Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm A của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm A của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

 

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG A

Is 7,10-14 ; Rm 1,1-7 ; Mt 1,18-24

SỐNG CÔNG CHÍNH VÀ TOÀN TÂM PHỤNG SỰ CHÚA

 

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 1,18-24.

images (1)(18) Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a Mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. (19) Ông Giu-se chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. (20) Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. (21) Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. (22) Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: (23) “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (24) Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (25) Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay đề cao đức công chính của thánh Giu-se thể hiện qua cách ứng xử trước việc thụ thai lạ lùng của Đức Ma-ri-a. Tin Mừng cũng cho biết thái độ của Đức Ma-ri-a là toàn tâm toàn ý cộng tác vào chương trinh cứu độ của Thiên Chúa.

3. CHÚ THÍCH:

– C 18-19: + Bà Ma-ri-a Mẹ Người: Ma-ri-a là tên của Đức Ma-ri-a, là Mẹ sinh ra Đức Giê-su. + Đã thành hôn với ông Giu-se:Theo phong tục Do thái lễ cưới gồm hai giai đoạn là lễ đính hôn và lễ cưới rước dâu. Lễ đính hôn chính là thành hôn về mặt pháp lý và được cử hành trước lễ cưới cả năm trời. Thường thì hai người nam nữ sau khi đính hôn vẫn chưa ăn ở với nhau. Nhưng nếu lỡ có con trong thời gian này thì đứa con vẫn được công nhận là con chính thức của hai vợ chồng. Câu này cho thấy Giu-se và Ma-ri-a đã là vợ chồng hợp pháp sau lễ đính hôn. + Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần: Việc thụ thai của Đức Ma-ri-a không phải do Giu-se. Tuy nhiên về mặt xã hội, trẻ Giê-su vẫn được thiên hạ coi là con của bác thợ mộc Giu-se (x. Mt 13,55), dù thực sự Giu-se chỉ là cha nuôi (x Lc 3,23). + Giu-se là người công chính: Công chính là sự tuân giữ Lề Luật Chúa cách trọn hảo, và đối xử công minh ngay chính với tha nhân. Sự công chính của Giu-se ở đây không phải là công chính theo Luật, vì Giu-se đã không làm theo Luật dạy là phải làm tờ chứng thư ly dị và trao cho vợ (x. Đnl 24,1-4). Do đó sự công chính của Giu-se hệ tại ba điểm này: Một là Giu-se đã tôn trọng việc Thiên Chúa thực hiện nơi Ma-ri-a. Hai là Giu-se không dám cưới một người đã được Thiên Chúa chọn để dành riêng làm việc của Ngài. Ba là Giu-se không dám nhận làm cha một hài nhi Thần Linh khi chưa nhận được chỉ thị từ nơi Thiên Chúa. + Không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo: Giu-se bị lâm vào một hoàn cảnh nan giải: Một đàng không thể nghi ngờ người bạn mà ông biết là rất trong sạch. Đàng khác vì là người công chính, Giu-se không dám dành cho mình người phụ nữ mà Thiên Chúa đã chọn. Ông phải làm thế nào để vừa bảo toàn được danh dự cho Ma-ri-a, lại vừa giữ được sự công minh chính trực? Cuối cùng ông quyết định âm thầm bỏ Ma-ri-a để con trẻ sinh ra vẫn có cha, mà ông cũng giữ được sự công minh chính trực trước mặt Thiên Chúa.

– C 20-21: + Ông đang toan tính như vậy: Giu-se chưa kịp thi hành ý định thì Thiên Chúa đã sai thiên thần đến trấn an và trao sứ mạng cho ông. + Này ông Giu-se là con cháu Đa-vít: Giu-se được trao sứ mạng làm cha để trẻ Giê-su thuộc về dòng dõi Đa-vít theo pháp luật, hầu ứng nghiệm lời sứ thần: “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít tổ tiên Người” (x. Lc 1,32), và lời tuyên sấm của các ngôn sứ về dòng dõi Đấng Thiên Sai (x. Is 9,6; 2 Sm 12,16). + Đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần: Sứ thần đánh tan sự e ngại của Giu-se bằng cách ra lệnh cho ông mau tổ chức lễ cưới đón Ma-ri-a về làm vợ mình vì việc thụ thai là do quyền năng của Thiên Chúa. + Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su: Đặt tên cho con trẻ là thừa nhận mình là cha của đứa trẻ về pháp luật. Tên Giê-su hay Giô-suê, Giê-su-a có nghĩa là “Gia-vê Đấng cứu độ”. Đây cũng là tên riêng của nhiều người khác trước đó (x. Xh 24,13; Nkm 7,7). + Vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ: Sứ mạng của con trẻ là cứu dân khỏi quyền lực của ma quỷ, tội lỗi và sự chết (x. Tv 130,8), khác với quan niệm cứu thế trần tục mà dân Do thái đang mong đợi.

– C 22-23: + Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai: Đây là lời tuyên sấm của I-sai-a (x. Is 7,14) nói lên tính siêu phàm của Đấng Thiên Sai. Người do một bà mẹ đồng trinh sinh ra. Thực ra mẫu tính đồng trinh của Đức Ma-ri-a nói đây không nhấn mạnh về thể xác cho bằng để chứng minh thần tính và nhân tính của Đức Giê-su+ Em-ma-nu-en:nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tên gọi này bao hàm sứ mạng của Đấng Thiên Sai: Nhờ Đức Giê-su mà Thiên Chúa sẽ hiện diện giữa dân Ngài để cứu độ họ. Tin mừng Mát-thêu cũng kết thúc bằng lời hứa của Đức Giê-su: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

– C 24-25: Sau khi được sứ thần báo mộng, Giu-se không còn ngần ngại. Ông lập tức tổ chức lễ cưới rước dâu để đón Ma-ri-a về nhà làm vợ mình như lệnh sứ thần truyền. + Ông không ăn ở với bà: Sở dĩ ông Giu-se đón Ma-ri-a về nhà làm vợ mà không ăn ở với bà như vợ chồng, vì ông tôn trọng lời khấn trọn đời đồng trinh của Ma-ri-a khi thưa “Xin Vâng” với sứ thần để trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế (x. Lc 1,31.38). + Cho đến khi bà sinh một con trai và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su: Giu-se đã vâng lời sứ thần khi đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

4. CÂU HỎI:

Một số người Tin Lành đã dựa vào chữ “cho đến khi” trong câu này để khẳng định: Ma-ri-a chỉ đồng trinh trước khi sinh hài nhi Giê-su như lời ngôn sứ I-sai-a. rồi sau khi sinh, bà lại sống đời làm vợ của ông Giu-se theo đúng nghĩa vợ chồng, nghĩa là có ăn ở với nhau và đã sinh thêm nhiều con trai con gái khác như Tin Mừng Mát-thêu ghi lại (x. Mt 13,55). Ngoài ra, Tin Mừng Lu-ca cũng có câu: “Ma-ri-a sinh con trai đầu lòng” (x. Lc 2,7).

* GIẢI ĐÁP:

– Chữ “Cho đến khi” ở đây không có nghĩa là Giu-se đã không ăn ở với Ma-ri-a cho đến khi bà sinh con, rồi sau đó ăn ở như vợ chồng như các đôi vợ chồng khác. Khi viết câu này, tác giả Mát-thêu chỉ muốn nhấn mạnh tới sự kiện Giu-se đã không can thiệp gì vào việc Ma-ri-a sinh con, đúng như lời sấm của ngôn sứ I-sai-a về một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai (x. Is 7,14). Mát-thêu không lưu tâm tới việc hai ông bà có ăn ở với nhau như vợ chồng hay không sau khi bà sinh con, vì câu Tin Mừng chỉ viết: “Ông không ăn ở với bà, cho đến khi sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su” (c. 25).

– Về chữ “con trai đầu lòng” (Lc 2,7), Lu-ca chỉ nhắc lại khoản luật trong Xuất hành về việc thánh hiến con trai đầu lòng cho Đức Chúa của người và thú vật (x. Xh 13,2.12.15) sắp được áp dụng cho trẻ Giê-su (x. Lc 2,23). Do đó “con trai đầu lòng” ở đây chỉ có ý nói là “đứa con thứ nhất, đứa con sinh ra đầu tiên” (primo genitus) chứ không ám chỉ còn có các con khác sẽ sinh ra sau đó.

