Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm A của Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm A của Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Chuẩn bị đón Chúa

Bài Tin Mừng có hai phần : phần thứ nhất là câu thắc mắc của Gioan Tiền Hô và câu trả lời của Chúa Giêsu. Phần thứ hai là những lời Chúa Giêsu ca tụng Gioan Tiền Hô.

Khi ấy, Gioan Tiền Hô đang bị tù ở Ma-kê-ron-tê vì đã công khai tố cáo tội ngoại tình và cuộc hôn nhân bất chính của vua Hê-rô-đê. Các môn đệ của ngài đến thăm và báo cáo cho ngài biết có một vị ngôn sứ mới xuất hiện, tên là Giêsu, rao giảng và làm những việc lạ lùng, các ông cũng thắc mắc : phải chăng người ấy uy quyền hơn và lớn hơn Gioan ? Nghe các môn đệ báo cáo và thắc mắc như vậy, Gioan Tiền Hô đã cử hai người đi gặp Chúa Giêsu và hỏi xem Ngài có phải là Đấng được Thiên Chúa sai đến chăng ?

Tại sao Gioan lại hỏi như vậy ? Có phải vì Gioan chưa biết Chúa Giêsu chăng ? Thưa, Gioan đã biết Chúa Giêsu, bởi vì chính ngài đã từng giới thiệu Chúa cho các môn đệ, chính ngài đã từng quả quyết : “Đấng đến sau lớn hơn tôi, và tôi không đáng xách dép cho Đấng ấy”, chính ngài đã làm phép rửa cho Chúa mà lòng ngần ngại, vì biết Đấng ấy là Thiên Chúa, cũng chính ngài đã chỉ Chúa Giêsu và nói với các môn đệ : “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Vậy tại sao Gioan lại còn sai môn đệ đến hỏi xem Chúa có phải là Đấng Thiên Sai chăng hay còn phải chờ một vị khác ? Có nhiều giáo phụ như thánh Gioan Rít-sốt-tô-mô, Âu-tinh và nhiều nhà chú giải Kinh Thánh thời nay đã trả lời : thánh Gioan sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu là vì ngài muốn mở mắt cho các môn đệ của mình để họ hiểu rõ về Chúa Giêsu, để họ dám từ bỏ ngài mà đi theo Chúa. Về phần Gioan, chắc chắn ngài đã biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng có thể ngài còn tưởng Chúa là Đấng Cứu Tinh đến giải phóng Ít-ra-en cả trong phạm vi trần thế nữa, về chính trị và kinh tế như kiểu một vị vua Do Thái bách chiến bách thắng để đem vinh quang nước Ít-ra-en lên tột đỉnh.

Chúa Giêsu đã trả lời thế nào ? Chúa không trả lời trực tiếp : “Đúng, tôi là Đấng Cứu Thế phải đến”, Chúa không nói rõ như vậy, nhưng Ngài đi sâu hơn, Ngài minh chứng bằng cụ thể, Chúa bảo họ hãy về thuật lại những việc Chúa đã làm và những lời Chúa đã nói, những điều đó đủ minh chứng Chúa là ai. Những điều đó đã được các ngôn sứ loan báo từ bao ngàn năm rồi. Trả lời như vậy là Chúa Giêsu gián tiếp bảo cho họ biết : Ngài không phải là một vị cứu tinh đầy uy quyền, đến giải phóng dân tộc Do Thái như họ mong đợi. Đồng thời Ngài trực tiếp xác nhận sứ mạng và quyền năng của Ngài : Ngài là con Thiên Chúa, Ngài là Đấng Thiên Sai, Ngài đến đem ơn cứu độ cho mọi người.

Sau khi các môn đệ của Gioan đi rồi, Chúa nói cho dân chúng biết về Gioan. Chúa ca tụng Gioan bằng cách đặt ra ba câu hỏi : thứ nhất, các ngươi đến sa mạc xem gì ? xem cây lau, cây sậy phất phơ trước gió ư ? câu lau, cây sậy thường mọc ở ven sông, bên suối hay bờ biển để giữ đất cát, vậy làm sao tìm được cây lau, cây sậy nơi sa mạc ? Chúa Giêsu có ý nói đến Gioan Tiền Hô, Chúa ca tụng đức tin can đảm và sự nhẫn nại của Gioan, đã không chịu khuất phục uốn mình trước tội vô luân của vua Hê-rô-đê. Thứ hai, có phải xem một người ăn mặc đài các sang trọng ư ? Những thứ đó phải tìm trong cung điện nhà vua hoặc những nơi đô hội, còn sa mạc là nơi của cô tịch, hoang vắng, chỉ có người mặc áo da thú và lá cây thôi, ở đây, Chúa Giêsu muốn ca tụng sự khổ hạnh của Gioan, và đó là mẫu gương hy sinh từ bỏ cho mọi người. Thứ ba, có phải xem một ngôn sứ ư ? Chúa bảo ở đây còn hơn ngôn sứ nữa, vì Gioan là sứ giả đi trước Chúa, dọn đường cho Chúa, ông cao trọng hơn tất cả các ngôn sứ, vì các ngôn sứ trước ông cùng lắm chỉ sửa soạn, chuẩn bị cách gián tiếp, còn Gioan sửa soạn, chuẩn bị trực tiếp cho ơn cứu độ đến với nhân loại.

Vì thế, hằng năm, cứ đến Mùa Vọng, chúng ta lại thấy nói tới Gioan Tiền Hô, vì danh hiệu và sự nghiệp của ngài gắn liền với chương trình cứu độ của Chúa Giêsu, thậm chí không thể nào nói đến Chúa Giêsu mà không nhắc đến vị tiền hô của Ngài, Gioan là một khuôn mặt lớn, một nhân vật nổi bật nhất giúp chúng ta dọn đường đón Chúa. Vậy Gioan đã kêu gọi và nhắc nhở chúng ta : phải chuẩn bị mừng Chúa Giêsu giáng sinh bằng cách hãy lấp đầy những chỗ trũng, đó là những thiếu sót bổn phận, tâm hồn trống rỗng, quên cả Thiên Chúa và những bổn phận thiêng liêng, nghĩa là phải lấp đầy bằng những việc đạo đức có giá trị đích thực. Rồi phải san bằng các núi đồi, đó là những kiêu căng, tự phụ, tự ái, ích kỷ, chúng ta phải san phẳng đi, nghĩa là phải biết tự hạ, sống khiêm tốn, chân thành với lòng mình và với mọi người. Rồi phải uốn cho ngay những con đường quanh co, đó là những tâm hồn giả hình, nhị tâm, hai lòng, dối trá. Chúa gớm ghét những người như thế, chúng ta phải tẩy trừ những tính xấu đó. Nói tóm lại, thánh Gioan bảo chúng ta phải thành thật sám hối, sửa đổi đời sống và làm những việc lành phúc đức, đó là điều thứ hai chúng ta cần làm trong những ngày Mùa Vọng.

Chúng ta thấy người có đạo và cả những người không có đạo thường làm gì trong những ngày trước lễ Giáng Sinh, có khi cả hai, ba tuần, một tháng trước ? Người ta gửi thiệp và tặng quà Noel cho nhau. Đối với chúng ta, có thể nói : Mùa Vọng là mùa của gửi thiệp và tặng quà Giáng Sinh. Chúng ta gửi thiệp chúc mừng đến những người thân thương quen thuộc đã đành, nhưng chúng ta cũng phải gửi những cánh thiệp xã giao đến những người chỉ một lần quen biết, gặp gỡ; những cánh thiệp cho những người đầu ngõ, cuối xóm mà chúng ta không hề muốn đưa mắt nhìn đến; những cánh thiệp cho những người bất bình với mình hay gia đình mình hay những người chúng ta đang ghét cay ghét đắng… không phải chỉ là những cánh thiệp bằng giấy màu mè xanh đỏ hay có tiếng nhạc Noel khi mở cánh thiệp ra, mà là những cánh thiệp nhiệt tình chào hỏi nhau, những cánh thiệp làm hòa, tha thứ, thông cảm, yêu thương. Cũng vậy, không phải chúng ta chỉ tặng quà Noel cho những người thân thương, quen thuộc, nhưng chúng ta hãy gửi quà cho những người hành khất ngồi bên vệ đường hay lê lết trên đường phố, cho những kẻ không cửa không nhà, cho những ai đang đơn côi buồn tủi. Chúng ta hãy tặng quà bằng cách thăm viếng một người bệnh đang chờ một lời an ủi, đỡ nâng; hay san sẻ một đôi chút với những người trong gia tộc hay hàng xóm đang túng thiếu hơn chúng ta… đó là những cánh thiệp Noel, những món quà Giáng Sinh có giá trị nhất mà chúng ta có thể gửi đi ngay trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng.

Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …