Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 31 Thường niên C của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 31 Thường niên C của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C

Kn 11,22-12,2 ; 2Tx 1,11-2,2 ; Lc 19,1-10.

SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 19,1-10

(1) Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. (2) Và kìa, có một người tên là Da-kêu. Ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. (3) Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông lại lùn. (4) Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. (5) Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. (6) Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. (7) Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” (8) Còn ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo. Và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. (9) Đức Giê-su nói với ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham. (10) Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng hôm nay nhằm chứng minh Đưc Giê-su là Đấng Thiên Sai, với sứ mệnh “tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”. Cụ thể là ông Da-kêu thủ lãnh các người thu thuế ở Giê-ri-khô, nhờ gặp được Đức Giê-su nên đã được ơn hoán cải. Do thành tâm đi tìm, nên ông đã gặp được Người và được Người ưu ái đến ở trọ tại nhà ông. Trước tình thương của Đức Giê-su, ông đã quyết tâm hoán cải, thể hiện qua việc tình nguyện quảng đại chia phân nửa gia sản phân phát cho người nghèo và sẵn sàng đền bù cho những người đã bị ông làm thiệt hại trước đây.

3. CHÚ THÍCH:

– C 1-4: + Đức Giê-su vào thành Giê-ri-khô và đi ngang qua thành: Giê-ri-khô là một thành phố cách Giê-ru-sa-lem 37 cây số. Có hai thành Giê-ri-khô: Một thành cũ đã bị ông Gio-su-ê phá huỷ, và một thành mới do vua Hê-rô-đê xây dựng cách nơi cũ không xa. + Có một người tên là Da-kêu: Tên Da-kêu nghĩa là “Người trong sạch”. Ong đứng đầu ngành thu thuế tại thành Giê-ri-khô, nên bị người Do thái liệt vào hạng người tội lỗi.

– C 5-7: + Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi. Vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”: Đức Giê-su đã biết rõ về con người của Da-kêu trước khi ông gặp Người. Người đã nhìn thấy ông giữa muôn người, biết tên và công khai gọi tên ông. Nhất là Người còn đến ở trọ tại nhà của ông. + Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người: Cảm động trước tình thương và sự ưu ái quan tâm của Đức Giê-su, ông Da-kêu vội vàng tụt xuống khỏi cây sung và đón rước Người về nhà. Da-kêu chỉ muốn thấy mặt Đức Giê-su, nhưng ông lại được Người thương đến ở trọ tại nhà của ông. Lòng ưu ái của Người vượt quá sự mong ước của ông. + Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !”: Theo quan niệm của người Do thái, ai lui tới giao thiệp với người tội lỗi cũng trở nên ô uế và bị khiển trách (x. Lc 5,30). Ở đây, Đức Giê-su không những đã tiếp xúc nói chuyện, mà còn đến ở trọ tại nhà của ông trưởng ngành thu thuế Da-kêu, nên không tránh khỏi sự xầm xì phản đối của đám đông. Qua hành động này, Đức Giê-su cho thấy sứ vụ của Người là đi tìm và cứu chữa những người tội lỗi mà Da-kêu là đại diện.

C 8-10: + Này đây, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo…: Cảm động trước tình thương của Đức Giê-su, Da-kêu đã biểu lộ quyết tâm hoán cải qua việc đền bù những tội lỗi trước đó. Ông tự nguyện chia nửa tài sản để phân phát cho người nghèo và đền trả gấp bốn lần những thiệt hại đã gây ra, trong khi Luật Mô-sê chỉ buộc đền gấp bốn cho tội trộm chiên mà thôi (x. Xh 21,37). + Hôm nay Ơn cứu độ đã đến cho nhà này: Nhờ sự hiện diện của Đức Giê-su mà cả nhà ông Da-kêu đã được cứu độ. + Con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham: Do làm nghề thu thuế nên Da-kêu bị coi là kẻ tội lỗi không còn thuộc về dòng dõi của Áp-ra-ham. Nhưng khi ông đã hồi tâm sám hối, ông lại được Đức Giê-su trả lại quyền được làm con cháu của Tổ phụ Áp-ra-ham như trước. + Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất: Câu này cho thấy sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su là đến để tìm kiếm và giúp những kẻ tội lỗi ăn năn sam hối để được cứu độ.

4. CÂU HỎI: 1) Tên Da-kêu nghĩa là gì ? 2) Thiện chí của ông Da-kêu được biều lộ qua hành động nào ? 3) Tại sao dân chúng lại trách Đức Giê-su về việc đến trọ tại nhà Da-kêu ? 4) Tại sao ông Da-kêu lại được Đức Giê-su tuyên bố là con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham và được cứu độ ? 5) Câu nào nói lên sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

2. CÂU CHUYỆN:

NHỮNG K KHỐN CÙNG (LES MISÉRABLES)

Đây là tựa đề một tác phẩm nổi tiếng của văn hào Vích-to Huy-gô (Victor Hugo), tường thuật câu chuyện về cuộc đời của Văn Giang (Han Valjean), một tên cướp của giết người đã từng bị ở tù 19 năm. Khi vừa được thả ra, anh đã phải nếm mùi bị mọi người khinh dể xa lánh: Bước vào tiệm ăn, anh liền bị chủ tiệm xua đuổi; Vào trong nhà trọ thì người gác cửa đã đóng sập cửa ngay trước mặt; Đi qua ổ chó, thấy bộ dạng nhếch nhác râu ria của anh, chúng liền thi nhau sủa inh ỏi… Chỉ khi bước vào nhà Đức giám mục My-ri-ê, anh mới được tiếp đãi nồng hậu như một con người: Anh được ăn một bữa tối thật ngon, được nằm trên một chiếc giường êm ấm. Nhưng rồi đêm hôm ấy, nhìn thấy các chân đèn bằng bạc quí giá, anh không cưỡng nổi lòng tham, nên nhẹ nhàng lấy năm cái chân đèn cho vào bao chuồn mất. Nhìn thay bộ dạng khả nghi của anh, cảnh sát liền đòi khám xét chiếc túi vải anh đang vác trên vai và nhìn thấy mấy cái chân đèn bằng bạc. Anh liền bị giải đến trước mặt vị giám mục để làm rõ. Nhưng ngài không những không kết tội, mà còn nhận là đã tặng cho anh mấy cái chân đèn bạc kia. Hơn nữa, ngài còn tặng thêm hai chân đèn nữa cho đủ bộ và nói nhỏ với anh: “Ta không kết tội con đâu, nhưng con phải sám hối để làm lại cuộc đời”. Sau khi được thả, anh luôn suy nghĩ về những lời nhắn nhủ của vị giám mục và xúc động trước tình thương bao dung của ngài. Anh quyết tâm sám hối và sau đó đã trở thành một người lương thiện. Nhiều năm sau, Văn Giang đã chinh phục được tình cảm của mọi người và còn được dân chúng tín nhiệm bầu làm thị trưởng của thành phố. Sở dĩ ông từ một tên tội phạm trở thành mot người lương thiện và được kính nể là do ông đã cảm nghiệm được tình thương của vị giám mục My-ri-ê.

-SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG:

Trong thiền viện của thiền sư SĂNG–GAI (Sengai) có nhiều đệ tử ở chung. Một đệ tử của vị thiền sư có thói quen thỉnh thoảng nửa đêm leo tường ra ngoài đi chơi với chúng bạn mãi đến gần sáng mới quay lại thiền viện. Một đêm kia, thiền sư Săng-gai đi kiểm tra, thấy một chiếc giường trống, rồi còn thấy một chiếc ghế cao để cạnh bức tường cao phía trong thiền viện. Thiền sư liền dời chiếc ghế kia sang chỗ khác và đứng thế vào chỗ đó. Khi anh đệ tử kia quay về, do không thấy thiền sư đang đứng thế chiếc ghế mọi khi, anh ta đã đặt bàn chân lên đầu thầy Săng-gai làm điểm tựa trước khi nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra sự thể thì anh cảm thấy sợ hãi. Nhưng thay vì trách phạt, thiền sư lại mỉm cười nhỏ nhẹ nói với anh rằng: “Trời về sáng đang trở lạnh. Con mau vào phòng mặc áo ấm vào kẻo bị cảm lạnh nhé !” Cảm động trước tấm long từ bi và tình thương khoan dung của thầy, từ ngày đó người đệ tử kia không bao giờ còn dám tái phạm trèo tường đi chơi nữa. Anh chuyên cần học tập và về sau trở thành một học trò giỏi của thiền sư Săng-gai.

3. SUY NIỆM:

Tin mừng Lu-ca Chúa nhật hôm nay thuật lại câu chuyện hoán cải của ông Da-kêu làm nghề thu thuế. Vào thời ấy, những người thu thuế bị xếp chung với bọn trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Hơn nữa, vì họ thu thuế phục vụ cho đế quốc Rô-ma, nên người Do thái kết án khinh dể họ. Trái lại, Đức Giê-su có cách hành xử khác. Tin mừng hôm nay cho thấy: Người đã gọi đích danh ông Da-kêu, đã đến ở trọ trong nhà ông và ngồi đồng bàn ăn uống chung với ông. Việc đó khiến dân chúng hiện diện xầm xì phản đối. Tuy nhiên khi xử sự như thế, Đức Giê-su cho thấy sứ mạng của Ngài là “đến tìm và cứu chữa những gì hư mất”. Cảm động rrước tấm lòng bao dung nhân hậu của Đức Giê-su, ông Da-kêu đã nhận ra tội lỗi của mình và quyết tâm sám hối nên người công chính.

1) “NÀY ÔNG DA-KÊU XUỐNG MAU ĐI”: Da-kêu là một người giàu có nổi tiếng ở thành Giê-ri-cô. Ông là trưởng ban thu thuế của thành phố này. Dĩ nhiên nếu chỉ là nhân viên làm việc ăn lương thì chắc ông đã không thể giàu có như vậy được. Sở dĩ ông nhiều tiền là vì đã gian lận móc ngoặc với gian thương trong việc thu thuế. Mọi người đều nhìn Da-kêu như một tội phạm đáng khinh, và chính ông cũng cảm thấy lương tâm bất an. Nghe tin Đức Giê-su sắp đi qua khu vực gần nhà, Da-kêu liền chạy tới gần để nhìn xem mặt Người. Nhưng dân chúng quá đông mà Da-kêu lại lùn thấp, nên ông đã chạy về phía trước, trèo lên một cây sung, hy vọng sẽ nhìn thấy Đức Giê-su khi Người đi ngang qua. Khi tới chỗ Da-kêu núp, Đức Giê-su dừng lại ngước nhìn lên và nói với ông rằng: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.

Da-kêu không ngờ lại được Đức Giê-su ưu ái biết rõ tên và còn ngỏ ý muốn đến ở trọ tại nhà ông là một người tội lỗi ! Ông cảm thấy rất vui khi được Đức Giê-su công khai phục hồi danh dự trước mặt đám đông luôn có thái độ ác cảm và khinh dể ông. Còn Đức Giê-su cũng bỏ ngoài tai những lời xì xầm phản đối của nhiều người để đến trọ tại nhà ông Da-kêu.

Ơn Cứu độ là kết quả của sự gặp gỡ hai chiều kích: Thiên Chúa ban ơn và tội nhân đón nhận. Nếu Đức Giê-su không thi hành sư mệnh đi tìm chiên lạc thì chẳng ai được ơn cứu độ: “Vì chưng, Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (Lc 19,10). Nhưng dù Đức Giê-su có đi tìm mà tội nhân lại né tránh, thì họ cũng không thể nhận được ơn cứu độ. Ở đây, Đức Giê-su đã đi bước trước qua việc nhìn lên cây sung tìm Da-kêu đang ẩn núp và nói chuyện với ông và ông đã mau chóng đáp lại và cuối cùng ông và gia đình ông đã nhận được ơn cứu độ.

2) “THƯA NGÀI, NÀY ĐÂY PHÂN NỬA TÀI SẢN CỦA TÔI, TÔI CHO NGƯỜI NGHÈO…”: Chính ánh mắt bao dung, lời nói âu yếm và thái độ yêu thương của Đức Giê-su đã đánh động tâm hồn chai lì của Da-kêu; thổi bùng lên ngọn lửa hướng thiện còn đang leo lét trong lòng ông. Quả thật, hoán cải là kết quả của một sự cảm nhận về tình yêu của Chúa. Da-kêu bỗng chốc cảm thấy tâm hồn bình an, nên không còn yêu thích tiền bạc như trước. Ông đã sẵn sàng dâng hiến phân nửa tài sản để chia sẻ cho người nghèo, đồng thời tự nguyện đền trả gấp bốn những thiệt hại đã gây cho kẻ khác. Xin đền gấp bốn nghĩa là Da-kêu nhận biết tội của ông quá nặng và quyết tâm thực thi công bình bác ái. Dù Da-kêu đã trở nên nghèo hơn, nhưng ông lại cảm thấy hạnh phúc hơn vì đã được Đức Giê-su yêu thương đến ở trọ tại nhà ông và ban ơn cứu độ cho cả gia đình ông. Sau đó Người còn trả lại cho ông tư cách là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham như bao người Do thái khác qua lời phán: “Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Lc 19,9). Trong bữa tiệc vui hôm đó, tuy không còn giàu có như trước, nhưng Da-kêu đã cảm thấy được hạnh phúc hơn. Chắc chắn thân thể ông vẫn còn lùn thấp như trước, nhưng tâm hồn ông đã nên cao thượng hơn gấp bội phần.

3) LIÊN QUAN GIỮA HOÁN CẢI VÀ TỪ BỎ: Bất cứ một cuộc hoán cải nào cũng đòi phải từ bỏ: Một người lương muốn theo đạo Công giáo thì phải từ bỏ ma quỉ, các điều mê tín dị đoan, các đam mê tội lỗi… để chỉ tin thờ một mình Thiên Chúa và tin vào Đấng Ngài sai đến là Đức Giê-su Ki-tô. Một người mắc thói xấu cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách… muốn hồi tâm sám hối cũng phải quyết tâm chừa bỏ các thói hư ấy. Một người thường buôn gian bán lận, muốn hoán cải về với Chúa cũng phải quyết tâm từ bỏ lối làm ăn gian dối ấy… Con tim của Da-kêu đã được hoán cải nhờ sự quan tâm và đối xử nhân từ của Đức Giê-su. Thi hào người Đức Goethe (1749-1832) đã viết như sau : “Nếu đối xử với một người như “người ấy là”, thì người ấy sẽ nên xấu hơn. Nếu đối xử với người ấy như “người ấy phải là”, hoặc như “người ấy muốn là”, thì người ấy sẽ nên tốt hơn”. Đức Giê-su hiểu rằng trong tâm hồn Da-kêu còn có phần tốt, muốn làm điều tốt và có khả năng làm điều tốt, nên Người đã khơi phần tốt ấy lên. Mỗi người chúng ta cũng hãy tự hoán cải bằng cách để Đức Giê-su quan tâm đến ta, nói với ta, đến ở trọ trong lòng ta và đánh động con tim của ta.

4) HIỆN NAY VẪN CÒN NHIỀU DA-KÊU: Đó là những người bị mọi người khinh thường hay loại trừ như những người mang tiền án tiền sự, những trẻ em bụi đời lang thang không nhà, những cô gái đứng đường lúc đêm tối, những người đang nghiện sì-ke ma túy, những người đang tìm hưởng lạc thú trong những quán bia ôm, mượn rượu giải sầu… Họ cần những người có trái tim bao dung nhân ái như Đức Giê-su giúp họ hoàn lương giống như ông Da-kêu trong Tin mừng hôm nay. Vậy trong những ngày này chúng ta nên làm gì cụ thể để giúp họ ?

4. THẢO LUẬN: 1)Bạn có thích hai câu chuyện trên hay không ? Tại sao ? 2)Tuần này mỗi người chúng ta sẽ làm gì cụ thể để giúp một tội nhân công khai được ơn hoán cải nên lương thiện hơn ?

5. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Ngày nay Chúa vẫn thường đến với chúng con trong hình hài của những người nghèo khó ăn xin, những bệnh nhân liệt giường không tiền chữa trị, những người đau khổ cần được ủi an. Chúa cần chút nước của người phụ nữ Sa-ma-ri để uống cho đã khát, cần năm chiếc bánh và hai con cá của một bé trai để nuôi năm ngàn người ăn no, cần căn nhà của ông Da-kêu để nghỉ qua đêm. Chúa khiêm tốn xin chúng con một chút tiền bạc, một chút lòng hảo tâm, một chút sự thương cảm… để sau đó Chúa lại đổ xuống trên chúng con muôn ngàn phúc lộc thiêng liêng gấp bội.

– LẠY CHÚA. Xin dạy chúng con biết đến với tha nhân, biết khám phá ra một đốm lửa của sự thiện vẫn đang cháy leo lét nơi tâm hồn những người đang lạc xa Chúa. Ước gì chúng con biết nhìn các tội nhân công khai bằng ánh mắt nhân từ bao dung của Chúa, dám hy vọng vào thiện chí hoán cải của họ, và kêu gọi mọi người cùng hợp tác để xua tan cái xấu cái ác ra khỏi gia đình, khu xóm, trường học, và công sở … Nhờ đó, thế giới hôm nay sẽ được biến đổi ngày một tốt hơn, chan hòa tình người hơn và an bình hạnh phúc hơn.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

Xem thêm

St. MATTHEW

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần I Thường Niên, Năm Lẻ, của Lm Minh Anh

KHÔNG DO DỰ “Ông đứng dậy đi theo Người!”. Khi Abraham Lincoln chuẩn bị ký …