Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 Phục Sinh, năm A, của P.Trần Đình Phan Tiến

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 Phục Sinh, năm A, của P.Trần Đình Phan Tiến

(Ga 10, 1- 10)

MỤC TỬ  GIÊSU

h6_resizeMục Tử Giêsu là một Mục Tử của Tân Ứơc, Vị Mục Tử Này đã thể hiện sứ mạng Thiên Sai cao cả, đã minh chứng “cuộc tình” này với “đàn chiên” bằng cuộc Tử Nạn để “cứu thoát” đàn chiên.

Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn “chết vì kẻ thù” thì không thiếu, nhưng “chết cho kẻ thù” thì không ai có thể làm được điều ấy, vì “dại gì mà làm”. Nhưng, Đức Kitô không “chết cho kẻ thù”, mà là: “chết cho người mình yêu”. Vì, Người đã nói: “… Ta đến để cho chiên của Ta được sống, và sống dồi dào” (Ga 10, 10b).

Như vậy, Mục Tử Giêsu không nói suông, mà là đã thực thi như Lời Người nói.

Vâng, Đoạn Tin Mừng hôm nay có thể có 03 ý chính:

  • Chúa Giêsu giải thích và minh định sứ vụ của Người là “Cửa Chuồng chiên”
  • Nhưng người Dothai không hiểu sứ vụ của Chúa Giêsu.
  • Nhiệm vụ cao cả của sứ vụ Mục Tử Tối Cao duy nhất của Chúa Giêsu.

Thưa quý vị, Chúa Giêsu nói: “Tôi là cửa cho chiên ra vào…” (c7b), sau khi Người đã nói cho người Dothai biết “ý nghĩa” của cái cửa chuồng chiên. Cửa chuồng chiên bên Dothai không hẳn nhiên như cửa chuồng trâu, bò ở Việt Nam. Cửa chuồng chiên ở Dothai có khi chỉ là một cái vòng tròn, do người chăn chiên vẽ ra và chiên theo tín hiệu ấy mà vào. Dù bằng cách nào đi nữa, thì “cái cửa” chuồng chiên thật quan trọng, bởi vì nó nói lên nhu cầu thân thiết, quen thuộc của đàn chiên và người chủ chăn.

Nghề chăn chiên khá quen thuộc vì phổ biến bên Nước Dothai từ xa xưa, có thể nói từ nguyên sơ, người Dothai đã quen thuộc với nghề chăn chiên. Đặc tính của con chiên là con vật nuôi, hiền lành, thì dễ nhút nhát, sợ hãi với thú dữ và người lạ.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh thân quen đó mà mô tả “sứ mạng mục tử“ của Người, bởi vì tính cách của chiên là như thế, thì người chăn chiên phải “yêu thương” săn sóc đàn chiên của mình đúng với tính cách của chiên. Người chăn chiên phải biết đặc tính của từng con chiên mà mình chăn dắt. Phải săn sóc như chúng được săn sóc, vỗ về yêu thương. Vì thế, người chăn chiên là “cái cửa” để cho chiên ra vào, có nghĩa là sự giám sát, sự săn sóc, sự biết rõ từng con chiên một. Con chiên nào bệnh hoạn ốm đau thì người chăn chiên phải biết.

Tai sao Chúa Giêsu dùng hình ảnh “con chiên”, “người chăn chiên” để giàng dạy cho người Dothai? Thưa, vì Thiên Chúa muốn dùng hình ảnh gần gũi, quen thuộc đối với người Dothai là “hình ảnh con chiên”. Chiên là động vật hiền lành, người chăn nuôi khai thác được lợi tức từ nghề nuôi chiên, lấy lông, sữa, thịt. Đó là theo hình ảnh tự nhiên, còn hình bóng siêu nhiên, thì đoàn dân Chúa, tức “giáo dân” được trao cho những người mục tử Cựu Ứơc chăn dắt, thì họ ra sức khai thác theo nghĩa đen, giống như khai thác con chiên một cách không thương tiếc. Theo đó, Thiên Chúa ban Đấng Cứu Thế cho thế gian, ví như “con chiên” hiền lành được đem đi sát tế.

Khi Người đến thế gian, Người loan báo sứ vụ của Người như một “Mục Tử” nhân lành vì đoàn chiên. Hình bóng con chiên tự nhiên, được Chúa Giêsu nhân cách hóa hình ảnh “con chiên Nước Trời”. Vâng, vì vậy, Chúa Giêsu là Chủ chăn đàn chiên Nước Trời, người đến thế gian để chăn dắt đàn chiên của Thiên Chúa là chúng ta. Người Chủ chăn “đó” không bóc lột, không xén lông, không vắt sữa, không làm thịt chiên. Mà trái lại, Người chăm sóc tận tình từng con chiên một, lấy chính Thịt, Máu mình để nuôi chiên. Vậy, ý nghĩa Chúa Giêsu ví mình như ”cái cửa“ là vậy đó. “Cái Cửa” đó chỉ cho biết Người là Đấng duy nhất và đích thật chăn giữ đàn chiên của Thiên Chúa, để phân biệt với “kẻ chăn thuê” hay người lạ, tức phần tử bất hảo.

Vâng, ý nghĩa đoạn Tin Mừng (Ga 10, 1- 10) hôm nay là đoạn Tin Mừng cho chúng ta biết sứ vụ cứu chuộc của Chúa Giêsu chính là  “tình yêu cứu độ duy nhất” bởi Thiên Chúa. Bởi vì, là “cửa chuồng chiên”, Chúa Giêsu vừa là ông chủ, vừa là Người chăn chiên, chứ không phải là kẻ chăn thuê, khác với hình ảnh chăn thuê, Chúa Giêsu minh họa rõ nét về Người chăn chiên nhân lành. Những, hình ảnh nầy không có trong Cựu Ứơc. Chúng ta nhớ lại trong Cựu Ứơc, có lần Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ đối với những thầy tư tế Lê-vi là những người đã bóc lột dân chúng, việc dâng lễ trong đền thờ đã xúc phạm đến Thiên Chúa, tội lỗi phía sau bàn thờ, những người con trai của những thầy tư tế đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Tất cả những thứ tội lỗi phạm đến việc thờ phượng, không tuân giữ giới răn của Thiên Chúa, đến độ họ dâng lễ vật, máu chiên, bò để đền tội, nhưng cũng không nguôi lòng Thiên Chúa, vì thế, Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ cho muôn dân là Đức Giêsu-Kitô. Vì vậy, để hiểu rõ hơn Đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta trở về với Cựu Ứơc. Vì vậy, lễ tế Cựu Ứơc không sánh với Lễ Tế Tân Ứơc là chính giao ước của Thiên Chúa đã thiết lập qua Đức Kitô và chính Người đã thực hiện, vì thế, Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian, để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Đọan Tin Mừng hôm nay một lần nữa xác tín, Đức Kitô đã trở nên Vị Mục Tử duy nhất của Tân Ứơc. vị Mục Tử đã đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, chứ không phải “ăn” của dân, mà là “cho “dân ăn và ăn no nê.

Theo đó, hôm nay là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, là ngày cầu cho ơn Thiên Triệu, tức “ơn gọi từ Trời”, chứ không phải từ nơi phàm nhân. Hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành GIÊSU chính là những hình ảnh mục tử thừa tác ngày nay theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Vậy, linh mục ngày nay không phải là “Chúa Kitô khác” (Alter Christus), nếu như vậy, cũng có thể hiểu là: ”khác Chúa Kitô”, như vậy là không đúng. Phải nói là: “chính (như) Chúa Kitô”, có nghĩa là: “Christum ipsum directio” mới sát nghĩa. Mong thay!

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Vị mục Tử nhân lành, Chúa đã đến vì đoàn chiên thân yêu và chính Chúa đã hiến mạng sống vì đoàn chiên, để cho chiên được sống và sống dồi dào. Xin cho mọi thời có nhiều người đáp lại tiếng Chúa để họ biết sống như chính Chúa là hy sinh hiến mạng sống mình vì đoàn chiên, như vậy, họ được xứng đáng tháp nhập vào Chúa như “cành liền cây”, quả thật, họ sẽ được trổ sinh hoa trái./. Amen

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …