Home / Lưu nháp / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 5 mùa Chay, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 5 mùa Chay, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

 

Bước đường theo Chúa

(Ga 12, 20-23)

Suy-Niem-Ga 12,20-23Qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta: «Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác».

Qua những lời ấy, Đức Giêsu cho thấy sự song đôi tất yếu của từng cặp yếu tố trái ngược nhau: chết đi và sinh ra, hạnh phúc và đau khổ. Hạt lúa có chết đi mới sinh ra những hạt khác.

Hạt lúa mì được geo xuống lòng đất. Nó nằm sâu trong lòng đất, nóng nực, bức bối. Rồi nó lại phải thối đi. Thối đi qua việc hút nước ẩm trong lòng đất. Rồi phải xé rách vỏ hạt. Đau đớn lắm chứ! nhưng nhờ đó, nó mới có thể cắm rễ vào lòng đất rồi nẩy mầm. Sau đó tiếp tục phát triển để có thể sinh sản nhiều hoa trái khác.

Con người cũng vậy. Con người có đau khổ mới làm cho mình và người khác hạnh phúc. Do đó, chết là điều kiện thiết yếu của sống, và đau khổ là điều kiện thiết yếu của hạnh phúc. Thật vậy, trên đời, có hạnh phúc nào mà không được xây dựng trên đau khổ, hoặc của chính mình, hoặc của người khác?

Theo như Flor McCarthy thì “Chết là một phần của sống. Chúng ta sinh ra là để chết, hầu có thể sống sung mãn hơn”. Thực vậy,
– mỗi một hành vi khiêm tốn là một phần tính kiêu ngạo chết đi,
– mỗi một hành vi can đảm là một phần tính hèn nhát chết đi,
– mỗi một hành vi dịu dàng là một phần tính hung hăng chết đi,
– mỗi một hành vi yêu thương là một phần tính ích kỷ chết đi.

Quả thật “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”

Câu chuyện bà Catherine Marchall và chị nữ tu truyền giáo:
Vài năm trước đây, bà Catherine Marshall có viết một bài báo tựa đề “Khi Chúng Ta Dám Tin Vào Thiên Chúa”. Bài báo thuật lại rằng bà bị liệt giường suốt 6 tháng không ăn uống được vì một bệnh lao phổi. Mặc dù được điều trị bằng rất nhiều thuốc men và được bao nhiêu người cầu nguyện nhưng bà vẫn cảm thấy tuyệt vọng.
Một hôm có người biếu bà một cuốn sách nhỏ kể chuyện một nữ tu truyền giáo bị một chứng bệnh kỳ lạ. Chị nữ tu này bị cơn bệnh đó dày vò suốt 8 năm trời và chị không thể hiểu nổi tại sao Chúa lại để cho tấm thảm kịch này đến với mình. Ngày nào chị cũng cầu xin cho mình được khoẻ mạnh để chu toàn công việc truyền giáo của mình. Nhưng lời cầu xin của chị vẫn chưa được Chúa nhậm lời. Một ngày kia, thất vọng quá chị khóc lóc với Chúa: “Lạy Chúa, con tuyệt vọng rồi! Nhưng không sao; nếu Chúa muốn con trở thành tàn phế, thì đó là do ý của Chúa!”. Thế rồi hai tuần sau, chị nữ tu đó được hoàn toàn bình phục.
Catherine Marshall để cuốn sách đó sang một bên nhưng bà không thể quên được câu chuyện ấy. Thế rồi một buổi sáng nọ, bà Catherine kêu cầu Chúa bằng những lời tương tự như lời cầu nguyện của chị nữ tu ấy: “Con kêu xin Chúa ban sức khoẻ cho con, con mỏi mệt lắm rồi! Xin Chúa hãy quyết định là Chúa muốn cho con khoẻ mạnh hay bệnh tật, con cũng xin vâng!”. Về sau, Catherine kể lại rằng, chính vào lúc đó, sức khoẻ bà bắt đầu hồi phục lại.
Câu chuyện vị nữ tu truyền giáo và câu chuyện của bà Catherine Marshall giúp chúng ta hiểu những gì Đức Giêsu đang muốn nhắn nhủ trong bài Tin Mừng hôm nay. Hai câu chuyện đó chứng tỏ lời Chúa Giêsu dạy: nếu hạt lúa không chết đi, nó sẽ chẳng đem lại hoa trái. Nói cách khác, nếu chúng ta không chết đi với ý riêng của mình, chúng ta cũng không thể sinh hoa trái cho Thiên Chúa. Nếu chị nữ tu không chết đi với ý riêng của mình để nói lên câu: “Lạy Chúa, con đã tuyệt vọng rồi; nhưng không sao!” thì có lẽ bà ta vẫn mãi mãi là một phế nhân. Nhưng chị đã chết đi với ý riêng của mình, nên đã bình phục và sinh hoa trái.
Nếu Catherine Marshall đã không hy sinh ý riêng mình để nói lên câu: “Lạy Chúa xin hãy quyết định điều Ngài muốn”, thì có lẽ bà vẫn nằm lại trong tình trạng bệnh tật. Nhưng bà đã hy sinh ý riêng, nên bà đã được lành bệnh và kết sinh hoa trái.

Cả hai câu chuyện về chị nữ tu và Catherine Marshall đều dạy chúng ta cùng một bài học. Chúng ta phải biết sẵn lòng làm chết đi ý riêng của mình nếu chúng ta muốn mang lại hoa trái cho Thiên Chúa. Chúa dạy chúng ta phải biết sẵn lòng tín thác vào Chúa và giao phó bản thân mình trong tay Ngài nếu chúng ta muốn đạt được sự sống đời đời.[1]

Thật thế, qua kinh nghiệm trên, mỗi người chúng ta khám phá ra rằng: nếu lúc nào chúng ta cũng nghĩ đến sự an toàn bản thân thì chỉ tạo ra sự sợ sệt, lo lắng và mất bình an. Còn tập buông bỏ tất cả những gì mình vẫn thường bám víu như: sự sống, sự an toàn, các tham vọng, tiền bạc, nhà cửa, danh dự… sẵn sàng chấp nhận mất tất cả, chỉ bám víu vào một mình Thiên Chúa, thì sự bình an và hạnh phúc sẽ đến.

Hiện nay, tôi cảm thấy tâm hồn bình an và hạnh phúc hơn trước rất nhiều: một thứ bình an hạnh phúc thường hằng và bền vững, khác với thứ bình an trước đây. Bình an và hạnh phúc của tôi bây giờ phát xuất từ bên trong, từ Thiên Chúa, không bị chao đảo khi những điều kiện bên ngoài thay đổi. Qua kinh nghiệm này, tôi thấy chính lúc mình chấp nhận đau khổ, thì đau khổ không còn ảnh hưởng tới mình nhiều như trước nữa. Chính lúc mình sẵn sàng chấp nhận chết bất kỳ lúc nào, thì mình lại sống thanh thản và trọn vẹn hơn bao giờ hết. Điều Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay quả thật là một điều cần thiết cho những ai đang bước theo Chúa trên con đường khổ giá: «Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt khác». Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

 

[1] Câu chuyện của Mark Link, SJ, CN 5B MC

Xem thêm

BaoLCTX0124

Tài Liệu Học Tập Lòng Chúa Thương Xót số 01/2024

  BaoLCTX01.2024