Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 5 Phục Sinh, năm A, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 5 Phục Sinh, năm A, của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH A

Cv 6,1-7; 1 Pr 2,4-9; Ga 14,1-12

ĐỨC GIÊSU MẶC KHẢI SỰ THẬT VỀ CHÚA CHA

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Ga 14,1-12

h9(1) Lòng anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. (2) Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. (3) Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại, và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. (4) Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi. (5) Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?” (6) Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. (7) Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người. (8) Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. (9) Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha. (10) Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (11) Anh em hãy tin Thầy, Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy. Bằng không, thì hãy tin vì chính các việc kia vậy. (12) Thật, Thầy bảo thật anh em: Ai tin vào Thầy, thì Người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

  1. Ý CHÍNH:

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su đã tiên báo việc Người sắp từ giã Môn đệ mà về trời với Chúa Cha. Người đi trước để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các ông lên trời với Người (1-4). Sau đó, Đức Giê-su mặc khải Người là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người. Ai biết và thấy Người là đã thấy và biết Chúa Cha (5-7). Rồi Người cũng cho biết mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Cha với Người: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (9). Cuối cùng Người còn hứa sẽ ban quyền năng lớn lao cho những kẻ tin vào Người (12).

  1. CHÚ THÍCH:

– C 1-2: + Đừng xao xuyến: Có lẽ sau khi nghe Thầy cho biết sắp phải chịu tử nạn (x. Ga 12,32-33), có một kẻ trong Nhóm Mười Hai sẽ phản nộp Thầy (x. Ga 13,21) và Phê-rô sẽ chối Thầy ba lần (x. Ga 13,38), thì các môn đệ cảm thấy xao xuyến và lo âu chán nản, nên Đức Giê-su đã phải lên tiếng để động viên tinh thần của các ông. + Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy: Anh em đã tin vào Thiên Chúa, thì cũng hãy tin vào quyền năng và tình thương của Thầy sẽ cứu anh em khỏi mọi nguy hiểm đang chờ đón anh em. + Nhà Cha Thầy: Là trời cao hay thiên đàng, nơi Thiên Chúa ngự trị. + Nhiều chỗ ở: Theo một số giáo phụ (I-rê-nê, Clê-men-tê, Ô-ri-dê-nê) thì câu này nghĩa là trên thiên đàng có nhiều cấp độ hạnh phúc khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các học giả ngày nay (Maldonat, Lagrange, Durant, Huby) lại hiểu là trên thiên đàng sẽ có đủ chỗ ở cho tất cả mọi người. + Nếu không…: Nếu không phải như thế thì Đức Giê-su đã nói rõ để các ông khỏi thất vọng.

– C 3-4: + Đi dọn chỗ: Đức Giê-su cho các môn đệ biết Người không về trời một mình, mà Người sẽ quay lại đón các ông lên trời, để các ông cùng được hưởng hạnh phúc với Người. + Thì Thầy sẽ trở lại: Khi nào Người trở lại ? Có ba ý kiến: Ý THỨ NHẤT: vào thời Giáo hội sơ khai, người ta cho là đến ngày tận thế Chúa Giê-su sẽ lại đến phán xét chung toàn nhân loại và sẽ cho các Môn đệ được hưởng hạnh phúc thiên đàng với Người (x. Mt 25,31-46). Ý THỨ HAI: cho rằng sự đoàn tụ với Chúa xảy ra ngay sau cái chết của từng cá nhân Môn đệ. Ngày nay nhiều người theo Ý THỨ BA: Đức Giê-su sẽ đoàn tụ với các Môn đệ sau khi Người từ cõi chết sống lại. Từ đây, Người sẽ hiện diện với các Môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20), Người sẽ ở giữa và ở trong các tín hữu bằng ơn thánh hóa (x. Ga 14,17-18). Rồi sau khi họ chết, Người sẽ ban cho họ được hưởng hạnh phúc thiên đàng tùy theo công việc họ đã làm khi còn sống (x. Mt 16,27).

– C 5-7: + Chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết được đường ?: Câu này cho thấy Tô-ma là một con người thực nghiệm: đòi phải sờ mó, nhìn xem và kiểm chứng rồi mới chấp nhận (x. Ga 20,24-29). Câu nói của Tô-ma chứng tỏ ông cũng như Phê-rô và các người Do thái khác đều không hiểu gì về việc ra đi của Đức Giê-su (x. Ga 13,37; 7,35-36; 8,14). + Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống: *LÀ CON ĐƯỜNG: Đức Giê-su là con đường duy nhất dẫn đưa loài người từ đất lên trời, giống như chiếc thang tổ phụ Gia-cóp đã nằm mơ. *LÀ SỰ THẬT: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Đức Giê-su mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa (x. Ga 12,45; 14,9) và chỉ đường cho các tín hữu phải ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa Cha, nhờ lắng nghe lời Người (x. Mt 17,5). *LÀ SỰ SỐNG: Con đường dẫn đến mục tiêu cuối cùng là sự sống sung mãn nơi Chúa Cha. Chúa Cha đã ban sự sống cho Đức Giê-su, nên chỉ Người mới có thể ban sự sống đời đời cho những ai tin Người (x. Ga 3,36; 10,28). Tín hữu mang nơi mình mầm sống vĩnh cửu phải tiếp tục đón nhận sự sống ấy qua các phép bí tích do Đức Giê-su thiết lập, và cố gắng góp phần làm phát triển sự sống đó cho đến khi đạt tới sự sống sung mãn với Chúa Cha ở đời sau. + Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy: Qua thập giá, Đức Giê-su đã giao hòa nhân loại với Chúa Cha. Từ đây, không ai có thể nhận được ơn cứu độ nếu không đi “con đường thập giá” (x Mt 16,24) và không được tái sinh bởi nước và Thần Khí (x Ga 3,5). Vì dưới gầm trời này không một danh nào khác ban ơn cứu độ ngoài Danh Giê-su Ki-tô. + Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người: Thực ra các môn đệ đã không xem thấy Chúa Cha vì Người thiêng liêng vô hình, mà chỉ xem thấy Chúa Giê-su, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm. Tuy nhiên ai xem thấy Chúa Giê-su cũng kể như đã thấy Chúa Cha rồi, vì Chúa Giê-su là Em-ma-nu-en nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x Mt 1,23), và Người hằng làm đẹp lòng Chúa Cha (x Mt 17,5) và vâng theo ý Cha. Có lần Người đã khẳng định: “Tôi và Chúa Cha là Một” (Ga 10,30).

– C 8-10: + Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha: Phi-líp-phê đòi Đức Giê-su chỉ cho xem Chúa Cha như Mô-sê ngày xưa đã xem thấy Đức Gia-vê trong đám mây trên núi Si-nai (x. St 24,9-17). + Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha: Đức Giê-su đã cho Phi-líp-phê biết ngày nay Thiên Chúa sẽ không tỏ hiện trong sấm chớp như xưa, mà sẽ ngự nơi con người Đức Giê-su. Từ nay không có con đường nào khác để người ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa, ngoài con đường duy nhất là chính Đức Giê-su (x. Ga 1,18), vì Người được ví như Đầu của thân thể nhiệm mầu là Hội Thánh (x Ep 5,23). + Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy: Chúa Cha được mặc khải nơi Đức Giê-su là Con của Ngài (x. Ga 12,45; 14,7). Tất cả đời sống, lời nói và việc làm của Người là nơi mà Chúa Cha sẽ được tỏ mình ra cách hoàn hảo. Vì Đức Giê-su luôn kết hiệp với Chúa Cha và làm theo ý Chúa Cha.

– C 11-12: + Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm: Đó là được tham phần vào sứ mệnh cứu độ loài người. + Còn làm những việc lớn hơn nữa bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha: Không phải các Môn đệ sẽ làm được những phép lạ lớn hơn Đức Giê-su, nhưng sau khi Người lên Trời, các ông được trao sứ mệnh thay Người đi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc đến tận cùng thế giới với ơn phù trợ của Thánh Thần (x. Cv 1,8).

  1. CÂU HỎI:

1) Tại sao các Môn đệ bị xao xuyến khiến cho Đức Giê-su phải động viên tinh thần các ông ? 2) Đức Giê-su muốn nói gì qua câu “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” ? 3) Đức Giê-su hứa đi trước để dọn chỗ và Người sẽ trở lại đón các môn đệ đi theo Người vào lúc nào ? 4) Khi tự ví mình là con đường, là sự thật và là sự sống, Đức Giê-su muốn dạy chúng ta điều gì ? 5) Câu “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” có ý nghĩa thế nào ? 6) Ngay từ bây giờ các Môn đệ đã xem thấy Chúa Cha qua ai ? 7) Từ đây ai muốn gặp Chúa Cha thì phải gặp qua người nào ? 8) Ai tin vào Đức Giê-su sẽ làm được những việc Người đã làm và còn làm được việc gì lớn hơn nữa cụ thể là những việc gì ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9b).
  2. CÂU CHUYỆN :

1) MẮT PHÀM KHÔNG THỂ THẤY THIÊN CHÚA VÔ HÌNH :

Một ông vua kia do cận thần xúi bẩy nên một hôm đã ra lệnh triệu tập tất cả các giám mục trong nước vào trong hoàng cung. Vua ra lệnh cho các Giám mục trong một tuần lễ phải chứng minh Thiên Chúa là Đấng có thực. Nếu không chứng minh được thì tất cả các Giám mục sẽ bị khép vào tội lừa bịp dân chúng và bị án treo cổ. Thật là một đòi hỏi nan giải, vì làm sao có thể chỉ cho nhà vua xem thấy Thiên Chúa vô hình được ? Rồi càng gần đến hết hạn định, tâm trạng các vị Giám mục lại càng bị bồn chồn lo lắng. Bấy giờ một tu sĩ trẻ nghe biết câu chuyện, liền đến xin phép được thay cho các Giám mục để chỉ cho nhà vua xem thấy Thiên Chúa. Đúng hẹn, anh tu sĩ đã dẫn nhà vua cùng quần thần đến một ngọn đồi giữa buổi trưa nắng gắt. Anh chỉ tay lên mặt trời và tâu nhà vua: “Muôn tâu bệ hạ, thảo dân xin bệ hạ nhìn theo ngón tay của thảo dân, thì sẽ xem thấy Thiên Chúa”. Nhà vua và các quan cận thần đều nhìn lên mặt trời theo hướng ngón tay của anh tu sĩ kia, nhưng không ai có thể nhìn được vì bị chói mắt. Bấy giờ nhà vua liền nổi giận ra lệnh chém đầu anh tu sĩ vì cho rằng anh ta đã dám đánh lừa mình. Bấy giờ vị tu sĩ liền quỳ dưới chân nhà vua và thưa rằng: “Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ đòi xem bằng được Thiên Chúa. Nhưng mặt trời kia chỉ là một tạo vật tầm thường của Thiên Chúa, mà bệ hạ còn không thể xem được, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy Thiên Chúa là Đấng vô cùng cao cả được ? Thiên Chúa luôn hiện hữu, nhưng vì Ngài thiêng liêng vô hình, nên người ta không thể xem thấy Ngài bằng cặp mắt xác thịt, mà chỉ có thể thấy Ngài bằng cặp mắt đức tin thôi”

2) NĂM NGƯỜI MÙ CHO BIẾT VỀ HÌNH DẠNG CON VOI :

       Bài thơ của John Saxe kể lại câu chuyện năm gã mù người Ấn Độ đứng vòng quanh một con voi và muốn biết hình thù của con voi ra sao. Gã mù thứ nhất liền tiến ra sờ vào bên hông của con voi liền bảo voi giống như một bức tường. Gã thứ hai sờ thấy ngà voi thì bảo nó giống như một thanh gươm. Gã thứ ba sờ thấy chiếc vòi thì bảo nó giống một con rắn khổng lồ. Gã thứ tư sờ vào cái tai thì bảo nó giống như một chiếc quạt lớn. Gã thứ năm sờ vào cái đuôi thì bảo nó giống như một bó dây thừng. Thế thì ai trong năm gã mù này trả lời đúng ?  Có lẽ cả năm gã mù đều trả lời đúng, nhưng chỉ đúng một phần khi dựa vào cảm nghiệm giới hạn của mình. Phải nhờ ngồi lại đối thoại với nhau thì họ mới có được một cái nhìn tổng hợp về hình thù của con voi mà mắt họ không xem thấy.

3) CÓ THẾ GIỚI NÀO KHÁC SAU KHI CHẾT KHÔNG ?

Có một gia đình kia. Bà vợ rất sùng đạo, luôn dạy con cái giữ đạo sốt sắng. Ngày nào bà cũng dắt con đi lễ nhà thờ. Trái lại, ông chồng lại không tin vào Thiên Chúa và luôn miệng nhạo báng những hành vi thờ phượng của vợ. Dù sống giữa hai niềm tin đối kháng nhau của bố mẹ, cậu con trai duy nhất của họ vẫn luôn yêu mến và tỏ lòng hiếu thảo với hai cha mẹ. Ngày nọ, đứa con mắc bệnh hiểm nghèo, các bác sĩ bệnh viện cũng vô phương cứu chữa. Khi biết mình sắp chết, cậu bé đã hỏi bố rằng: “Bố ơi, bác sĩ nói con sẽ không còn sống được mấy ngày nữa! Vậy con xin bố hãy nói cho con biết, con phải tin theo bố hay theo mẹ? Tin theo bố thì sẽ chẳng có thiên đàng, chẳng có Thiên Chúa và sau này cũng chẳng có bố mẹ để yêu thương và bảo vệ con ! Còn tin theo mẹ, thì con sẽ có Thiên Chúa là cha nhân lành ban thưởng hạnh phúc thiên đàng cho con, và sau này con cũng hy vọng sẽ được gặp bố mẹ mãi mãi.

Ông bố nghe con nói mà nước mắt lưng tròng. Ông ôm con và nói: “Con hãy tin theo mẹ của con đi nhé”. Cậu bé lại nói: “Nhưng nếu bố không tin giống như mẹ, thì làm sao con có thể gặp được bố trên thiên đàng được?” Trước câu nói đơn sơ chân thành của con, ông bố đã nói với con : « Bố cũng tin giống như mẹ của con. Sau này cả gia đình chúng ta sẽ gặp nhau trên Thiên Đàng con nhé ». Kể từ ngày đó, ông đã hoàn toàn thay đổi lối sống để trở thành người tín hữu đạo hạnh với hy vọng sau này cả gia đình sẽ được sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi.

4) DẤN THÂN ĐI THEO CHỦ TƯỚNG :

Trận chiến tranh giữa hai bên: một bên là nước Pháp và bên kia là liên minh hai nước Ý và Áo đầu năm 1796 đã kết thúc với chiến thắng của Pháp vào ngày 17.11.1796 như sau :

Đại tướng Bonaparte đã đưa quân đến một địa điểm, có cái cầu bắc qua trận tuyến quân địch. Trong lúc trận thế căng thẳng, đại tướng Bonaparte liền ra lệnh cho quan Pháp xung phong đi qua cây cầu để sang bờ bên kia. Nhưng trước họng súng của quân thù, không một người lính nào dám tuân lệnh để xung phong tiến lên thành cầu ! Đại tướng liền xuống ngựa, giựt lấy lá cờ dẫn đầu của người lính cầm cờ và ông vừa tiến lên thành cầu vừa hô to : ”Ai yêu tổ quốc  thì đi theo ta”. Nhưng rồi khi ngó lại, ông thấy trên cầu chỉ có một mình với lá cờ bị rách tơi tả do đạn của quân địch. Trong lúc nguy cấp, bỗng xuất hiện một cậu bé 13 tuổi vừa đánh trống thúc quân vừa hô xung phong và tiến lên cầu đi theo đại tướng. Quân sĩ thấy vậy liền ào ào xung phong theo sau lên cầu sang bên kia sông và đại tướng Bonaparte đã toàn thắng trận chiến đầy cam go chấm dứt cuộc chiến tranh.

Tám năm sau, khi Bonaparte đã lên ngôi lấy tên là hoàng đế Napoléon, có dịp trở lại chiến trường xưa và được mọi người đón rước linh đình. Hoàng đế Napoléon ngỏ ý muốn gặp lại cậu bé Vidal bấy giờ đã được 20 tuổi, và đang đóng quân tại địa phương.

Viên sĩ quan tùy tùng báo cáo cho biết cậu lính trẻ đã được trưởng đơn vị cho nghỉ phép về nhà đưa đám tang mẹ mới qua đời. Hoàng đế Napoléon liền bỏ mọi lễ nghi, cùng đoàn người lên xe đến làng của Vidal. Đến nơi vừa kịp lúc di quan đến nghĩa trang. Hoàng đế liền cùng các quan xuống xe đi bộ theo sau quan tài đến tận huyệt mộ. Tại đây ông đã nói mấy lời phân ưu với Vidal trước khi hạ huyệt. Rồi Hoàng đế ngỏ ý muốn đi chung với cậu trên đường từ nghĩa trang về làng. Khi Vidal từ chối không dám, Hoàng đế Napoléon đã nói với cậu như sau: « Tám năm trước con đã liều chết xung phong đi theo ta lên con đường chết, nay con hãy cho ta đi chung trên con đường sống để chia sẻ nỗi đau với con » (x. Những tia sáng).

5) NGƯỜI PHỤC VỤ CHÚA KI-TÔ :

Thỉnh thoảng trong các bức tranh thánh, chúng ta lại bắt gặp một người đàn ông trung niên cao lớn có chòm râu rậm ẵm đứa trẻ lội qua sông. Đứa bé đó chính là Chúa Hài Đồng, còn người đàn ông kia là thánh CHRISTOPHER, có nghĩa Người mang Chúa Ki-tô, dựa theo truyền thuyết nổi tiếng sau đây:

Christopher là một người khổng lồ gốc Canaan có chiều cao 2.3m. Tên ông là Reprobus, nghĩa là kẻ bơ vơ, bị xã hội ruồng bỏ. To cao như vậy mà Reprobus lại có khát vọng phục vụ một vị vua vĩ đại. Ông tìm đến nhà vua được truyền tụng là xuất chúng nhất, nhưng phát hiện ra ông vua này lại sợ quỷ Satan. Thế là ông lại bỏ đi tìm quỷ. Tìm thấy Satan rồi, ông dốc lòng phục vụ hắn, nhưng rồi ông lại phát hiện ra quỷ cũng biết sợ Chúa Giê-su. Ông bèn lang thang đi tìm Chúa Giê-su. Theo hướng dẫn của một nhà tu hành mộ đạo, Reprobus làm nhiệm vụ đưa mọi người qua một con sông hiểm trở. Nhà tu hành khuyên ông làm việc thiện này sẽ làm Chúa hài lòng và sẽ gặp được Chúa Giê-su.

Ông khổng lồ Reprobus miệt mài cõng người qua con sông dữ cho tới một ngày, một đứa trẻ xuất hiện. Tuy bé nhưng lại nặng như chì, ông khổng lồ vốn khỏe mà bưng em nhỏ qua sông cũng mệt bở hơi tai. Hài nhi Giê-su cho Reprobus biết sức nặng siêu phàm là do cả thế giới mà ngài đỡ trên tay. Sau khi hé lộ danh tính của mình cho Reprobus, Chúa Giê-su đã lập tức biến mất.

Sau khi gặp mặt Chúa Giê-su, anh chàng khổng lồ Reprobus đổi tên thành Christophoros (kẻ mang vác Chúa). Về sau người ta đọc thành Christopher. Từ đó Christopher bắt đầu rao giảng truyền đạo, thu phục thêm nhiều con chiên về cho Chúa. Nhà vua đương thời là hoàng đế La Mã Decius (249-251) quyết tâm đàn áp Thiên Chúa giáo. Hoàng đế Decius không để cho Christopher được yên. Ông bị bỏ tù, tra tấn, và cuối cùng bị xử tử chặt đầu.

Từ đó thánh Christopher trở thành vị thánh bảo trợ đặc biệt cho các du khách và binh sĩ khi ra trận. Cả đời ngài đã đưa người qua sông an toàn, thế nên từ Âu sang Á, những người lữ hành thường mang theo dây chuyền có mặt hình thánh Christopher, xe cộ du lịch cũng hay có tượng ngài để phù hộ cho khách đi đường bình an.

Thánh Christopher đã nâng đỡ Chúa Giê-su bằng bốn cách: Trên vai khi ngài cõng Chúa qua sông; Trong cơ thể khi ngài chịu sự tra tấn của nhà vua; Trong tâm khảm khi ngài tận tuỵ hiến dâng lòng mến Chúa; Và bằng môi miệng khi ngài rao giảng Tin Mừng. Vì thế mỗi tín hữu chúng ta đều có thể trở thành một “Christopher – người mang vác Chúa” nếu chúng ta quyết tâm yêu mến phụng sự Chúa và chuyên cần làm việc thiện.

  1. SUY NIỆM :

1) CHẲNG AI THẤY THIÊN CHÚA BAO GIỜ :

Chẳng ai có thể thấy được Thiên Chúa vì Ngài là đấng thiêng liêng vô hình. Nhưng người ta có thể cảm nghiệm về sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng những cách khác. Giống như mắt ta không thể nhìn sợi giây nào có điện hay không, nhưng ta có thể nhận biết có điện bằng nhiều cách khác. Chẳng hạn khi cả xóm đang tối thui vì cúp điện đột nhiên có điện lại, là đám trẻ con liền la to: «Có điện rồi». Tại sao lũ trẻ lại nhận ra có điện lại là do chúng thấy bóng đèn cháy sáng, quạt quay mát, tivi có hình ảnh v.v… Cũng vậy đối với Thiên Chúa. Tất cả những gì đang hiện hữu và hoạt động nơi bản thân và môi trường chung quanh chúng ta đều chứng tỏ có Thiên Chúa. Vì nếu không có Thiên Chúa thì sẽ chắc chắn sẽ không thể có những biểu hiện ấy.

2) AI THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA :

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu hỏi của tông đồ Phi-líp-phê muốn được Thầy chỉ cho xem thấy mặt Chúa Cha, thì đã được Người trả lời như sau: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ?”. Thực vậy, “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha. Chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Con người tuy có thể nhận biết có Thiên Chúa qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ của Ngài, nhưng chưa ai thấy khuôn mặt của Ngài. Chính Chúa Con là Chúa Giê-su đã tỏ bày cho nhân loại biết sự thật sâu xa của Thiên Chúa nơi Người: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Qua cuộc sống và lời giảng dạy, Người đã cho nhân loại nhận biết Chúa Cha nơi lời nói và hành động của Người như sau: Thiên Chúa là một người Cha từ bi nhân hậu, đầy lòng xót thương, sẵn sàng tha thứ tội lỗi của con cái. Chúa Giêsu trở thành con đường độc nhất dẫn đưa loài người đến với Chúa Cha: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).- “Thiên Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời, để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ” (Cv 4,12).

Đức Giê-su là Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình khi từ trời xuống thế mặc lấy thân xác phàm nhân (x. Ga 1,14). Người nên giống loài người chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không phạm tội (x. Dt 4,15). Chính nhờ Đức Giê-su mà loài người chúng ta mới biết « Thiên Chúa là Tình Yêu » (1 Ga ,16); Thiên Chúa là Một theo Bản Tính, nhưng là Ba theo Ngôi Vị (Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi).

3) THẦY LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG :

 Khi nghe Đức Giê-su cho biết trong nhà Cha của Người có nhiều chỗ ở, và Người sắp về trời là để dọn chỗ cho các môn đệ. Rồi Người sẽ trở lại để đem các ông lên trời với Người, để Thầy trò sẽ được ở bên nhau mãi mãi. Ông Tô-ma thắc mắc « Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường đi ? Đức Giê-su trả lời: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

– Là Con đường: Đức Giê-su vừa là mục tử dẫn đường cho đoàn chiên là các tín hữu lên trời, mà Người còn là con đường, là chiếc cầu duy nhất dẫn đưa loài người lên trời.

– Là Sự Thật: Đức Giê-su đến để bày tỏ sự thật về Thiên Chúa cho chúng ta (x. Ga 12,45). Người là hình ảnh của Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,10); “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).

– Là Sự Sống: Đức Giê-su đã trải qua sự chết và đã sống lại vinh quang, để mở đường sống cho những ai tin và chấp nhận đi con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang” của Người, như thánh Phao-lô viết: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8). Người đã lập bí tích Thánh Thể để biến bánh rượu trở thành Mình Máu Người và mời gọi các tín hữu lãnh nhận để được tham phần vào sự sống đời đời với Người.

4) TRỞ THÀNH CON ĐƯỜNG DẪN ĐƯA THA NHÂN LÊN TRỜI VỚI CHÚA CHA :

Trờ thành Ki-tô hữu tức là thành một Chúa Giê-su khác trước mặt tha nhân. Mỗi người chúng ta phải sống thế nào để cũng có thể nói như thánh Phao-lô: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1, 21). “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Thánh Phê-rô cũng đã khẳng định trước Thượng Hội Đồng Do thái như sau: “Chính Đấng ấy, là Tảng Đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, Tảng Đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ. Vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,11-12).

Ngày nay Đức Giê-su đã về trời với Chúa Cha, và đã mở con đường sống cho loài người là đạo công giáo. Cuộc đời của Đức Giê-su chính là con đường duy nhất dẫn đưa chúng ta lên trời. Mỗi lần học sống Lời Chúa, chúng ta sẽ nhận biết thánh ý Chúa Cha muốn chúng ta phải làm gì. Một khi biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, chúng ta sẽ đi Con Đường Giê-su : là « đường hẹp, leo dốc và ít người muốn đi », là đường « Bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa », là đường « mến Chúa yêu người », đường « Qua đau khổ vào trong vinh quang »… thì chúng ta cũng sẽ trở thành con đường để đưa tha nhân cùng được lên trời với chúng ta. Mỗi lần dự lễ và rước lễ sốt sắng, chúng ta sẽ được Chúa Giê-su ban sự sống là ơn Thánh Thần để giúp ta hăng hái chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa đến tận cùng trái đất.

  1. THẢO LUẬN :

1) Bạn có đồng ý với lập luận như sau: “Đạo nào cũng tốt. Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành. Do đó, Hội Thánh chẳng cần phải truyền đạo cho ai. Chỉ cần giúp anh em lương dân sống theo đạo làm người là đủ” ? Tại sao ? 2) Khi gặp một hoàn cảnh nan giải, bạn cần làm gì để nhận biết thánh ý Thiên Chúa và vâng theo Lời Người chỉ dạy ? 3) Hát bài kết thúc như sau: “Con đây ! Lạy Chúa Chúa muốn con làm gì ?”

  1. NGUYỆN CẦU :

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Thánh ý Thiên Chúa là muốn cho mọi người đều được nhận biết chân ly và được hưởng ơn cứu độ. Xin ban cho những ai chưa biết Thiên Chúa, được nghe Lời Chúa để có đức tin và quyết tâm sống theo gương Chúa làm và lời Chúa dạy để được hưởng ơn cứu độ. Xin thôi thúc các tín hữu chúng con biết ý thức sứ mệnh phải chia sẻ niềm tin, hạnh phúc, niềm vui và sự bình an cho lương dân đang sống chung quanh chúng con.

– LẠY CHÚA. Chúng con cảm thấy mình thật nhỏ bé và bất lực, khó lòng có thể chu toàn sứ mệnh truyền giáo mà Chúa đã trao cho Hội Thánh trước khi về trời. Xin cho chúng con ý thức rằng: Sứ mệnh truyền giáo trước hết phải được thực hiện cho những người thân quen như: cha me, vợ chồng, con cái, anh em và bạn bè của chúng con, rồi sau đó mới đến người khác. Xin giúp chúng con năng nhìn ngắm khuôn mặt dịu hiền của Chúa và suy niệm các hành vi và lời dạy của Chúa, vì Chúa chính là hình ảnh trung thực của Chúa Cha. Xin giúp chúng con biết lắng nghe Lời Chúa dạy và quyết tâm thực hành theo trong đời sống thường ngày. Xin cho chúng con biết từ bỏ ý riêng và vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ ngày một nên con ngoan hiếu thảo của Chúa Cha, nên môn đệ đích thực của Chúa và nên anh chị em của mọi người.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH –  HHTM

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN