Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 3 mùa Vọng năm A của Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 3 mùa Vọng năm A của Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Đi đến cùng sứ vụ

Gioan hiểu rằng, Đấng Mêsia mà ông loan báo đến để rao giảng Nước Thiên Chúa và cứu độ nhân loại.

Ngày 5/12, cựu tổng thống Nam Phi-Nelson Mandela qua đời ở tuổi 95. Ông là người lãnh đạo phong trào xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi, giúp cho người da đen được hưởng các quyền bình đẳng như thiểu số da trắng.

Bước ra ánh sáng sau 27 năm bị giam cầm vào năm 1990, việc đầu tiên Mandela làm là tìm cách hòa giải một dân tộc bị chia rẽ bởi thù hận và định kiến trong hàng thế kỷ qua.Ông hiểu rằng hòa giải không thể thiếu sự thật: nếu tội ác của chế độ Apartheid không được làm sáng tỏ và công lý không được thực thi thì người dân Nam Phi sẽ sống trong một nền hòa bình rất mong manh, chỉ cần một biến cố nhỏ là bạo lực sẽ lại bùng phát.

Ông biết rằng, nếu đi tìm công lý bằng một cuộc tắm máu khác, chắc chắn đất nước sẽ bị đẩy vào vòng nội chiến.Ông đã dùng tài ngoại giao, trí thông minh, và cả trái tim bao dung của mình để “đi trên dây” giữa hai làn ranh giới.Một mặt ông đi gặp những nhà lãnh đạo của người Afrikaner, chủng tộc da trắng nắm quyền trong chế độ apartheid để đàm phán về tương lai đất nước. Mặt khác, ông tích cực thuyết phục quần chúng giận dữ phải giữ bình tĩnh vì lợi ích chung.

Ông nói với những thành phần cực đoan muốn trả nợ máu với người da trắng ởJohannesburg vào năm 1993: “Tôi là lãnh đạo của các bạn. Nếu các bạn không cần tôi nữa, thì tôi sẽ lui về nghỉ. Nhưng chừng nào tôi còn làm lãnh đạo, tôi phải lên tiếng rằng: điều chúng ta đang làm là rất sai”. Đám đông này sau đó tự động giải tán.

Để xử lý vấn đề tội ác của chế độ Apartheid, Mandela đã lựa chọn một giải pháp mà chưa từng một lãnh đạo nào trong hoàn cảnh của ông thực hiện.Thay vì tạo ra một phiên toàn xét xử tội ác của chế độ như thông thường, ông cho thành lập “Ủy ban Sự thật và Hòa giải” với mục đích đúng như tên gọi của nó: làm lành đi những vết thương quá khứ. Nạn nhân kể về những tội ác mà họ đã chứng kiến hoặc trải qua dưới chế độ apartheid, và những kẻ cầm quyền cũ sẽ được khoan hồng nếu thừa nhận những tội ác mà họ gây ra.

Với tài năng của một chính trị gia, và hơn tất cả là một trái tim biết khoan dung, Nelson Mandela đã tạo ra sự khởi đầu cho điều kỳ diệu ở Nam Phi: từ một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc bởi chủng tộc, Nam Phi trở thành một “đất nước cầu vồng,” nơi tất cả màu da đều được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Nam Phi vươn lên thành quốc gia giàu nhất ở lục địa Đen, có mặt trong nhóm các quốc gia “quyền lực mới” BRICS, và xây dựng lên một xã hội tự do và hiện đại (x.Khắc Giang, tuanvietnam.net).

 

Ông Mandela đã trải qua gần 30 năm ngục tù vì cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da màu. Vị Tổng thống này đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1993.

Lên tiếng cho Sự thật và lương tri, Thánh Gioan Tiền Hô, vị Ngôn sứ công lý bị nhốt vào tù ngục. Xã hội Do Thái thời Gioan có rất nhiều tệ đoan. Quốc gia bị chính quyền La Mã đô hộ. Trong nội bộ lại có sự chia rẽ trầm trọng giữa các đảng phái chính trị và tôn giáo. Bất công, tham nhũng và vô luân lan tràn từ trên xuống dưới, nơi những nhà lãnh đạo dân sự cũng như tôn giáo.Vua Hêrôđê có đời sống loạn luân, cướp vợ của em trai mình. Người ta cảm thấy rất khó chịu khi có ai dám sửa sai, dám nói thẳng về những lỗi lầm của mình. Người cầm quyền càng khó chịu hơn và thường dùng quyền lực để đàn áp. Vì thế quyền lực thường tạo nên sợ hãi và im lặng. Gioan rất nhạy bén trước tội lỗi nên đã can đảm tố cáo tội của tiểu vương Hêrôđê, bất chấp hậu quả tù đày. Hêrôđê người đàn ông quyền lực và ham mê sắc dục, gian dìu với Hêrôđiađê, người đàn bà đẹp nhưng ham mê quyền bính. Hai con người đó làm nên bi kịch của lịch sử. Ai cũng sợ hãi, không dám nói. Chỉ có Thánh Gioan Tiền Hô lên tiếng phản đối nên đã bị tống giam. Bênh vực công lý, nói lên sự thật đã đưa Gioan tới cái chết. Chết là cái giá rất đắt cho chứng nhân bảo vệ công lý, bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo vệ cho các giá trị đạo đức truyền thống.

Theo truyền thống Do thái, đa số ngôn sứ đều là những người bị ngược đãi, bị bách hại và bị giết chết. Truyền thống nói rằng ngôn sứ Isaia bị xử tử, ngôn sứ Mikha bị lăng nhục, ngôn sứ Giêrêmia bị đánh đòn và bị tống giam vào tù, chưa nói đến biết bao ngôn sứ bị giết chết dưới triều đại vua Akháp và vua Giôakim, và cũng có thể dưới triều đại vua Manasê vô đạo. Ngôn sứ Gioan thật cương nghị với lối sống không hề cúi gập người lại trước những bậc quyền quý (x.Mt 14,3-12). Thực thi công lý nên Gioan là một ngôn sứ nói nhân danh Thiên Chúa và đáng tin (x.Mt 21,26.32).

 

Thánh Gioan đã từng trải qua những giờ phút vinh quang khi dân chúng kéo đến với ông trong sa mạc, bên bờ sông Giođan xin ông làm phép rửa. Giờ đây, thời vàng son đã khép lại. Chỉ còn các môn đệ liều mình vào tù thăm nuôi rồi kể chuyện bên ngoài cho Gioan nghe.

Thánh Gioan băn khoăn lo lắng khi nghe tường thuật về Chúa Giêsu thường giao du với những kẻ tội lỗi, vào trong nhà người tội lỗi, đồng bàn với họ và tha thứ tội lỗi cho họ. Ngôn Sứ Tiền Hô đang ở trong tù mà không được Đấng Cứu Thế đến giải thoát.Nổi khắc khoải cào cứa trong lòng.Vì thế, Gioan đã sai các môn đệ đến hỏi thẳng Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn đợi ai khác?”

Trước đây, Gioan đã từng giới thiệu về Chúa Giêsu cho dân chúng: “Tôi lấy nước mà rửa anh em, song có Đấng đến sau tôi, tôi không xứng đáng cởi giây giày cho Người” (Mt 3,11); “Chính Đấng ấy sẽ rửa anh em bằng nước và Thánh Thần”. Gioan cũng đã giới thiệu với các môn đệ về Chúa Giêsu: “Đây chính là chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29).

Gioan không ngừng loan báo cho dân chúng uy thế của Đấng sẽ đến. Theo cách diễn tả cùng với những hình ảnh kèm theo, dường như chính ông cũng đang mong chờ Đấng ấy như một vị thẩm phán nghiêm minh. Đấng ấy sẽ không nương tay, Nguời sẽ thực thi công bình và sẽ tiêu diệt, sẽ “rê sạch thóc”, sẽ đem số “thóc lép”, tức là những kẻ làm điều gian ác, ném vào lửa đời đời. Đối với Gioan, Đấng Cứu Thế đến giải phóng Ítraen cả trong phạm vi trần thế nữa, về chính trị và kinh tế như kiểu một vị vua Do Thái bách chiến bách thắng để đem vinh quang nước Ítraen lên tột đỉnh. Gioan nóng lòng vì chưa thấy Chúa Giêsu thực thi sứ vụ theo sứ điệp “dữ dội” mà ông rao giảng, nên Gioan muốn hỏi rằng: có phải Thầy là vị cứu tinh phải đến để bài trừ những tệ đoan, bất công và tham nhũng trong xã hội không?

 

Những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu lại không phù hợp với những gì ông đã rao giảng. Chúa Giêsu xuất hiện như một vì tôi tớ hơn là một Đấng quân vương. Người cũng không giống như quan toà nghiêm minh thẳng tay trừng phạt kẻ tội lỗi. Trái lại, Người luôn luôn yêu thương, kêu gọi họ trở về, đồng bàn với họ. Đối với người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền, Người hết mực yêu thương, bao bọc chở che chăm sóc chữa lành chứ không xa lánh khinh khi vì sợ lỗi luật như các Rabbi. Chính vì thế, khủng hoảng niềm tin của Gioan Tẩy Giả cũng là điều dễ hiểu. Trong hoàn cảnh ngục tù, Gioan đã biết tìm đến Chúa Giêsu để tìm sự giải đáp cho những thao thức canh cánh trong lòng. Và Gioan đã tìm thấy.

 

Chúa Giêsu không bị giới hạn trong cái nhìn chật hẹp của Gioan. Người muốn Gioan mở rộng tầm mắt với một lối nhìn mới mẻ, phong phú hơn: ″Các anh cứ về tường thuật cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch,người chết sống lại, và Tin mừng được loan báo cho người nghèo khó” (Mt 11,4-5).

Như vậy, Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách trích dẫn ba đoạn văn Isaia đều có hậu cảnh Mêsia: Is 29,17-18: người điếc được nghe, người mù được thấyIs 26, 19: người chết sống lại; Is 61,1: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Chúa bảo họ hãy về thuật lại những việc Chúa đã làm và những lời Chúa đã nói, những điều đó đủ minh chứng Người là ai. Những điều đó đã được các ngôn sứ loan báo từ dọc dài lịch sử rồi. Trả lời như vậy là Chúa Giêsu gián tiếp bảo cho họ biết: Người không phải là một vị cứu tinh đầy uy quyền, đến giải phóng dân tộc Do Thái như họ mong đợi. Đồng thời Chúa trực tiếp xác nhận sứ mạng và quyền năng của Người: là con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai đem ơn cứu độ cho mọi người.

 

Chúa Giêsu còn biểu dương, ca ngợi Gioan Tẩy Giả trước mặt dân chúng, trước sự chứng kiến của các môn đệ. Người tôn vinh ông, bởi lẽ ông là một Ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các Ngôn sứ. Người tôn vinh ông, bởi ông là con người của khổ hạnh nơi hoang địa, là vị Ngôn sứ được mong đợi, là vị Tiền hô đến trước để dọn đường cho Đấng Thiên sai như Ngôn sứ Malakhi đã loan báo : “Này ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến”. Khi nghe môn đệ thuật lại những điều này, Gioan Tẩy Giả hẳn phải vui mừng, bởi Chúa Giêsu không chỉ củng cố, không chỉ giải đáp những hoang mang lo lắng của ông, Người còn khích lệ, tán dương ông, giúp ông vượt qua những thử thách ngục tù để có thể chấp nhận cái chết tử đạo mà ông sẽ lãnh nhận không lâu sau đó. Trong tù, Gioan đã có thời gian để chiêm niệm.Cần phải thay đổi nhận thức và quan điểm của mình về Thiên Chúa. Quyền năng Thiên Chúa là quyền năng của tình thương. Đấng Cứu Thế đi đến đỉnh cao quyền năng là đồi Canvê và thập giá. Từ nay, Gioan hiểu hơn về Đấng mà mình loan báo. Giờ đây Gioan hiểu rằng, Đấng Mêsia mà ông loan báo không phải đến trần gian theo những quan niệm thuần tuý về chính trị, Người đến để rao giảng nước Thiên Chúa và cứu độ nhân loại. Thánh Gioan hạnh phúc an bình ra đi sau khi hoàn tất sứ vụ của mình.

Thánh Gioan Tẩy Gỉa đã trải qua những thách đố trong sứ vụ. Chính Ngài đã giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế nhưng khi lâm cảnh đau khổ ngục tù không thấy ai giải thoát nên đâm ra nghi ngờ. Nhưng cuối cùng, Gioan đã chứng minh một niềm hy vọng kiên cường. Ngài không phải là cây sậy yếu mềm chao nghiêng trước gió mà chính là một tượng đài bất khuất của lẻ cậy trông. Hạng người khom lòng cúi gập mình chẳng bao giờ có thể trở thành người tử đạo. Gioan không phải là một người bình thường cũng không phải là người hèn yếu như cây sậy bị xiêu đổ dưới cơn gió. Niềm hy vọng chính là sức mạnh giúp Gioan và tất cả những ai đang gặp thách đố biết kiên vững kinh qua tất cả.

Khi chúng ta gặp đau khổ thử thách, đức tin, lòng cậy trông, niềm hy vọng bị lung lay chao đảo. Hãy nhớ Thánh Gioan đã chịu như thế và các tiên tri trong lịch sử cũng mang tâm trạng như vậy. Thánh Gioan không chết trong thất vọng mà chết trong đức tin, chết trong niềm hy vọng, đã đi cho đến cùng sứ mạng làm chứng cho Tin mừng.

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN