GỐC TÍCH CHÚA GIÊ-SU
1. Gốc
“Gốc” là cội rễ, là nguồn sống. Ông bà xưa có lời dạy: “diệt cỏ phải diệt tận gốc”. Nên mất gốc thì không thể tồn tại.
“Gốc” là nơi nương tựa. Trong cuộc sống, nhất là đường tiến thân trong sự nghiệp, công danh, ta thường nghe nói: “ ông này, bà kia…có gốc lớn lắm”, điều ấy hiểu rằng họ có thể đứng vững trước những thử thách phong ba, bão tố…
“Gốc” là niềm tự hào của con người. Là danh dự, là phẩm giá thiêng liêng phải giữ gìn và bảo vệ, như giống nòi, dòng tộc…Ai chối từ những điều ấy, người ta thường phê phán là “đồ mất gốc”.
“Gốc” còn là ngọn nguồn, nguồn gốc. Nên để hiểu rõ một sự việc, một vấn đề, cần phải biết nguồn gốc phát sinh, căn nguyên của sự việc. “phải lần tìm gốc rễ của sự việc”
Vì thế, để đặt niềm tin vào một người, ta cần phải biết gốc tích của người đó. Không ai có thể tin tưởng một người mà không hề biết gì về gốc gác người đó, những gì họ làm, và họ làm với mục đích gì.
Hiểu biết mơ hồ thì không thể có niềm tin.
2. Gốc tích Đức Giê-su
Đức Giê-su xuất thân từ dòng dõi mà gia phả về Ngài đã có ghi lại trong Kinh Thánh.
“Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham…” (Mt.1,1-17).
Trong đó, phần cuối của gia phả Đức Giê-su Ki-tô đã kết luận: “Gia-cóp sinh Giu-se, chồng bà Maria, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô” (Mt.1,16).
Nhưng, vấn đề là ở chỗ bà Maria mang thai bé Giê-su không phải do chung sống với Giu-se, chồng bà, mà do“quyền năng của Chúa Thánh Thần”.
Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. (Mt.1,18).
Vậy, Đức Giê-su từ đâu đến ?
Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” (Mt.1,23).
Giu-se, trong một cú “sốc” bất ngờ vì “trước khi hai ông bà về chung sống, bà Maria đã có thai”, nhờ sứ thần Thiên Chúa, đã kịp nhận ra chương trình của Thiên Chúa, và ông đã “tin” vào Mầu Nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể.
Ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (Mt.1,24).
Vậy, gốc tích Đức Giê-su, là Ngài đến từ trời. Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đích thực là Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng nhân loại.
Đức Giê-su nói với Ni-cô-đi-mô: Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. (12) Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được (13) Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống. (Ga.3,11-13).
3. Đón Chúa Hài Đồng ngự vào lòng.
Trong dòng đời, biết bao chuyện vật đổi sao dời, không ít lần, ta cảm thấy chới với, chưa hẳn mất niềm tin, nhưng không khỏi hoài nghi, chao đảo.
Chúng ta suy ngẫm thêm về bản tin sau đây:
Đức Thánh Cha nói với người Philippines: Đừng ngại hỏi Thiên Chúa tại sao?
Cộng đồng người Phi Luật Tân tại Rôma đã tập trung tại Đền Thờ Thánh Phêrô chiều hôm thứ Năm 21 tháng 11 để cầu nguyện cho quê hương và các nạn nhân của trận bão Haiyan tàn khốc.
Đức Hồng Y Antonio Tagle Luis của tổng giáo phận Manila đã không dằn được cảm xúc khi ngài đề cập đến các nạn nhân của cơn bão Haiyan ở Phi Luật Tân.
“Quá nhiều những mất mát xung quanh chúng tôi… Ngay cả trong đêm đen này… Chúng tôi đã chứng kiến một sự can đảm rất lớn trong dân chúng khi cố gắng cứu gia đình của mình.”
Đức Thánh Cha Phanxicô, đã lắng nghe những lời của Đức Hồng Y với một niềm cảm thông sâu xa. Ngài đã trìu mến ôm Đức Hồng Y.
Sau đó, Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói với anh chị em hiện diện trong đền thờ. Ngài nói rằng họ không nên sợ hỏi Chúa tại sao Ngài lại để cho tất cả các đau khổ này có thể xảy ra.
Đức Thánh Cha nói:
“Tại sao những điều này xảy ra? Không thể giải thích được. Có rất nhiều điều chúng ta không thể hiểu được.Trong những giây phút đau khổ, anh chị em đừng né tránh câu hỏi ‘Tại sao?’ như trẻ em thường hỏi. Anh chị em sẽ thu hút ánh mắt của Cha chúng ta trên anh chị em. Anh chị em sẽ thu hút sự dịu dàng của Cha chúng ta trên Trời”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng khi trẻ em hỏi ‘ Tại sao?’ với cha mẹ chúng, những gì chúng thực sự muốn xin là tình yêu. Đó là lý do tại sao, người lớn nên làm như thế trong những bi kịch như cơn bão vừa qua.
Ngài nói:
“Trong những giây phút đau khổ, có lẽ đây là lời cầu nguyện hữu ích nhất. Đó là hỏi tại sao trong lời cầu nguyện”.
Chỉ có thể đón Chúa vào lòng khi tâm hồn bình an.
Chỉ có thể có một tâm hồn bình an nếu biết Đức Giê-su, Ngài là ai ? Ngài từ đâu đến ?
Cũng như ông Giu-se, sự xung đột trong lòng cứ tiếp diễn cho đến khi được sứ thần Chúa cho biết đứa con trong lòng bà Maria, vợ ông, là do “quyền năng của Chúa Thánh Thần. Là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (Mt.1,24).
Đời ta chưa bao giờ, và có thể không bao giờ, được sứ thần báo mộng, giải đáp hay an ủi ta điều gì, nhưng ta có Tin Mừng soi sáng.
“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105).
Chính khi ta nhận biết gốc tích Chúa Giê-su, ta mới nhận biết gốc tích của chính mình, gốc tích của con người.
Chúa Giê-su Ki-tô mạc khải trọn vẹn cho ta thân phận của con người cùng với niềm hạnh phúc đích thực mà Thiên Chúa – và chỉ có Thiên Chúa , Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng vô cùng yêu thương nhân loại – mới có thể trao ban cho nhân loại.
Ta vững tin và vui mừng đón Chúa vào trong lòng ta. Hang Đá lòng ta – đơn sơ và phó thác.
Ngài ở trong lòng ta, trong Máng Cỏ lòng ta, đồng hành với ta – cũng như Ngài đã từng ở chung con thuyền với các môn đệ, dẹp tan sóng gió cuộc đời (Mt 8,23-27).
LỜI NGUYỆN
Xin cho mọi tâm hồn
Bình yên như Đêm Thánh
Đời dù bao giá lạnh
Có Chúa mãi ấm lòng.
Cơn gió lạnh đêm đông
Đâu bằng lòng lạc lỏng
Biển đời bừng dậy sóng
Đâu bằng sóng trong lòng
Nguyện cầu Chúa Hài Đồng
Đêm An Bình trần thế
Cho con nụ cười hồng
Thay cho đôi dòng lệ. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG