- Bài Đọc
“Khi ấy (1), nhân có mấy người nói về đền thờ được trang hoàng (2) bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Chúa Giêsu báo: ‘Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào’ (3). Họ hỏi Người: ‘Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?’.
“Chúa Giêsu đáp: ‘Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy (4) đến nói rằng: ‘Chính ta đây’, và ‘Thời kỳ đã đến gần’, anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi (5). Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cuộc ngay đâu’. Rồi Người nói tiếp: ‘Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện’.
“Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.
- Chú Thích
(1) Khi ấy: Chúa Giêsu quan sát việc người ta bỏ tiền dâng cúng trong đền thờ, Người phán về một bà góa đã dâng cúng nhiều nhất, vì bà đã bỏ phần nuôi sống mình để dâng cúng.
(2) Đền thờ được trang hoàng: Năm 19 trước công nguyên, vua Hêrôđê trùng tu đền thờ Giêrusalem.
(3) Không còn tảng đá nào trên tảng đá nào: Chúa Giêsu nói trước, biến cố quân Rôma sẽ tàn phá đền thờ Giêrusalem bình địa vào năm 70 công nguyên.
(4) Mạo danh Thầy: Chúa Giêsu cảnh báo sẽ có nhiều kẻ suy diễn, đoán mò theo kiểu ‘tiên tri giả’ để nói về ‘ngày tận thế’.
(5) Đừng sợ hãi: Chúa Giêsu nhắc nhở mọi người, phải vững tin và trông cậy vào Thiên Chúa, trong mọi biến cố cuộc đời của mỗi người, cũng như của thế giới, suốt dòng lịch sử nhân loại.
- Suy Niệm
(1) ‘Lòng Thương Xót’ của Thiên Chúa bao trùm mọi sự việc hay vật gì xảy ra thế nào, lúc nào, vạn sự đều theo luật pháp của Thiên Chúa. Nói theo kiểu người ta, có thể nói Thiên Chúa biết trước. Nhưng Thiên Chúa vĩnh viễn, không thay đổi, thì tự nơi Thiên Chúa, không có trước có sau. Chính nơi Chúa Cứu Thế, thiên tính thì vĩnh viễn, nhân tính lại có trước có sau. Khi Chúa Cứu Thế phán về việc tương lai, có thể hiểu về cả hai nghĩa này. Tương lai vẫn liên hệ với hiện tại và quá khứ. Càng biết nhiều và biết rõ quá khứ và hiện tại, càng có thể đoán và biết tương lai. Người ta có thể làm như thế. Còn Thiên Chúa thì có thiên tính biết rõ ràng, chứ không phỏng đoán. Tính người ta lại hay muốn biết tương lai. Nhất là những người có tôn giáo, như người Do Thái đương thời với Chúa Cứu Thế, càng tin và càng kính những người nói tiên tri. Vì thế, khi hiểu lời các môn đệ hỏi Chúa Giêsu và những lời Chúa Giêsu đáp lại. Trước là về việc đền thờ sẽ bị tàn phá. Chính việc này đã ứng nghiệm vào năm 70, không đầy 40 năm sau ngày Chúa Giêsu phán. Chính vào lúc người Do Thái nổi dậy đánh đuổi thực dân Rôma, thì bị quân đội chính quốc tàn sát và hủy phá đền thờ. Nhưng đó là việc chính trị, Thiên Chúa không muốn nói đến các chi tiết cụ thể, mặc dù Thiên Chúa vẫn dạy làm người thì phải yêu quý tổ quốc, phải khôn ngoan làm thế nào để cho đồng bào khỏi đau khổ về vật chất và tinh thần.
(2) Nhân dịp các môn đệ muốn biết về tương lai, khi nói đến tương lai của đền thờ, Chúa Giêsu mới bắt qua tương lai của nhân loại và của các môn đệ. Cũng vì nhiều người Do Thái đương băn khoăn lo sợ về ngày tận thế, lo sợ cho đền thờ, mong mỏi ngày được giải phóng khỏi ách thực dân. Cũng vì tin tôn giáo, họ có ý tưởng ràng buộc những việc này có liên hệ đến nhau. Vì đó, Chúa Giêsu đã nói vài lời về ngày tận thế. Nhưng nói về tương lai, Chúa Giêsu không muốn nói rõ ràng khúc chiết. Trong lời Chúa Cứu Thế, ý nghĩa đã kín ẩn tiềm tàng, từ việc này sang việc khác, chằng chịt với nhau, khiến cho nhiều người không hiểu được đâu là tận thế chung của vạn vật, đâu là kết liễu cuộc đời riêng mình, đâu là ngày đền thờ bị phá hoại, đâu là lúc người ta bách hại môn đệ Chúa Cứu Thế. Thiết tưởng cần phải phân biệt những việc này trong tương lai, không phải cùng nhau trong một lúc. Cần phải tìm trong lời Chúa Giêsu để hiểu biết phải ăn ỡ trong ngày hiện tại, vì hiện tại quyết định tương lai, giữ thế nào để tránh thiệt hại và gây hạnh phúc cho mình và tha nhân, không nên lo sợ hay chờ đợi tương lai. Ai cũng cần phải khôn ngoan cẩn thận, dựa vào ‘Lòng Thương Xót’ của Thiên Chúa, đừng có dễ dàng vội vàng tin người này người kia. Nhiều người xưng mình biết đạo Thiên Chúa, đại diện Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đến, đã đến ngày thế này hay thế khác. Chính mình chỉ lo tìm chân lý và khôn ngoan, điều gì hợp lý thì theo, chứ không tìm kiếm, lắng nghe, tin tưởng hay là chờ đợi những điều huyễn hoặc lạ lùng.
(3) Nhiều lần Chúa Cứu Thế phán các môn đệ sẽ bị bách hại. Nói theo kiểu người Do Thái với người Do Thái, chứ không phải ai cũng bị toàn thể mọi người trong gia đình hay ngoài xã hội thù ghét, giận hờn. Chỉ biết một điều là người theo tôn giáo này hay tôn giáo khác năng bị hiểu lầm, bách hại, nhất là những người môn đệ Thiên Chúa và theo Thiên Chúa. Không phải muốn cho môn đệ Thiên Chúa phải đau khổ. Nhưng chỉ vì nói đến tôn giáo, thì có nhiều người tin khác nhau, có người tin và có người không tin. Từ chỗ ý tưởng khác nhau, đi đến tâm tình và công việc, cả ngôn ngữ cũng khác nhau, sinh nghi kỵ nhau, chống đối nhau. Nhất là trong Thiên Chúa Giáo nói chung, và trong Công Giáo nói riêng, MỘT làvì ảnh hưởng người Do Thái, tin chỉ có đạo mình mới đúng, ngoài ra đều lạc đạo và sai lầm. Có người khinh bỉ cả người khác, vì theo kiểu nói của người Do Thái. Nào là ‘Họ ngồi trong bóng tối sự chết; họ thờ quỷ thần’; theo kiểu nói của người Thiên Chúa Giáo; ‘Họ là những người không biết Thiên Chúa, mình phải làm sao để cho họ biết Thiên Chúa và cứu linh hồn họ’. HAI là vì những cách tổ chức rất chặt chẽ, nhất là trong Công Giáo, với bao nhiêu chuyện tuẫn đạo, được người kể chuyện thêm thắt vào, nào là anh hùng mến Thiên Chúa, chịu đổ máu mình để làm chứng cho Thiên Chúa, hy sinh để được phúc tuẫn đạo, lên thiên đàng rất cao và chắc chắn. Với những ý tưởng đó, vô tình, có những người Công Giáo bị người ngoài xem như khinh bỉ họ. Đó là một vài nguyên cớ khiến cho có nhiều người ngoài thù ghét và bách hại tôn giáo, và nhất là Công Giáo. Hay là có người tức giận vì những lời nói hoặc câu văn xúc phạm đến họ, trong khi muốn khuyên bảo người ta ăn ở đạo đức theo chân lý. Như Chúa Giêsu đã nói người ta ghét các tiên tri và ghét Thiên Chúa, thì môn đệ của Thiên Chúa cũng không tránh khỏi. Thiên Chúa không cần phải dạy những chi tiết khôn ngoan, làm sao cho người ta yêu, người ta kính, đừng gây nên những sự hiểu lầm, mất lòng kẻ khác. Thiên Chúa chỉ dạy đừng quá lo sợ. Phải giữ vững lòng tin, cậy, mến vào ‘Lòng Thương Xót’ của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn ở một bên mỗi người tôi con của Thiên Chúa; về lý trí, phải hiểu biết giáo lý cho xác đáng, đừng lầm điều thiết yếu, là những điều không thể thay đổi hay nhượng bộ, với những điều phụ thuộc có thể thay đổi theo hoàn cảnh không gian và thời gian. Về tâm tình phải giữ khiêm tốn, nhu mì, hiền hậu, tôn trọng tha nhân, mới có đủ điều kiện để nghe tiếng Thiên Chúa, mà nói và làm theo ý Thiên Chúa, trong những lúc bình thường hay là những khi có rối loạn, như trong thời kỳ bách hại, dưới hình thức này hay hình thức khác./-
LM Trần Minh Đức Bảy