CN 34C TN
Đức Kitô – Vua Tình Yêu
Nguồn gốc của Lễ Chúa Kitô Vua
Một triết gia thời xưa đã nói: “Homo hominis lupus”: Người với người như lang với sói. Lang sói là một loài thú dữ, bản tính hay tấn công, cắn xé. Thế mà loài người lại giống với loài thú dữ đó, luôn luôn muốn tấn công nhau, cấu xé và chém giết nhau. Lịch sử loài người là một chuỗi dài những cuộc chiến tranh liên tiếp. Gần đây nhất là hai cuộc thế chiến, cuộc thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến 1918, cuộc thứ hai từ năm 1939 đến năm 1945, trong hai cuộc thế chiến đã giết chết cả hàng mấy chục triệu người.
Chính vì vậy, một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: tại sao loài người chúng ta, một loài người có trí khôn, biết suy nghĩ, mà lại cư xử với nhau như vậy?
Thưa là vì trong con người chúng ta vừa có tính thú vừa có tính người: tính thú thì giống như loài lang sói hung dữ cấu xé lẫn nhau, còn tính người là có trí khôn biết suy nghĩ biết tính toán. Điều đáng tiếc là trong hầu hết lịch sự quá khứ, con người đã buông theo cái tính thú đó. Vì thế mà lịch sử loài người đã là lịch sử của một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp. Cho nên trong bối cảnh giữa hai cuộc thế chiến, ngày 11/12/1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua.
Ý nghĩa của Lễ Chúa Kitô Vua
Chúa kitô là vua, nhưng là một vị vua hoàn toàn khác với các vị vua trần thế. Nhìn vào lịch sử nhân loại chúng ta thấy vua Trụ và vua Kiệt là những hôn quân, một Tần Thủy Hoàng bạo ngược đến độ đốt sách, giết các nhà trí thức, học trò giỏi trên 2.000 mạng để dễ bề cai trị; một Néron hung tàn vì thỏa mãn lòng kiêu căng đã đốt sạch đế đô La Mã để có cớ xây lại huy hoàng hơn; một Napoléon tham vọng đã đẩy hàng triệu người vào cái chết và gần đây một Hitler hiếu chiến hiếu sát đã lôi kéo cả thế giới vào một cơn lốc chém giết, tàn phá nhau. Và biết bao vua chúa quan quyền khác đã cai trị thần dân bằng cách bắt họ lụy phục mình hơn là phục vụ họ.
Vương quyền dầu lớn lao, tuyệt đối, nhưng Đức Giêsu trước sau chỉ có một đường duy nhất là yêu thương. Yêu thương ngay cả những con người tội lỗi cùng chịu đóng đinh với mình. Chính vì yêu thương, Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá, giữa hai kẻ trộm. Thậm chí chấp nhận để cho tên “trộm dữ” lăng mạ mình và đồng thời lại ban cho người trộm lành một đặc ân lớn lao là “hôm nay anh được ở trên thiên đàng với Ta.”
Tập San Catholic Digest có mục thường xuyên gọi là “The Open Door” (Cửa Rộng Mở), có một câu chuyện thật cảm động về chàng thanh niên lớn lên trong một gia đình Công Giáo, từng tích cực hoạt động trong Giáo Hội và sau đó gia nhập chủng viện.
Rồi đến những năm đầy xáo trộn thời chiến tranh Việt Nam, chàng thanh niên này rời khỏi chủng viện, tham gia phong trào chống chiến tranh, từ bỏ Giáo Hội. Gia đình anh bàng hoàng vì sự thay đổi này. Và khi thái độ của anh ngày càng thù nghịch với tôn giáo, họ đã hoàn toàn tuyệt vọng.
Sau đó vào ngày thứ sáu tuần thánh năm 1970, chàng thanh niên lúc ấy 22 tuổi, lái xe ngang qua một nhà thờ Công Giáo. Anh nhận ra tên của cha xứ trên tấm bảng trước nhà thờ. Đó là một vị linh mục mà anh rất kính trọng và yêu mến.
Điều gì đó đã thúc đẩy anh dừng xe và bước vào nhà thờ?
Khi bước vào nhà thờ, nghi thức Tôn Kính Thánh Giá bắt đầu. Anh ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Anh theo dõi dân chúng xếp hàng lên hôn Thánh Giá, trong khi ca đoàn hát bài “Were You There They Crucified My Lord” (bạn có đứng ở đó khi họ đóng đinh Chúa không?) Và rồi một điều gì đó thật lạ lùng đã xảy ra, anh viết: “trong con người tôi một điều gì đó đột ngột xảy ra và tôi bắt đầu khóc. Sau khi dằn được cơn xúc động, tôi nhớ lại sự bình an mà từ lâu tôi đã bỏ lại nơi nhà thờ. Đức tin đơn sơ mà giờ đây tôi đang chứng kiến thì dường như có ý nghĩa hơn là điều tôi tuyên xưng. Tôi bước ra khỏi ghế và quì xuống hôn Thánh Giá. Vị linh mục nhận ra tôi, ngài đến ôm lấy tôi”
Từ ngày đó trở đi, tôi trở nên một người Công Giáo được tái sinh. Anh kết thúc với một cảm nghiệm như sau: “tại sao tôi dừng xe ở nhà thờ đó vào ngày hôm ấy, cho đến giờ tôi vẫn không hiểu, nhưng tôi biết rằng tôi thật sung sướng và hạnh phúc”.
Điều Chúa Giêsu đã làm cho người trộm lành và anh chủng sinh, Người cũng muốn làm cho mỗi người chúng ta. Người muốn tha thứ cho chúng ta. Người muốn nói với chúng ta điều mà Người đã nói với anh trộm lành “hôm nay anh được ở trên thiên đàng với Ta”.
Đây chính là một Tin Mừng khiến chúng ta qui tụ nơi đây để mừng lễ Chúa Kitô Vua. Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy