(Ga 13, 31-35)
Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy thương yêu nhau”. Tình yêu là đề tài muôn thuở. Nhất là vào thời bây giờ, tình yêu được nhắc tới luôn luôn. Tình yêu xuất hiện ở sách vở, báo chí, phim ảnh, ca nhạc, trong mọi ngành nghệ thuật. Có vẻ như tình yêu hiện diện ở khắp nơi và chi phối đời sống nhân loại.
Thế nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy một thực tế khác hẳn. Tin tức báo chí hằng ngày cho chúng ta thấy thế giới chúng ta đang sống lại là một thế giới bị xâu xé bởi hận thù, bởi chiến tranh và xung đột. Xung đột giữa các quốc gia vốn là anh em với nhau, xung đột giữa các bộ tộc trong cùng một đất nước, xung đột giữa các tín đồ của những tôn giáo khác nhau. Chưa hết, không thiếu những gia đình giết nhau, đánh đập nhau, coi nhau như kẻ thù. Người ta đối xử với nhau như những con chó sói. Con người bị đe dọa bởi chính con người.
Vậy mà, qua bài Phúc âm hôm nay, các kitô hữu được mời gọi sống yêu mến qua một điều răn: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy thương yêu nhau”. Vậy đây là thứ tình yêu nào mà người khác có thể qua đó nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu.
Trước tiên chúng ta biết rằng tình yêu mà Chúa Giêsu mời gọi là không giống hoàn toàn với tình yêu mà người ta thường ca tụng. Trước hết, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ yêu thương nhau nghĩa là tình yêu thương trước tiên là tình yêu thương giữa những kitô hữu, những người đồng đạo. Đó là tình huynh đệ giữa những kẻ có cùng niềm tin vào Người. Kế đến, điều răn này có tính đòi hỏi hơn, vì dựa trên một tiêu chuẩn cao hơn: không những kitô hữu phải yêu mọi người như chính mình, nhưng họ còn phải yêu thương các kitô hữu khác như Chúa Giêsu đã yêu thương họ, nghĩa là hiến mình phục vụ cho đến chết.
Đây là điều răn này được coi là mới vì nó gắn liền với Giao Ước Mới, Giao Ước được thiết lập trong máu Chúa Giêsu (Lc 22, 20; 1C 11, 25). Đây không phải là điều răn được khắc trên bia đá (Xh 24, 12), nhưng là điều răn được ghi tạc vào tâm hồn các kitô hữu do tác động của Thánh Thần (x. Gr 31, 31-34; Ed 36, 25-28).
Chúa Giêsu đã coi tình yêu thương giữa các kitô hữu là một dấu chỉ để mọi người nhận ra họ là môn đệ đích thực của Người. Nói cách khác, có thể định nghĩa môn đệ là những người biết yêu thương nhau. Điều đó được chứng minh qua Sách Công Vụ “mọi người tín hữu đều coi mọi sự như của chung” (2, 44), họ “đồng tâm nhất trí chuyên cần lui tới Đền Thờ, bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân” (2, 46). Tình yêu thương giữa các kitô hữu đã khiến dân ngoại phải thốt lên: “Xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào, họ dám sẵn sàng chết cho nhau!” Những kitô hữu đầu tiên ở Việt Nam cũng đã được gọi là những người theo “đạo yêu thương”, không có tình yêu thương, chẳng ai nhận ra chúng ta là môn đệ Đức Giêsu, Đấng đã yêu thương và yêu thương đến cùng.
Thánh Giêrônimô kể lại một chuyện về thánh Gioan tông đồ. Lúc vị tông đồ đã về già, ngài vẫn không ngừng nhắc nhở các kitô hữu trong cộng đoàn là hãy yêu thương nhau. Người ta phát chán vì thấy ngài cứ nói mãi điều ấy, nên mới hỏi ngài lý do. Ngài trả lời: “Bởi vì đó là điều răn của Chúa. Chỉ cần giữ điều răn này là đủ”. Đó cũng chính là sứ điệp cho chúng ta những Kitô hữu ngày hôm nay. Chính vì thế trong những năm gần đây, Giáo hội thường nói đến một “nền văn hóa tình thương”. Thay vì sống trong nền văn hóa nhấn mạnh đến sự chết, Giáo hội mời gọi chúng ta bước ra khỏi sự man rợ của thú tính, và sống yêu thương và nhìn nhận người khác cũng như mình, bất chấp những khác biệt về chủng tộc, màu da, tôn giáo, quan điểm chính trị hay xã hội… Xây dựng một nền văn hóa dựa trên tình thương, đó là bổn phận cấp bách của kitô hữu hôm nay.
Khi cố gắng xây dựng một văn hóa sự sống, kitô hữu để lộ bản chất của mình ra cho mọi người. Bản chất đó là yêu thương. “Anh chị em hãy yêu thương nhau”. Chúa Giêsu phục sinh vẫn muốn nhắc lại mãi điều răn này cho từng kitô hữu. Tình yêu đó được thực hiện theo gương và theo ý muốn của Chúa Giêsu:
Đó là thứ tình yêu đi bước trước. Chúa Giêsu không chờ người khác đến với mình. Chính Người mời gọi ông Lêvi làm môn đệ, chính Người đã trở nên bạn đồng hành của hai môn đệ chán nản trở về Emmau… và Chúa Giêsu cũng mời chúng ta để lễ vật lại mà đi đến làm hoà với người gây chuyện xích mích với ta (Mt 5, 23-25).
Đó là thứ tình yêu phục vụ. Chúa Giêsu ý thức về sứ mạng phục vụ của mình. Con Người đến là để phục vụ và hiến mạng cho muôn người (Mc 10, 45). Người đã rao giảng Tin Mừng xoa dịu vết thương của người đau khổ. Người mời chúng ta rửa chân cho nhau, nghĩa là phục vụ trong khiêm hạ (Ga 13, 13). Chính Người cũng tự nhận mình chỉ là người hầu bàn cho các khách dự tiệc (Lc 22, 27). Thập giá là đỉnh cao của tình yêu phục vụ. Tình yêu có thể bị khước từ, lăng nhục, nhưng cuối cùng tình yêu sẽ thắng. Thập giá là nơi Chúa Giêsu được tôn vinh và là nơi tình yêu của Chúa Cha được bày tỏ trọn vẹn cho nhân loại.
Như thế, yêu thương chính là quên mình, ra khỏi cái tôi của mình để đến với Thiên Chúa và tha nhân. Và đó chính là bản chất của sự thánh thiện, cũng là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Nếu chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, thì cách hành xử của chúng ta phải phản ánh tình yêu. “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,7-8). Tình yêu chân thật chính là dấu chứng của sự thánh thiện, chứng tỏ có sự hiện diện của Thiên Chúa.
Vì thế, xin Chúa biến cải lòng chúng ta thành nơi tràn ngập tình yêu thương, để mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa là tình yêu ở trong chúng ta.
LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng