Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 29 Thường niên, năm A, của Phê-rô Trần Đình Phan Tiến

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 29 Thường niên, năm A, của Phê-rô Trần Đình Phan Tiến

(Mt 22, 15 -21)

ĐỒNG TIỀN HAI MẶT

9_resizeCó thể nói, tháng 09 là tháng Truyền Gíao, nhưng Ngày Khánh Nhật Truyền Gíao lại nằm ở tháng mười, vì Tháng Mười là Tháng Mân Côi, có thể nói sứ mạng Truyền Giáo được Hội Thánh phó thác cho Đức Mẹ Mân Côi, theo đó, Kinh Mân Côi là “KINH TRUYỀN GIÁO” vậy. Mong thay!

Thưa quý vị, thưa các bạn, người ta nói “ Đồng tiền nối liền khúc ruột”, điều nầy nói lên tính chất của tiền bạc, hay là giá trị của đồng tiền. Không ai phủ nhận đồng tiền, vì vậy, nó được “so sánh” và “gán ghép” cho nối liền khúc ruột. Vì, nó nối liền khúc ruột, nên người ta thường “mù quáng” vì đồng tiền là tất  cả. Mọi tội lỗi đều bắt nguồn từ đồng tiền, người ta “chết” cũng vì đồng tiền, mua danh, mua lợi cũng bởi đồng tiền, mua quan bán chức cũng bởi đồng tiền. Đi xa hơn, rộng hơn là tham nhũng, hối lộ cũng vì đồng tiền. Mọi vấn đề của xã hội đều được giải quyết bởi đồng tiền, bước ra khỏi cửa phải có tiền, nói gì, làm gì cũng do đồng tiền. Vì, người ta nghĩ rằng có tiền là có tất  cả. Đối với sự sống hiện tại, đồng tiền là sự sống, cuộc sống nầy.

Từ đó, “đồng tiền luôn gắn liền khúc ruột”,  vì “nén bạc đâm toặc tờ giấy”. Có tiền nói dễ người nghe, không tiền nói mãi chẳng ai nghe mình. Vâng, đời là thế!

Vâng, chủ đề Lời Chúa hôm nay không phải nói về “đồng tiền”, nhưng người Dothai đã dùng đồng tiền để thử Chúa Giêsu. Thử Chúa để gài bẫy có cớ để bắt Người. Chúng ta thấy, Chúa Giêsu cũng “bị” thử thách như vậy. Mục đích của việc thử thách nầy là để gài Người vào thế “chính trị”. Nhưng, quả thật Người là Đấng Thiên Sai, là Đấng công chính trên sự công chính, vì vậy sự gài bẫy bất thành, và họ nhận được một bài học khôn ngoan, và qua họ, chúng ta cũng nhận được một bài học vô cùng thấm thía.

Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn, giá trị của sự khôn ngoan còn lớn gấp bội giá trị của đồng tiền. Bởi vì sao, thưa quý vị? Thưa, bởi vì muốn có được đồng tiền rất là vất vả, cực khổ, bởi vì như đã nói ở trên, thì việc kiếm được đồng tiền phải trả giá, mồ hôi và nước mắt, không ít khi là sinh mạng nữa. Nhưng, khi kiếm thật nhiều tiền rồi để làm gì, thưa quý vị.? Để ăn, thì ăn không hết, để xây nhà ở, thì ở cũng không hết, để xây nhà cho thuê, thì sinh lợi ra thêm tiền để làm gì, để đi du lịch, đi du lịch về rồi cũng chờ chết. Vì, tất cả ai cũng vậy, giàu cũng như nghèo, “sống qua ngày, chờ qua đời” mà thôi. Dù có bệnh trọng hay mạnh khỏe, chẳng qua là thời gian mà thôi. Dù có đi du lịch hay ở nhà cũng vậy thôi, Mục đích của cuộc đời không phải chỉ duy nhất là “đồng tiền”, mà là  đồng tiền “chân chính” thì dẫn đến cuộc sống an bình. Đồng tiền bất chính thì dẫn đến cuộc sống đầy âu lo.

Vừa qua, tại Việt Nam, người ta xét xử vụ trọng án tham nhũng, lừa đảo, với bản án cho người cầm đầu là chung thân. Vậy, thử hỏi đồng tiền có phải là tất cả không?

Chúng ta nhớ lại một Đoạn Tin Mừng, một người phú hộ cứ lo tích lũy đầy của cải cho mình rồi nói rằng: “Ta cứ nghĩ nghơi, ăn chơi thỏa thích. Nhưng, Chúa nói: “Đêm nay, Ta sẽ đòi mạng nguơi, thì của cải ấy về tay ai“.

Như vậy, chúng ta thấy, của cải trần gian cũng vừa vô nghĩa, lại cũng vừa nhân nghĩa, với tiền bạc của cải trần gian cũng có thể mua được Nước Trời, nhưng phải là “đồng tiền chân chính”. Cũng của cải trần gian, nhưng cũng sẽ trở thành vô nghĩa khi nó là đồng tiền phi nghĩa.

Như vậy, giá trị của đồng tiền là nhất định, không ai có thể phủ nhận nó, nhưng đối với những ai bước theo chân lý Tin Mừng của Đức Kitô thì không thể đặt đồng tiền trên sự khôn ngoan đích thực đó là Tin Mừng. Không ai phủ nhận giá trị của đồng tiền chân chính, nhưng người bước theo Đức Kitô phải đặt Người trên giá trị của đồng tiền, vì đó là kẻ khôn ngoan.

Đồng tiền, sở dĩ có giá trị, vì theo tính chất của nó mang tính triết lý không thể phủ nhận là nó có hai mặt, luôn luôn là như vậy. Điều nầy cho thấy , nếu chúng ta sử dụng đồng tiền chỉ một một đích duy nhất là để hưởng thụ cho chính mình, thì chắc chắn sẽ có một tác dụng hoặc phản tác dụng, vì bản chất đồng tiền phải có “hai mặt” nhưng nếu chúng ta sử dụng đồng tiền như bản chất của đồng tiền, thì đồng tiền ấy sẽ vô cùng hiệu quả. Thường thì người ta “quý tiền“, chứ không phải “thờ tiền”. Qúy tiền có nghĩa là dùng tiền đúng cách, trao ban đúng đối tượng, kể cả thân hay sơ. Nhưng, nếu “thờ tiền”, thì tiền sẽ là “chúa tể” của chúng ta, lúc ấy chúng ta sẽ là ”nô lệ”, mặc nhiên, lúc ấy chúng ta sẽ mất tự do, và điều bất hạnh luôn ngự trị trên chúng ta bao lâu chúng ta sống trên trân thế.

Nhưng, nếu chúng ta phung phí giá trị của đồng tiền, thì chúng ta cũng sẽ bị đồng tiền “trừng trị “ chúng ta. Chúng ta cũng thừơng nghe nói “ma lực của đồng tiền”, vì đồng tiền có một sức mạnh vô hình , tức sự cám dỗ rất lớn, nếu chúng ta không cảnh giác, và đặt nó dưới “chân“ của Thiên Chúa, thì chắc chắn nó sẽ cám dỗ chúng ta.

Theo đó, Đoạn Tin Mừng hôm nay, câu quan trọng nhất là câu 21, bởi vì, cái gì của thế gian thì hãy trả cho thế gian. Đồng tiền bất chính tượng trưng cho thế gian, thì hãy trả cho thế gian. Đồng tiền chân chính là đồng tiền do Thiên Chúa ban qua công sức lao động của mỗi người, thì chúng ta được phép thụ hưởng một phần, còn lại chúng ta phải biết chia sẻ và  dâng lại cho Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu dùng ngụ ý nầy, người muốn nói về vừa giá trị vật chất, vừa giá trị tinh thần theo sự công bằng tự nhiên và siêu nhiên. Chúng ta mắc nợ ai điều gì, thì chúng ta phải trả cho họ, nếu không chúng ta phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta mắc nợ Thiên chúa điều gì, thì chúng ta cũng phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa điều ấy. Vì, sau cùng Đấng đòi chúng ta trả lẽ chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa mà thôi.

Bài đọc II hôm nay (1Tx 1, 1-5 b), thánh Phaolo nói “…. Vì khi loan báo Tin Mừng cho anh em, không phải chỉ có mình chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và mộ niềm tin xác tín sâu xa” (c 5b).

Theo đó, “ Điều gì của Xê-za hãy trả cho Xê-za, điều gì của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa (Mt 22, 21). Chính là ý nghĩa của đồng tiền hai mặt vậy.

Khánh Nhật Truyền Giáo có thể nói là ngày chúng ta phải trả nợ cho Thiên Chúa theo những gì chúng ta đã lãnh nhận được. Việc chúng ta đóng góp cho quỹ Truyền Giáo là chúng ta bước theo Đức Kitô- Giêsu trên bước đường rao giảng Tin Mừng Nước Trời vậy.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy cho chúng con biết được giá trị  của việc rao giảng Tin Mừng qua đồng tiền của Xê-za, xin cho chúng con biết “cư xử sòng phẳng” những gì là ân sủng của Nước Trời và những gì thuộc về tha nhân trong sự công bình và bác ái ./. Amen

22/10/2017

Phê-rô Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …