Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 mùa Chay, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 mùa Chay, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

(1Sm 16, 1b.6-7.10-13a; Ep 5, 8-14; Ga 9, 1-41)

“Bao lâu Thầy còn ở thế gian,

Thầy là ánh sang thế gian”

Tin mừng Gioan 9, 1-41:

h2_resizeĐi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”.

Nói xong, Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” Có người nói: “Chính hắn đó!”. Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!”. Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!”. Người ta liền hỏi anh: “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?”. Anh ta trả lời: “Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy”. Họ lại hỏi anh: “Ông ấy ở đâu?”. Anh ta đáp: “Tôi không biết”.

Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. Nhưng ngày Đức Giêsu trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy”. Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?”. Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?”. Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ!”.

Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?”. Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được”. Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Ki-tô. Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”.

Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi”. Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!”. Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?”. Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?”. Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến”. Anh đáp: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?”. Rồi họ trục xuất anh.

Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?”. Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?”. Đức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

Đức Giêsu nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!”.

Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giêsu nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?”. Đức Giêsu bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!”.

Suy niệm:

Theo Thánh sử Gioan, những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều là những dấu chỉ nói lên sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu. Phép lạ phục sinh Lazarô, Chúa Giêsu mạc khải Ngài là sự sống lại và là sự sống. Khi Chúa chữa lành người mù từ thưở mới sinh, Ngài khẳng định mình là ánh sang trần gian, ai theo Ngài không đi trong tăm tối: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sang thế gian”.

Trong Tin mừng có hai lần Chúa Giêsu chữa bệnh bằng nước miếng. Lần thứ nhất Chúa Giêsu chữa người vừa câm vừa điếc (Lc 7, 33). Lần thứ hai,  Chúa chữa người mù bẩm sinh trong bài Tin mừng hôm nay (Ga 9, 1-41).

Việc chữa người mù bẩm sinh của Chúa Giêsu là một việc lành có tính nhân đạo, một việc làm rất tốt đẹp và phi thường phải được mọi người ca ngợi, vì chẳng có thầy thuốc, chẳng có bác sĩ nào trên trần gian có thể chữa khỏi bệnh mù bẩm sinh… Ngược lại, sự kiện chữa lành này đã trở nên vô cùng phức tạp, rắc rối cho nhiều người. Chỉ vì Chúa Giêsu đã chữa bệnh trong ngày sabát “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi thấy” (Ga 9, 15).

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu và suy niệm bài Tin mừng hôm nay:

  1. Biến cố chữa lành người mù bẩm sinh diễn tiến qua nhiều giai đoạn:

– Trước hết “Đức Giêsu nhìn thấy người mù”. Cuộc hành trình đi tới ánh sáng của người mù bắt đầu bằng cái nhìn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu luôn đi bước trước để ban ơn cho con người và yêu thương con người. Mọi ân ban đều từ Thiên Chúa mà đến “Tất cả là hồng ân”.

“Đức Giêsu thoa bùn vào mắt người mù”. Việc tiếp xúc giữa Chúa Giêsu và bệnh nhân là phương thuốc thần diệu để được chữa lành bệnh thể xác cũng như tâm hồn.

– Đức Giêsu bảo người mù đi rửa và anh được chữa lành “Tôi đi, tôi rửa và tôi nhìn thấy”. Người mù đã tin và vâng lời Chúa Giêsu. Tin tưởng, phó thác và vâng phục là bước cần thiết để Chúa Giêsu thực hiện phép lạ. Nếu không có niềm tin, Thiên Chúa cũng bó tay; không có niềm tin thì không có phép lạ.

– Đức Giêsu đã chữa lành bệnh mù thể xác “anh đã nhìn thấy” và chữa lành bệnh mù tâm hồn, bệnh mù thiêng liêng: anh đã tin vào Đức Giêsu “Lạy Thầy con tin”. Từ niềm tin này anh đã nhận ra hồng ân của Thiên Chúa yêu thương anh và anh đã can đảm làm chứng cho Đấng mà anh tin không sợ chết, không sợ khó khăn, hiểm nguy:

Thiên Chúa không nhận lời những kẻ tội lỗi, ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Người, thì Người sẽ nhậm lời kẻ ấy… Xưa nay chưa có ai mở mắt cho người mù bẩm sinh, nếu người ấy không bởi Thiên Chúa”.

Anh mù đã tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ: Đức tin giúp người mù vượt qua mọi khó khăn, mọi thử thách!

  1. Bệnh mù thể xác là một bất hạnh to lớn đối với con người, nhưng bệnh mù tâm hồn, bệnh mù thiêng liêng còn nguy hiểm và đáng sợ hơn nhiều. Đó là thái độ hẹp hòi, định kiến, kiêu căng, ích kỷ của hang lãnh đạo Do Thái xưa. Chính Chúa Giêsu đã lên án họ:

“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được, và cho kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 4, 39).

Bệnh mù tâm hồn làm cho con người không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, hành động tốt lành của Chúa Giêsu mà còn phủ nhận phép lạ Chúa làm, chỉ biết kết án người khác. Họ kết án Chúa Giêsu là “người tội lỗi”, kết án người mù được sang mắt là “kẻ sinh ra trong tội”. Tính kiêu căng, ích kỷ, định kiến đã làm cho họ mù không nhận ra được sự thật, điều tốt nơi anh em, mà chỉ thấy khuyết điểm để rồi kết án anh em… Quả thật, bệnh mù tâm hồn này gây ra bao thảm họa cho xã hội, cho gia đình, cho tập thể, cho mọi người. Ngày nay, bệnh mù tâm hồn vẫn còn nhiều người mắc phải, kể cả những Kitô hữu. Vì thế cuộc sống của gia đình nhân loại vẫn còn nhiều bất ổn, thiếu tình thương thông cảm và tha thứ, thiếu an vui và hạnh phúc.

Mùa Chay là thời gian thuận lợi giúp Kitô hữu chữa trị bệnh mù tâm hồn để đến với ánh sáng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô qua tâm tình ăn năn sám hối, đổi mới cuộc sống. Chúng ta cầu xin Chúa như thánh Augustinô:

“Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa để con yêu mến Chúa. Xin cho con biết con để yêu mến anh em”.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …