Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 31 Thường niên, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 31 Thường niên, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Pharisêu Giả Hình

(Mt 23,1-12)

3_resizeBài Tin Mừng hôm nay đề cập đến những người Pharisêu. Họ là những người có địa vị trong xã hội và có tầm ảnh hưởng khá rộng nhưng Đức Giêsu đã nặng lời khiển trách họ. Vậy, Đức Giêsu đã khiển trách những người Pharisêu về chuyện gì? Chính là sự dối trá của họ.

Thông thường, sự dối trá chỉ thể hiện qua lời nói: người ta biết một điều là sai nhưng lại trình bày là đúng. Về phương diện này, người Pharisêu không bị khiển trách. Điều họ quả quyết thực sự là đúng: họ có nhiều kiến thức, có khả năng xét xử, lời họ nói có thể dẫn đến Thiên Chúa, và dựa vào những thẩm quyền chính thống. Họ là những người “nối quyền ông Môsê mà giảng dạy.” Như vậy, sự dối trá của những người Pharisêu không phải là lời nói, nhưng một cách tinh vi hơn, là sự cách biệt, sự mâu thuẫn giữa lời họ nói và việc họ làm. Đức Giêsu đã nhắn nhủ các môn đệ: “… họ nói mà không làm. Vậy những gì họ dạy, thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng cách họ hành động, thì đừng có làm theo.” Bởi vì “họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.”

Chính sự cách biệt, mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm cho thấy tội của người Pharisêu. Đó là tội “giả hình”. Đó là một sự đứt đoạn mà chẳng hề có một sự hối hận nào.

Xa hơn, Đức Giêsu cho thấy động lực của thái độ này: “họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy”, tức là lòng “kiêu ngạo”. Đây không phải là thái độ của một người tự hào về những tài năng hay sự thành công của mình, nhưng đây là một thái độ tinh vi hơn, nếu không muốn nói là tệ hại hơn. Quả vậy, đây là việc sử dụng quyền bính và uy tín cách bất xứng: đúng ra quyền bính và uy tín này chỉ có được ý nghĩa khi được sử dụng qua và vì nhiệm vụ của mình, và khi có nhiệm vụ càng cao, lại phải khiêm tốn hơn. Làm sao người ta có thể tự nhận là dụng cụ của Thiên Chúa để thông truyền cho người khác về mầu nhiệm của Người, mà lại chẳng quan tâm đến việc sống xứng hợp với mầu nhiệm này, và cũng chẳng ý thức rằng dụng cụ chỉ có được ý nghĩa khi phục vụ cho điều mình đã khấn nguyện, và mình chỉ là một phản ánh cho sự thật lớn lao!

Những người Pharisêu đã sử dụng quyền bính được trao cho mình để tìm vinh quang cho cá nhân và thu lợi cho riêng mình. Đó là một sự sai lầm, một sự lạm dụng quyền bính. Sự lạm dụng này đã biến họ trở thành những người đồi bại, ngược hẳn với điều họ bắt người khác làm.[1]

Một câu chuyện kể rằng: Đêm kia tại một làng đánh cá bên Ấn Độ, một ngư phủ nghèo lẻn vào trong hồ cá của một người nhà giàu để thả lưới. Nhưng chưa kịp kéo lưới lên thì bị người nhà giàu phát hiện. Người nhà giàu cho gia nhân bủa đi quanh hồ để bắt cho bằng được tên trộm.

Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả. Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó y hệt một nhà đạo sĩ.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm chìm trong suy tư và cầu nguyện. Chỉ một ngày hôm sau tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ.

Thế là thiện nam tín nữ từ khắp nơi đổ xô đến gốc cây để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc quà cáp tuôn đổ tràn lan quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.

Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai nhà đạo sĩ, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.

Anh chị em thân mến, người đánh cá phải trở thành vị tu hành bất đắc dĩ trên đây có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối với chúng ta. Một tên ăn trộm giả làm một đạo sĩ, chớ không phải là một “đạo sĩ thứ thiệt” nên phải đi vào con đường giả hình. Giả hình để lợi dụng sự sùng mộ của tín hữu cũng như những người Phariêu trong Bài Tin Mừng hôm nay, nhưng Đức Giêsu vạch trần sự giả hình của họ. Giả hình vì họ nói mà không làm. Giả hình do hám danh và cầu lợi vì họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi nơi cộng cộng, được thiên hạ gọi là Rápbi. Họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo để được người ta chú ý và ca tụng, có ý khoe mình là sốt sắng đạo đức hơn người!

Kính thưa anh chị em, qua bài Tin Mừng hôm nay, tất cả Giáo Hội của Chúa Kitô, từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân phải bình tâm suy nghĩ. Những lời Chúa nói với các Luật Sĩ và Pharisêu ngày xưa phải có tiếng vọng đến chúng ta hôm nay. Pharisêu không còn, nhưng não trạng pharisêu chưa chết, vẫn còn sống mãi trong lòng Giáo Hội. Chúng ta hãy đi vào lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: trong anh em, người làm lớn phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Maurice Zundel, “Sống với Chúa trong cái thường ngày”, tập 1, trang 33-35 – Chuyển ngữ: G.Nguyễn Cao Luật OP

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …