. Trong tác phẩm “Chỉ có một cuộc cách mạng” mục sư đã viết về cách đối xử với kẻ thù như sau: ”Tôi hài lòng vì Đức Giê-su đã không dạy: Anh em hãy có thiện cảm với kẻ thù của anh em. Bởi vì có nhiều người tôi khó lòng có thiện cảm được. Thiện cảm là một cảm tính. Tôi không thể có thiện cảm với kẻ tìm cách ném bom vào gia đình tôi, đàn áp bóc lột tôi, chèn ép tôi cách bất công. Không, không thể có thiện cảm nào đối với những kẻ luôn đe dọa cuộc sống của tôi. Tuy nhiên Đức Giê-su đã dạy rằng: “Tình yêu còn mạnh hơn sự chết”, rằng tình yêu là thiện chí cảm thông, mang tính sáng tạo và có khả năng cứu độ mọi người”.

Riêng Đức Giê-su Đấng đến kiện tòan Luật Mô-sê, đã dạy về cách đối xử với kẻ thù như sau: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). 

2) YÊU KẺ THÙ VÀ CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG KẺ NGƯỢC ĐÃI MÌNH:

a) Kẻ thù là những ai ? : Thời Đức Giê-su kẻ thù của người Do Thái là quân Rô-ma đang cai trị đất nước Do thái. Còn kẻ thù đối với chúng ta hôm nay không phải ai xa lạ mà chính là những người đang sống chung dưới một mái nhà, là anh chị em ruột thịt nhưng đang bất thuận với chúng ta; Là người hàng xóm nhiều lời và hay nói xấu chúng ta; Là bạn đông nghiệp cùng một cơ quan xí nghiêp nhưng hay tỏ ra ganh tị và luôn tìm cách làm hại chúng ta; Là người cùng chung một cộng đoàn nhưng lại hay ganh ghét và muốn loại trừ chúng ta… Kẻ thù cũng có thể là cấp trên đang chèn ép chúng ta khi không lôi kéo được chúng ta làm điều bất chính; Cuối cùng kẻ thù còn là những kẻ tự nhiên có thành kiến không tốt về chúng ta hoặc những kẻ chúng ta tự nhiên có ác cảm ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên…

b) Phải yêu thương kẻ thù như thế nào ? : Ðức Giê-su không đòi chúng ta phải yêu kẻ thù giống như yêu một người thân của mình về mặt tình cảm, vì đó là điều bất khả thi. Người chỉ đòi chúng ta yêu kẻ thù bằng hành động như: Làm ơn cho họ, cầu nguyện điều lành cho họ, sẵn sàng chia sẻ cơm bánh cho họ và cho họ vay mượn tiền bạc.

 -“Hãy làm lành cho những kẻ ghét anh em”: Tình yêu tha nhân phải được biểu lộ qua hành động như: sẵn sàng nói chuyện, quảng đại giúp đỡ và khiêm hạ phục vụ…

 -“Và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ”: Đức Giê-su dạy các tín hữu phải theo gương Chúa Cha: “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Khi cầu nguyện điều tốt cho những kẻ bách hại mình, chúng ta mới chứng tỏ mình thuộc về Thiên Chúa như có người đã nói: “Làm điều ác để đáp trả ơn lành là việc làm của ma quỉ. Làm điều lành để đáp trả ơn lành là việc làm của con người. Còn làm điều lành để đáp trả điều ác mới là làm việc của Thiên Chúa”.

c) Làm như vậy phải chăng là thái độ của kẻ đạo đức giả và hèn nhát? : Thực ra việc yêu kẻ thù dù tự nhiên mình không thích, không phải là hành động đào đức giả, nhưng là một hành động anh hùng, luôn nỗ lực vượt thắng bản thân để trở thành một con người bao dung từ bi nhân hậu. Làm như vậy cũng không phải là hành vi của kẻ hèn nhát, chịu khuất phục trước bạo lực, nhưng là dấu hiệu của một nhân cách trưởng thành, sẽ giành được sự nể phục của nhiều người. Làm được như vậy còn làm cho chúng ta trở nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su, Đấng đã nêu gương nhẫn nhịn chịu đựng và cầu xin cho những kẻ giết hại mình trên cây thập giá.

d) Việc yêu thương kẻ thù mang lại những ích lợi nào ? : Khi cư xử tốt với kẻ thù, chúng ta được giải phóng khỏi thái độ “ăn miếng trả miếng” và tránh được nhiều chứng bệnh thời đại như cao huyết áp, mất ngủ, trầm cảm… Khi đối xử tốt với kẻ thù có thể chúng ta sẽ cảm hóa được kẻ thù, giúp họ hoán cải và theo làm môn đệ Đức Giê-su. Nhờ việc vượt thắng bản thân để đi bước trước bắt tay chào hỏi, sẵn sàng giúp đỡ và cầu nguyện điều lành cho họ… chúng ta hy vọng sẽ biến thù thành bạn của chúng ta.

4. THẢO LUẬN: 1) Đã có bao giờ bạn làm điều tốt cho kẻ thù ghét mình chưa ? 2) Đã có khi nào bạn gây được thiện cảm với ai đó nhờ việc đi bước trước để bày tỏ sự thân thiện, quảng đại chia sẻ và tận tình phục vụ họ chưa ?

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho con quả tim của Chúa. Xin cho con biết quảng đại để vươn tâm hồn lên cao, vượt qua những tình cảm đời thường và mặc lấy tâm tình bao dung nhân hậu của Chúa. Xin cho con loại bỏ những sự hờn oán nhỏ nhen, những sự trả thù không đáng có. Xin cho tâm hồn con luôn bình an trong sáng, và không biến cố nào có thể làm xáo trộn, không đam mê nào có thể khuấy động được lòng con. Xin cho con đừng quá vui khi được người đời khen ngợi, cũng đừng quá buồn khi bị chỉ trích chê bai. Xin cho quả tim của con đủ lớn để yêu thương cả những người con không ưa và những kẻ không ưa con. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để ôm cả thế giới, trong đó có cả những kẻ thù ghét con. Nhờ đó con mới nên con thảo của Cha trên trời và nên môn đệ thực sự của Chúa. – AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN