Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 33 Thường Niên C Của Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 33 Thường Niên C Của Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Các chứng nhân 

Trong những năm giảng dạy, có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ : “Anh em sẽ làm chứng về Thầy”, và chứng ấy là “người ta sẽ hành hạ và giết anh em”. Những lời tiên báo đó thực sự đã xảy ra, trong ba thế kỷ đầu, Giáo hội Công giáo đã bị bắt bớ, hành hạ ghê gớm, và không biết bao nhiêu người đã đổ máu để làm chứng đạo Chúa. Rồi lịch sử đạo Công giáo tại Việt Nam cũng thế, đây là những trang sử oai hùng, những trang sử mà không một trang nào lại không được tô điểm bằng những nét vàng son chói lọi về những cái chết anh hùng của tiền nhân, dưới đủ mọi hình thức tàn bạo ghê gớm. Thực vậy, từ ngày đạo Chúa chính thức bắt rễ vào đất nước chúng ta cho đến cuối thế kỷ XIX, nghĩa là vào khoảng từ năm 1638 đến 1866, lịch sử Giáo hội Việt Nam là một cuộc tử đạo kéo dài, gần 300 năm đầu rơi máu chảy, với trên 100 ngàn vị tử đạo, đã sẵn sàng dâng hiến xương máu chứng minh đạo Chúa. Hùng hồn thay, cảm động thay và thật hãnh diện cho dòng dõi Lạc Hồng. Vậy cái chết của các vị tử đạo nói lên điều gì ?

Trước hết, không những chúng ta nhìn nhận mà còn xác tín rằng : những người chết vì Chúa như thế được gọi là tử đạo, nghĩa là những chứng nhân của đạo Chúa. Tại sao vậy ? Bởi vì khi ấy cũng như ngày nay, Giáo hội dùng cái chết của các ngài để minh chứng đạo Công giáo là đạo của Chúa. Có lẽ có người sẽ không muốn công nhận lời chúng ta quả quyết trên đây, họ nói : nhiều tôn giáo khác cũng có người tử đạo, và có những tên loạn tặc, cũng đã chết cho lý tưởng của họ. Như vậy tử đạo trong đạo Công giáo làm chứng thế nào được đạo Công giáo là đạo của Chúa ? Chúng ta có thể trả lời : các vị tử đạo của chúng ta đã đem ra ba bằng chứng để minh chứng cho đạo, và các bằng chứng ấy bất khả kháng, nghĩa là không thể phủ nhận được.

Bằng chứng thứ nhất, cái chết của các vị tử đạo đã được nói trước. Đọc Tin Mừng chúng ta không thể không ngạc nhiên khi thấy ba ngày trước, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ là các ông sẽ làm nhiều phép lạ để chinh phục thế giới cho Chúa, hôm nay Chúa lại nói trước những cơn bách hại các ông sẽ phải chịu. Xét theo tự nhiên làm sao hiểu được ? Các ông sẽ chữa bệnh, sẽ làm cho người chết sống lại, nhưng rồi chính các ông lại không tránh được bị người ta đánh đập và giết chết. Chúa nói trước cả hai việc, xem ra trái ngược nhau, thật là lạ kỳ. Thế rồi chúng ta thấy sự thực đã xảy ra đúng như lời Chúa nói, đã được thực hiện từng nét. Vậy sự kiện các ông chịu chết ứng nghiệm như lời Chúa đã nói trước là một bằng chứng minh chứng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, và đạo Công giáo do Chúa lập là đạo thật, là đạo của Thiên Chúa.

Bằng chứng thứ hai, là chính sự bền gan của các vị tử đạo. Chúng ta thấy ở trong tôn giáo khác, có những người đã can đảm nhận lấy cái chết, do sự nhiệt cuồng mạnh mẽ, nhưng nhất thời, còn các vị tử đạo Công giáo không phải những người nhiệt cuồng, trong một thời gian lâu dài trước, các ngài đã biết hễ ai theo đạo Công giáo là sẽ bị chết, các ngài luôn luôn sống với cái ý tưởng : không sớm thì muộn mình sẽ phải chịu đau khổ và phải chết cho đức tin, sống như vậy thì đau khổ hơn chết. Mặc dù thế các ngài vẫn nhẫn nại trung thành với những bổn phận hằng ngày, vẫn bình thản sống trong sự tinh tấn của lương tâm, và đợi chết hằng ngày. Thái độ đó khác hẳn với thái độ nhiệt cuồng của những người cuồng tín. Lúc đầu mặc dù các ngài cũng tìm hết cách để tránh cho khỏi bị hại, nhưng khi giờ tử đạo đến, các ngài biết chết một cách bình  tĩnh cũng như các ngài đã sống bình tĩnh, chết cách ấy quả là một việc anh hùng và phải có một sức mạnh siêu nhiên nào đó, đối với chúng ta, là phải có bàn tay vô hình của Thiên Chúa nâng đỡ.

Bằng chứng thứ ba, là chính chứng tá của các vị tử đạo. Các ngài lấy máu mình để làm chứng, không phải là làm chứng cho một lý tưởng nhưng là cho một việc. Ở trên chúng ta đã nói : việc chết cho một lý tưởng chưa phải là bằng chứng quyết định cho lý tưởng ấy, vì người ta có thể tưởng lầm rằng : lý tưởng ấy là đúng, và chết cho một lý tưởng chỉ minh chứng mình có lòng ngay, mình thành thực. Nhưng khi người ta chết cho một việc thì khác, đó chính là cái chết của các vị tử đạo. Trước sự chết, các ngài tỏ ra can đảm, anh hùng, cương quyết, bình tĩnh, khiến cho mọi người phải thán phục. Các ngài cũng là những con người mang một thân xác mỏng dòn như chúng ta, biết rung cảm, biết ham sống, nhưng trong cảnh máu chảy đầu rơi, các ngài đã tỏ ra tự chủ biết bao, và giây phút hy sinh đến, các ngài đã thắng lo sợ, đã khuyến khích nhau, đã cầu nguyện, lòng tràn ngập bình an, vui tươi tiến lên dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Do đó, cái chết của các ngài có một ý hướng nhất định: các ngài là những nhân chứng cho đạo Chúa, vì thế, danh từ “tử đạo” có nghĩa là kẻ làm chứng, và dùng đau khổ tử hình để bảo đảm cho lời chứng.

Tóm lại, cuộc du nhập đạo Chúa vào đất nước chúng ta đã được đánh dấu bằng cây thánh giá trồng trên cửa biển, từ thời vị truyền giáo đầu tiên đặt chân đến đất nước này, đó là một dấu báo hiệu, hạt giống Tin Mừng, hạt giống đức tin sẽ nảy mầm và phát triển sau nhiều gian nan đau khổ. Nhưng cũng từ đây, thánh giá Chúa ngày càng tăng số thêm nhiều, nhiều hơn, và mọc lên khắp nơi. Từ cây thánh giá đó chia ra, và được trồng khắp nẻo đường đất nước Việt Nam, đã thấm máu đào của trên 100 ngàn anh hùng tử đạo. Và hạnh phúc thay, thánh giá ấy cũng được trồng vào gia đình chúng ta, trên trán, trên ngực và trên trái tim chúng ta, biến chúng ta trở thành những tông đồ, những chứng nhân của Chúa. Chúng ta nghĩ sao về trách nhiệm và địa vị cao quý này ? Chúng ta nên nhớ : nguồn sáng có thể trở nên tối tăm dễ hơn là Ki-tô hữu mà không tỏa sáng chung quanh, chúng ta đừng nói chúng ta không thể làm chứng cho Chúa, thực ra, chính việc làm hại kẻ khác mới là việc chúng ta không thể làm được.

Lm.Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Xem thêm

St. MATTHEW

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần I Thường Niên, Năm Lẻ, của Lm Minh Anh

KHÔNG DO DỰ “Ông đứng dậy đi theo Người!”. Khi Abraham Lincoln chuẩn bị ký …