Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 TN A (2014) của LM Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 TN A (2014) của LM Antôn Nguyễn Văn Tiếng

TIẾNG GỌI

1. Tiếng gọi

Trong cuộc đời, ai cũng đã từng hơn một lần nghe “tiếng gọi”. Tiếng gọi có khi bằng lời nói thông thường ta có thể nghe được, tiếng gọi có khi thiêng liêng từ đáy lòng ta mà ta chỉ có thể nghe được bằng “đôi tai của tâm hồn”.

Tiếng gọi có khi đến từ cuộc sống thường nhật, có khi đến từ trách nhiệm bổn phận hằng ngày, có khi vang lên từ nghĩa vụ thiêng liêng, hay lý tưởng cao cả ta đang theo đuổi.

Ta thường nghe nói tiếng gọi lương tâm, tiếng gọi tổ quốc, tiếng gọi quê hương, tiếng gọi cội nguồn

Tiếng gọi, nếu ta đáp lại, có khi mang đến cho ta điều tốt đẹp, có khi đem lại cho ta những nguy hiểm khó lường.

Ở vùng biên giới Tây Nam, có một thời xuất hiện những người phụ nữ trông bề ngoài sang trọng, gặp các cô gái tuổi teens liền gọi lại trò chuyện, rồi khéo léo bắt cóc đưa qua biên giới, đi biền biệt không về, gây nên bầu khí sợ hãi tràn lan trong vùng.

2. Tiếng gọi của Chúa Giê-su.

Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”(Mt.4,19).

Tiếng gọi của Chúa Giê-su đầy yêu thương. Ngài thân thiện và gần gũi hòa mình vào cuộc sống đời thường của người dân. Ngài lên tiếng gọi họ có khi Ngài đang đi bách bộ bên bờ hồ xem họ lưới cá, có khi đến nơi họ làm việc nhìn họ thu thuế (Mt.9,9)…

Tiếng gọi của Chúa Giê-su có mục đích rõ ràng. Chúa Giê-su muốn có những người theo Ngài để thắp sáng lên ánh sáng tình yêu trong một thế giới tối tăm đầy chia rẽ hận thù. Ngài muốn có những người theo Ngài mang ánh sáng vĩnh cửu xóa tan bóng tối tử thần đang thống trị thế giới.  

Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. (Mt.4,16).

3. Tiếng gọi để sai đi

Những người theo Ngài là những người tự nguyện đáp lại tiếng “tiếng gọi” của Ngài, trở thành môn đệ của Ngài, được Ngài huấn luyện, dạy dỗ, để mang Ánh Sáng Giê-su, ánh sáng Tình Yêu Thiên Chúa  đến với muôn dân, đến với mọi người.

Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. (Ga.1,1-18).

Trường đào tạo của Chúa Giê-su là trường đào tạo tình yêu, để mọi người hiểu được Tình Yêu Thiên Chúa, Thiên Chúa là Cha yêu thương nhân loại, và mọi người xuất thân từ Trường Đào Tạo của Chúa Giê-su trở thành những Chiến sĩ Phúc Âm, đi vào cuộc đời, chiến đấu với thế gian, với quyền lực bóng tối, với Satan, để giải thoát mọi người thoát khỏi gông cùm tội lỗi, đem mọi người về Thiên Chúa – Người Cha Giàu Lòng Thương Xót.

“Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”(Mt.4,19).

Ở ngoài đời, người lính nào cũng nằm lòng câu “Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. “Bớt đổ máu” là bớt thương tích, bớt đau thương, bớt thảm bại, và cũng có nghĩa là có nhiều cơ hội chiến thắng.

Những chiến sĩ Tin Mừng xuất thân từ trường đào tạo Giê-su được Ngài uốn nắn, rèn luyện bằng tất cả tấm lòng của Ngài, để khi bước vào cuộc chiến đấu trần thế, không bị sa vào bẫy rập của Satan, ra đi với một tình yêu Thiên Chúa và tha nhân trọn vẹn và mãnh liệt.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng “Nước Trời đã gần đến”. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn. (Mt.10,7-15).

Một thái độ dứt khoát, can đảm, phó thác, không có gì ràng buộc. Nó thể hiện một niềm tin vững chắc và một tình yêu vượt trên mọi tình yêu.

Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. (Mt.4,22).

Trường đào tạo của Chúa Giê-su đã trang bị cho những chiến sĩ Phúc Âm những hành trang cần thiết nhất để chiến đấu và chiến thắng. 

Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. (Eph.6,14-17).

Hạnh phúc trước tiên dành cho người môn đệ. Bởi đã được yêu thương, đã được gọi, và đã đáp lại tiếng gọi. Đó là hồng ân lớn lao, “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không (Mt.10,7-15),  từ hồng ân lớn lao ấy, những môn đệ Chúa Giê-su hân hoan ra đi, vững lòng dấn thân, xông pha, tiến bước. 

4. Những nẻo đường dấn thân theo tiếng gọi.

Người đời có câu: “Càng cao danh vọng, càng dài gian nan”. 

Lý tưởng càng cao, sự hy sinh càng lớn. Sự hy sinh càng lớn, tình yêu lý tưởng càng cao. 

Thế nhưng, con người lại quá yếu đuối. 

Tuyên xưng niềm tin sắt son và mạnh mẽ vào Đức Kitô như Phê-rô: “Bỏ Thầy con biết theo ai ? Vì Thầy có Lời ban sự sống” (Ga:6.68),“Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga .6:69), vậy mà Phê-rô cũng đã vấp ngã chối chúa 3 lần. (Mc.14,30). 

Khi đáp lại tiếng gọi của Chúa, tâm tình của người theo Chúa ban đầu thường rất dứt khoát, nhưng, trong mọi cuộc chiến đấu, cuộc chiến đấu với bản thân, với chính mình là cam go nhất, và có những kẻ sau đó đã chùn bước.  

Có câu chuyện về cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln:

Khi Abraham Lincoln ra ứng cử tổng thống, một vài người hỏi xem ông nghĩ gì về triển vọng được đắc cử. Với bản tính khôi hài, ông đáp:

“Tôi không sợ ông Breckingride vì ông ấy là người miền Nam, nên miền Bắc sẽ không ủng hộ ông ta; tôi không sợ ông Douglas vì miền Nam chống lại ông ấy. Nhưng có một người mà tôi rất sợ. Nếu tôi thất cử, thì chính là lỗi của ông ta. Ông ấy chính là Abraham Lincoln”. 

Ở mọi nơi, trên mọi nẻo đường, dù là trong bốn bức tường tu viện êm đềm, nơi Giáo xứ, hay như gót chinh nhân băng qua rừng, qua núi, vượt qua suối, qua đèo, trong miền quê, nơi thành phố… Mọi Ki-tô hữu – mọi chiến sĩ Phúc Âm – mọi người đáp lại tiếng gọi của Chúa – đều luôn có sự chiến đấu bản thân. Đó là cuộc chiến đấu cam go nhất và có nguy cơ sụp đổ cao nhất. 

Có thể dừng lại nơi đây để nghe tâm tình rất chân thật của một linh mục. Trong “Lời Kinh Chiều Chúa nhật”, Linh mục Michel Quoit đã viết: 

“Lạy Chúa, chiều nay chiều Chúa nhật, một mình con quỳ đây đối diện với ngọn đèn chầu, đối diện với Thánh Thể Chúa.  Giờ này, nhiều gia đình đang sum họp ăn uống, cười nói vui vẻ bên nhau, còn con thì lặng lẽ âm thầm cầu nguyện với Chúa.  Con bắt tay nhiều người nhưng không giữ lại một bàn tay nào cho riêng mình.  Con tiếp xúc với nhiều trẻ con, nâng niu và vui đùa với chúng.  Nhưng lạy Chúa, đó là những đứa trẻ của người khác chứ không phải là của con.  Con giơ tay ban phép lành xá tội cho nhiều người, nhưng những tội đời của con thì chỉ có Chúa mới hiểu mà thôi… Lạy Chúa, làm linh mục có những phút giây cô đơn rất thật như thế, nhưng con tin rằng những phút giây ấy là cơ hội để con trắc nghiệm lại động lực ơn gọi dấn thân trong sứ vụ đời mình.”

Nhưng, tất cả là Hồng Ân của Chúa. Ta nhận được mọi việc từ Chúa và làm được mọi việc nhờ Ngài.

“Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi „ ( 2 cor 12,9).

Ta suy nghĩ thêm về mẫu đối thoại này:

Lần kia, có người hỏi Hudson Taylor – một nhà lãnh đạo vĩ đại của công cuộc truyền giáo – rằng:

– Ngài đã được chọn để đi truyền giáo tại Trung Quốc như thế nào ?”

Ông trả lời:

– Thiên Chúa đã chọn một con người bé nhỏ, để chúng ta có thể nhận ra Thiên Chúa vĩ đại nhường bao !

Và, vì thế, ta không nhìn về ta để tiến bước, mà nhìn về Chúa để đáp lại tiếng gọi của Ngài. Ta tin tưởng vào Ngài. Nơi Ngài, ta phó thác. Vì Ngài mới là Đấng đã làm nên tất cả.

Lạy Chúa,

Con không thể dự trữ ân sủng cho tương lai !
cũng như,
con không thể ăn no trong một ngày,
để sống  cho cả tháng,
con không thể hít thật nhiều không khí
để được khỏe mạnh trong suốt cả một tuần…

Ngày nào cần ân sủng của ngày đó.

Lạy Chúa,

Xin xuống ơn cho con
từng ngày, từng phút giây đời con…

để con thắp sáng niềm tin
cho con, cho mọi người…
với tâm hồn bé nhỏ
nhưng luôn no đầy Ân Sủng Tình Yêu của Chúa.

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …