CN 29C TN
Khánh Nhật Truyền Giáo 2019
Chủ đề của ngày Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay là “Được Rửa Tội và Được Sai Đi”: Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới.
Cử hành tháng này sẽ giúp chúng ta trước hết tái khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, một lòng tin đã được Thiên Chúa thương ban cho chúng ta trong Phép Rửa.
Mối quan hệ con thảo của chúng ta với Thiên Chúa không phải chỉ đơn thuần là một cái gì riêng tư, nhưng luôn luôn liên quan đến Hội Thánh. Nhờ mối quan hệ con thảo của chúng ta với Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta cùng với rất nhiều anh chị em chúng ta được sinh ra cho đời sống mới.
Sự sống thần linh này không phải là sản phẩm để bán – chúng ta không làm chuyện chiêu dụ người ta vào đạo – nhưng là một kho báu để cho tặng, truyền thông và công bố: đó là ý nghĩa của truyền giáo.
Chúng ta được cho không món quà này và chúng ta cũng đem nó cho không người khác (x. Mt 10:8), không loại trừ một ai. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi bằng cách nhận biết chân lý và trải nghiệm lòng thương xót của Người nhờ sứ vụ của Hội Thánh, mầu nhiệm phổ quát của ơn cứu độ (x. 1 Tm 2:4; Lumen Gentium, 48).[1]
Trong sứ điệp năm nay, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến việc “tái khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, một lòng tin đã được Thiên Chúa thương ban cho chúng ta trong Phép Rửa”.
Đây chính là cốt lõi của việc truyền giáo, vì chính trong tình thương này Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa.
Cảm nhận được tình thương của Chúa qua Bí Tích Rửa Tội, chính là nền tảng để ra đi truyền giáo.
Sau đây là cảm nghiệm của một người tân tòng đã cảm nhận được tình thương của Chúa và ông đã chia sẻ như sau:
Người Công Giáo là kẻ có cảm thức được Thiên Chúa yêu thương, được yêu thương một cách sâu thẳm và được mời gọi đáp trả lại tình yêu thương đó.
Có cái gì như một kẻ si tình. Si tình ở đây bắt nguồn từ sự điên rồ của màu nhiệm Khổ Giá (la folie de la croix); và như chữ Thương Khó, Khổ Nạn (passion) không phải không có âm hưởng của cái gì như là đam mê (cũng là passion).
Sự so sánh giữa các thánh của Kitô Giáo với các thiền sư, các đạo gia, thì một bên có cái gì da diết, đầy đam mê (passion), một bên thì thanh thản, đầy minh triết (sagesse)”.
Và người tân tòng chia sẻ tiếp:
“Cuộc đời của Đức Giêsu trước hết gợi lên lòng thương của tôi đối với một người vô tội bị oan khiên, sau đó là sự hấp dẫn của một người dịu dàng, đơn sơ, bình dị. Có thể nói tình cảm đầu tiên đối với Ngài là lòng thương mến hơn là lòng tôn kính đối với một bậc tôn sư: có một cái gì như tình bạn ít nhiều bình đẳng giữa hai người cùng hội cùng thuyền.
Ấn tượng đầu tiên đối với Ngài có cái gì tương tự như sự an ủi của người mẹ hiền, người bạn quí, hàn gắn thương đau, khuyết điểm, khuyến khích về mặt cảm tính khi chán nản; sưởi ấm cõi lòng khi cô đơn – nhiều hơn là một vị tôn sư dạy một giáo thuyết”.
Ông cho rằng: “sự hấp dẫn của Chúa Giêsu hình như do chính con người và cuộc đời của Ngài, từ việc sinh ra trong máng cỏ, qua 30 năm âm thầm lặng lẽ, ba năm nay đây mai đó,
trà trộn với dân chúng, rồi bị giết oan, nhiều hơn là do đạo lý Ngài truyền dạy. Bởi vì, xét về mặt tâm lý đạo đức thì các bài dạy của Ngài cũng chẳng có gì là cao siêu tuyệt vời,
nhưng điều làm cho tôi cảm mến Ngài chính là “con người” và “cuộc sống”của Ngài (sa “personne” et sa “vie”).
Đã có cảm tình với Ngài rồi thì khó quên, khó phai và hình như càng lâu càng thắm thiết hơn… Đối với các bậc thánh hiền khác, thì có thể nhớ bài dạy của Ngài mà quên đi con người và cuộc đời của các ngài. Đối với Đức Giêsu thì khác hẳn: đôi khi quên lời Người dạy, nhưng chính Ngài thì không thể quên được. Và có lẽ càng hay sống trái lời Ngài dạy, thì hình ảnh Ngài lại càng thêm xoáy vào tâm khảm… nhớ quay nhớ quắt, nhớ quằn quại đến độ không chịu được!…
Thông minh, tài trí, dũng cảm…có lẽ nhiều người hơn Đức Giêsu, nhưng đáng yêu nhất thì chỉ duy nhất có một mình Ngài mà thôi!”[2]
Lạy Chúa, qua Bí Tích Rửa Tội chúng con trở nên con cái của Thiên Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm được tình thương của Chúa, từ đó chúng con sẽ mạnh dạn loan báo tình thương đó cho những người chưa biết Chúa. Amen.
LM Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2019 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
[2] Vũ Văn An, Nguyễn Khắc Dương: Một người trí thức Việt Nam nhập đạo nói về cảm nghiệm “Đi tìm Giáo Hội”