Chúa Chiên Lành
Trong cuốn sách Xin Đừng Xa Nhau Nữa, Bemard Haring kể lại câu chuyện như sau:
“ngày tôi còn bé, mẹ thường hỏi tôi rằng trên thân thể con người phần nào quan trọng nhất”. Tôi đã đánh vật với câu hỏi ấy của mẹ suốt nhiều năm tháng.
Tôi cố suy nghĩ nhưng chẳng bao giờ đưa ra được câu trả lời đúng cho mẹ.
Ban đầu, tôi nghĩ chắc hẳn âm thanh là yếu tố thiết yếu nhất trong cuộc sống con người vì thế tôi nói:“Phần thân thể quan trọng nhất, đó là hai tai của con, phải không mẹ?“
Mẹ bảo: “Ô! không phải đâu. Rất nhiều người xung quanh chúng ta bị điếc, con ạ. Nhưng con cứ tiếp tục suy nghĩ đi và mai mốt trả lời mẹ nhé.”
Vài năm sau, mẹ lại hỏi tôi: “Phần thân thể nào của con là quan trọng nhất?”
Lần này, tôi trao cho mẹ câu trả lời mà mình đã suy ngẫm khá lâu:
“Mẹ ơi, thị giác rất quan trọng đối với mọi người. Vì thế đôi mắt của con chắc chắn là quan trọng nhất!”
Mẹ nhìn tôi, mỉm cười và nói: “Con tiến bộ rất nhanh đấy. Giỏi lắm. Nhưng câu trả lời của con vẫn chưa đúng.”
Thêm nhiều năm nữa trôi qua, mẹ thỉnh thoảng nhắc lại với tôi câu hỏi ấy, và lần nào cũng vậy, cuối cùng mẹ nói với tôi: “Không phải, con ạ. Nhưng con của mẹ đã tỏ ra thông minh hơn trước nhiều đó. Tốt lắm.”
Thế rồi năm ngoái, ông nội tôi qua đời. Một bầu khí buồn thảm chưa từng có bao trùm lên cả gia đình tôi. Mọi người đều khóc. Cả bố cũng sụt sùi sa lệ.
Tôi nhớ rất rõ những dòng nước mắt của bố tôi bởi vì đó là lần thứ hai trong đời tôi nhìn thấy bố khóc.
Khi tất cả gia đình đứng quây quần trước thi hài ông nội để nói lời từ biệt, mẹ chợt nhìn tôi và hỏi: “Này con, giờ đây hẳn con đã nhận ra đâu là phần thân thể quan trọng nhất của mình rồi chứ, con yêu?”
Bất ngờ, tôi không hiểu tại sao mẹ chọn đúng vào lúc này để lập lại với mình câu hỏi ấy.
Bởi tôi vốn cho rằng đây chỉ là một trò chơi giữa mẹ và tôi thôi.
Đọc được vẻ lúng túng trên gương mặt tôi, mẹ bảo:
“Câu hỏi ấy vô cùng quan trọng, con ạ. Bởi vì, tùy vào câu trả lời của con mà con sẽ biết mình đã thực sự sống cuộc đời của mình hay chưa. Tất cả những câu trả lời của con trước đây đều không đúng, và mẹ đã giải thích cho con rõ tại sao. Mẹ nghĩ hôm nay là ngày con cần học lấy bài học quan trọng này cho đời mình. Mẹ cúi xuống nhìn tôi với ánh mắt thẳm sâu, trìu mến, người nói tiếp:
“Này con phần thân thể quan trọng nhất chính là đôi vai của con đó.”
Tôi nhìn mẹ thăm dò: “Vì đôi vai là điểm tựa của đầu con, phải không mẹ?
Mẹ trả lời: “Không phải thế đâu, mà đúng hơn bởi vì vai con sẽ là điểm tựa cho đầu của một người nào đó, khi họ khóc.
Con yêu, trong cuộc đời, ai cũng có lúc cần một chiếc vai để mình được gục đầu và khóc.
Mẹ chỉ mong sao con có đủ bạn hữu và người thân trong đời con, để khi cần, con luôn luôn có một chiếc vai mà tựa đầu vào”.
Bấy giờ tôi hiểu ra rằng điều quan trọng nhất trong đời người không phải là qui hướng về mình, băn khoăn về mình, lo lắng cho mình.
Chính sự đồng cảm với nỗi khổ đau của người khác mới là quan trọng nhất.
Những gì mình nói, người ta sẽ lãng quên. Những gì mình làm, rồi cũng sẽ trôi vào quên lãng… Nhưng không bao giờ người ta quên những cảm xúc mà một ai đó đã đem lại cho mình.[1]
Phải, Mẹ chỉ mong sao con có đủ bạn hữu và người thân trong đời con, để khi cần, con luôn luôn có một chiếc vai mà tựa đầu vào”.
Những gì con nói, người ta sẽ lãng quên. Những gì con làm, rồi cũng sẽ trôi vào quên lãng… Nhưng không bao giờ người ta quên những cảm xúc mà một ai đó đã đem lại cho mình.
Phải, chúng ta luôn cần đôi vai của một ai đó để tựa vào đó khi cần.
Một đôi vai, làm chúng ta liên tưởng đến hình ảnh của con chiên đi lạc.
Chúa Giêsu đã vác nó lên vai để đem nó về chuồng.
Nó đi lạc, bởi vì nó tự rời xa đàn.
Nó muốn được tự do. Nó muốn được tự lập, nhưng suýt nữa nó đã vong mạng.
Đang lúc nguy kịch thì người mục tử nhân lành là Chúa Giêsu đã đến kịp thời.
Ngài không la mắng, ngài không quát tháo, nhưng vác nó lên vai.
Nó đã yên tâm khi được nằm gọn trên đôi vai của Chúa.
Một hình ảnh thật sống động về đôi vai mà người mẹ trong câu chuyện muốn diễn ta với đứa con của mình.
Với hình ảnh đó, chúng ta sẽ rất thấm thía khi nhắc lại thánh vịnh 23
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23).
Hôm nay là ngày Giáo Hội cầu nguyện cho ơn kêu gọi linh mục và tu sĩ.
Không cần nói thêm chi nhiều, chúng ta chắc cũng ý thức nhu cầu linh mục cấp bách đến thế nào cho Giáo Hội chúng ta: chúng ta đang thiếu linh mục.
Rất nhiều họ đạo không có linh mục.
Ngày xưa Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ thấy những đồng lúa chín vàng và bảo “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.
Chúng con hãy cầu nguyện xin chủ ruộng cho thêm thợ gặt đến đồng lúa của Ngài”.
Chúa biết nhu cầu của chúng ta, nhưng Chúa muốn chúng ta phải cầu xin thì Chúa mới ban ơn. Xin gì?
Xin cho có nhiều thiếu niên, thanh niên quảng đại dâng mình cho Chúa để phục vụ các linh hồn.
Xin cho những người đang theo tiếng gọi của Chúa hôm nay, tức là các chủng sinh, các tu sĩ nam nữ, các em dự tu, được bền tâm vững chí.
Dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn, nhưng Chúa đã nói “Ai bền đỗ tới cùng thì sẽ được rỗi”.
Xin cho các linh mục của Chúa được xứng đáng là những dụng cụ tốt Chúa dùng để thông ban ơn lành cho con người, nghĩa là xin cho các ngài được thánh thiện và chăm lo cho đàn chiên của Chúa. Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Thanh Thanh Huyền, ACI, Niềm vui Kitô hữu, trg. 162-164