Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 6 TN (A) 2014 của Trần Đình Phan Tiến

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 6 TN (A) 2014 của Trần Đình Phan Tiến

 

 

“Thầy chạnh lòng thương đám đông…” (Mt 15, 32)

 

Có thể nói những ai được mời gọi bước theo Đức Kitô là những người hạnh phúc nhất trần gian. Tại sao? Thưa, bởi vì, không một ai có thể trao ban một tình thương trọn vẹn và vĩnh cửu như Đức Kitô. Có thể nói rằng: Người chính là “Hạt Muối tinh khiết” mà Thiên Chúa đã bỏ vào biển đại dương là thế gian. Vâng, đại dương thế gian, nếu không có muối là vị mặn của Thầy Giêsu thì nó sẽ ươn thối từ rất lâu. Bởi thế, cho nên Chúa Giêsu chính là “vị mặn” để ướp đời.

Tin Mừng Chúa Nhật VI TN hôm nay sẽ triển khai ý nghĩa trên. Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong chương 15, từ câu 32 đến câu 39, của Mt.

Chương Mt 15 có 05 phần:

-Tranh luận về truyền thống

-Điều gì làm cho con người ra ô uế

– Đức Giêsu chữa bệnh cho con gái người đàn bà Ca-na-an.

– Đức Giêsu chữa nhiều bệnh nhân tại biển hồ Ga-li- lê.

– Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều lần II.

Kính thưa quý vị, bánh và cá là lương thực cần thiết và quen thuộc đối với cuộc sống nhân thế nói chung và người cùng thời với Chúa Giêsu.

Như vậy, “Bánh và Cá” mang ý nghĩa biểu tượng gì trong Kinh Thánh? Thưa “Bánh“ chính là “Thần Lương” từ Thiên Chúa. Từ “bánh” là lương thực hằng ngày của con người, đến bánh “Thiêng Liêng” của Trời là ”Man-na”. Rồi đến chính “Thần Lương“ cao trọng mà chúng ta sẽ chia sẻ trong đoạn Tin Mừng hôm nay.

“Cá” chính là tượng trưng cho nhân loại, sự sống của loài cá tuy ngắn ngủi, nhưng cá là loài động vật tượng trưng cho sự đa dạng, phong phú về chủng loại, màu sắc, kích thước. Cá còn có ý nghĩa góp phần mang lại sự sống cho con người.

Về mặt ý nghĩa nào đó, thì “muối và cá” có sự liên quan mật thiết với nhau. Qua ý nghĩa cụ thể, chúng ta thấy, muối và cá là điểm tương đồng, tạo nên căn tính thiết yếu cho cuộc sống nhân loại. Cá tượng trưng cho sự “đón nhận và trao ban”, như vậy, cá mang đặc tính của tình yêu. Mặc nhiên, cá mang ý nghĩa “Ơn Cứu Độ”. Từ đó, cá mang ý nghĩa tượng trưng “Đấng Cứu Thế”. Chúng ta nhớ lại, tiên tri Gio-na ở trong bụng cá 3 ngày đêm, tượng trưng cho Đấng Cứu Thế “chết cho nhân loại” 3 ngày trong mồ. Cá cũng tượng trưng cho vũ trụ đó nhận ơn mặc khải của Thiên Chúa. Hình dáng cá tượng trưng cho chén lễ hình chữ  “Y”, miệng cá và đuôi cá cũng có hình chữ “Y“. Cá sống được là cần có nước, cũng như con người được sống trong ân sủng của Thiên Chúa.

Qua hình ảnh và ý nghĩa của cá, chúng ta thấy, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng yêu thương, đã ban tặng cho nhân loại chính Đức Giêsu-Kitô là “Cá“ cho nhân loại, Cá “ban sự sống”, tức “Cá” Thần Linh, “Cá” siêu nhiên. Chúng ta thấy trong Tin Mừng (Mattheu 15, 34), ”… có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ …” Nhưng Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều, nuôi bốn ngàn người, chưa kể đàn bà và trẻ nhỏ. Con số “bảy” trong Kinh Thánh là số tượng trưng sự viên mãn, sự vô biên. Như vậy, cũng có dấu chỉ cho chính “Đấng Cứu Thế”, là Chúa Giêsu. Vì vậy, đây là dấu chỉ Chúa sẽ trao ban chính Thân Thể của Người làm Thần Lương nuôi nhân loại và Thánh Thể ”ấy” hằng ở cùng nhân loại cho đến ngày viên mãn. Thánh Thể là Thần Lương Hữu Hình bởi mầu nhiệm Nhập Thể siêu linh của Con Thiên Chúa làm Người, Thánh Thể “ấy” ví như “Cá” được ướp muối Thần Khí Thiên Chúa, là vị mặn tình yêu, để trở nên “Chén“ Cứu Độ dâng lên Thiên Chúa vì nhân loại. Khi Người còn hiện hữu nơi Thân Xác Phàm Nhân, thì Người đã trao ban sự nhiệm mầu của Thân Thể. Tiên báo cuộc Tử Nạn nơi Thánh Thể, đồng thời sự Phục Sinh nơi nhiệm tích ấy, để ban cho nhân loại sự sống viên mãn. Nhưng thể thức nhiệm mầu, mà con người không thể hiểu được, đó là: “Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra , trao cho các môn đệ, và các môn đệ trao cho đám đông” (c 36).

–          Dâng lời tạ ơn: có nghĩa là thánh hóa và ưng thuận, tự nguyện nộp mình, chịu khổ hình.

–          Bẻ ra: có nghĩa là  phân phát, chia sẻ sự hiệp thông bởi mầu nhiệm Thập giá.

–          Trao ban cho môn đệ: là những người đứng đầu, kế tục, được nhận lãnh.

–          Các môn đệ trao cho đám đông: có nghĩa là nhận lãnh thì phải trao ban (định nghĩa tình yêu).

Như vậy, ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể là chia sẻ, trao ban, và được nhận lãnh. Không còn giữ cho riêng mình, nên chi được gọi là Công Gíao. Người được nhận lãnh thì phải trao ban, gọi là Tông Truyền. Đám đông có nghĩa là “cá” đã được ướp muối bởi “Thánh Thể Giêsu”.

Con số “Bốn” trong Kinh Thánh được tượng trưng cho nhân loại. Một ngàn (1.000), chỉ thời gian lâu dài. Có nghĩa là:  “Thánh Thể Giêsu” được trao ban cho nhân loại trong một thời gian rất lâu dài. Cũng có thể hiểu năm 4.000 sau CN là thời gian viên mãn, chứ không phải từng 1.000 năm như người ta nghĩ.

Thánh Thể là Thần Lương Thiên Quốc, sự hội tụ của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, là nơi Thiên Tính Đức Chúa Trời, cùng với Linh Hồn Chúa Giêsu, tức Thiên Tính Thần Linh của Ngôi Lời làm Người, và Thần Khí Thánh Thần. Chứ không phải thịt máu đơn thuần của nhân loại. Nên chi, Linh Hồn của Đức Kitô không phải là linh hồn nhân loại, vì Người đã mang thân Xác nhân loại trong LINH HỒN CỦA THIÊN TÍNH, chứ không phải linh hồn nhân loại như người ta nghĩ.

Từ đó, Chúa Giêsu không có quyền phép riêng, Người hoàn toàn thông hiệp với Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong mọi sự. Ngôi Con không hoàn toàn tách biệt với Thiên Tính khi thực hiện chương trinh làm Người. Mầu nhiệm làm Người của Chúa Giêsu cũng toàn năng như Thiên Tính của Người, nhưng để thực thi mầu nhiệm cứu chuộc nhân loại, mặc nhiên Người phải chu toàn. Người vốn dĩ ngang hàng với Thiên Chúa, vì vậy Linh Hồn Chúa Giêsu không phải là Linh Hồn nhân loại. Người hoàn toàn trút bỏ là tự nguyện mang lấy thân xác phàm nhân, chứ không phải trút bỏ Thiên Tính, vì đây là tuyệt đối. Nếu như thế, Thánh Thể của Người là hoàn toàn Thịt Máu nhân loại sao? Như thế thì không phải là “Mầu Nhiệm Thánh Thể”.

Như vậy câu” Thầy chạnh lòng thương đám đông…” (Mt 15, 32) là ý nghĩa tiên trưng rằng: Chúa Giêsu yêu thương nhân loại đến ngày viên mãn, và Thần Lương “ấy” chính là Bí Tích Thánh Thể, mà “Bánh và Cá” trong đoạn Tin Mừng hôm nay chính là ý nghĩa tiên trưng “ấy”, cũng như Man-na xưa trong Cựu Ước. Để làm rõ thêm vấn đề vừa nêu, chúng ta nhớ lại đoạn khác trong Tin Mừng (Mt 28, 20) mang ý trùng khớp rằng: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, câu cuối cùng của Tin Mừng Matthêu minh định rằng Bí Tích Thánh Thể là Thần Lương “GIêSU”.

Theo đó, tin vào Lời dạy của Chúa Giêsu, mà hằng ngày khắp nơi trên thế giới tin thờ, suy tôn, cảm tạ, mếm yêu Bí Tích Thánh Thể một cách không ngừng.

Vâng, “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20), là Lời Hứa thể hiện tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại và những ai bước theo Người. Vì Người chạnh lòng thương đám đông.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con, và ban cho chúng con biết tin thờ Thần Lương của Chúa mọi ngày cách xứng đáng. Amen.

16/02/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …