Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 3 TN-A của Trần Đình Phan Tiến

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 3 TN-A của Trần Đình Phan Tiến

                         

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III TN (A) (Mt 4, 12- 17); (12 -23)

MỤC ĐÍCH CỨU ĐỘ

                                                        

Kính thưa quý vị, Lời Chúa Chúa Nhật III Thường Niên hôm nay, nhìn chung không có yếu tố gì quan trọng, nhưng là đoạn Tin Mừng Gíao Hội đưa vào Chúa Nhật. Nếu đọc hết đoạn (Mt 4, 12-23), chúng ta thấy có hai phần rõ ràng: Nhưng phần I: Đức Giêsu lánh qua miền Galilê.

Vâng, nhưng nội dung phần I cũng có 03 ý:

–          Đức Giêsu lánh nạn qua miền Galilê

–          Nói về địa lý, lãnh thổ nơi Đức Giêsu đi qua. Ứng nghiệm Kinh Thánh Cựu Ước.

–          Đức Giêsu bắt đầu rao giảng Nước Trời.

Vậy ý chính của đoạn Tin Mừng hôm nay là gì? Thưa, đó là “Nước Trời”. Vâng, nhưng Nước Trời là một danh từ mang tính khái niệm trừu tượng. Thường được nghĩ Nước Trời là ở trên bầu trời. Thưa quý vị, điều đó chưa đúng. Tại sao? Thưa, vì theo vũ trụ học, ai cũng biết, vượt ra khỏi trái đất, và bay vào vũ trụ, con người cũng không thể gặp được Thiên Chúa. Nói như thế, để cho biết “Nước Trời” không phải ở trên bầu trời như chúng ta nghĩ. Mà “Nước Trời“ là “ƠN CỨU ĐỘ” của Thiên Chúa qua Đức Giêsu-Kitô.

Vâng, đoạn Tin Mừng hôm nay chỉ có hai cụm từ ngữ “Nước Trời“ và sự “sám hối“, LÀ CHỦ ĐỀ CHÍNH.

Như vậy, ơn khôn ngoan cho chúng ta biết, phàm làm việc gì cũng phải có mục đích. Vâng, Thiên Chúa cũng vậy, Ngài làm việc cũng phải có mục đích. Mục đích mà Đức Kitô xuống thế làm Người, trở nên phàm nhân về Thân Xác hữu hình để làm gì? Há không phải là để cứu độ nhân loại sao? Rồi cuộc Tử Nạn đau thương trên Thập Gía của Chúa Giêsu, há không phải là phương tiện cứu rỗi phàm nhân sao? Phàm nhân dù là làm việc vô vị lợi, nhưng cũng phải xuất phát từ động cơ tốt, vì thiếu động cơ, con người không thể làm việc, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc thiện hay ác, lành hay dữ. Vì vậy, mặc nhiên, mục đích cứu độ của Thiên Chúa, qua Ngôi Lời làm Người là một sự thiện hảo duy nhất, cũng như Thiên Chúa là Đấng duy nhất tốt lành.

Vậy có nhiều phương tiện, nhưng Thiên Chúa đã chọn phương tiện Nhập Thể Hữu Hình và Thập Gía.

Như vậy, cũng có thể hiểu “Nước Trời” là Ngôi Lời của Thiên Chúa trong Thân Thể Phàm Nhân của Đấng Cứu Thế. Tức sự hữu hình của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời làm Người để cứu chuộc nhân loại.

Rồi “Nước Trời“ cũng có thể hiểu là quy chế Tông Đồ, dành cho mọi Kitô hữu, là những ai bước theo Đức Ktô. Để làm gì, thưa quý vị? Thưa, để Ngôi Lời của Thiên Chúa ở trong, ở cùng thân thể phàm nhân của nhân loại. Như thế, nên trong đầu mỗi thánh lễ vị linh mục xướng lên cũng là lời cầu chúc “Chúa ở cùng anh chị em”. Như vậy, “Nước Trời“ chính là Thiên Chúa. Và Đấng mà Thiên Chúa tuyển chọn. Để từ đó mọi kẻ được tháp nhập vào Đấng mà Thiên Chúa tuyển chọn cũng sẽ trở nên “Nước Trời”.

Theo đó, muốn được vào “Nước Trời”, thì phàm nhân phải bước vào “Cánh Cửa”, đó là Đấng Cứu Thế, mà có lần Chúa Giêsu đã nói: “Ta là cửa chuồng chiên”. (Ga 10, 7 ; 9).

Như vậy, mặc nhiên Chúa Giêsu là: “Cửa Nước Trời”, và cũng là “Nước Trời. Vậy, “Nước Trời” là Ngôi Lời của Thiên Chúa, mặc nhiên, Nước Trời ban ơn “Cứu Độ” cho những ai biết “sám hối”. Như vậy”sám hối” là phương tiện để vào “Nước Trời”. Muốn sám hối đúng đạo chỉ có con đường “Thập Gía”. Từ đó, chúng ta biết Thập giá là con đường sám hối tốt nhất mà Thiên Chúa đã minh định cho chúng ta. Để không còn giá trị nào khác hơn cho nhân loại được “cứu độ” qua mầu nhiệm Thập Gía hay là “phương tiện Thập Gía”, tức “phương tiện cứu độ”.

Như vậy, “phương tiện cứu độ” chính là Thập Gía Đức Kitô và cuộc “Tử Nạn” của Người. Từ đó, Thập Gía và Tình Yêu của Thiên Chúa là một. Sự kết hợp để bày tỏ Tinh Yêu không phương tiện nào hiệu quả hơn Thập Gía. Do vậy, chúng ta tôn thờ Thập Gía, nơi đó treo “Đấng Cứu Độ” trần gian, có nghĩa là treo sự chết của nhân loại vào nơi “Đấng Hằng Sống” là Đức Giêsu-Kitô. Nên khi, Người đã hoàn tất, thì quyền năng Hằng Hữu nơi Thiên Chúa đã sống lại nơi Người.

Vậy, Đức Giêsu-Kitô nơi Nhân Tính của Người, không có quyền phép gì khác ngoài sự vâng phục Thiên Tính. Tất cả mọi quyền phép nơi Người là được thể hiện nơi Thiên Tính của Người. Mà Thiên Tính là bản Tính Thiên Chúa nơi Người, là điều tuyệt đối duy nhất. Chúng ta thấy hành trình Nhập Thể và Nhập Thế của Chúa Giêsu là hoàn toàn vâng Lời Chúa Cha, vì trong Chúa Cha hiện hữu duy nhất Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì vậy, sự sống, sự chết nơi Chúa Giêsu là hoàn toàn kết hợp vào sự vâng phục Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa không tự mình tách ra khỏi uy quyền và phép tắc nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cho dù trong bất cứ tình huống nào.

Ngôi Hai Thiên Chúa khi vâng phục nhận sứ vụ cứu chuộc nhân loại từ Thiên Chúa là mang lấy sự vâng lời làm “Con” trong xác phàm. Và từ Thiên Chúa không có sự riêng biệt nào, cũng như không có sự tách biệt trong Thiên Tính. Từ trong sự vâng phục với sứ vụ cứu chuộc của Người, Chúa Giêsu đã chu toàn sứ mạng làm “Con Người”.

Như vậy, hành trình Nhập Thể và Nhập Thế của Chúa Giêsu, nói chung là hành trình cứu chuộc, có nghĩa là  “mầu nhiệm cứu độ”, hay là ”phương tiện cứu độ” của Thiên Chúa qua Đấng Cứu Thế, là sự tỏ bày tình yêu nơi Thiên Chúa, và ”phương tiện cứu độ“, chính là ban cho nhân loại sự hiệp thông Thần Tính của Thiên Chúa. Như vậy, “mục đích cứu độ” của Thiên Chúa chính là ban cho phàm nhân ”sự hiệp thông” trọn vẹn vào Thiên Chúa là Cha nhân từ.

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân từ, Cha đã sắp đặt mọi sự cách khôn ngoan, lạ lùng là muốn cho nhân loại được thông hiệp vào tình yêu của Cha, mà Ngôi Hai phải Nhập Thể và Nhập Thế, và hoàn tất ”mầu nhiệm cứu độ“. Để từ đó, Người đã kéo nhân loại đến cùng Cha qua ”phương tiện cứu độ” là hành trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúng con ngợi khen và chúc tụng Cha trong Ba Ngôi Thiên Chúa đến muôn đời./. Amen.

26/01/2014

P.Trần Đình Phan Tiến ( Bước Theo)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …