Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống như Tin Mừng của thánh Marcô (Chúa nhật 14 năm B). Có lẽ cả hai lần trở về Nazareth, người đồng hương của Chúa Giêsu đều đối xử với Người cùng một cách, nên thánh Luca kể chung vào làm một.
Thánh Luca kể rằng:
Ngày sabat, Đức Giêsu vào hội đường cầu nguyện với bà con đồng hương và chú giải đoạn Sách Thánh vừa đọc, tức là đoạn sách của tiên tri Isaia nói về Đấng Cứu Thế:”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó…”. Mọi người chăm chú nghe Người giảng vì danh tiếng Người đã vang rộng. Người nói đơn sơ, hùng hồn, hấp dẫn, khôn ngoan và sâu sắc, khiến tất cả ai nghe đều thán phục. Họ ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Người:”Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”.
Người đồng hương hài lòng với “sứ điệp” của Đức Giêsu, nhưng họ không muốn nhận sứ điệp ấy từ Người. Vì sao ? Vì Người là con ông Giuse ! Họ thấy trước đây Người làm nghề thợ mộc, cha mẹ bình thường như họ, vì thế họ đâm ra hoài nghi và đòi Người làm phép lạ như đã làm ở Capharnaum. Người thấy họ không có lòng tin nên không làm cho họ phép lạ nào.
Thế là từ sự thán phục đổi sang ghen tức. Họ ghen tức và trách Người tại sao không làm phép lạ nào nơi quê hương như đã làm ở Capharnaum chỉ cách đó có 30 cây số ! Nhưng Đức Giêsu đã “đi guốc trong bụng họ”, Người biết họ đang nghĩ gì, nên Người nói đón đầu: ”Có lẽ các ông muốn mượn câu ngạn ngữ: “Thầy lang ơi! Hãy chữa lấy mình”. Họ muốn Chúa hãy làm cho họ hưởng các phép lạ trước rồi sau đó mới cho người khác được hưởng. Họ muốn đưa ra một tối hậu thư ép Chúa phải phục vụ họ trước.
Biết rõ đầu óc cục bộ địa phương, còn nhiều ganh tỵ, mang đậm tính mầu cờ sắc áo Nazareth của những người đồng hương như thế, Chúa Giêsu muốn từ chối ràng buộc Ơn Cứu Độ của Người trong mối liên hệ máu mủ thân quen nên đã nói rõ ý định của Người: “Tôi bảo thật các ông, không một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Nghĩa là, vị tiên tri không có tình cảm ưu ái với những người đồng hương hơn những người xa lạ. Chúa đã trưng dẫn hai vị tiên tri lớn trong Cựu Ước là Elia và Elisa đã có những hoạt động vượt ra ngoài ranh giới tôn giáo cũng như lãnh thổ, để từ chối không ban cho những người Nazareth, mà cả dân tộc Israel độc quyền chiếm hữu Ơn Cứu Độ. Ý thức mình là dân riêng Chúa chọn, nên người Do Thái không thể tưởng tượng được một Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến lại lưu tâm đến dân ngoại là người tội lỗi, hơn là ghé mắt chiếu cố đến họ. Chính điều này đã khiến họ tức giận, căm phẫn và tìm cách xô Người xuống vực thẳm.
“Vậy ông cũng hãy làm tại đây một phép lạ cho chúng tôi”.
Người ta không ngừng đặt “cơn cám dỗ” lớn ấy dưới chân Đức Giêsu. Đó là cơn cám dỗ của satan (Lc 4,l-14). Người ta đòi hỏi Đức Giêsu những “dấu chỉ từ trời xuống” (Lc 11,16).
Một trong những cách chối bỏ Thiên Chúa là yêu cầu Chúa làm phép lạ. Chúng ta cũng có thái độ của người dân ở Nagiarét khi chúng ta muốn có một Thiên Chúa tỏ mình ra thêm chút nữa, một Thiên Chúa giải quyết những vấn đề của chúng ta thay cho chúng ta. Hơn nữa Thiên Chúa không thích vai trò mà chúng ta muốn ép Người làm. Thiên Chúa không thích điều ngoại lệ, kỳ diệu và ly kỳ. Khi Người chữa lành một người mù không phải để làm cho chúng ta kinh ngạc mà để ám chỉ cho chúng ta biết rằng Người muốn chữa sự mù lòa vốn có của tất cả chúng ta. Khi Người chữa lành một người bị liệt nằm trên cáng, vì Người mong muốn chữa lành mọi người chúng ta khỏi một bệnh liệt còn nặng hơn nhiều là tội lỗi của chúng ta. Điều đó được nói rõ ràng trongTin Mừng (Lc 5,17-26).
“Vậy ông cũng hãy làm tại đây một phép lạ cho chúng tôi”.
Có lúc chúng ta tưởng rằng Chúa phải làm như thế này, Chúa phải làm như thế kia thì Chúa mới được vinh danh. Suy nghĩ như thế, chính là bắt Chúa phục vụ chúng ta. Bắt Chúa phục vụ chúng ta, chính là chối bỏ quyền năng của Người trên chúng ta. Con người tìm đến Chúa và yêu cầu Người “làm” điều mà mình mong mỏi, là thách thức Chúa.
Ôi, lạy Chúa, con nhận ra mình ở trong số những người đồng hương của Chúa ở Nagiarét! Xin Chúa giúp con trở lại với lòng con để biết phục vụ Chúa, thay vì đòi Chúa phục vụ con. Thay vì lúc nào cũng nói ‘nguyện ý con được thể hiện, con phải nói rằng nguyện ý Cha được thể hiện” như Chúa đã dạy trong Kinh Lạy Cha. Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy, MSV