Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 3 Mùa Chay, năm C, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 3 Mùa Chay, năm C, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

(Lc 13, 1-9)

h1Người ta kể lại câu chuyện: Có hai người quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nhiều tháng trời ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp lều, ngày đêm đánh tội, ăn năn và cầu nguyện. Ngày ngày các tu sĩ của một cộng đoàn ẩn tu mang thức ăn nước uống đến tận căn lều của mỗi người. Sau một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người. Một người thì khỏe mạnh vui tươi, một người thì ốm o phiền não. Cả hai đến trình diện trước bề trên cộng đoàn để chờ đợi sự phán quyết của ngài xem họ có xứng đáng gia nhập cộng đoàn hay không. 

Khi được hỏi trong suốt một năm qua, họ đã suy niệm những gì, người ốm o lên tiếng đáp: “Suốt một năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội mình đã phạm. Từng giây từng phút tôi nghĩ đến hình phạt mình sẽ gánh chịu sau khi chết và tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ”. Tới lượt con người vui tươi khỏe mạnh, anh trình bày như sau: “Suốt một năm qua, từng giây từng phút tôi hằng nhớ lại những ơn lành Thiên Chúa đã xuống cho tôi, nghĩ đến tình thương của Người và những cơ hội mà Người sẽ lại ban tặng để tôi có thể sinh quả phúc đức, cải thiện cuộc sống”. Các tu sĩ cộng đoàn rất vui mừng về chứng từ của người khỏe mạnh vui tươi, vì lòng sám hối của anh đã biến thành lời ca tụng, tri ân đối với tình yêu Thiên Chúa. Cả hai đều được nhận vào cộng đoàn nhưng mỗi người có con đường khác nhau để sám hối.

Chúa Kitô bắt đầu sứ mạng rao giảng bằng việc kêu gọi sám hối. Ngài nói: “Hãy sám hối, vì nước Trời đã gần đến”. Lời kêu gọi này không chỉ đặc biệt dành cho người thu thuế giầu có Giakêu, hay người đàn bà ngoại tình Mađalêna, hoặc cho tên trộm cướp bị xử án treo trên thập giá, nhưng còn cho cả những người tự cho mình là hạng người đạo đức tốt lành như các Pharisiêu chẳng hạn. Trong bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu nói: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”. Vấn đề là: Tại sao một người thường đọc kinh, thường tham dự thánh lễ và rước lễ, một người không trộm cắp, cũng chẳng nói hành nói xấu ai cả, và như vậy tại sao lại phải cần ăn năn sám hối?

Câu trả lời có thể tìm thấy trong bài Phúc âm khi Chúa Giêsu nói đến cây vả. Mục đích của cây vả là gì nếu không phải là sinh hoa trái? Người chủ vườn thất vọng vì nó không sinh ra trái tốt nào cả. Chúa Giêsu kêu gọi mọi người sám hối. Lời mời gọi sám hối không chỉ là lời mời gọi xa tránh sự dữ, nhưng còn là lời mời gọi làm việc lành, sản sinh hoa trái tốt lành. Như trong câu chuyện lúc nảy, sám hối còn có thể là dùng cuộc đời mình để ca tụng Thiên Chúa. Do đó việc sám hối liên hệ tới tất cả mọi người. Mọi người đều có bổn phận phải lánh dữ và làm lành. Lánh dữ, không làm điều xấu chưa đủ, từ bỏ tội lỗi chưa đủ, nhưng còn phải tích cực thực hành những điều tốt lành nữa, còn phải tích cực dấn thân giúp đỡ tha thân. 

Khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn yên thân, muốn được yên ổn, không muốn ai phiền hà tới mình và mình cũng chẳng muốn gây phiên hà cho ai. Vì thế, một người “ngoan đạo” rất có thể bị rơi vào tình trạng tự mãn, sống đầy ích kỷ mà không hay biết. Nhiều khi tôi cảm thấy tôi là người “vô tội” vì tôi đã không phạm một tội ác nào cả, trong khi tôi vẫn thản nhiên sống ích kỷ, chỉ lo gom góp những lợi lộc cá nhân, cho gia đình mình, không màng gì đến người khác.

Bài đọc thứ nhất ghi lại chuyện ông Môisen được Thiên Chúa kêu gọi ra đi nhân danh chính Chúa để giải phóng dân Israel đang sống lầm than khổ cực bên Ai cập. Môisen đã có thể sống an nhàn trong sa mạc, ngày ngày chăn chiên mà không cần phải đối phó với vua quan Ai cập, cũng không bị dân Do thái trách móc. Thế nhưng Thiên Chúa muốn ông ra đi lãnh đạo dân Do thái băng qua sa mạc, về Đất Hứa: một công việc đầy trắc trở. Vậy mà đó mới chính là hoa trái của đời sống người theo Chúa.

Bài Phúc âm cũng có nét tương tự. Cây vả cần phải sinh trái vả. Nếu không sinh trái thì cây vả trở nên vô ích cần phải chặt đi. Thế nhưng người chủ vườn đã không làm việc ấy ngay tức khắc. Ông đã quảng đại cho cây vả thêm một năm nữa để hy vọng có thể sản sinh hoa trái. Cũng vậy, Thiên Chúa cho chúng ta thêm một cơ hội để đổi mới con người, để sản sinh hoa trái tốt lành. Một ngày nào đó chúng ta sẽ phải ra đi về với Chúa và Thiên Chúa sẽ tìm hoa trái nơi chính chúng ta, vì thế thời gian còn lại là thời gian sinh hoa trái và mùa Chay là thời giờ thuận tiện nhất để mỗi người tự kiểm điểm về cây vả của chúng ta. Cây vả ấy đã trổ sinh hoa trái tốt lành hay ngược lại nó đã làm cho ông chủ là Thiên Chúa phải thất vọng vì đã không sinh được hoa quả gì? Có lẽ Thiên Chúa còn cho thêm một cơ hội nữa, thêm một kỳ hạn nữa, và điều quan trọng là chúng ta đã đang làm gì với cơ hội đó, với kỳ hạn đó? 

Điều căn bản là phải nhận ra kỳ hạn và Chúa Giêsu cho biết những biến cố thời sự là dịp để nhắc nhở kỳ hạn hay sự thực về đời người : đời sống con người ở trần gian không kéo dài đến vô tận. Cuộc sống trần gian rồi sẽ kết thúc. Người ta có thể nghe một cách dửng dưng tin về nhiều cư dân Galilê bị Philatô tàn sát, hay về tháp Siloác đổ sập gây nên 18 nạn nhân. Đức Giêsu đã lưu ý rằng đừng tìm xem đâu là lỗi lầm của nạn nhân, hay cho rằng họ chết như thế có lẽ là do Chúa phạt. Trái lại Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy nhận biết mình tội lỗi và mau mắn hoán cải. Hai kiểu chết khốc liệt nói trên phải là lời cảnh báo cho những ai không mau mắn hoán cải và thay đổi đời sống. Mọi người đều là tội nhân và cần hoán cải trước khi ra trước Tòa Chúa phán xét.

Đức Giêsu muốn chúng ta hãy suy nghĩ về chính mình về số phận phải chết của chính mình và cái chết tai hại nhất là cái chết trong tình trạng phạm tội trọng vì đó là cái chết không những phá hủy thân xác, nhưng còn tàn phá phần đẹp nhất của tâm hồn mình, cái chết làm khô cạn nguồn suối sự sống, cái chết có thể khiến chúng ta đánh mất hạnh phúc vĩnh cửu. Vì thế điều khẩn cấp vẫn là phải thay đổi, phải hồi tâm, phải quay về với Thiên Chúa!

Xin Chúa giúp chúng ta biết thực tâm sám hối khi nghe biết được những tin tức liên quan đến cái chết của người nầy người khác trên thế giới vì biết rằng một ngày nào đó tôi cũng ra đi như những người ấy.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

Chualentroi

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VII Phục Sinh- LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa lên Trời, việc dưới đất kết thúc, sứ mạng mới khai mào LỄ CHÚA …