Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 32 Thường niên C của LM Giacôbê Phạm Văn Phượng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 32 Thường niên C của LM Giacôbê Phạm Văn Phượng

Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Vấn đề sống lại
(Lc 20,27.34-38)

Mấu chốt của vấn đề mà nhóm Xa-đốc hỏi Chúa Giêsu là sự sống lại và sự sống đó như thế nào. Chúa đã trả lời làm hai bước : Trước hết, Chúa nói về bản chất của cuộc sống sau khi sống lại, sau đó, Chúa đưa ra một lập luận dựa trên một kiểu nói cơ bản nhất trong bộ Ngũ Kinh là những sách mà những người Xa-đốc công nhận là Sách Thánh.

Trước hết, về bản chất của cuộc sống sau khi sống lại. Chúa cho biết nó không phải là một sự lặp lại cuộc sống trần gian, hai yếu tố của cuộc sống trần gian mà những người Xa-đốc nêu lên là chuyện cưới vợ lấy chồng và cái chết thì sẽ không còn nữa, những người đã sống lại thì được ngang hàng với các thiên thần nên không thể chết được nữa. Sự sống sau khi sống lại là sự tham dự trọn vẹn vào cuộc sống của Thiên Chúa, lúc đó người ta mới thể hiện đầy đủ bản chất là con Thiên Chúa, vì người ta được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa. Con của loài vật thì có sự sống của loài vật, con của loài người thì có sự sống của loài người, con của Thiên Chúa thì có sự sống của Thiên Chúa. Người ta được ngang hàng với các thiên thần, giống như các thiên thần, không còn bận tâm nào khác ngoài việc chiêm ngắm và ngợi khen Thiên Chúa. Vậy thì lập luận của những người Xa-đốc không đứng vững, bởi vì chính quan niệm của họ về cuộc sống sau khi sống lại không đúng.

Tiếp theo, Chúa Giêsu dựa vào một kiểu nói cơ bản rút ra từ một đoạn văn then chốt trong Cựu Ước và đối với lịch sử Do Thái, đó là đoạn văn kể việc Thiên Chúa hiện ra với ông Mô-sê dưới hình ngọn lửa cháy trong bụi gai (Xuất Ai Cập 3,6). Chúa nhấn mạnh vào ông Mô-sê, vì phái Xa-đốc nhìn nhận uy quyền của ông. Trong sách thì đây là lời Thiên Chúa tự xưng với ông Mô-sê, nhưng vì truyền thống Do Thái coi đây là sách do ông Mô-sê viết, nên Chúa Giêsu dựa vào đó mà lập luận. Ông Mô-sê gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Phái Xa-đốc không tin có đời sau, chết là hết, bởi vậy Chúa Giêsu lập luận : nếu chết là hết, thì các vị tổ phụ kia đã chết rồi, mắc mớ chi mà gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ đâu phải là Thiên Chúa của kẻ chết. Bởi vì đã gọi Ngài là Thiên Chúa của ai tức là người đó đang sống, tuy đối chúng ta thì người đó chết rồi. Ông Mô-sê không khẳng định có sự sống lại, nhưng trong kiểu nói này ông Mô-sê cho thấy rằng có cuộc sống đời sau, con người không chỉ có cuộc sống trên trần gian này thôi, chết không phải là hết, nhưng là đi vào một cuộc sống mới, sống trước mặt Thiên Chúa và sống cho Thiên Chúa.

Chúng ta thấy lối lập luận của Chúa Giêsu thật độc đáo, nên những người tranh luận với Chúa đã chịu lý và không thể cãi lại. Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay là dịp thuận tiện để chúng ta suy nghĩ về lời tuyên xưng cuối cùng trong kinh Tin Kính về sự sống lại và sự sống đời sau. Thực vậy, chúng ta tin có sự sống lại và có sự sống đời sau, nên chết không phải là hết, nhưng là bắt đầu sống thực sự, như chúng ta vẫn hát trong thánh lễ an táng : “Lạy Chúa, đối với tín hữu Chúa, đời sống thay đổi chứ không bị tiêu diệt”. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trên giường hấp hối, cũng đã nói: “Tôi không chết, tôi đang bước vào sự sống”. Quả thực, sự chết vẫn hiện hữu, nhưng chết chỉ là chốc lát, một khoảnh khắc, một giây phút, một bước đi : từ tạm thời sang vĩnh cửu, từ hữu hạn sang vô hạn, chết là bắt đầu một đời sống mới, một cuộc đời vĩnh cửu.

Tóm lại, chết là một sự kiện hiển nhiên không cần phải chứng minh, đã là con người thì sẽ phải chết. Và đối với đức tin của chúng ta, thì thân xác chúng ta chắc chắn sẽ sống lại, nhưng sống lại để sống như thiên thần hay quỷ dữ lại là chuyện khác. Chắc chắn thân xác chúng ta sẽ sống lại, nhưng sống lại để sống hạnh phúc muôn đời hay bất hạnh ngàn thu là vấn đề chúng ta phải hết sức quan tâm, bởi vì kẻ lành, kẻ sống tốt lành thánh thiện cũng sống lại, và kẻ dữ, kẻ sống xấu xa tội lỗi cũng sống lại, nhưng sống lại để được thưởng hay chịu phạt, đó là điều khác biệt. Căn cứ vào đâu để Thiên Chúa thưởng hay phạt chúng ta ? Căn cứ vào đời sống hiện nay của chúng ta, đời này quyết định số phận đời sau, như Chúa đã quả quyết : “Ai sống làm sao Ta sẽ trả cho như vậy”, “gieo thứ gì gặt thứ ấy”.

Lạy Chúa, cuộc sống này có là bao ? Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy ? Xin cho chúng  con luôn nhớ mình sẽ phải chết để sống tốt, sống lành hầu xứng đáng đón nhận phần thưởng vĩnh phúc.

Xem thêm

St. MATTHEW

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần I Thường Niên, Năm Lẻ, của Lm Minh Anh

KHÔNG DO DỰ “Ông đứng dậy đi theo Người!”. Khi Abraham Lincoln chuẩn bị ký …