– Tin Mừng Mát-thêu cũng trưng dẫn lời một người nọ nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, cómẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy” (Mt 12,47). Câu này tương tự câu nhận định của dân làng Na-da-rét về Đức Giê-su: “Anh em của ông không là các ông Gia-cô-bê, Giô-xép, Si-mon và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mt 13,55-56; Mc 6,3). Đây là những người anh em bà con nói chung chứ không hàm ý rõ ràng đó có phải là anh chị em ruột hay không. Cuối cùng sách Công Vụ Tông Đồ cũng viết: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với các anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14). Anh em nói đây chỉ là bà con họ nội của Đức Giê-su về phía cha nuôi là thánh Giu-se.

– Bằng chứng rõ nhất chứng minh Đức Giê-su là con trai duy nhất của Đức Ma-ri-a là trước khi chết, Đức Giê-su đã trối Mẹ Ma-ri-a làm mẹ của môn đồ Gio-an và trối Gio-an làm con của Mẹ Người. Và “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27). Nếu ngoài Đức Giê-su còn có nhiều anh chị em khác nữa thì Đức Giê-su chắc chắn đã không trối trăn như vậy và môn đệ Gio-an cũng không thể rước Đức Ma-ri-a về nhà mình phụng dưỡng thay cho Thầy Giê-su được.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Ông Giu-se chồng bà là người công chính (Mt 1,19). Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy (Mt 1,24).

2. CÂU CHUYỆN: MỘT HÀNH ĐỘNG KHIÊM TỐN VÀ TRUNG THỰC

Khi vụ OÁT-TƠ GHẾT (Water Gate) xảy ra, thì Tổng Thống NÍCH-SƠN (Nixon) vốn được dân chúng Hoa Kỳ tín nhiệm và đánh giá cao, đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Cũng vì muốn thắng cử mà Ních-sơn tuy đã biết nhưng vẫn làm ngơ cho thuộc hạ tổ chức nghe lén điện thoại của đảng đối lập. Bây giờ bị họ phát hiện và ghép vào tội nghe lén, một hành động vi phạm pháp luật Hoa Kỳ. Ông mất ăn mất ngủ trong nhiều ngày để tìm lối thoát trong danh dự. Thế rồi một ngày nọ, sau khi làm việc ở văn phòng tại Tòa Bạch Ốc về nhà, Ních-sơn ngồi một mình khá lâu trong phòng riêng. Bỗng ông nhìn thấy cuốn Thánh Kinh đang nằm trên bàn làm việc. Ông đã cầm lấy mở ra và đọc được câu Lời Chúa sau: “Sự thật sẽ giải thoát các ngươi”. Về sau ông cho biết: Chính câu Lời Chúa đó đã nhắc nhở ông phải trung thực trong hành động. Thế là ông mau chóng quyết định dứt khoát. Mấy ngày sau đó, người ta thấy ông xuất hiện trên truyền hình phát đi toàn nước Mỹ lời nhận lỗi và xin tha thứ. Ông cũng chính thức xin từ chức Tổng Thống, một chức vụ đầy quyền lực và vinh quang mà nhiều chính khách luôn mơ ước. Đây là một hành động được đánh giá là can đảm và có một không hai trong lịch sử Hoa Kỳ. Chính nhờ sự can đảm trung thực và khiêm tốn nhận lỗi đó mà dân chúng đã thông cảm và kính phục ông như trước.

3. SUY NIỆM:

Tin mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng hôm nay mời gọi các tín hữu chúng ta dọn tâm hồn đón nhận ơn cứu độ của Đức Giê-su bằng việc noi gương thánh cả Giu-se và Trinh Nữ Ma-ri-a như sau:

1) Noi gương công chính của thánh Giu-se: Sự công chính của Giu-se được Tin Mừng diễn tả như sau: “Ông Giu-se chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Vậy tại sao Giu-se được khen là người công chính? Trong những ngày chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta phải sống thế nào để noi gương công chính của thánh Giu-se?

a) Công chính là ứng xử công bình ngay chính: Trước sự kiện Ma-ri-a tuy đã thành hôn nhưng chưa về chung sông mà đã có thai nên chắc không phải con của mình, Giu-se đã suy đi nghĩ lại trong lòng và đã bình tĩnh chọn lối ứng xử công bình ngay chính như sau: Ông “không tố cáo bà” tội ngoại tình vì không dám xét đoán ý trái cho Ma-ri-a, một người mà ông biết rõ rất mực thánh thiện. Nhưng đàng khác, ông cũng không thể tổ chức lễ rước dâu để đón Ma-ri-a về nhà làm vợ và nhắm mắt thừa nhận bào thai Ma-ri-a đang cưu mang là con mình vì không đúng sự thật và cũng vì chưa nhận được chỉ thị nào từ nơi Thiên Chúa. Cuối cùng Giu-se đã chọn giải pháp “âm thầm lìa bỏ” bà để vừa tôn trọng sự thật lại vừa bào toàn danh dự cho Ma-ri-a, tránh cho bà khỏi bị kết tội cách oan ức trước mặt người đời.

b) Công chính cũng là vâng theo thánh ý Thiên Chúa: Giu-se còn thể hiền đức công chính qua thái độ luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Khi được sứ thần hiện ra báo mộng và cho biết ý Chúa muốn, Giu-se đã thức dậy và làm theo ý Chúa như sau: Một là tổ chức lễ rước dâu để “đón vợ về nhà”: Để làm được điều này, ông phải làm chủ tính tự ái và can đảm bỏ ngoài tai các dư luận bất lợi chung quanh. Hai là “Ông không ăn ở với bà”: Điều này cho thấy bản lãnh và sức mạnh tinh thần cao cả của ông, để có thể tôn trọng lời khấn hứa trọn đời đồng trinh của Đức Ma-ri-a. Ba là “Cho đến khi bà sinh một con trai, ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su”: Đặt tên là xác nhận tư cách làm cha của Hài nhi Cứu Thế về mặt luật pháp.

c) Học tập gương công chính của thánh Giu-se: Như vậy, cách ứng xử của thánh Giu-se nói trên cho thấy ngài là một người công chính vì đã dành cho Đức Ma-ria một tình yêu chân thành, có lòng khoan dung nhân hậu, tự chủ mực thước, bản lĩnh và có lập trường vững chắc… Qua đó cho thấy Giu-se là một người công chính, xứng đáng là cha nuôi của Hài nhi Cứu Thế Giê-su và là bạn trăm năm của Ðức Ma-ri-a, đồng thời nêu gương thánh thiện cho các tín hữu chúng ta hôm nay. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần tránh thái độ hồ đồ, hay xét đoán ý trái cho tha nhân theo thiên kiến chủ quan “suy bụng ta ra bụng người”. Chúng ta cũng cần ứng xử bình tĩnh tự chủ trước mọi tinh huống bất ngờ, luôn phản ứng theo cách khôn ngoan vị tha và trung thực, luôn tìm kiêm thánh ý Thiên Chúa bằng cách tự hỏi: “Nếu Chúa Giê-su ở trong hoàn cảnh của tôi bây giờ thì Người sẽ làm gì?” rồi làm theo lời Chúa dạy để ngày một trở nên công chính thánh thiện noi gương thánh Giu-se.

2) Noi gương đức đồng trinh về tâm hồn như Trinh nữ Ma-ri-a:Tin Mừng hôm nay không những đề cao sự công chính của thánh Giu-se mà còn đề cập đến việc thụ thai kỳ diệu của Trinh Nữ Ma-ri-a do quyền năng Thánh Thần. Thông thường, nói tới sự đồng trinh của Ðức Ma-ri-a, người ta thường chỉ nghĩ tới đồng trinh về thể xác, mà ít nghĩ tới đức đồng trinh về tâm hồn của ngài. Thực ra cả hai mặt của đức đồng trinh ấy đều quan trọng và cần thiết. Nếu chỉ đồng trinh về thể xác mà thiếu đồng trinh tâm hồn thì sự đồng trinh ấy cũng không có giá trị bao nhiêu! Chính sự đồng trinh tâm hồn nơi Ðức Ma-ri-a mới quan trọng và nêu gương cho chúng ta hôm nay.

Đức Ma-ri-a đồng trinh trong tâm hồn biểu lộ qua việc Mẹ luôn quy hướng về Thiên Chúa và toàn tâm toàn ý phụng sự Chúa. Khi thưa Xin Vâng với sứ thần, Trinh nữ Ma-ri-a đã như một nữ tu khấn trọn: tuyên khấn thuộc trọn về Chúa. Qua lời khấn đó Mẹ đãtự hủy để toàn tâm toàn ý thuộc về Thiên Chúa và sống chết cho Ngài như Đức Giê-su nói: “Tôi tự trời mà xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38), hoặc như thánh Phao-lô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Khi thưa với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38), Đức Ma-ri-a đã chứng tỏ đức đông trinh tâm hồn và trở thành gương mẫu cho các tín hữu hôm nay. Mọi tín hữu kể cả những người sống bậc hôn nhân gia đình đều có thể và được mời gọi sống đức đồng trinh trong tâm hồn, nghĩa là trọn vẹn phụng sự Thiên Chúa noi gương Mẹ Ma-ri-a.

3) “Em-ma-nu-en”- “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”: Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng hôm nay cũng đề cập đến danh hiệu của Đức Giê-su đã được ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm trước đó bảy trăm năm: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. (Mt 18,23). Em-ma-nu-en là danh hiệu cho thấy ý Thiên Chúa muốn ở với loài người mọi nơi mọi lúc như Đức Giê-su đã xác nhận trước khi lên trời: “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Ngày nay Chúa Giê-su vẫn tiếp tục ở cùng chúng ta bằng nhiều cách như sau:

1- Khi Hội Thánh công bố Lời Chúa trong phụng vụ: Bấy giờ chính Đức Giê-su hiện diện để nói với chúng ta qua các vị chủ chăn: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16).

2- Khi cộng đoàn hội họp nhau nhân danh Đức Giê-su trong các buổi học sống Lời Chúa hằng tuần hằng tháng thì có Người hiện diện để dạy dỗ: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

3- Khi chúng ta yêu mến Chúa Giê-su và biểu lộ bằng việc lằng nghe và vâng giữ lời Người thì Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đến ngự trong chúng ta: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

4- Khi chúng ta cử hành thánh lễ và rước lễ sốt sắng là chúng ta được kết hiệp mật thiết với Chúa như Người dạy: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

5- Khi chúng ta phục vụ những người nghèo đói bệnh tật và bị bỏ rơi là chúng ta đã phục vụ chính Chúa Giê-su đang hiện thân nơi họ như Người đã nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Tóm lại: Thiên Chúa muốn ở cùng con cái loài người chúng ta mọi ngày cho đến tận thế qua Đấng Em-ma-nu-en là Chúa Giê-su. Tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn đang từ chối đón nhận Người như Tin Mừng Gio-an đã viết: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11). Vậy trong những ngày này chúng ta sẽ làm gi để gặp gỡ tâm sự với Chúa, lắng nghe Lời Chúa và phục vụ Người nơi những người nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi?

4. THẢO LUẬN: 1) Trong những ngày Mùa Vọng này, bạn quyết tâm làm gì để trở thành một người công bình ngay chính noi gương thánh cả Giu-se? 2) Bạn sẽ làm gì cụ thể để noi gương Trinh Nữ Ma-ri-a toàn tâm toàn ý phụng sự Tin Mừng Nước Thiên Chúa?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biết hy sinh quên mình để lo công việc của Chúa như thánh Giu-se hôm nay. Xin cho chúng con luôn sẵn sàng làm theo ý Chúa như ngài. Ước gì mỗi ngày con tập bỏ đi một sở thích không cần thiết, bỏ qua một lời nói đụng chạm đến tha nhân. Ước gì chúng con nhìn thấy Chúa đang ở trong những người đau khổ nghèo hèn chung quanh để ân cần an ủi phục vụ họ, hầu sau này chúng con đáng được Chúa đón về quê trời hưởng hạnh phúc muôn đời như thánh Giu-se khi xưa.

– LẠY CHÚA. Xin cho chúng con luôn sẵn sàng tận hiến cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân noi gương đức đồng trinh trong tâm hồn của Trinh Nữ Ma-ri-a. Trong những giờ phút đen tối của cuộc đời, khi bị người thân hiểu lầm, bị người chung quanh nói xấu và xa lánh mà không thể tự giải oan, xin giúp chúng con biết bình tĩnh cậy trông và phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng noi gương Mẹ khi xưa. Chúng con tin rằng Chúa sẽ kịp thời giải oan và còn “biến sự dữ ra sự lành” để giúp chúng con được hưởng ơn cứu độ của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.

Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 

LM ĐAN VINH – HHTM

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …