Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 mùa Chay, năm A, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 mùa Chay, năm A, của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY A

1 Sm 16,1b.6-7.10-13a ; Ep 5,8-14 ; Ga 9,1-41

THẦY LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Ga 9,1-41

images(1) Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. (2) Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù. Anh ta hay cha mẹ anh ta ?” (3) Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. (4) Chúng ta phải làm những việc của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng. Đêm đến, không ai có thể làm việc được. (5) Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”. (6) Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù. (7) Rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: Người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (8) Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao ?” (9) Có người nói: “Chính hắn đó !” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu ! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi”. Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây !” (10) Người ta liền hỏi anh: “Vậy làm sao mắt anh lại mở ra được như thế ? ”. (11) Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đền hồ Si-lô-ác mà rửa”. Tôi đã đi, và sau khi rửa tôi nhìn thấy được”. (12) Họ hỏi anh: “Ông ấy ở đâu ?” Anh ta đáp: “Tôi không biết”. (13) Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. (14) Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày Sa-bát. (15) Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy”. (16) Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; Kẻ thì bảo “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. (17) Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh ?” Anh đáp: “Người là một vị Ngôn sứ !”. (18) Người Do thái không tin là trước đây anh bị mù nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. (19) Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không ? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được ?”.  (20) Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. (21) Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó. Nó đã khôn lớn rồi, tự nó, nó nói về mình được”. (22) Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do thái. Thật vậy, người Do thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. (23) Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. (24) Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi”. (25) Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: Trước đây tôi bị mù, mà nay tôi nhìn thấy được !” (26) Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh ? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào ?” (27) Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa ? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng ?” (28) Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy. Còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. (29) Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê. Nhưng chúng ta không biết ông ấy bởi đâu mà đến”. (30) Anh đáp: ”Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi ! (31) Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi. Còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. (32) Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. (33) Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. (34) Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ? ” Rồi họ trục xuất anh. (35) Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh, và khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không ?”. (36) Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” (37) Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. (38) Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. (39) Đức Giê-su nói:”Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !”. (40) Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao ?” (41) Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn !”.

  1. Ý CHÍNH:

Câu chuyện Đức Giê-su chữa cho người mù từ khi mới sinh cho thấy: Đức Giê-su chính là Ánh Sáng Thế Gian, và chỉ những ai có lòng khiêm hạ mới đón nhận được ánh sáng ấy. Trong cuộc đối thoại, anh mù đã từng bước hiểu biết về Người: Từ “một người tên là Giê-su” (11) đến “một vị Ngôn sứ !” (17), rồi “Người bởi Thiên Chúa mà đến” (33). Cuối cùng là “Con Người” (35), là Tôi Trung của Thiên Chúa và là Đấng Thiên Sai, thì anh mù đã tuyên xưng: “Thưa Ngài, tôi tin” và sấp mình trước mặt Người (37). Quả thật, chỉ những ai thực tâm muốn tìm Chúa mới gặp được Người.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 1-5: + Ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù: Cựu Ước thường cho rằng: tai nạn, bệnh tật và đau khổ là hình phạt do tội lỗi của tội nhân (x. St 3,3) hay tội của cha ông người ấy (x. Xh 20,5). Chính Đức Giê-su có lần cũng chia sẻ tư tưởng ấy: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” (Ga 5,14). + Là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh: Ở đây Đức Giê-su còn coi bệnh tật như một tai họa mà con người phải chịu đựng, như một quyền lực của Sa-tan đang đè trên con người mà Đức Giê-su đến nhằm giải thoát cho họ (x. Lc 13,16).

– C 6-9: + Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù: Theo các nhà chú giải Kinh Thánh: Đức Giê-su làm như vậy để thử thách đức tin của người mù. + Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa: Si-lô-ác có nghĩa là “Được sai đến”. Như nước hồ của “Người được sai phái” đã cho người mù từ thuở mới sinh nhìn thấy thế nào, thì “Đấng Được Sai” cũng ban ánh sáng cho những ai đang ngồi trong bóng tối tội lỗi và sự chết như vậy.

– C 35-41: +Anh có tin vào Con Người không? : Sau khi mở con mắt thể xác để anh mù được nhìn thấy, Đức Giê-su cũng muốn mở mắt đức tin cho anh. Vì thế Người đặt câu hỏi để khơi dậy niềm tin như Người đã từng làm đối với người phụ nữ Sa-ma-ri (x. Ga 4,26). + Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: Xét xử không phải là lên án (x. Ga 3,17), nhưng là như ánh sáng chiếu soi để tỏ cho thấy những điều thầm kín trong lòng người ta (x. Ga 3,19-21). + Cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù: Câu này tương tự lời cầu nguyện của Đức Giê-su với Chúa Cha: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (x. Mt 11,25). Chỉ những ai khiêm tốn và thành tâm đón nhận đức tin mới được nhìn thấy ơn cứu độ.

  1. CÂU HỎI:

1) Đối với các tín hữu, bệnh tật có phải do tội lỗi gây ra không ? 2) Việc Đức Giê-su lấy bùn thoa vào mắt người mù để chữa bệnh mang ý nghĩa thế nào ? 3) Tại sao Đức Giê-su lại ra lệnh cho anh mù đến rửa mắt tại hồ Si-lô-ác ? 4) Tại sao Đức Giê-su lại nói: “Cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù” ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !” (Ga 9,39).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) ĐÂU LÀ LÚC TRỜI SẮP SÁNG ?

Một vị ẩn sĩ hỏi các đồ đệ rằng: “Đâu là lúc đêm sắp tàn và ngày sắp đến ?” Nhiều câu trả lời của các học trò được nêu ra: Kẻ thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một cây dừa với một cây cau. Người khác cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt được một con bò với một con trâu… Đáp án đúng nhất mà vị ẩn sĩ muốn dạy các đồ đệ như sau: “Đó là khi ta nhìn người khác và nhận ra họ là anh em của ta”. (Anthony de Mello).

2) NHÌN NGOẠI VẬT THEO LĂNG KÍNH BẢN THÂN:

Một vị Nhật hoàng sau khi làm việc căng thẳng muốn thư giãn, nên yêu cầu các quan tìm kiếm một người biết nói đùa. Người ta đã dẫn đến cho vua một thiền sư.

Nhật hoàng nói: “Ta muốn nhà ngươi nói đùa cho ta nghe và sẽ không bị hài tội về lời nói đùa”. Thiền sư nói: “Tâu bệ hạ, xin bệ hạ nói trước để hạ thần nói đùa theo”. Nhà vua nói: “Ta thấy nhà ngươi giống y như một con lợn!” Thiền sư đáp: “Còn hạ thần thì nhìn thấy bệ hạ giống y như Đức Phật!” – Nhà vua liền thắc mắc: “Tại sao ta bảo nhà ngươi là con lợn mà nhà ngươi lại bảo ta là Đức Phật?”- “Tâu bệ hạ, dễ hiểu thôi ạ: ai có tâm của Phật thì nhìn đâu cũng thấy Đức Phật; Còn ai có tâm của lợn thì nhìn đâu cũng thấy lợn!”

3) ĐỪNG SOI MÓI KHÍCH BÁC THA NHÂN:

Có một đôi vợ chồng kia rủ nhau đi xem một cửa hàng nổi tiếng chuyên trưng bày tranh thêu lụa. Vừa bước vào đến cửa, bà vợ liền nhìn vào bên trong cửa hàng và nêu nhận xét nhằm chê bai cửa hàng: “Tranh thêu gì đâu mà xấu tệ! Như mặt người đàn bà trong bức tranh kia chẳng giống ai!”. Ông chồng vội liền bịt miệng vợ và nói: “Đó không phải là tranh thêu đâu, mà là tấm gương soi đó. Hình người phụ nữ bà thấy kia chính là hình của bà phản chiếu trong tấm gương đó ! Tốt nhất là bà hãy giữ im lặng dùm chứ đừng lên tiếng phê phán cách hồ đồ!”. Bà vợ cảm thấy xấu hổ nên đã vội bỏ về ngay sau đó.

Câu chuyện trên cho thấy thói xấu của nhiều người trong chúng ta: Tuy sáng mắt nhưng lại có tâm hồn mù tối. Nhiều khi chúng ta phê phán người khác mà không ngờ đã tự lộ ra chân tướng không tốt của mình, như người ta thường nói: “Chân mình những lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”.

4) VIỆC NGƯỜI THÌ SÁNG, VIỆC MÌNH THÌ QUÁNG:

Có một học giả rất thông thái nhưng lại mắc bệnh đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một ông bạn thân. Dù đang ngồi trên lưng lừa, nhưng ông vẫn tranh thủ đọc sách thánh hiền và buông lỏng dây cương. Con lừa sau khi đi được một đoạn đường đã theo đường cũ quay trở lại ngôi nhà của ông. Thấy lừa dừng lại, ông học giả tưởng đã đến nhà bạn, liền xuống lừa và đi chung quanh quan sát một vòng ngôi nhà. Ông nói lời phê bình cốt để bạn ông trong nhà nghe được: “Ông bạn già của ta sao lại cẩu thả như thế này: Ngôi nhà đã bị xuống cấp gần sập đến nơi mà chẳng chịu lo sửa sang gì cả!”. Vợ ông ở trong nhà nghe vậy liền bước ra và nói: “Ông nhận xét thật chính xác. Nhưng đây là nhà của ông đó !”.

Trong cuộc sống, nhiều người thường có nhận định sáng suốt về chuyện của người khác, nhưng lại mù mờ về những chuyện của chính mình như người ta thường nói: “Việc người thì sáng, mà việc mình thì quáng”. (Theo Ernst Wilhelm Nusselein).

5) NĂM ANH MÙ ĐI XEM VOI:

Ngày xưa ở Ấn độ, có một ông vua muốn bày trò tiêu khiển, liền cho quân lính đi kiếm năm người bị mù từ lúc mới sinh đưa về triều đình làm trò tiêu khiển cho triều thần. Vua truyền đưa đến một con voi khổng lồ và bảo năm anh mù rằng: “Các ngươi chưa hề biết voi là gì thì hôm nay trẫm sẽ cho các ngươi biết. Các ngươi hãy lại gần sờ vào voi rồi nói cho trẫm và quần thần biết voi có hình thù ra sao. Ai tả con voi đúng nhất sẽ được trọng thưởng”.

Anh mù thứ nhất sờ đúng cái chân của voi liền tâu: “Tâu bệ hạ! Con voi có hình thù giống như cột nhà!” Anh thứ hai sờ đúng cái tai voi vội cãi: “Không đúng. Voi giống như một cái quạt lớn”. Anh thứ ba sờ trúng cái vòi lại nói: “Voi giống như một khúc cây ngoằn ngoèo!”  Anh thứ tư sờ trúng bụng voi cãi lại: “Voi giống một tảng đá lớn, tròn tròn!” Tới lượt anh thứ năm sờ trúng đuôi con voi thì cho cả bốn người kia đều sai và tâu vua: «Voi chỉ như một cái chổi cùn!”

Anh nào cũng quyết liệt bảo vệ ý kiến của mình là đúng, và bác bỏ ý kiến của các người kia. Bn đầu họ còn nói nhỏ, về sau to tiếng và còn xông vào đánh nhau chí chóe, đang khi nhà vua và triều thần ai cũng cười cho sự mù quáng đáng thương của cả bọn.

Mỗi người mù nói trên chỉ biết được một phần sự thật mà tưởng rằng mình am tường tất cả và đánh giá những ai không suy nghĩ giống như mình đều sai lạc. Giả như họ biết khiêm tốn nhìn nhận kiến thức hạn hẹp của mình và biết bổ sung bằng ý kiến kẻ khác thì hay biết mấy.

  1. SUY NIỆM:

1) Ai cũng cần có ánh sáng soi đường:

Vào một đêm nọ, có một người mù đến thăm một người bạn cùng xóm. Lúc từ giã ra về, thấy anh bạn mù không mang theo lồng đèn trên tay, chủ nhà liền lấy ra chiếc lồng đèn của mình trao cho anh mù. Nhưng anh mù từ chối và nói: “Đối với người mù như tôi thì ban ngày cũng như ban đêm, ánh sáng có khác gì bóng tối. Cho nên tôi sẽ không cầm theo chiếc lồng đèn vì đó là làm một điều vô ích!

Bấy giờ chủ nhà mới giải thích: « Tôi biết anh không cần đến chiếc lồng đèn để soi đường. Nhưng nếu anh không có nó trên tay thì người khác sẽ không nhìn thấy anh và có thể họ sẽ đụng chạm vào người anh đấy! » Anh mù nghe bạn nói có lý nên đã nhận chiếc lồng đèn ra về.

Đi được một đoạn đường, bất ngờ anh mù bị một người đi ngược chiều tông vào suýt bị té. Anh ta liền tức giận la mắng: « Bộ anh bị đui hả? Không thấy tôi đang cầm chiếc lồng đèn trên tay sao? » Người kia liền trả lời rằng: “Đúng là anh đang cầm một chiếc lồng đèn đấy. Nhưng ngọn lửa bên trong cây đèn đã tắt rồi. nên tôi không nhìn thấy anh. Xin lỗi anh bạn nhé!”

Câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu được rằng: Để đi trong bóng đêm ai cũng cần phải có ánh sáng. Ánh sáng giúp người ta thấy đường đi, thấy người khác và tránh được các trở lực trên đường. Người mù đi trong đêm tối, tưởng như không cần ánh sáng soi đường, nhưng anh vẫn cần có cây đèn cháy sáng, để người khác khỏi đụng phải anh.

2) Có hai loại mù: Mù mắt thể xác và mù tối tâm hồn:

Người mù bẩm sinh trong Tin Mừng hôm nay tuy bị mù đôi mắt thể xác nhưng lại sáng lòng hơn những người Pharisêu tự hào khôn ngoan thông thái. Người Pha-ri-sêu bị thành kiến che mờ tâm trí nên không nhận ra Đức Giêsu là Đấng cứu độ và đã tự loại mình ra khỏi Nước Trời do Người thiết lập.

Có nhiều bệnh mù quáng tâm hồn như sau:

– Mù quáng do lòng tham không đáy:

Sách Các Vua có thuật lại câu chuyện hoàng hậu I-dơ-ven, vợ vua A-kháp, có lòng tham lam muốn chiếm đoạt vườn nho của ông lão nghèo Na-vốt, nên đã dàn dựng một vụ án để tội Na-vốt đã nguyền rủa Thiên Chúa và nhà vua, rồi tuyên án ông phải bị ném đá chết. Lòng tham lam đã làm cho hoàng hậu I-dơ-ven trở thành mù quáng phạm tội giết hại người nghèo vô tội để chiếm đoạt vườn nho của ông ta. (1 V Ch 21)

Mù quáng do thói ganh tị:

Sách Samuel ghi lại rằng vua Sa-un rất yêu thương Đavít, nhưng khi Đavít hạ được tên tướng giặc khổng lồ là Gô-li-át để cứu nguy cho quân dân Israel và khải hoàn trong vinh quang. Bấy giờ các phụ nữ ca hát múa nhảy với tiếng reo mừng não bạt và ca hát rằng: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, còn Đavít giết hàng vạn”. Nghe lời đó, vua Sa-un tức giận vì anh tị. Chính do lòng ganh tị đã làm cho vua trở thành mù quáng, đổi lòng yêu thương hóa ra thù ghét và truy lùng Đavít quyết giết cho bằng được người anh hùng Đa-vít nầy. (1 Sm, Ch 18).

Mù quáng do dục tình lấn lướt:

Sau khi Đavít lên làm vua thay Sa-un, ông bị mê đắm sắc đẹp của bà Bát-sê-va. Dục vọng đã làm cho vua bị mù quáng dẫn đến chỗ phạm tội giết chồng đoạt vợ (2 Sm, Ch 11).

Tóm lại, do tình dục, do lòng tham, thói kiêu căng ganh tị… mà người ta có thể trở nên mù tối phạm phải những tội ác không ngờ. Bất cứ người mù nào cũng khao khát được sáng; nhưng điều đáng tiếc là nhiều người mù quáng tâm hồn do không ý thức mình đang bị mù, nên không quyết tâm thoát khỏi tình trạng mù quáng và cuối cùng bị loại ra khỏi nước trời như các đầu mục dân Do thái xưa.

3) Hành trình đức tin của người mù trong Tin Mừng:

Niềm tin của người mù vào Đức Giê-su tăng dần theo sự thử thách. Thử thách càng cao, đức tin càng mạnh: Thoạt tiên, anh chỉ coi Chúa Giêsu là một người nào đó khi nói: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đền hồ Si-lô-ác mà rửa”. Tôi đã đi, và sau khi rửa tôi nhìn thấy được” (Ga 9,11). Rồi khi nghe đám đông bàn tán, và bị người Pharisêu tra hỏi, anh đã nói lên suy nghĩ của mình: “Người là một vị Ngôn sứ !” (Ga 9,17). Rồi trước sự phê phán của các đầu mục, anh đã can đảm bênh vực việc làm của Đức Giê-su: “Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,33). Cuối cùng sau khi gặp gỡ Đức Giê-su và được mạc khải Người chính là Con Người, là Đấng Thiên Sai (x. Ga 9,35-37), thì anh mù đã tuyên xưng đức tin: “Thưa Ngài, tôi tin”, và đã thể hiện niềm tin bằng việc sấp mình xuống trước mặt Người (Ga 9,38).

4) Sống tinh thần Mùa Chay thế nào?:

– Theo Đức Giê-su thì mù không phải là một cái tội. Cố tình bịt tai nhắm mắt do sự cứng lòng tin như các đầu mục Do thái mới là tội. Nhiều khi chúng ta cũng có thái độ giống như các người này khi tự bịt tai nhắm mắt, cố tình không nhìn nhận những khuyết điểm lỗi lầm của mình. Mùa Chay là mùa sám hối canh tân. Muốn biết mình ra sao, chúng ta cần có thời gian tĩnh tâm để hồi tâm sám hối và quyết tâm canh tân đời sống.

– Ngoài ra, trong bất cứ việc gì, chúng ta cần ý thức mình chỉ nhìn thấy một phần sự thật, nên phải khiêm tốn tìm hiểu và học hỏi nơi tha nhân. Điều ta biết chỉ là phần nổi nhỏ bé của tảng băng. Còn những điều ta chưa biết thì to lớn và chìm sâu dưới mặt nước. Do đó, thay vì cãi nhau khi có quan điểm và cái nhìn khác nhau, chúng ta hãy khiêm tốn chấp nhận ý kiến của người khác để đạt tới chân lý.

– Cuối cùng, ta cần lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, tiếp thu phê bình của người khác để nhận ra con người thật của mình, vì “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng!”, và “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng !”. Khi nhận ra con người thật của mình, chúng ta sẽ canh tân đổi mới để ngày một nên hoàn thiện theo thánh ý Thiên Chúa.

  1. THẢO LUẬN:

Trong Mùa Chay này, Bạn sẽ làm gì để nhận ra con người thực của mình và quyết tâm tu sửa các thói hư tật xấu để ngày càng nên hoàn thiện giống như Đức Giê-su hơn ?

  1. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU: hiện nay còn biết bao người đang mù chữ, mù kiến thức, mù giáo lý… Nhất là đang bịt tai nhắm mắt như người Pha-ri-sêu xưa. Trong Mùa Chay này, xin cho chúng con biết dành thì giờ tham dự những cuộc tĩnh tâm để duyệt xét lại con người của mình. Xin cho chúng con ngày một hiểu biết Chúa để yêu mến Chúa, biết rõ con để không dám tự mãn và quyết tâm tu sửa các thói hư tật xấu để ngày một nên hoàn thiện giống Chúa nhiều hơn.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH –  HHTM

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG