Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống
Tin Mừng Thánh Matthêu chuơng 23, câu 1 đến câu 12, Chúa cho các môn đệ và người Do Thái hiểu rõ về những Kinh sư và Pharisiêu giả hình, những người tự coi là thông luật, là đạo đức hơn người khác, thuộc vào tầng lớp lãnh đạo. Nhiều người trong số họ có trình độ cao, có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị, xã hội và tôn giáo đối với người Do Thái lúc bấy giờ. Họ được phép rao giảng trong các hội đường, nắm quyền phán xét, phân xử, giải thích luật lệ khi có xảy ra tranh chấp trong dân. Tuy vậy, do sống dưới sự đô hộ của người La Mã nên họ cũng dựa vào đó để đưa ra những lề luật khắc nghiệt, vừa để lấy lòng hoàng đế La Mã, vừa để thống trị cộng đồng dân mình. Chính những người này đã tìm cách gài bẫy Đức Giêsu, hay giả là người đến học hỏi nơi Chúa để tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của Người đối với dân chúng. Đức Giêsu biết rõ những con người này, họ nói mà không làm, họ chất những gánh nặng lề luật lên vai những đồng đạo nhưng “không buồn động ngón tay vào” (Mt 23;4). Họ rao giảng những điều trong Kinh Thánh, nói những điều rất hay, khuyên bảo dân chúng tuân giữ lề luật của Môi Sen, nhưng thực tế cuộc sống của họ đi ngược lại những điều họ nói. Chúa Giêsu đã mạnh dạn vạch ra những điều sai trái, dối trá, đồng thời nhắn nhủ các môn đệ và dân chúng hãy làm, hãy giữ những điều họ nói (về Giáo lý-Kinh Thánh), nhưng không làm theo những việc họ làm, vì họ chỉ nói mà không làm.
Những Pharisiêu thời đại hôm nay không thiếu, cả trong đạo cũng như ngoài đời. Điều Chúa đưa ra hơn 2000 năm trước đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Biết bao vị xúng xính trong những bộ áo quyền quí, sử dụng những phương tiện hiện đại để tỏ ra mình hơn người khác. Họ được tập thể, cộng đồng trao cho một trách nhiệm nào đó trong giáo hội, xã hội, đã thể hiện hai mặt của một cuộc đời. Một mặt thì tỏ ra tốt lành, thân thiện, khuyên bảo người khác làm lành lánh dữ. Mặt khác bản thân lại có một cuộc sống tha hóa, thậm chí âm mưu hãm hại người, hầu mưu cầu lợi ích cho mình, củng cố vị trí của mình.
Chúa còn nhấn mạnh đến tinh thần phục vụ đối với những người được trao phó trách nhiệm cao trong tập thể, trong xã hội. Không thể có thái độ “cha chú “ như những người Pharisiêu khi hành xử công việc. Quyền lực Chúa trao ban là để nâng đỡ, hướng dẫn người khác hầu giúp nhau thăng tiến vươn lên, hầu đạt tới sự hoàn thiện vì “tất cả đều là anh em với nhau” (Mt 23, 9). Không thể lợi dụng quyền lực để áp đặt, cưỡng bức người khác phục vụ cho mình hay cho lợi ích nhóm. Càng không phải để mê hoặc người khác.
Lạy Chúa,
Trong cuộc sống mỗi ngày, và cả trong đời sống đạo, con cũng đã có lúc thể hiện mình là những kinh sư, những người Pharisiêu ngày xưa: nói mà không làm, nói hay nhưng làm dở, nói một đàng làm một nẻo. Là bậc làm cha mẹ trong gia đình, bao lần con khuyên dạy con cái nên làm điều này tránh điều kia, nhưng con không làm theo điều con tin, không thực hiện điều con nói. Trong quan hệ vợ chồng, thái độ gia trưởng “chồng chúa, vợ tôi” vẫn thể hiện mỗi ngày. Trong quan hệ xã hội, con vẫn lớn tiếng phê phán thói xấu của người khác, mà không hề thấy “chân mình thì lấm bê bê”, chỉ “Thấy dằm trong mắt người khác” vẫn lên tiếng dạy đời, coi khinh những người thấp kém hơn con về trình độ, về vật chất, về địa vị.
Xin Chúa giúp con biết sửa đổi cách sống của mình, để mỗi ngày trở nên trọn lành hơn, như Cha trên trời là Đấng trọn lành. Xin cho con biết học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường, hầu mọi người nhận biết con là môn đệ Người. AMEN.
Fx Đỗ Công Minh