Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 mùa Chay, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 mùa Chay, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Truyện con rắn đồng (Ga 3,14-21)

Jn3_14-21Con rắn đồng là biểu trưng cho Đức Giêsu bị treo trên Thánh Giá. Sách Dân số 21,4-9 kể rằng: Dân Do Thái đi từ núi Horeb về phía Biển Đỏ đi vòng quanh xứ Eđôm. Quãng đường dài này đã làm cho dân chúng kêu trách Đức Chúa và ông Môsê:”Tại sao đem chúng tôi ra khỏi Ai Cập để rồi chúng tôi phải chết trong hoang địa? Không có bánh, không có nước, chúng tôi đã chán món ăn khốn nạn này lắm rồi”. Bấy giờ Đức Chúa cho những con rắn lửa từ trong rừng bò ra cắn dân chúng, nhiều người phải chết.
Dân chúng chạy đến ông Môsê, thưa với ông: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi đã nói phạm đến Đức Giavê và đến ông, xin ông cầu với Đức Giavê cho chúng tôi để Ngài đuổi lũ rắn này xa khỏi chúng tôi”. Ông Môsê cầu cho dân. Chúa bảo Môsê: “Hãy làm một con rắn và treo trên ngọn sào, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn vào đó thì được sống”. Môsê làm một con rắn đồng và treo lên ngọn sào. Hễ ai bị rắn cắn nhìn vào rắn đó đều được khỏi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã ghi lại: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị hủy diệt, nhưng được sống đời đời.”

Gioan dùng câu chuyện này như một loại dụ ngôn để chỉ về Chúa Giêsu. Ông nói: “Con rắn bị treo lên, người ta nhìn nó hướng về Chúa, do quyền phép của Chúa, Đấng họ tin cậy thì họ được lành bệnh. Chúa Giêsu cũng phải bị treo lên như thế, để khi loài người hướng về Ngài thì sẽ được sự sống đời đời”.

Một điểm gợi ý rất lạ ở đây. Động từ treo lên là hupsoun. Từ này được dùng cho Chúa Giêsu theo hai nghĩa. Một là việc Chúa bị treo lên thập giá, và hai là việc Chúa được cất lên để vào vinh hiển lúc Ngài về trời. Nó được dùng chỉ thập giá trong Ga 8,28; 12,32, và được dùng chỉ Chúa Giêsu lên trời vinh quang trong Công Vụ 2,33; 5,31; P1 2,9.

Có hai lần Ngài được đưa lên, lần bị đưa lên thập giá và lần được đưa lên vào cõi vinh quang; cả hai liên hệ với nhau bất khả phân ly. Điều này không thể xảy ra mà không có điều kia. Với Chúa Giêsu, thập giá là con đường tiến đến vinh quang. Nếu Ngài khước từ thập giá, tránh né, tìm cách để thoát khỏi đó – là việc Ngài đã có thể làm thật dễ dàng nếu muốn – thì Ngài đã không thể bước vào cõi vinh quang.

Với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể chọn con đường dễ đi, có thể khước từ thập giá mà mỗi Kitô hữu phải vác, nếu thế, chúng ta sẽ mất phần vinh hiển. Đó là một trong những định luật bất di bất dịch của đời sống: không có thập giá thì không có triều thiên.[1]                                                                

Anh chị em thân mến, đứng trước thập giá Đức Kitô, chúng ta phải có thái độ nào?

Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ tình yêu của Ngài?

Chính thái độ của chúng ta sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Vì thế, tin hay không tin là một chọn lựa sống chết. Mỗi người có đủ tự do tiếp nhận hay từ chối ánh sáng. Ai tin là đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối ánh sáng và tự đầy đọa mình trong tăm tối, trong cõi chết. Thiên Chúa không cần kết án luận phạt nữa.

– Hãy nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Phải, bên kia sự ác độc của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của con người.

– Hãy nhìn lên thập giá: đó là một sự ô nhục, nhưng chính sự ô nhục này lại mang lại vinh quang cho chúng ta.

– Hãy nhìn lên thập giá; đó là một sự chết chóc, tủi nhục và thương đau, nhưng chính sự chết chóc này lại mang sự sống cho chúng ta.

Đó là thập giá của Chúa kitô, còn thập giá giá của chúng ta như thế nào?

– Đó chính là khi chúng ta bị chống đối và hiểu lầm,

– Đó chính là khi chúng ta bị bỏ rơi và phản bội,

– Đó chính là khi chúng ta bị thất bại và oan ức,

– Đó chính là khi chúng ta bị nhục nhã và cô đơn.

Thập giá là tất cả những gì chúng ta ước mong mà không đạt được. Thập giá là tất cả những gì chúng ta không mong muốn mà nó cứ lù lù xông vào cuộc đời chúng ta. Tóm lại, thập giá là tất cả những gì xảy đến với chúng ta mà chúng ta không muốn chấp nhận. Chỉ khi nào chấp nhận chúng ta mới có thể đi vào vinh quang với Ngài.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được ơn tha thứ của Ngài. Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để chúng ta cũng biết cảm thông và tha thứ cho anh em chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? “Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37). Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương ta. Amen

LM Giuse Đỗ Văn Thụy 

[1] William Barclay, Tin Mừng theo thánh Gioan, trg.104-105

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN