Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 Mùa Chay, năm B của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 Mùa Chay, năm B của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

(Ga 3, 14-21)

Chúa Nhật thứ bốn Mùa chay thường được gọi là Chúa Nhật Mừng vui lên. Điều đó được ghi trong Ca nhập lễ của thánh lễ hôm nay: Mừng vui lên Giêrusalem hỡi. Lời kêu gọi mừng vui lên ngay giữa Mùa chay làm chúng ta phải suy nghĩ. Lời kêu gọi đó chắc chắn không nhắm trước tiên đến việc khổ nạn mà đúng hơn nhắm đến mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu tức là chặng đường của Chúa Giêsu đi từ cái chết đến phục sinh vinh quang.
Trong bài Phúc âm hôm nay, thánh Gioan dùng chữ nâng cao. “Như Môisen đã nâng cao con rắn lên lên thế nào, Con Nguời cũng sẽ được nâng cao như vậy”. Chữ treo lên không nói hết được ý nghĩa mà Gioan muốn nói vì nơi Gioan, treo lên cũng đồng nghĩa với được nâng lên. Như thế đau khổ thử thách không phải là dấu chấm hết của cuộc đời vì vinh quang phục sinh mới là điều mà Thiên Chúa dành cho những người kiên trì đi theo Đức Kitô trên con đường thánh giá. Thiên Chúa có thể làm cho tình trạng rất xấu, tình trạng tuyệt vọng trở nên tình trạng rất tốt, tình trạng đầy niềm vui và hy vọng.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Ký sự chứng minh điều đó. Khi dân làm dơ bẩn đền thờ Chúa, khi dân không nghe lời thậm chí còn nhạo báng các vị sứ giả Chúa gởi đến, thì cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đổ trên họ qua việc quân Babylon tiến chiếm và phá hủy đền thờ vào năm 587 trước Công Nguyên. Những người còn sót lại sau trận chiến thì bị bắt làm nô lệ cho quân thù tại Babylon. Vua chúa không còn, đất nước tiêu tan, nhất là Đền thờ bị tàn phá : người Do thái kể như bị tiêu diệt trong Đế quốc hùng mạnh Babylon. 
Bài đáp ca hôm nay nói lên tâm tình của người ở nơi tha hương. Quân canh ngục đòi những người sống ở nơi lưu đầy vui vẻ hát lên nhưng làm sao họ có thể hát được những bài ca vui. Họ chỉ còn có cách treo đàn trên cành cây và khóc nức nở vì nhớ đến Jerusalem.
Vậy mà khoảng 70 năm sau, vua Cyro Ba tư cho phép dân còn sót lại đó được hồi hương và xây dựng lại đền thờ Giêrusalem. Một việc tưởng như tuyệt vọng không còn lối thoát, một dân tộc tưởng chừng như bị tiêu diệt thì giờ đây lại có cơ khôi phục lại. Đìều đáng lưu ý là từ nay họ không còn chế độ vua như trước nữa vì từ nay không còn quyền lực chính trị nữa mà chỉ có Thiên Chúa là vua của họ. Từ nay Đền thờ Jerusalem là nơi tập trung mọi quyền lực chi phối mọi hoạt động trên dân. 
Như thế từ việc bất trung của dân làm cho giao ước bị phá hủy, Thiên Chúa vẫn luôn là Thiên Chúa của dân và từ nay Thiên Chúa là Vua của dân. Nói như thế có nghĩa là từ những việc xem ra rất bi đát Thiên Chúa có thể hoán chuyển thành những điều hết sức tốt đẹp. Thiên Chúa không bao giờ bỏ những người theo Ngài, nhưng Ngài cứu giúp theo ý Ngài, theo cách thức của Ngài. Vấn đề là làm sao nhận ra được cách Thiên Chúa hiện diện hay hành động trong cuộc sống chúng ta.
Bài đọc thứ hai nhấn mạnh về ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng cho người tội lỗi. Lẽ ra do tội mà chúng ta phải chết, nhưng nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta được sống lại trong Đức Kitô. Thánh Phaolo nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa nhưng lòng thương xót đó có được là nhờ tình yêu bao la của ngài đối với tội nhân để ban cho tội nhân được ơn cứu rỗi. Như thế bài đọc thứ hai cũng có cùng một ý nghĩa như bài đọc 1. 
Nhìn về chúng ta ngày nay thì cũng vậy, chúng ta cũng bất trung phạm tội như dân riêng của Chúa ngày xưa. Sau đó chính Thiên Chúa ra tay cứu chữa bằng cách làm cho được sống. Con người tội lỗi không thể tự cứu mình khỏi hậu quả nặng nề của tội cho nên chỉ một mình Thiên Chúa mới có khả năng ra tay cứu vớt và ban cho con người một cuộc sống tốt đẹp nhất. Và Thiên Chúa làm việc ấy qua Đức Giêsu Kitô mà con rắn đồng bị treo là hình bóng của việc Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá.
Thời đó, người Do thái kêu trách Chúa và chống lại Môisen nên Thiên Chúa cho nhiều con rắn độc bò ra cắn dân chết. Người Do thái xin ông Môisen can thiệp với Chúa đừng phạt dân nữa. Theo lệnh của Chúa, Môisen làm con rắn đồng để khi ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng sẽ được cứu. Điểm đặc biệt là Chúa Giêsu so sánh con rắn nầy với Con người để “tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị hủy diệt, nhưng được sống đời đời.”
Như thế nếu ngày xưa người ta cần phải nhìn lên con rắn đồng để được cứu thì ngày nay cần phải tin vào Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, những ai muốn được cứu độ cần phải tin tưởng vào Người, nói khác đi muốn được cứu độ thì cần phải cộng tác sức mình vào công việc ấy. Chính Thiên Chúa cứu độ nhưng ” ai không tin thì đã bị luận phạt ” những người không tin là đã tự kết án mình. Những người tội lỗi như những người đã bị nọc rắn xâm nhập, nếu không tin thì chính nọc độc ấy làm cho đương sự chết. 
Con Thiên Chúa không đến để kết án nhưng có xét xử và kết án là vì chính con người tự xử và tự kết án khi con người từ chối ơn cứu độ, khi con người từ chối Đức Kitô, khi từ chối ảnh hưởng của Đức Kitô trên mình. Đó là sự chọn lựa quan trọng vì đó là chọn lựa sự chết và sự sống. 
Tóm lại, niềm vui mà Giáo Hội, qua Lời Chúa, mời gọi chúng ta hôm nay là niềm vui trong niềm tin. Chúng ta vui vì tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa Cứu độ, cho dù Người sẽ phải trãi qua con đường thập giá nhưng rồi sau đó sẽ dẫn tới phục sinh. Chúng ta vui vì đã quyết tâm chọn con đường sống.
Vì thế, xin cho mỗi người chúng ta biết chọn lựa ánh sáng nhờ biết nghe và đem ra thực hành Lời Chúa trong cuộc sống. Chính ánh sáng dẫn đưa chúng ta đến niềm vui đích thực.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …