ĐIỀU KIỆN YÊU MẾN CHÚA GIÊSU
Vâng, kính thưa quý vị, thưa các bạn. chủ đề Lời Chúa Chúa nhật VI P/S hôm nay cho chúng ta một sự chọn lựa dút khoát. Đó là ”ĐIỀU KIỆN YÊU MẾN“. Thường thường người ta nói: “yêu vô vị lợi”, có nghĩa là tình yêu chân thật không bao giờ tính toán. Hay nói cách khác, “yêu là cho đi”, hay là ”thi ân bất cầu báo”. Vậy, tựa đề của chủ đề đoạn chia sẻ Lời Chúa hôm nay có mâu thuẫn với định nghĩa của tình yêu không? Thưa không. Tại sao? Bởi vì , tình yêu là một sự đáp trả. Tình yêu vô vị lợi là tình yêu không tính toán, so đo vì tiền của, vật chất. Nhưng bản chất thật của tình yêu là sự đáp trả. Đáp trả là “tính chất đệ nhất” của tình yêu. Vì nếu, một ai đó được yêu mà không biết đáp trả, thì tình yêu đó trở nên bị thui chột, què quặt, vì tình yêu “đơn phương”, mà tình yêu đơn phương có nghĩa là “tình yêu” chết, mà bản chất tình yêu là luôn gắn liền với sự sống. Vậy, sống mà không có tình yêu thì sự sống vô nghĩa, hay nói cách khác, sự sống đó chỉ còn một nữa, hoặc một phần ba, phần tư gì đó thôi. Như vậy, tình yêu đích thực luôn phải có điều kiện, tuy tình yêu khác với việc “đổi chác”, có nghĩa là sự mua bán, nhưng tình yêu đích thực luôn có điều kiện tốt đi kèm, chẳng hạn sự chung tình, sự thành thật, sự hy sinh, sự tha thứ, sự nhẫn nại, đó là những “ĐIỀU KIỆN “cần thiết cho tình yêu nói chung và tình yêu đôi lứa nói riêng. Tình yêu đích thực trên hết chính là “tình bạn”, khi chưa nói đến tình yêu “đôi lứa”. Tình yêu đôi lứa là tình yêu bạn hữu tiến sâu thêm. Như vậy, tình yêu đôi lứa cần có những điều kiện nêu trên một cách sâu sắc hơn, nếu muốn hôn nhân bền chặt hơn. Như vậy, ai dám bảo là tình yêu không có điều kiện.
Vâng, Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại, yêu thương chúng ta, yêu thương các tông đồ của Người một cách chân thật, nhưng Người cũng đòi một “ĐIỀU KIỆN”để đáp trả lại. Đó là: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em sẽ giữ (Lời) các điều răn của Thầy” (Ga 14, 15) hôm nay. Vâng, đó là một điều kiện, mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người và tất cả những ai muốn theo Người phải giữ.
Vâng, đó là những điều kiện mà Chúa Giêsu đã đặt ra. Vì điều kiện của Chúa thì êm ái, và gánh của Chúa thì nhẹ nhàng. Bởi vì “ ĐIỀU KIỆN “của Chúa không khắt khe, không tính toán, không vụ lợi, mà là cho đi. Vì có lần Chúa nói: “Các ngươi đã lãnh nhận nhưng không thì cũng trao ban nhưng không” (nhưng không: vô điều kiện).
Vậy, điều kiện mà Chúa Giêsu đòi hỏi là điều kiện gì, và để làm gì, nếu ai muốn yêu mến Chúa? Thưa, đó là các điều răn của Người và để được trao ban Thánh Thần. Nhưng, những điều kiện ấy không phải Chúa Giêsu đòi hỏi cho Người, mà là để cho chúng ta, vì đó là “ĐẠO” là “CON ĐƯỜNG GIÊSU” đã đi, và “con đường ấy” sẽ dẫn đến Chúa Cha. Đấng là Nguồn tình yêu. Vì không có sự sống đích thực nào mà không có tình yêu. Vâng, Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu hứa ban chính là Thần Khí sự thật. Chính là “Điều Kiện” mà Người muốn chúng ta noi theo. Chúa Giêsu hứa ban Thần Khí là Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý đến với những ai biết đón nhận Ngài. Muốn đón nhận thì phải biết lắng nghe, lắng nghe tiếng nói của tình yêu, của sự thật, của hạnh phúc muôn đời.
Yêu mến Chúa Giêsu, là Thầy Chí Thánh không phải chỉ bằng cảm xúc đơn thuần của tình yêu. Mà phải biết thực thi lệnh truyền của Người, bằng cách sống một cuộc đời như Người đã sống. Vâng lời Chúa Cha, sống cho tha nhân, là v , chồng, cha, mẹ, con cái, bạn bè, và những người quanh ta bằng tình yêu của Đức Kitô. Tất cả những cảm xúc thăng hoa của tình yêu dành cho Đức Kitô phải được thể hiện cách cụ thể nơi tha nhân, điều đó có nghĩa là “giữ các điều răn của Người”. Chúa Giêsu không phải là Người đến trần gian để lập một đạo giáo cho riêng Người, mà Chúa Giêsu là Đường Truyền dẫn đến Chúa Cha. Vì Người đến thế gian là để thi hành Thánh ý Chúa Cha. Có nhiều con đường dẫn đến Thiên Chúa là Cha, nhưng “CON ĐƯỜNG GIÊSU”, THÌ ĐÍCH THỰC HƠN, GẦN GŨI HƠN VÌ NGAY THẲNG HƠN. Có thể nói, Chúa Giêsu là con đường thẳng đến với Chúa Cha. Đạo Phật cũng là một con đường dẫn tới trời, nhưng do Đức Phật Thích Ca lập ra, và ngài cũng cho biết Đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là một hành trình đi tìm tôn giáo. Như vậy, rõ ràng Đạo Phật đang đi tìm Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa không mặc khải cho Đức Phật, nhưng để ngài tự giác ngộ và đi tìm, đó là Phật giáo. Nhưng Thiên Chúa tự mặc khải cho những ai muốn đón nhận ơn mặc khải lớn nhất đó là Đức Giêsu-Kitô, Đấng tự mặc khải chính mình cho những ai thành tâm đón nhận, đồng thời Người cũng mặc khải chính Thiên Chúa Cha cho chúng ta. Đồng thời, Người cũng mặc khải Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ cho chúng ta, một sự Bảo Trợ chân chính.
Như vậy, yêu mến Chúa Giêsu không phải chỉ bằng cảm xúc chóng qua, mà là bằng một tình yêu vĩnh cửu nơi Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần. Chính là Thần Chân Lý, Thần Thiện Minh, Thần Hằng Hữu sẽ hướng dẫn cho những ai biết lắng nghe, tin tưởng và bước theo Đức Giêsu –Kitô.Tình yêu giữa con người với con người là một cảm xúc đơn thuần, mang tính gợi cảm, nhớ nhung chóng qua. Nhưng tình yêu nơi Đức Kitô thì vượt trên tất cả những thứ đó, là một thứ tình yêu được Đấng Bảo Trợ thánh hóa, thăng hoa. Không phải một thứ tình cảm do cảm xúc mà là một tình yêu chân thật được mặc khải và đáp trả vì: “ Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14 , 21)
Như vậy, từng câu, từng chữ mà Chúa Giêsu mặc khải về tình yêu, và sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha là quá rõ ràng. Chúng ta thấy, những ai có kinh nghiệm về tình yêu nơi Đức Kitô, đó chính là các thánh.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mặc khải tình yêu, và điều kiện để chứng minh tình yêu của chúng con dành cho Chúa, là việc tuân giữ Lời Chúa dạy và thực thi. Xin cho chúng con ngày càng cảm nhận và Mến Yêu Chúa qua việc chúng con thực thi điều răn của Chúa một cách có hiệu quả là việc mến Chúa yêu người./. Amen
25/05/2014
P.Trần Đình Phan Tiến