Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 33 TN, NĂM C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN, CỦA LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 33 TN, NĂM C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN, CỦA LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

vmtudaonenVào lúc 9 giờ sáng ngày 19/6/1988 tại Rôma, tức là lúc 15 giờ cùng ngày tại Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên bậc hiển thánh, gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc.

300 năm bị bách hại với hơn 100.000 người tử đạo đủ cho mọi người thấy sự ác liệt thảm khốc cũng như sức chịu đựng bền bỉ kiên cường và lòng trung thành đối với đức tin mà cha ông chúng ta đã lãnh nhận và tôn thờ.

Các ngài cảm thấy hạnh phúc vì được thuộc về Chúa, các ngài hãnh diện vì là người Công Giáo, các ngài can đảm tuyên xưng danh Chúa và cương quyết giữ vững đức tin chân chính của mình.

Trong hơn 100.000 vị tử đạo, có 58 giám mục và linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Ý, 15 linh mục Việt Nam, 340 thầy giảng, 270 nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân. 

Trải qua ba trăm năm, với 53 sắc dụ cấm đạo dữ dội, Giáo Hội Việt Nam đã bị bách hại và đã biểu lộ hào hùng sức mạnh đức tin qua dòng lịch sử.[1] 

Trước hết chúng ta phải kể đến thầy Anrê Phú Yên. Một thanh niên 19 tuổi bị tuyên án tử hình mà không được nói lên một lời để bào chữa cho mình.

Người tuyên án là quan trấn tỉnh Phú Yên. Vào tháng 7 năm 1644 vị quan này từ triều đình nhà vua về, đem theo sắc lệnh cấm đạo và bắt đầu giam một ông già tên rửa tội là Anrê, rồi sai một tóan lính đến nhà cha Đắc Lộ để bắt thầy giảng số một là Inbaxu. Khi tóan lính xông vào nhà tìm thầy Inbaxu thì chỉ gặp người thanh niên Phú Yên là người mà cha Đắc Lộ đã rửa tội được ba năm và đã từng cho đi theo để giúp dạy giáo lý. Người thanh niên này đã can đảm nhận hết các tội chúng gán cho thầy Inbaxu và các thầy giảng, nên bị chúng trói lại và điệu đi. Anrê Phú yên vui vẻ theo tóan lính và trong suốt quãng đường không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết đường tránh hỏa ngục hầu hưởng phúc thiên đàng.

Nhờ sự can thiệp của cha Đắc Lộ và một số thương gia người Bồ Đào Nha, ông già Anrê được tha bổng, còn Anrê Phú Yên thì không được tha. Người thanh niên cường tráng này dám cương quyết thà chết chẳng thà bỏ đạo nên sẽ phải chết để nêu gương cho mọi người biết vâng lệnh nhà vua. Vậy lính dẫn Anrê Phú Yên tới thửa ruộng cách thành phố chừng nửa dặm. Mặc dầu đeo gông nặng, Anrê đi rất nhanh đến nỗi cha Đắc Lộ theo không kịp. Tới nơi hành quyết, lính gác không cho ai vào trong cả, nhưng viên đội trưởng cho phép cha Đắc Lộ được đứng cạnh thầy. Cha thấy rõ thầy Anrê nhìn lên trời cao, miệng luôn hé mở và kêu danh thánh Giêsu. Một người lính lấy giáo đâm thầy từ phía lưng, thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Khi ấy thầy nhìn cha Đắc Lộ như để vĩnh biệt và cha khuyên thầy nhìn lên trời là nơi thầy sắp được Chúa Giêsu đón vào cõi phúc. Từ giây phút đó thầy chăm chút nhìn lên và không còn nhìn xuống nữa. Người lính rút lưỡi giáo ra đâm phát thứ hai, rồi đến phát thứ ba, hắn cố ý đâm trúng tim thầy nhưng vẫn chưa chết. Thấy thế, một người lính khác lấy mã tấu chặt vào cổ thầy và phải thêm một nhát thứ hai đầu thầy mới lìa khỏi cổ, máu chảy lai láng. Hành quyết xong, toán lính kéo nhau ra bờ sông để rửa các vết máu. Cha Đắc Lộ nhặt đầu thầy gói lại kỹ càng như một báu vật, còn xác thầy ngài tẩm liệm gởi xuống tàu buôn đưa về Macao chôn cất.[2]

Và sau cùng, chúng ta không thể quên bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Đê, một vị thánh nữ duy nhất trong số 117 vị tử đạo Việt Nam.

Trước khi là một anh hùng tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.” Đó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.

Nhà bà Đê là nơi các linh mục trú ẩn. Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, quan Tổng Đốc Nam Định cho quân bao vây làng của bà. Bà Đê bị bắt lúc đã 60 tuổi. Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo, bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam, đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu, bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”

Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa. Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta. Thiên Chúa đã làm điều phi thường nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối. Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Định cũng phải bó tay trước sự yếu đuối kiên vững của bà.[3]

Hôm nay lễ các thánh tử đạo Việt Nam nhắc nhở chúng ta: Giáo Hội thời nào cũng cần những người dám sống đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống. Mỗi ngày chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Chúa Giêsu y hệt như các vị Tử Đạo ngày xưa. Càng có tự do, chúng ta càng dễ sa sút đức tin. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những cám dỗ gây ra những bách hại êm ả nhưng khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta luôn phải đương đầu.

Ước gì chúng ta không để mất đức tin đã được mua bằng giá máu của bao vị Tử Đạo Việt Nam, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho anh em đồng bào trên quê hương Việt Nam chúng ta. Amen

LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

[1]  Lm Giuse Nguyễn hữu An, Lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam

[2] theo “Người chứng thứ nhất” của Phạm Đình Khiêm

[3] Manna, CN 33B Lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam

Xem thêm

20-11-2024 6-21-18 PM

Lời Chúa – Thứ Năm Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 21/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN