Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin mừng Chúa Nhật 5 Thường niên, năm B của LM Ernesst Nguyễn Văn Hưởng

Suy Niệm Tin mừng Chúa Nhật 5 Thường niên, năm B của LM Ernesst Nguyễn Văn Hưởng

 

(Mc 1, 29-39)

Có thể nói Chúa nhật hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta đối diện với sự dữ: sự dữ đó có thể là bệnh tật như bài Phúc Âm, sự dữ đó có thể là bị mất hết của cải, bị bạn bè cũng như vợ con trách mắng như trong bài đọc 1 trích từ sách Gióp.

Bài đọc 1 hôm nay cho thấy Gióp sống trong đau khổ và ông nói: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao động vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?” Cứ như sự khôn ngoan bình dân thời đó thì khổ đau là hình phạt về những điều dữ người ta đã phạm. Cứ nhìn bên ngoài thì Gióp bị phạt. Thế nhưng xét trong lương tâm, Gióp thấy ông không làm gì xấu. Vậy thì tại sao ông phải gánh chịu số phận hẩm hiu: Con cái chết hết, của cải tiêu tan, mình đầy ghẻ chốc, bạn bè xa lánh, cả đến người vợ thân yêu cũng không tiếc lời khiển trách: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi” (G 2, 9). Những điều đó cho thấy sự đau khổ của ông Gióp không phải là ít.

Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đối diện với sự dữ qua một ngày bận rộn. Ngoài việc giảng dạy và trừ thần ô uế, Đức Giêsu còn chữa bệnh và trừ quỉ. Khi đến nhà ông Phêrô Đức Giêsu đã chữa cho bà mẹ vợ ông Phêrô hết bệnh sốt. Kế đến là Đức Giêsu chữa bệnh cho nhiều người ốm đau bệnh tật khác trong dân chúng. Sau cùng Đức Giêsu trừ quỉ đang hành hạ nhiều người và giam hãm họ trong vòng kiểm soát và thống trị của chúng. 

Những ghi nhận trên cho chúng ta thấy người ta có thể có 3 thái độ đối với sự dữ:

Thái độ thứ nhất là của ông Gióp. Ông đại diện cho những người nhìn cuộc đời hơi bi quan một chút. Đau khổ đến với ông chỉ trong một giai đoạn của cuộc đời vì trước đó đời ông rất thành đạt, trước đó ông sống rất giàu có sung túc. Thế nhưng khi sa cơ thất thế ông nhìn cuộc đời toàn màu đen, cả cuộc đời chỉ toàn đau khổ. Thái độ đó cũng giống với những người thời nay nhìn cuộc đời như là thung lũng đầy nước mắt, là nơi khách đày, là bể khổ… 

Thái độ thứ hai là của bà Gióp. Đó là thái độ của những người trách móc, chửi mắng Thiên Chúa. Đó là thái độ của người từ bỏ Thiên Chúa khi gặp thử thách. Thử thách đó có thể là bị thất bại trong kinh doanh, trong học tập, thử thách đó có thể là xin mãi một ơn mà không được… những người có thái độ nầy không thiếu trong ngày nay. Và có khi cũng là thái độ của chúng ta khi chúng ta gặp thất bại hay thất vọng trong cuộc sống và do điều đó mà chúng ta bỏ Chúa.

Thái độ thứ ba là của Chúa Giêsu. Đó là thái độ của người tìm cách làm giảm đi nỗi khổ của người khác. Chúa Giêsu đã không than vãn, không trách móc ai, Người chỉ đơn giản chữa lành các bệnh nhân. Hình như Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta một thái độ thực tế hơn. Cuộc đời ở trần gian nầy không hoàn hảo vì thế cho nên người ta có thể tìm thấy khiếm khuyết ở khắp nơi và ở mọi thời. Người nghèo, hay người đau khổ luôn ở với chúng ta. Vì thế vấn đề quan trọng chính là làm cho con người bớt khổ, làm cho sự ác bị đẩy lùi. Thinh lặng trong cuộc đấu tranh chống sự dữ là thái độ của Chúa Giêsu qua bài Phúc Âm hôm nay.

Điều đặc biệt là Chúa Giêsu khá bận rộn trong ngày Sabbat. Có rất nhiều điều xảy ra trong ngày đó. Người hoạt động liên tục để cứu khổ cũng như Thiên Chúa hoạt động liên tục trong việc quan phòng. Cho dù ngày đó là ngày thứ bảy, ngày nghỉ của con người và súc vật nhưng Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Thiên Chúa lại không nghỉ, Ngài liên tục thi ân, giáng phúc trên những tạo vật của Ngài và nhất là trên những con người bệnh tật yếu đau.

Một lý do nữa khiến Chúa Giêsu phải hoạt động liên tục vì Người là Đấng cứu chuộc nhân loại, là Đấng làm cho nhân loại thoát ách nô lệ của sự dữ vì thế: “Người lại gần, cầm tay bà mà đỡ dậy”. Chúa Giêsu nâng đỡ những con người bị mất cuộc sống an nhàn, bị mất cuộc sống yêu thương và phục vụ. Chúa Giêsu đến gần ngay bên, cầm tay nâng đỡ dậy. Hành động đó chứng tỏ Chúa Giêsu có quyền năng khôi phục lại những gì thiện hảo mà loài người đã đánh mất. Và hơn thế nữa, khi lành bệnh, bà tiếp tục phục vụ anh chị em. Hình ảnh đó cho thấy người được chữa lành thì sống một cuộc sống an nhàn, yêu thương và phục vụ.

Một người được Chúa Giêsu ban ơn phục sinh, tức là được Chúa Giêsu kéo ra khỏi cuộc sống cũ, tội lỗi, cuộc sống bị liệt, đời sống không còn sức phấn đấu để tự mình vươn lên nữa thì họ lập tức bị thúc đẩy phục vụ Giáo hội, phục vụ các linh hồn. Họ muốn chia sẻ những ơn đã lãnh nhận với người khác. Nhận xét đó có thể đưa tới kết luận khác là người nào không muốn phục vụ hội thánh, không muốn phục vụ cộng đoàn thì người đó tỏ dấu chắc chắn là mình chưa nhận được ơn phục sinh của Chúa Giêsu. Điều đó có nghĩa là những linh hồn hăng hái làm việc tông đồ là những người đã được lãnh nhận ơn Chúa sống lại. Họ đã được sung mãn trong công việc của mình và hình như Chúa Giêsu đang cầm lấy tay nâng đỡ họ dậy.

Đó là điều mà chúng ta cần cầu xin Chúa. Xin Chúa thực hiện cho chúng ta hôm nay việc Chúa đã làm cho bà mẹ vợ ông Phêrô ngày xưa. Xin cho mỗi người chúng ta ý thức rõ ràng về ơn huệ nâng đỡ khỏi tội lỗi, đau khổ và sự chết, … mà Chúa ban cho chúng ta. Nhờ sự nâng đỡ của Chúa chúng ta nhận được sức sống phục sinh để chúng ta có thể nhận biết các nhu cầu của anh chị em đồng loại và đáp ứng những nhu cầu đó với sự can đảm, bền chí và an vui.

LM Ernesst Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …