Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 5 Mùa Chay, năm C, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 5 Mùa Chay, năm C, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Người phụ nữ ngoại tình

h5_resizeCha McCathy có kể một câu chuyện như sau: Ngày xưa, có một người bị bắt vì tội ăn trộm, và nhà vua đã ra lệnh treo cổ. Nhưng trên đường bị giải đến pháp trường, người đó đã nói với viên cai ngục rằng anh ta có một điều bí mật, do người cha truyền lại. Anh tuyên bố rằng khi sử dụng bí quyết này, thì anh có thể trồng một hạt giống của cây lựu, và làm cho nó mọc lên trổ sinh hoa trái chỉ trong một đêm.

Viên cai ngục quá bị ấn tượng, đến nỗi ông ta lưỡng lự việc thi hành án, và giải tù nhân trả lại cho nhà vua. Tại đó, người ăn trộm đào một cái lỗ trong lòng đất, lấy hạt giống cây lựu ra và nói: “Thưa bệ hạ, hạt giống này phải được trồng từ bàn tay của một người mà chưa bao giờ lấy cắp bất cứ thứ gì. Vì là một tên trộm, nên tôi không thể trồng nó được”.

Thế rồi anh ta quay sang một viên quan của nhà vua và nói “Ngài có thể trồng hạt giống này được chứ”. Nhưng vị quan này từ chối ngay, nói rằng “Khi còn trẻ, tôi đã giữ một vài thứ không phải là của tôi”.                                                            

Sau đó, người ăn trộm quay sang người canh giữ kho tàng của nhà vua và nói “Vậy ngài có thể trồng hạt giống này chứ?”. Nhưng người canh giữ kho tàng cũng từ chối và nhiều viên quan khác cũng từ chối như thế.

Cuối cùng quay sang nhà vua, người ăn trộm nói “Tâu bệ hạ, có lẽ chỉ có bệ hạ mới có thể trồng được hạt giống này”. Nhưng nhà vua đáp lại ngay “Ta xấu hổ mà phải nói rằng, có một lần trong đời ta đã lấy một chiếc đồng hồ của cha ta”.

Sau đó, người ăn trộm nói “Tất cả các ngài đều là những người có địa vị và có quyền thế, tuy nhiên, không một ai trong các ngài có thể trồng được hạt giống này, trong khi tôi ăn cắp, chỉ vì tôi đang chết đói thế mà tôi lại bị kết án treo cổ”.[1]

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi những người biệt phái đưa người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu và hỏi ý kiến Ngài, Chúa Giêsu đã giữ thinh lặng.

Trong quyển Ecce Homo, Seeley có một gợi ý như sau: “Chúa đã im lặng, vì Chúa cảm thấy xấu hổ. Ngài không thể chịu đựng được cái nhìn của đám đông, cái nhìn của những người lúc nào cũng muốn kết án người khác. Ngài bối rối và xấu hổ cực độ, Ngài đã cúi xuống dường như để che mặt đi và bắt đầu viết trên đất. Rất có thể những ánh mắt đầy dục vọng của các Kinh Sư và Đạo Sĩ Do Thái, những cái nhìn trân tráo và tàn bạo của họ, những cái nhìn tò mò dâm đãng của đám đông, cộng thêm ánh mắt xấu hổ của người phụ nữ, tất cả đã giày vò tâm hồn vừa đau đớn, vừa thương xót của Chúa Giêsu, khiến Ngài đã phải che giấu đôi mắt của Ngài”.

Ngài đã im lặng, cúi xuống và viết trên đất.

Bởi vì chỉ trong thinh lặng, con người mới có thể trở về với cõi lòng và nghe được tiếng nói của Chúa. Đây là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nói với các Biệt Phái và đám đông đến nghe Ngài giảng.

Người ta ồn ào và hung hăng bao nhiêu khi lôi người phụ nữ ngoại tình tới trước mặt Chúa, thì giờ đây trong thinh lặng do Ngài gợi lên người ta lại càng nhận ra chính bản thân tội lỗi của mình bấy nhiêu.

Trước đó, người ta càng mạnh bạo để kết án người khác bao nhiêu, thì giờ đây người ta lại càng rụt rè xấu hổ bấy nhiêu.

Có thinh lặng con người mới đi sâu vào cõi lòng mình.                                        

Có thinh lặng con người mới nhận ra thân phận tội lỗi bất toàn của mình.         

Và có thinh lặng con người mới có thể tha thứ cho người khác như trong Bài Tin Mừng, mọi người đều rút lui, bắt đầu từ những người lớn tuổi.                               

Họ rút lui trong thinh lặng. Có lẽ đây là lần đầu tiên đám đông dân chúng ra về trong thinh lặng. Họ đã nắm bắt được nội dung của bài giảng ngày hôm đó.   

Hôm ấy Chúa Giêsu không chỉ tha thứ và giải cứu cho người phụ nữ ngoại tình.

Ngài cũng đã loan báo chính số phận của Ngài, rồi đây Ngài cũng bị điệu ra trước tòa án để xét xử. Nhưng như Ngài đã cúi xuống và thinh lặng trong phiên tòa xử người phụ nữ ngoại tình, Ngài cũng phải giữ thinh lặng trong suốt phiên tòa của Ngài. Và tột đỉnh của sự thinh lặng ấy là sự tha thứ của Ngài khi bị treo trên Thập Giá.

Trong những ngày này, Giáo Hội mời gọi chúng ta đi vào thinh lặng của cõi lòng và lắng nghe sự thinh lặng của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Từ trên Thập Giá Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở về với cõi lòng để nhận ra thân phận tội lỗi của chúng ta, để nghe được lời tha thứ của Ngài và nhất là để tha thứ cho người khác như Chúa đã mời gọi đám đông dân chúng Do Thái tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay.[2]    

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] McCathy, CN 5C MC

[2] Mỗi ngày một tin vui, CN 5C MC

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …