Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 30C TN

Làm Thế Nào Để Lời Cầu Nguyện Được Chúa Chấp Nhận

(Lc 18,9 -14)

10-25-2019 7-23-37 PMỞ Palestine, thời Chúa Giêsu, người ngoan đạo giữ ba giờ cầu nguyện mỗi ngày, lúc chín giờ sáng, mười hai giờ trưa và ba giờ chiều.

Lời cầu nguyện được kể là linh nghiệm đặc biệt nếu cầu nguyện trong Đền Thờ, và vì thế vào những giờ đó nhiều người đến Đền Thờ cầu nguyện, chính vì thế Chúa Giêsu nói về hai người lên Đền Thờ cầu nguyện: Người Biệt Phái và Người Thu Thuế.

Người Biệt Phái đứng giữa Đền Thờ và thầm nguyện bằng câu “tôi tạ ơn Chúa”, nhưng thực ra ông không nói với Chúa mà là nói với chính mình.

Ông vui mừng vì so sánh với kẻ khác thì ông thuộc một giai cấp riêng, mọi người khác đều tham lam, bất chính, ngoại tình, và điển hình là bọn Thu Thuế gian tham tội lỗi. Thay vì nhìn vào Thiên Chúa, ông đã nhìn vào người Thu Thuế, ông đã khoe rằng chẳng những đã giữ mình thoát khỏi tội lỗi, lại còn làm được nhiều việc lành phúc đức hơn.

Xem thái độ cầu nguyện của người Biệt Phái, ta thấy ông ta rất tự mãn. Có nhiều chữ “tôi” trong lời cầu nguyện của ông. Tôi thế này, tôi thế nọ, tôi không như thế này, tôi không như người khác. Rốt cuộc, người Biệt Phái lại là người quay vào mình, ông ngắm nghía vẻ đẹp của ông trước Thiên Chúa, dù chúng ta tưởng ông đã mở lòng khi nói: “Lạy Thiên Chúa, con tạ ơn Ngài”. Tạ ơn thực sự là nhìn nhận mọi sự mình làm được đều do ơn Chúa ban. Tạ ơn là quay về với Thiên Chúa, nhìn nhận Ngài là Nguồn Mạch, là Trung Tâm, là Sức Sống của cả đời mình. Người Biệt Phái đã không tạ ơn thực tâm, vì ông quay vào mình, coi mình là trung tâm, là tác giả mọi điều tốt đẹp ông đã làm. Như thế Thiên Chúa chỉ là một người mà ông đến gặp để kể công và đòi nợ. Thiên Chúa phải trả cho ông Nước Trời vì ông đã có công. Người Biệt Phái không xin Chúa điều gì, bởi vì ông không thấy mình thiếu gì cả. Thiên Chúa chẳng thể cho ông điều gì, vì ông đã đầy ắp. Vì tự mãn, nên ông mất đi một khả năng quan trọng, đó là mở ra để đón nhận Thiên Chúa vào đời mình (Augustine). 

Tại Đền Thờ Thánh Phêrô có một bức tượng Chúa Chịu Nạn do Thorvaldsen (1770-1844) nhà điêu khắc Đan Mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng, ông ta nhìn mãi rồi lắc đầu nói: tôi nghe đồn bức tượng này nổi tiếng là đẹp lắm nhưng tôi chẳng thấy có gì đẹp cả. Một người quỳ sau lưng ông nói: ông phải quì gối xuống mới thấy đẹp. Ông du khách liền quì gối. Bấy giờ ông mới khám phá ra vẻ đẹp lôi cuốn của bức tượng Chúa Chịu Nạn. Muốn gặp gỡ Chúa, muốn đón nhận lòng thương xót của Người, con người cần quì gối với tâm tình khiêm tốn.

Tin Mừng hôm nay đề cao lời cầu nguyện khiêm nhường của người Thu Thuế, không nhìn sang người khác, không so sánh mình với kẻ khác, nhưng nhìn vào chính mình và so sánh mình với mẫu gương của Chúa, qua đó anh đã khám phá ra những khuyết điểm bản thân rồi khiêm tốn chấp nhận. “Lạy Chúa! Xin thương xót con”. Lời cầu nguyện của người Thu Thuế thật đơn giản. Ý thức được thân phận yếu hèn tội lỗi của mình, ông hoàn toàn cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa. Đó là lời cầu nguyện của người ở trong sự thật và được sự thật giải thoát khỏi tội lỗi. Lời cầu nguyện khiêm nhường là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa.

Quả thật, người Thu Thuế nhận mình lầm lỗi, ông biết rõ tội mình vô phương cứu chữa, chẳng dám ngước mắt nhìn lên, chỉ biết đấm ngực ăn năn và kêu xin lòng thương xót Chúa. Ông bất lực hoàn toàn, chỉ phó thác cho lòng Chúa khoan dung. Ngay lúc đó, ông trở nên công chính. Chính tâm tình ấy mà Chúa đã nhìn xuống và làm cho ông nên công chính.

Sau khi đưa ra hai thái độ cầu nguyện của người Biệt Phái và Thu Thuế, Đức Giêsu đã nhận định như sau: ”người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không”(Lc 18,14).  

Đức Giêsu muốn nói,  lời cầu nguyện của người Thu Thuế với thái độ khiêm tốn và thống hối nên được ơn nghĩa với Thiên Chúa và được ơn tha thứ; còn lời cầu nguyện của người Biệt Phái với thái độ tự mãn thiếu lòng khiêm tốn và hoán cải, vì ông chỉ để ý đến sự công chính của riêng mình nên không được ơn nghĩa gì trước mặt Chúa và không được tha thứ “vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”  Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

 
 
 

Xem thêm

St. THOMAS

Suy niệm Tin Mừng KÍNH THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ,Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – 03/7, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

TRỞ LẠI VỚI CỘNG ĐOÀN “Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong …